CHƯƠNG 03 (tt)
XII/ Đánh
Java.
Nam Dương là một nước lập bởi một tập hợp của nhiều
quần đảo, trải dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Ngày nay nước này có
trên 17500 hòn đảo, trong đó có các đảo lớn là Sumatra[1],
Java, Celebes, ¾ đảo Borneo và ½ đảo New Guine
Theo Steven
Drakekey viết trong quyển “The History of
Indonesia” thì năm 1981, các nhà khảo cổ đã tìm ra một bộ xương của một
người đàn ông tời tiền sử. Bộ xương này sau khi phân tích thì có số tuổi khoảng
hơn 1 triệu năm trước. Sau đó thì không tìm ra những gì của con người còn để
lại vết tích. Đây còn là một bí ẩn của ngành khảo cổ.
Trước thế kỷ thứ
XII[1],
Nam Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trong thời gian
của thế kỷ VIII, vương quốc Sailendra đã ngự trị quần đảo
lẫn Mã Lai ngày nay. Triều đại này đã xây ngôi chùa lộ thiên Phật giáo
lớn nhất thế giới Borobudur[2] là
trung tâm Phật giáo trong một thời gian dài. Vương quốc này đã từng, xâm lăng
Thủy Chân Lạp ở đồng bằng Nam Bộ của Vịệt Nam trong thế kỷ thứ VIII. Một thời
gian cuối thế kỷ IX, họ phải chia sẽ ảnh hưởng với vương triều Sryvijaya ở
Sumatra, rồi cuối cùng bị tiêu diệt và Sryvijaya bành trướng thành một đế quốc.
Nhưng các cuộc xâm lăng từ vương quốc Chola (Nam Ấn Độ) thì đế quốc Sryvijaya
cũng thu nhỏ còn giữ lại Sumatra và phần cực tây của Java vào thế kỷ XII, XIII.
Chùa lộ thiên Borobudur
(Ảnh từ Indonesia của Jeffey Zuehlke)
A- Singhasari
Singhasari là
gì? Đó là một triều đại của lịch sử Nam Dương nói chung và của Java nói riêng.
Câu chuyện này có nhiều sự pha trộn như một huyền thoại, ngay trước thời Nguyên
Mông vào xâm lăng nước này. Ngày nay câu chuyện này rất phổ thông trong dân
chúng Nam Dương và được xem là một câu chuyện cổ tích.
Ngày ấy, vương
quốc Keridi của Java cai trị bởi vua tên Kertajaya. Phía tây bắc của đảo Java
là một đảo khổng lồ đang trị vì bởi đế quốc Srivijaya.
Vào khoảng năm
1182, một người đàn bà xứ Tumapel của tiểu vương quốc Janggala, tên Ken Endok
không có chồng. Theo vài chuyện cổ thì một đêm bà mơ gặp thần Brahma, một trong
ba thần của Ấn Độ giáo (hai thần kia là Vishnu và Shiva). Sau đó bà sinh ra một
cậu bé. Bà đặt tên cho cậu bé là Ken Arok. Lại có chuyện nói rằng Ken Arok có
tiền kiếp là thần Vishnu[1].
Một năm sau khi
cậu Ken Arok ra đời thì có một cuộc chiến xẩy ra nhắm đánh bại Kertajaya, nhưng
không nổi. Vua Kertajaya kiêu ngạo nói: “Trên đời không ai đánh bại nổi ông ta,
ngọai trừ thần Vishnu.”
Vì không cha nên
Arok được những kẻ vô lại nuôi nấng, và thiếu giáo dục. Rồi từ đó Arok muốn làm
gì thì làm không ai kìm hãm nổi từ đánh lộn, cờ bạc, trộm, cắp… chẳng thiếu thứ
nào. Với các việc làm bừa bãi trên, dân chúng ai cũng biết tên anh chàng này
hết. Ngoài ra, từ lúc thiêú thời, Ken Arok có tài làm người khác xúc động, vui
hay buồn.
Xứ Tumapel nằm
dưới quyền kiểm soát của một người đàn ông, tuổi trung niên, tên Tunggul
Ametung. Tunggul Ametung là một cường hào ác bá của vùng. Trong vùng có một nhà
giảng thuyết Phật giáo lừng danh tên Mpu Purwa. Ông này có một cô con gái, rất
trẻ, rất đẹp tên Ken Dedes. Một hôm, ông Mpu Purwa đi giảng đạo nơi xa; Tunggul
thừa dịp đến bắt cóc cô con gái xinh đẹp của nhà giảng đạo này về làm vợ.
Thấy Arok tháo
vát, Tunggul Ametung bèn thu dụng về làm tay sai. Vì tài ăn nói, diễn tả này,
khi trưởng thành, Ken Arok được Tunggul Ametung tin dùng nhất trong đám bộ hạ.
Trong đám bộ hạ này, Arok chơi thân với một người tên Kebo Ijo. Vì được tín
nhiệm, Ken Arok thường lui tới tư thất của Ametung, nên gặp người đẹp Ken
Dedes. Chẳng bao lâu sau, Ken Arok bị tiếng sét ái tình, đâm ra yêu trộm, nhớ
thầm bà vợ xinh đẹp của chủ mình. Anh ta quyết định lấy Dedes làm vợ dù rằng,
anh phải giết chủ nhân.
Anh ta bèn thi
hành ngay ý định ấy và việc trước nhất là đi làm một vũ khí đặc biệt. Đó là một
con dao găm hai cạnh đều bén mà người Java gọi là “kris”. Trong vùng có một người thợ rèn lừng danh tên Mpu Gandring.
Arok bèn tìm tới ông ta, đặt làm một kris thật đặc biệt và quí. Tuy nhiên, việc
làm một báu vật mất rất nhiều thời gian. Arok thúc dục liên hồi, nhưng lâu rồi
mà dao vẫn chưa xong. Một hôm, Arok, tới nhà ông thợ rèn, thấy dao sắp hoàn
tất. Anh ta bèn lấy dao đâm người thợ rèn để bịt miệng sau này. Trước khi chết,
ông thợ rèn Grandring nguyền 7 đời Arko sẽ chết vì con dao ấy. Anh ta cũng
chẳng đếm xỉa đến lời nguyền ấy, đem dao về chuẩn bị kế hoạch.
Một hôm, Arok
đang thử dao thì Kebo Ijo xuất hiện bất ngờ. Thấy dao quá đẹp và lạ lùng, Kebo
Ijo ngỏ ý mựơn chơi. Arok liền cho y mượn. Kebo Ijo lại có tính khoe khoang đi
đâu cũng đeo con dao. Ai nấy trầm trồ khen ngợi. Arok biết vậy nhưng cứ để y
làm. Một đêm, Arok, lẻn vào phòng Ijo lấy con dao rồi vào phòng Ametung. Lúc ấy,
Ametung đang ngủ. Arok đâm một đao xuyên qua ngực Ametung làm y chết lập tức.
Arok trốn về phòng, còn con dao vẫn cắm trên ngực nạn nhân. Sáng hôm sau, một
người hầu phát hiện, tri hô lên. Mọi người đổ xô đến thấy con dao còn đó. Tất
cả qui tội cho Ijo. Lập tức, Arok giết chết Ijo, trước khi y có thể biện minh.
Arok đã toại ý; lấy Ken Dedes làm vợ, rồi làm thủ lãnh của vùng Tumapel. Lúc
này Ken Dedes đã có thai với Ametung và
không bao lâu sau bà hạ sinh một cậu con trai, đặt tên là Anusapati.
Arok vẫn chưa
vừa ý, anh ta đổi tên vùng Tumapel thành Singhasari (có nơi ghi Singosari) rồi
khởi động một cuộc chiến chống lại vương quốc Keridi của vua Kertajaya. Cùng
lúc ấy, vương quốc Keridi cũng đang rối loạn, khi vua Kertajaya đè nén Phật
giáo. Nhà truyền đạo tôn giáo này[2]
đến nhờ Arok bảo vệ. Bây giờ, Arok lại tự nhiên có chính nghĩa, cất quân đánh
với vua Kertajaya. Năm 1222, quân hai bên gặp nhau tại làng Ganter. Sau một
trận đánh dữ dội, quân đội Arok nghiền nát đối phương và Arok giết chết
Kertajaya. Dân chúng Keridi lại càng tin Arok là hậu thân của thần Vishnu.
Rồi từ đó Ken
Arok lập nên triều đại Sighasari và ông ta trở thành vị vua đầu tiên của triều
đại với tên Prabu (vua) Sri Rajasa Sang Amurwabhumi. Khi dã lên ngôi, Arok cưới
thêm vài bà thứ phi trong đó có bà Ken Umang. Bà sinh cho Arok một cậu con trai
tên Panji Tohlaya.
Sau nhiều năm,
Anusapati đã khôn lớn. Anusapati lấy vợ sinh ra một cậu con đặt tên là
Ranggawuni (Wisnuwartdhama). Một hôm, Anusapati lấy con dao oan nghiệt đâm chết
bố ghẻ, để trả thù cho bố ruột. Đây là chuyện thứ nhất ứng với lời nguyền của
người thợ rèn. Một thời gian trôi qua, Anusapati cũng bị ám sát bởi Panji
Tohlaya, con trai Arok,với con dao ấy. Nhưng chính bản thân Panji Tohlaya lại
cũng bị chết vì con dao ấy trong một vụ phản loạn mà người cầm đầu là
Ranggawuni, con trai của Anusapati.
May mắn, lời
nguyền đã không hoàn toàn ứng nghiệm. Ranggawuni đã an toàn trị vì vương quốc
Keridi rồi truyền ngôi lại cho con là Kertanegara. Đây là vị vua tài năng và đã
làm rạng rỡ triều đại Singharasi.
Năm 1275, vua
Kertanegara cho thủy sư đô đốc Mehesa Anabrang lên các vùng cực tây bắc của
Java và sang đảo Sumatra để chinh phục đế quốc Srivijaya. Cuộc chinh chiến này
không đổ máu và các phần đất được sát nhập trong hòa bình. Vua xứ Mã Lai chịu
làm liên minh với vua Kertanegara. Tiếp theo, năm 1290 ông chinh phục vương
quốc Bali ở đông, đông nam của Java.
B- Nguyên nhân
Đầu tiên Hốt Tất
Liệt gửi một đoàn sứ giả do Meng Ki (孟琪-
Mạnh Kỳ- còn
được phiên âm là Men Shi hay Meng Qi) dẫn đầu đến bắt vua Kertanagara thần phục
nạp cống. Theo “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” khi sứ đoàn
tới, nhà vua không chấp nhận mà cho đóng dấu lên mặt các sứ giả rồi đem trả về,
còn theo factsanddetails.com thì vua Nam Dương cho lấy sắt nung đóng lên mặt
rồi cắt tai, sẻo mũi sứ đoàn trưởng Meng Ki rồi đuổi đi.
Vài năm sau, nước Nam Dương ở trong một tình
trạng rất bất ổn. Một lực lượng đối lập dấy lên làm loạn do thủ lãnh
Jayakatwang xứ Keridi, chống lại vua Kertanagara và con rể ông, Phò Mã Vijaya.
Hai cha con ông này đánh dẹp mãi không được. Cùng khi ấy, Nguyên Mông chuẩn bị
trả thù.
[1]
Dựa vào quyển “The History of Indonesia”
thì ông vua Airlangga cai trị xứ Mataram từ 1016 đến 1049 mới tự nhận là hậu
thân của thần Vishnu.
[2] Trong
bài viết này không nói tới tên nhà truyền giáo. Không biết ông này có phải là
Mpu Purwa hay không. Nếu chính là ông thì đây là chuyện bố vợ nhờ con rể vậy.
[1]
Mãi tới thế kỷ XIII, Hồi giáo mới chiếm dần dần để giữ vai trò chính trong đời
sống tin ngưỡng của nước này. Và ngày nay, đây là nước có dân số Hồi giáo nhiều
nhất thế giới.
[2]
Đền này, nay thuộc thành phố Magelang, trung bộ Java, 50 km phía bắc thành phố
Yogyakarta. Theo Wikipedia ngôi đền này được xây trong 75 năm, từ khoảng năm
760 đến 830 sau Công Nguyên. Đền này có tới 504 tượng Phật. Tại bảo tháp chính
ở giữa đền có 72 tượng Phật. Đền nay được UNESSCO công nhận di sản văn hóa thế
giới và là nơi du khách tới thăm nhiều nhất của nước Nam Dương.
[1] Một hòn
đảo này diện tích gần gấp rưỡi nước ta bây giờ.
No comments:
Post a Comment