Sunday, January 25, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 17


Một buổi chiều, tôi đang làm cỏ mấy luống rau trước nhà. Bố mẹ tôi đi đâu cũng nhớ cái gốc nông dân Tân Phúc- Thanh Hóa, nên hay trồng rau, đậu, cà nghệ, cà tím để ăn. Khi đang chống cuốc nhổ vài bụi cỏ dại, Cẩm Dung chạy từ trong nhà ra, gọi:

- Anh Hiệp ơi! Lại coi cái này!

Tôi phủi tay, chạy lại chỗ Cẩm Dung coi, thấy nó đang cầm một tấm ảnh.

Tôi hỏi:

- Ảnh ai vậy?

Cẩm Dung trả lời:

- Ảnh gia đình bác Th.

Chúng tôi không biết gia đình ông này, mà chỉ nghe qua bố mẹ nói lại rằng ông Th hiện đang làm tỉnh trưởng một tỉnh ở ngoài Trung. Ông là một bạn thân của bố khi các ông còn làm việc ở Phan Thiết, Hà Tĩnh, trước năm 1943, và từ sau cuộc cách mạng 1945, các ông không còn liên lạc được với nhau nữa. Trong hình có ông bà Th  và mấy người con.

Cẩm Dung chỉ vào một cô gái độ 16 tuổi, mái tóc dài đen huyền, gương mặt xinh tươi, nổi bật trong hình, nói:

- Anh coi cô này có đẹp không?

- Ừ! Đẹp thật!

- Để coi cô ấy tên gì.

Cẩm Dung lật tấm hình đọc rồi reo lên:

- Á! Cô này tên Kim! Dung nghe nói ngày còn trẻ, các cụ đã hứa làm sui với nhau đấy. Mai mốt gặp nàng là anh phải tán nhe!

Tôi chỉ cười, nghĩ: "Con ông tỉnh trưởng mà lại yêu một thằng nghèo ư?" Hơn nữa trong tim tôi đã có người ngự trị.

 

***

 

Tôi rất nhớ An, nhưng chẳng biết làm thế nào để gặp nàng, tuy nhiên, tôi biết cứ mỗi trưa chủ nhật An thế nào cũng đi lễ nhà thờ về, và chị ruột nàng có cửa hàng bán guốc. Vì vậy, cứ mỗi trưa chủ nhật tôi lại giả bộ đi đến các quán hớt tóc ở góc đường Lý Thường Kiệt, Phan Thanh Giản coi cờ tướng, nhưng thật ra với mục đích nhìn thấy nàng trên đường về nhà rồi trao nhau một nụ cười và cũng chỉ cần thế đêm đến tôi có một giấc ngủ êm đềm.

Đọc báo chí ngày đó, thường có những cặp trai gái yêu nhau, nhưng vì khác tôn giáo nên tình duyên của họ không thành, rồi kết cục họ đã tự tử để trọn lời nguyện ước. Tôi và An cũng nằm trong tình trạng đó. Gia đình nàng di cư vào Nam từ Ninh Bình, và theo Thiên Chúa Giáo. Gia đình tôi từ hồi nào vẫn là Phật Giáo, nhưng riêng cá nhân tôi, tôi thấy tôn giáo nào cũng dạy con người ta làm lành tránh dữ. Cho nên tôi không tin tưởng hoàn toàn vào Phật Giáo, và chỉ dựa vào một số giáo lý cơ bản của đạo Phật mà sống. Tôi có lẽ hơi duy vật, vì không tin vào các điều mà tôi cho là huyền hoặc, không hợp lý. Tôi tin điều từ bi, hỷ xả, làm các việc giúp ngưởi hoạn nạn tử triết lý cứu nhân độ thế, mà không bao giờ nghĩ làm vậy là có phước được lên Niết Bàn. Theo sự suy luận của tôi, tôi nghĩ con người chết rồi là hết chuyện, chẳng có Địa Ngục và chẳng có Niết Bàn hay Thiên Đường gì hết.

Tôi phản đối những ai quá tự tôn về tôn giáo mình, cho đạo mình là siêu việt, và khi cặp trai gái lấy nhau bắt phía kia phải theo đạo mình. Theo ý riêng, tôi cho như vậy là lợi dụng sự khó khăn của một người mà ép bức người đó phải theo điều kiện của mình. Đây là điều không tôn trọng tự do tôn giáo vậy, vì tự do tôn giáo là tùy quyền lựa chọn tôn giáo mình thích chứ sao lại ép buộc? Đã thế mà người ta lại hay chống lại sự việc mà họ cho là không tự do tôn giáo.

Tôi rất đồng ý con người có thể nên tin tưởng vào tôn giáo để có một sự chỉ hướng trong cuộc sống hàng ngày, nếu mình không tự chế được. Nhưng nếu quá tôn sùng vào tôn giáo nhiều khi đưa con người vào sự cuồng tín. Chính vì sự cuồng tín này, mà từ cổ chí kim, đã đưa nhân loại vào nhiều cuộc chiến tranh mang hình thức tín ngưỡng. Theo tôi nghĩ mọi tôn giáo phải như nhau, không ai hơn không ai kém.

Gia đình bên ngoại tôi là một tấm gương sáng cho hậu thế về ý thức này. Ông bà ngoại tôi cũng quê quán tại Ninh Bình. Vào đầu thế ký XX, ông bà ngoại tôi yêu nhau, nhưng khổ một cái: ông theo đạo Thiên Chúa, còn bà theo đạo Phật. Với cái đà kỳ thị tôn giáo thì chắc "đôi trẻ" không thành, nhưng thân sinh hai bên là các người của những năm của thập niên 1890, đã đi đến một kết luận: Cứ cho "đôi trẻ" tiến tới, nhưng ai giữ đạo nấy. Tuy nhiên như vậy chẳng mấy công bằng vì hiện nay rất nhiều cặp đã làm việc này. Nhưng khi họ sinh con thì lập tức đem vào nhà thờ làm phép rửa tội để thành một con chiên dù là đứa bé này chưa hẳn mở mắt nhìn đời và biết gì tôn giáo. Vịêc này mới đáng nói, ông bà cố tôi quyết định: Sau này, nếu sinh con trai, thì cho theo đạo bố, còn sinh con gái thì cho theo đạo mẹ. Ôi thật công bằng. Vì vậy mẹ tôi theo đạo Phật, còn cậu tôi theo đạo Thiên Chúa.

***

Một tối, tôi rủ Súy đi chơi biển, nhưng thực ra tôi muốn đi ngang cửa hàng guốc xem có thấy nàng không? Vào khoảng 9 giờ tối, chúng tôi ở biển về, khi đi qua cửa hàng guốc, tôi đút tay túi quần, mắt liếc vào cửa hàng, thấy bóng nàng thấp thoáng ở phòng trong.

Bất chợt tiếng Súy vang lên khe khẽ:

- Thầy T kìa!

Tôi vội quay lại, thì cũng vừa lúc thầy T đạp xe qua. Súy khoanh tay cúi đầu chào Thầy, còn tôi không kịp rút tay nên chỉ cúi đầu:

- Thầy ạ.

Một tíc tắc sau, chúng tôi nghe:

- K..é..t!

Tiếng xe thắng lại ở phía sau.

Súy nói:

- Nguy rồi!

Tôi rút tay ra khỏi túi quần.

Khi thầy T dừng xe cạnh tôi, chúng tôi đã khoang tay cúi đầu chào:

- Thầy ạ.

Thầy T hỏi:

- Hiệp! Lúc nãy, em chào Thầy như thế à?

Tôi đáp:

- Dạ thưa Thầy lúc nãy em không kịp khoanh tay.

Thầy nhìn chúng tôi, hừ một tiếng, rồi quay đạp xe đi.

 

***

 

Tết nguyên đán gần đến, các lớp đều sửa soạn làm tiệc tất niên. Ba Gà- trưởng lớp- cho bầu ban tổ chức lễ tất niên. Thật ra tên y là Ba, nhưng có lẽ nhà y nuôi gà chọi, nên mấy đứa bạn mắc dịch gán cho y cái biệt hiệu đó. Hắn là học sinh nhiều tuổi nhất lớp, nên các bạn đồng loạt bầu y vào chức vụ ấy. Ba Gà là người miền Nam rất đàng hoàng làm việc đứng đắn. Sau cuộc họp, tôi được đề cử làm trưởng ban cùng An, Thanh, Tị, Két, Đoạn, Súy, Đức Phan, Minh Đức,...lo tổ chức lễ tất niên. Chúng tôi hẹn nhau lúc 1 giờ chiều hôm ấy, sẽ tụ họp tại lớp để sắp xếp, bàn ghế cũng như bánh trái cho bữa tiệc.

Đúng 1 giờ, tôi tới cổng trường cùng lúc đó An cũng xuất hiện ở góc đường đối diện. Hai đứa thật vui mừng vì cả trường vắng tanh, không một bóng người. Chúng tôi đứng đợi các bạn ở đó, nhưng chẳng thấy ai, hơn nữa trưởng lớp giữ chìa khóa nên chúng tôi không vào lớp được. Có lẽ tại văn hóa, các bạn tôi dùng đồng hồ dây cao su Long Thành nên đến trễ. Tết miền Nam không như miền Bắc. Vào dịp này miền Bắc có không khí lạnh lẽo, nhiều năm có cả mưa phùn. Trong khi ấy, ở Nam tết đến nắng đổ lửa, nóng nực không kém các tháng hè là mấy.

Dưới ánh nắng gay gắt, hai chúng tôi phải vào cạnh bóng mát một cột cổng trường để tránh bớt sức nóng và truyện trò. Nói chuyện một lúc mà vẫn chưa thấy ai tới.

Thấy trời nắng quá, mà nơi đây không nhiều cây, tôi nói:

 - An, mình ra hành lang sau lớp học, cạnh chỗ tôi ngồi, nơi đó mát hơn nhiều. An nghĩ sao?

Nàng biểu đồng tình:

- Mình đi!

Hai đứa tôi sánh vai ra hàng hiên sau lớp học. Cả trường vắng tanh, nên tôi không bị mắc cở, do đó tôi rất thú vị sóng bước cùng nàng. Sau lớp học có một cái bàn học trò hư để sẵn và chờ lao công trường đến sửa. Tuy bàn bị hư nhưng băng ngồi vẫn còn tốt. Tôi ngồi một đầu ghế, nàng ngồi cuối ghế, rồi trò chuyện trong lúc chờ các bạn khác.

Ôi thật thú vị, hai chúng tôi chuyện trò nơi đây mà không có một ai làm phiền.

 Bất thình lình, hai tên anh chị ở đâu hiện ra ở cuối hành lang, cách chỗ chúng tôi khoảng 20, 30 thước. Hai tên naỳ thường hay mở cửa sổ gần chỗ nàng ngồi, ngắm nàng rồi buông lời chọc ghẹo. Một trong hai tên là một tay chơi tạ, nên có thân hình lực lưỡng, còn tên kia thì ốm như tôi nhưng cao hơn. Thật ra hai tên này học trên lớp tôi, nhưng vì thi rớt trung học nên bị nhồi lớp. Khi thấy An và tôi, chúng dừng lại nói với nhau một chút, rồi xăm xăm đi tới. Chúng chẳng nói năng gì, ngồi vào giữa.

Hai tên phớt lơ tôi, quay sang hỏi An:

- An, có khỏe không?

An đứng dậy, vừa đi vừa trả lời:

- Cám ơn, tôi vẫn bình thường.

Nàng bước ra cột xi măng ở cuối hành lang, và đứng ở đó, còn tôi và hai tên kia ngồi lại ở ghế.

Hai tên kia cảm thấy quê quá.

Tên ốm, ngồi bên cạnh tôi hất hàm, nhìn tôi:

- Mày ngồi đây làm gì?

- Tôi ngồi chờ các bạn.

Hắn hếch mặt:

- Sao mày ngồi đây mà không ra phía trước?

Tôi đã bực mình về cái bất lịch sự của chúng, khi ngồi chen vào giữa hai chúng tôi. Bây giờ, chúng còn định lấy khẩu cung tôi nữa thì thật là quá đáng.

Tôi nhăn mày nói:

- Tôi có quyền ngồi đâu thì ngồi, không ai có quyền bắt buộc tôi. Chuyện đó không phải việc của anh!

Hắn quay nhìn tôi đe dọa:

- Cái gì? Mày nói ngon thật ta.

Tôi đanh thép:

-Tôi nói: đó không phải là việc của anh!

Cả hai cùng đứng dậy; tên ốm xăn tay áo, nạt:

- Tao nghe nói mày là một thằng lì lắm, để tao coi mày lì cỡ nào?

Tôi cười khẩy:

- Tôi không đánh nhau với anh!

- Bộ mày ngán hả?

- Tôi chẳng ngán, chẳng sợ ai hết. Tôi chỉ sợ công bằng và lẽ phải. Nhiều lần tôi đánh nhau không phải là thích đánh nhau, mà là vì bảo vệ bạn bè, và danh dự thôi.

An nghe chúng tôi lớn tiếng, nên vội vã quay lại. Nàng biết tôi sẽ bị nguy hiểm, nếu chúng gây ra cuộc ấu đả, vì tôi phải chống cự với hai tên du đãng nổi tiếng là khỏe.

Tên đó đuối lý, mặt đỏ tía tai, chỉ mặt tôi, chửi:

- Đm mày! Có ngon ra kia!

Vừa nói hắn vừa chỉ vảo khoảng đất trống cạnh hành lang.

Cái chửi của nó làm tôi nóng máu, nhịn không nổi:

- Mày không có quyền chửi tao. Bây giờ tao phải đánh nhau với mày.

Tôi nắm tay lại nhẩy xuống bãi  đất, chuẩn bị đụng trận. Tôi biết nếu đánh trận này tôi có thể sẽ bị thương vì một chống hai, nhưng danh dự không cho phép tôi hèn nhát.

An nhíu mày khổ sở can:

- Hiệp! Hiệp đừng…..,

No comments:

Post a Comment