Thursday, January 31, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Từ ngã ba Hải Đăng, chúng tôi lên xe để thăm đèn pha. Từ ngã ba hẻm Hải Đăng, đi theo đường này lên cao độ 100 m là miếng rẫy tôi đã khai phá trồng khoai mì và đậu phộng, năm 1976 lúc mới về từ trại học tập.

Có hôm làm việc nặng nhọc, mồ hôi vã ra như tắm, ngừng tay ngồi nghỉ. Lúc rảnh chợt nhớ tới vợ con nơi xa xôi. Tôi quay nhìn về phía tây nam, nơi ấy là Tân Thiềng, nhưng nào thấy được, mà chỉ thấy biển cả cùng rừng cây xanh ngắt ở cửa Cần Giờ. Chẳng hiểu vợ con nơi ấy ra sao? Yên ổn không? Lòng chợt tan nát.

Tôi đã làm bài thơ dưới đề tả lại nỗi lòng mình.
 
(Xin bấm vào hình để xem rõ hơn )

Cảm nghĩ một độc giả


Dưới đây là cảm nghĩ một độc giả tên Vũ Hạ trên diễn đàn Viện Việt Học sau khi xem bài thơ bài "Về Thăm Nhà Cũ"

 

Bác VHKT kính,

Theo lời Bác, tôi tìm vào Site bác nêu để đọc về "chiến tranh Việt - Mông" (tôi rất thích đề tài này) nhưng lại không biết tìm bài cách nào. Vô tình được đọc bài "Về Thăm Nhà Cũ" thấy sao mà thương quá ! Ai đã trải qua cảnh đó rồi mới hiểu. Lời lẽ của Bác giản dị mà tôi đang rơi nước mắt đồng cảm. Cảm ơn Bác.

Wednesday, January 30, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Con đường hẻm Hải Đăng ngày tôi ở chưa tráng ci măng như trong hình đăng, nên lồi lõm, lởm chởm đá đất, gai góc khắp nơi. Đầu hẻm là con dốc của dường lên Hải Đăng. Trong năm 1979, tôi cũng đã nhiều lần gánh dầu mua từ căn nhà cuối dốc lên. Tôi đã đi chân không gánh dàu vượt qua nhà tôi, rồi đi độ trên 100 m cất giấu dầu để chuẩn bị vượt biên. Tổng cộng đoạn đường gánh dầu độ nửa cây số, nhưng phải gánh từ dưới dốc lên và qua trạm công an Hải Quan. Tất cả các loại công an ngày ấy đều có thể bắt người vượt biên, nên câu chuyện gánh dầu cũng nhiều hào hứng.

Sau này tôi làm bài thơ gánh dầu sau đây.

Tuesday, January 29, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


 
Lúc đứng trước căn nhà, tất cả chúng tôi đều xúc động. Nó đã ghi kỉ niệm bao nhiêu năm ấm cúng, nhưng bần hàn. Hình ảnh các bữa cơm độn, những lúc phút buồn bã vì khôngđủ tiền nuôi con quay lại trong óc chúng tôi như các khúc phim sống động.

 

Về thăm nhà cũ


 

Có một thủa, nhà này ta sống.

Làm ngư dân, chèo chống nguy nan.

Lúc đói, ăn độn khoai lang.

Khi lạnh, thì lấy vải màn che thân.

Cả gia đình quây quần, nghèo đói.

Chịu cơ hàn mà khỏi xa nhau.

Trải qua bao cuộc bể dâu.

Ta nay hết khổ, còn đâu xum vầy!

Trong nhà này giờ đây ai ở?

Họ có thường than thở hay không?

Cầu họ, mọi chuyên hanh thông.

Gia đình đầm ấm, để lòng thảnh thơi.

                            VHKT 2009

Friday, January 25, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Nay nhắc lại chuyện đi đánh cá tỵ nữa chết chìm ở giáp nước. Sau khi gửi cá ra bán ở chợ. Tôi đem một mớ cá ngân và bạc má đem về nhà ăn.

 
Tôi mệt mỏi, buồn nản xách giỏ cá lỉnh đỉnh lên dốc Hải Đăng để về nhà. Đang đi nửa chừng dốc, tôi nghe tiếng quen thuộc ở đường Hải Đăng vọng xuống:

- Thôi tụi mình rẽ vào dốc, đi đường tắt cho lẹ bay!

Vì khúc đường như chữ V, nhóm người đó ở cao độ hơn chỗ tôi và cách tôi chỉ độ bẩy tám thước, nhưng cây rừng che khuất, nên tôi không biết là ai. Tiếng chân người chạy thình thịch, qua dốc tắt rồi một nhóm thanh niên, quần áo bảnh bao, xuất hiện, và tôi nhận ra được một trong mấy cậu đó là Phạm Hoàn Vũ, một nam học sinh ở Chợ Lách.

 

DỐC HẢI ĐĂNG

(CHÍNH GIỮA LÀ TRẠM ĐIỀN KHIỂN LƯU THÔNG CŨ, BÊN PHẢI LÀ MỘT KHÁCH SẠN ĐANG XÂY NỬA CHỪNG, BÊN TRÁI VÀ TRÊN CAO LÀ TRẠM CÔNG AN HẢI QUAN.)

Vũ có quê là xã Bình Hòa Phước, một xã giàu có nhất Chợ Lách ngày trước 75. Nay xã còn trực thuộc Vĩnh Long, nhưng Chợ Lách lại thuộc về Bến Tre.

Lúc tôi còn dạy lớp 11, 12 ở đó, thì Vũ mới học lớp 10, chưa phải là học sinh của tôi, nhưng cậu trọ ở một nhà gần nhà bà Tư Cù, cùng với  nhóm Mỹ Hoa, Mỹ Linh, Thủy, Tím, Khen. Các cô này mới là học sinh chính thức của tôi. Cậu này cũng như rất nhiều học sinh khác thường sang chơi với tôi và hỏi bài vở. Vũ là em của Thủy, có nước da trắng như con gái, tính tình dễ thương, hiền lành. Bây giờ, Vũ đã là một thanh niên ngoài 20 tuổi.

Tôi nhìn thẳng vào hắn, để coi hắn có nhận ra tôi không? Nhưng Vũ không nhận ra được, vì tôi đi chân không, quần áo rách rưới, đầu đội nón mê, tay xách giỏ cá. Tôi cũng không gọi tên y là vì chẳng biết y, còn muốn nhận một tên như ăn mày làm thầy hay không?

Một cậu bạn Vũ nói:

- Ê! Tụi bay! Coi chú ngư phủ xách giỏ cá kìa!

Vũ nói:

- Lại coi chú câu được mấy con?

Cả đám chạy lại vây quanh tôi. Tôi ngừng lại cho các cậu nhìn cá.

Một cậu khác hỏi:

- Chú! Chú cho chúng cháu coi cá được không?

Tôi bình thản trả lời:

- Được chứ!

Tôi vạch giỏ cá cho các cậu xem.

Vũ có lẽ nghe giọng quen, ngước mắt nhìn lẹ vào mặt tôi một cái, rồi lại nhìn vào giỏ cá, nhưng trên khóe mắt em có một sự suy tư.

Vũ hỏi:

- Chú có bán cá này không chú?

Tôi trả lời:

- Cá bán thì đem ra chợ rồi, cá này tôi đem về ăn, nhưng nếu cậu thích thì tôi cho một nửa.

Vũ nhíu mày, ngước lên nhìn tôi trân trối, rồi mồm từ từ há ra mà nói không được. Thái độ của hắn làm mấy người bạn quay sang nhìn tôi, rồi nhìn Vũ.

Đột nhiên, mắt Vũ đỏ ngầu, rồi nước mắt trào ra như mưa. Vũ không nói được vì quá xúc động. Riêng tôi, tôi đứng yên đè nén xúc cảm. Thời gian lặng lẽ trôi qua, Vũ giọng run run:

- Thầy...! Thầy! Làm sao.. Thầy ra nông nỗi này Thầy?

Mọi người cùng chết trân, đứng nhìn chúng tôi.

Vũ hai tay nắm lấy tôi, nước mắt lăn trên gò má, nói tiếp:

- Thầy! Tội.... Thầy quá! Tụi..tụi em nhớ..Thầy lắm.

Tôi xúc động dữ dội, cố sức kìm nước mắt, nhưng không nổi:

- Thầy..Thầy đi.. đánh cá thôi mà.

Tất cả mọi người đều yên lặng và cùng ứa nước mắt. Vũ và tôi không còn đủ can đảm để nói, vì nói chúng tôi sẽ bật tiếng khóc.

Vài phút trôi qua, Vũ bình tĩnh hơn, quay sang các bạn nói:

- Thầy.. tao đó tụi mày. Học trò trong trường ai cũng.. thương ổng, nhưng bây giờ ổng...nhìn thân tàn ma dại, đâu còn là một ông thầy của ngày xưa.

Mấy cậu thấy vậy, cùng cúi đầu chào:

- Thầy!

Tôi xúc động:

- Chào… các em.

Thái độ của Vũ đã làm các bạn em nhìn tôi với đôi mắt thân mến xen trong sự kính trọng.

Vũ gạt nước mắt, quay sang tôi hỏi:

- Thầy… đi đâu… vậy?

- Thầy về nhà. Nhà Thầy đi thẳng… đây vào hẻm …Hải Đăng đó. Em …em làm gì mà lại …ra Vũng Tầu này?

- Em ra …học khóa Thanh Tra đèn biển Thầy.

Thanh tra đèn biển là ngành phải điều khiển các tầu nhỏ, đi tuần tra ven duyên, khám xét các đèn hiệu được neo trên biển. Nếu cần thì phải tu bổ, sửa chữa. Những người muốn được theo học ngành này trước tiên phải là con nhà cách mạng trung kiên có lý lịch thật tốt. Nếu không thì họ lại dùng tàu bè trong tay vượt biên mất. Nhưng thái độ của Vũ, cùng các bạn em cho tôi thấy tình thương không phân biệt màu sắc chính trị.

Tôi hỏi:

- Các em đi đâu vậy?

Mấy cậu bạn Vũ nói:

- Tụi em đi uống cà phê. Mời Thầy xuống uống cà phê với tụi em.

Vũ túm tay tôi:

- Đi Thầy.

Tôi lắc đầu:

- Không! Thầy….. .

Mấy cậu bạn Vũ đọc được thâm ý tôi nên cùng nói:

- Thầy đừng ngại.

Một cậu thêm vào:

- Thầy là thầy của Vũ cũng là thầy tụi em. Tụi em mến trọng Thầy vì tư cách chứ đâu phải là bộ quần áo.

Tôi theo các em xuống cửa hàng ăn uống quốc doanh bãi trước, nơi đây tôi, một đôi khi, cũng vào uống một ly cà phê, khi có thì giờ, cùng vài người bạn ngư phủ.

Các cậu kéo ghế, ai nấy đều vui vẻ mời tôi:

- Thầy ngồi đây Thầy!

- Không! Thầy ngồi đây mới được

Vũ nói:

- Vừa vừa thôi chứ tụi mày. Không phải để Thầy ngồi gần tao bay!

Có lẽ cách cư xử, cùng thái độ của Vũ đối với tôi làm các em cùng cảm động, và có hảo cảm với anh chàng ngư phủ mới biết đó.

Bây giờ, đến phiên mấy cô chiêu đãi viên của cửa hàng. Từ trước đến giờ, các cô chỉ biết tôi là một ngư phủ nghèo nàn. Hôm nay, các cô ngạc nhiên, khi thấy mấy cậu thanh niên, mặt mày sáng sủa, quần áo chỉnh tề, săn đón thằng cha ngư phủ quần lem áo vá, đi chân không, mà còn gọi hắn bằng thầy một cách thân mến chen trong sự kính trọng. Cái thái độ của mấy cậu làm các cô cũng đứng sững nhìn tôi dưới đôi mắt khác hơn.

Khi cà phê đem ra, cô chiêu đãi đưa cà phê cho mọi người.

Khi đến chỗ tôi, cô đặt ly cà phê xong nói:

- Mời Thầy uống cà phê.

Từ ngày đó, lúc có thì giờ nhàn rỗi tất cả mấy em thường xuống nhà tôi chơi với vợ chồng tôi, còn mấy cô chiêu đãi thì gọi tôi bằng thầy mỗi khi tôi vào quán cà phê uống. Thì ra chữ "thầy" đây không phải để chỉ cho một người thực sự dạy học các em, dù là mất dạy, mà đó là một danh từ chỉ cho một sự mến chuộng.

Thursday, January 24, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.

Vì hôm trước không đăng được hình, nên hôm nay xin đăng lại bài thơ tả lại lúc thuyền chết máy ở giáp nước.
Bài thơ này làm khi ở khách sạn Lan Rừng, đứng nhìn về giáp nước nhớ lại cảnh năm xưa.

Wednesday, January 23, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.

 
 
Đường Hạ Long ngày nay
Ngày xưa con đường này nhỏ quanh co buồn tênh. Một ngày tôi đã làm bài thơ Hạ Long- Vũng Tàu.
Nay đường rộng rãi. Tôi đăng hai bài thơ của hai thời điểm: 1976 và 2009

Đường Hạ Long Vũng Tầu 2009

 
Đường Hạ Long thời xưa quạnh quõe.
Những buổi chiều lặng lẽ, vắng tanh.
Ngoằn nghèo, đường vẽ như tranh.
Ta ngồi ven biển viết thành vần thơ.
Cảnh buồn bã bây giờ còn nhớ.
Ở cái thời mình lỡ sa cơ.
Về đây thân phận bơ vơ.
Nhìn trời, nhìn  nước thẫn thờ nhớ quê.
Giờ đứng ở bên lề, nhìn lại.
Cảnh bây giờ chẳng phải như xưa.
Người đi đã hết lưa thưa.
Đường đà thăng thẳng, lại vừa thênh thang,
Sự tấp nấp, hết mang bưồn bã.
Nắng chiều buông đang ngả ánh tà.
Hỏi mây hồng ở tuốt phương xa,
Có còn nhớ lại lúc ta đang buồn?
                                                VHKT 2009
 

Chùa Từ Quang- ngay sau lưng chùa trên lưng chừng núi là nhà cũ của tôi.

 
Ngay bên cạnh là Tịnh Xá Ngọc Bích- một thời tôi dạy bình dân học vụ và làm cho hợp tác xã thêu Đoàn Kết
 
 
Hẻm Hải Đăng
Về lại chốn nhà xưa
 
Nhà tôi xưa
(Hình vẽ bằng Solidworeks và Photoworks)
 
 
Nhà ngừơi ta nay

Hoa tigôn

 
Cô mèo hoang- xem hiền từ dễ thương.

Nhưng mèo biết nói còn dịu dàng và dễ thương hơn nhiều

Hoa Bướm


 
Hoa xinh- Bướm đẹp
 
 

Tuesday, January 22, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.

 
May quá, cói lẽ Google đã sửa, nên nay đăng lại được hình. Cũng đúng lúc, tôi đang muốn đăng bài thơ đi lưới cá.
Hình vẽ mô tả lại cảnh hai an hem chúng tôi đang kéo lưới để tháo chạy.

Monday, January 21, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Gần một giờ sau, lúc chúng tôi đang tuyệt vọng, máy đột nhiên nổ. Tiếng máy là một liều thuốc hồi sinh làm chúng tôi sống lại. Chúng tôi mừng quá, cho ghe chạy lại tìm lưới bị cắt, nhưng nó đã trôi mất rồi. Do đó, hai chúng tôi đành quay về nhà.

Ngồi trên ghe, tôi nhìn các đợt sóng khổng lồ cuồn cuộn lao về phía chúng tôi, dâng ghe lên ngọn sóng rồi chui qua gầm ghe, và chúng tôi lại tụt xuống đáy sóng. Tôi cảm thấy tiếc của vì mất một phần ba số lưới, nhưng mừng là thoát khỏi nguy hiểm.

Trên bầu trời trong xanh, vài cánh hải âu bay lượn. Núi Lớn, Núi Nhỏ dường như đang bập bềnh trên sóng. Nếu không có sự nguy hiểm đang rình rập quanh đấy, thì cảnh này nhìn tuyệt đẹp như một tranh vẽ. Sau cơn gian nan, tôi cảm thấy thoái mái với những cảm giác hải hồ. Tôi nghĩ: "Mình làm đủ nghề lao động chân tay; nghề nào cũng cực nhọc. Thật thương cho kẻ lao động. Nhưng trong các nghề, thì nghề này quá ư nguy hiểm. Thảo nào họ có một nếp sống rất phóng túng, không lo tương lai." Nhìn các lượng sóng vượt qua ghe, để lại vài giải bong bóng trắng toát như các mái tóc bạc của một người khổng lồ lẫn lộn trong mầu xanh biển cả, rồi tan dần trong mầu biển. Tôi tưởng tượng đó là mái tóc của hải thần. Tôi chợt nhớ tới bài hát Hoa Biển, nhưng tôi đâu thấy cái lãng mạn của loài hoa ấy. Nhạc sĩ Anh Thi đi trên tầu lớn nhìn bọt biển, nghĩ tới loài hoa, muốn hái tặng cho người yêu, còn tôi đi tên ghe nhỏ thì thấy đó là báo hiệu của tử thần.

Lúc vào đến giáp nước mũi Nghinh Phong, thuyền đụng những ngọn sóng cao như đồi, nhiều lúc che khuất cả Núi Nhỏ, lẫn Núi Lớn. Trên trời trong xanh từng đàn hải âu bay lượn, tìm mồi. Vào thêm một chút, gần gặp gành đá, thuyền đột nhiên chết máy.

Chúng tôi hết hồn; Thắng lấy chèo, còn tôi lấy dằm, cả hai cùng cố sức bơi thuyền ra khỏi vùng nước tử thần đó. Nhưng làm sao sức người chống nổi với thiên nhiên? Nếu chúng tôi đưa thuyền ra xa hơn thì chắc chắn bị sóng nhận chìm, còn đưa thuyền vào gần bờ thì chắc chắn sóng dập chúng tôi vào đá ngầm, hay vách đá dựng đứng, với hào hến bám đầy sắc như dao cạo, thì thuyền cũng chìm nốt. Hai chúng tôi đều mệt đứt hơi, nhưng không tài nào đưa con thuyền tiến tới được, nên chỉ còn cách chờ chết!!!

Đột nhiên, một chiếc xuồng máy nhỏ xuất hiện, chạy rất gần chúng tôi. Trên thuyền có hai cha con ngư phủ; người cha trên năm mươi, còn người con độ trên dưới hai mươi.

Thắng hét:

- Bác Hai! Cứu con với!

Thật ra, Thắng không biết tên người này, nhưng để tỏ sự tôn kính y gọi là bác Hai thôi.

Thấy chúng tôi bị nguy, người cha hét:

- Tèo quay ghe lại cứu người ta con!

Người con cãi lại:

- Bộ ông cũng muốn chết sao mà quay ghe lại?

Thắng thấy vậy, hét:

- Cứu chúng tôi với bác Hai!

Hai cha con người đó cãi nhau một lúc, rồi tôi thấy ghe ấy quay lại, nên khấp khởi mừng thầm.

Chiếc ghe đó vòng lại; người con quăng cho tôi một sợi dây thừng. Tôi vội vã cột vào mũi ghe để chiếc ghe kia kéo về. Chạy được một chút, thì chính chiếc ghe kéo cũng gần bị chìm vì sóng to, gió lớn mà sức mạnh của thuyền đó cũng quá yếu để làm công việc này. Người con lấy dao, chạy ra sau ghe chặt đứt dây kéo, làm thuyền tôi mất trớn, quay ngang, và một lượng sóng lớn ập vào ghe làm nước dâng lên một phần ba ghe.

Thắng và tôi vội vớ lấy mái dằm và chèo rồi hết sức chèo chống, mệt muốn lả, nhưng ghe vẫn quay cuồng trong sóng gió. Chúng tôi thấy tử thần đã lảng vảng đâu đây!

Bất ngờ, nghe tiếng máy sau lưng, quay lại chúng tôi thấy một chiếc ghe lớn hơn, đang chạy tới. Chúng tôi vẫy nón kêu cứu inh ỏi. Chiếc ghe đó quay một vòng, quăng dây và đưa chúng tôi về. Lại thêm một lần hú vía! Ghe đã qua vùng nước của từ thần, ngồi trên ghe, tôi nghĩ: "Mình đi tìm tự do cay chua quá! Từ nhỏ mình đã sống vất vả nguy hiểm. Lúc lớn cũng chẳng an lành, tù tội lung tung. Sau này, nếu mình đến được một nước tự do nào đó, mình phải viết lại cái đoạn đường chông gai cho mọi người biết, để mọi người cùng yêu tự do và lao động nhiều hơn"

 Cũng như hôm trước, và còn mất lưới nhưng chúng tôi cũng thu được, khá cá; một số cá, chúng tôi đưa vợ Thắng bán, còn một ít chúng tôi đem về nhà ăn.

Wednesday, January 16, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Khúc dốc lên hải đăng từ bờ biển lên tới trạm công an Hải Quan là một nơi đã cho tôi kỉ niệm không quên được. Đây là đoạn đường tráng nhựa cho xe lên xuống. Tại trạm công an hải quan, có một đường hẻm chưa tráng nhựa nối thẳng với khúc dốc này là hẻm Hải Đăng lên nhà tôi. Cũng tại đây đường tráng nhựa đi ngược lại tạo thành hình chữ V để lên đèn. Mời các bạn xem câu truyện ngắn: Cậu Học Trò Bình Hòa Phước rút từ quyển Hải Thần Thịnh Nộ.

 

Hơn một tháng sau khi bị chìm ghe, Thắng và tôi lại ra khơi thả lưới, và tương đối chúng tôi có một ít cá dư để ăn. Sau khi đánh cá về, tôi lại quay vào nghề thêu, nên bận rộn suốt ngày.

Một hôm trời hơi động, gió bấc thổi mạnh, nhưng chúng tôi vẫn đi lưới, với hy vọng giúp nhà thêm ít tiền và ít cá để ăn. Vượt qua vùng nước tử thần với các ngọn sóng bạc đầu cao như những quả đối, Thắng nhắm biển khơi trực chỉ.

Ra đến khơi, Thắng lái ghe chầm chậm để tôi buông lưới. Trước nhất, tôi quăng cờ hiệu đầu tiên, rồi các tấm lưới kế tiếp. Khi quăng tấm lưới cuối cùng, tôi quăng cờ hiệu chót. Xong xuôi, chúng tôi cột ghe vào cờ hiệu cuối cùng và thả ghe, lẫn lưới trôi theo dòng nước. Đó là lúc nghỉ ngơi của ngư phủ. Gió bấc thổi mạnh làm các bọt nước của các lượng sóng bạc đầu bắn lên tạo thành một lớp sương mờ trên mặt biển. Chúng tôi nhìn ngọn cờ hiệu trắng, đỏ lờ mờ trong sương bụi, lúc ẩn lúc hiện trên đọt sóng và xa hơn nữa là các ngọn núi của xã Sơn Long, nằm giưã cửa Cần Giờ cũng chập chờn trên sóng. Nhìn cảnh vật thật đẹp, mơ hồ, nhưng có nhiều đe dọa.

Sau hai giờ trôi nổi, chúng tôi bắt đầu kéo lưới. Thắng thì chèo ghe, còn tôi lo kéo lưới và bắt cá. Vì sóng gió đều mạnh làm lưới căng như một cánh buồm và ghe bị bê đi nhiều hơn, nên chúng tôi mệt lắm. Tuy nhiên, chúng tôi thích thú khi thấy lưới trắng toát vì cá trích, cá ngân và bạc má dính đầy trên đó. Tôi không còn có thể gỡ cá và kéo lưới như mọi khi, mà chỉ lo kéo lưới lên rồi bỏ vào khoang, để về bến sẽ gỡ cá ra sau.

Ngày hôm sau, tình trạng thời tiết không có gì thay đổi. Chúng tôi lại ra khơi, với hy vọng cũng sẽ thắng lợi như hôm trước. Vừa buông lưới xong, hai chúng tôi ngồi nghỉ. Tôi quay lại nhìn về hướng mặt trời đang mọc để ngắm cảnh bình minh. Mặt trời màu da cam từ từ nhấp nhô lên khỏi các ngọn sóng, phần bên dưới bị lớp bọt biển làm mờ dần, trong dẹp vô cùng. Bất ngờ qua lớp bụi trắng xóa của bọt nước, tôi thấy một chiếc tầu hàng trắng toát đang lù lù đâm thẳng về phía chúng tôi, và cách chúng tôi khoảng  hai cây số.

Tôi chỉ về hướng đó:

- Thắng coi kìa!

Hắn chồm lên lấy tay vẫy, còn tôi la hét, vẫy nón làm hiệu nhưng họ vẫn không thấy.

Thắng hét:

- Kéo lưới anh Hai!

Chúng tôi cố sức kéo lưới càng nhanh càng tốt, nhưng gió quá mạnh làm lưới căng phồng. Lúc còn khoảng gần một phần ba đường lưới, chúng tôi nghe tiếng còi tàu hụ sau lưng. Hai chúng tôi giật mình quay lại, thấy chiếc tàu hàng đó, đang lù lù tiến về chúng tôi, cách đó khoảng gần cây số. Có lẽ họ không thấy chúng tôi từ xa, nên khi nhận ra được chúng tôi thì đã quá trễ.

Chỉ còn vài phút là chiếc tàu khổng lồ đó sẽ cán nát thuyền tôi.

Thắng hét:

- Cắt lưới anh hai!

Tôi tiếc của lắm, nhưng không còn cách lựa chọn, nên đành lấy dao cắt đứt lưới, rồi cho ghe chạy thoát thân. Khi chúng tôi vừa ra khỏi, thì tàu đó cũng chạy qua, tạo ra những đợt sóng thật lớn, cộng hưởng với sóng thường làm thành những ngọn sóng vĩ đại ập lại từ hai phía.

Các ngọn sóng đó liên tiếp đập vào ghe, làm ướt cả người lẫn máy. Một điều nguy hiểm khác là nước biển bị hút vào lỗ hút khí vào buồng máy, làm máy chạy thêm được một lúc nữa thì chết. Chúng tôi lo sợ vì không còn cách vượt qua giáp nước để về bến.

Thắng nói:

- Anh Hai! Anh ráng quay máy thật mạnh thì may ra nó chạy lại được.

Tôi dùng hết sức quay cái máy nặng trình trịch đó, nhưng quay mãi, toát mồ hôi, mệt đứt hơi, mà nó vẫn không nổ. Khổ một nỗi, vì không đủ ăn làm chúng tôi đói nên càng dễ mệt hơn.

Tôi thở hổn hển:

- Bây giờ.. Thắng quay.. coi!

- Được! Anh lên giữ tay lái đi!

Hai chúng tôi thay phiên, cứ đứa này mệt thì đứa khác quay, nhưng máy vẫn ỳ ra như một cục sắt. Lúc biển động mà ghe chết máy thì thật nguy hiểm vì chúng tôi không thể chong hướng sóng. Ghe chúng tôi nghiêng ngả, sóng tiếp tục tràn vào. Cả hai chúng tôi đều quá thất vọng, tuy nhiên vẫn phải cong lưng quay máy, dù là chúng tôi vừa đói lại vừa mệt, vì đó là cách hy vọng duy nhất để sống còn. Nếu máy không nổ, chúng tôi sẽ không biết số phận sẽ ra sao?

Tuesday, January 15, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Khi mới về Vũng Tàu năm 1976, Tôi rất bận rộn với các việc làm rẫy, chuẩn bị đi làm ngư phủ. Trong khi ấy bố được dân Ô Hạ Long bầu làm ô trưởng, một công việc làm không lương lien lạc với chính quyền địa phương lo gạo thóc cùng nhu yếu phẩm cho dân trong ô nằm ven đường Hạ Long.

Từ sáng sớm, chúng tôi phải đi làm việc này cho đến trưa mới về nhà lo nấu cơm, dĩ nhiên là cơm độn. Bố tôi rất bận rộn với công việc không lương của ông, nên chẳng mấy khi ông có thì giờ nấu cơm. Ăn xong, tôi lại quay về rẫy, và tiếp tục làm cho đến lúc màn đêm buông xuống, mới gánh gốc le về nhà làm củi trong bóng đêm tối, hay may mắn dưới ánh trăng mơ mộng. Nhưng than ôi, ánh trăng đó đâu có làm tôi thoải mái.

Thật đúng là:

Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Xe ngừng lại trước chùa Ngọc Bích, chúng tôi xuồng xe vào chùa xem lại cảnh cũ. Trong khoảng thời gian 1950 thì chùa này ở một nơi xa chốn bụi trần, vì nơi đây ít người lui tới. Đến thời chúng tôi sống đi đánh cá chùa có nhiều người cư ngụ hơn và vẫn còn chút hoang sơ. Nhưng ngày này chùa ở giữa chốn đô hội đầy nhóc bụi trần. Sư bà trụ trì chùa ngày trước, sư cô Tạng đã lìa thế giới, nên bà chẳng vướng bụi dương thế.

Trong khoảng năm 1978, ông Hiền, thân sinh nhà may thiết lập mở hợp tác xã thêu đồ xuất khẩu Đoàn Kết với khoảng 100 nữ xã viên xinh như mộng. Một hôm, cụ lên nhà tôi chơi. Cụ thấy bức tranh sơn dầu Thu Vàng tôi vẽ, liền mời tôi xuống làm họa sĩ cho hợp tác xã thêu. Tôi xuống đây làm việc giữa cả trăm cô tiên xinh đẹp nhưng phải gò mình lại vì có bà xã cũng là xã viên. Tức chết đi được!!!

Thật là "Gươm lạc giữa rừng hoa", nhưng tiếc là gươm đã rỉ, cùn, gãy mà đã thế lại có chủ nữa và xem chừng người chủ cũng muốn giữ chặt cây gươm cùn, cụt này.

Vì vậy:

   Ta đây, gươm lạc giữa rừng hoa.

   Một chốn giang sơn với các bà!

   Chỉ tiếc gươm cùn treo gác bếp.

   Lại thương kiếm cụt bỏ sau nhà.

 

Một nhóm chúng tôi đi ra sau chùa lên nhà còn một nhóm khác đi theo xe qua dốc Hải Đăng để về xóm cũ. Dốc này là con đường đưa lên đỉnh đèn pha mà ta quen gọi là Haỉ Đăng. Một đặc biệt khác là hai bên đường toàn là cây hoa dây nổi tiếng chen trong cây rừng. Cây hoa dây này là cây hoa tigôn mà TTKH đã viết:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

Tôi chờ người ấy với yêu thương

 

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng

Dải đường xa vút bóng chiều phong,

Và phương trời thẳm mờ sương cát,

Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.

 

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,

Thở dài trong lúc thấy tôi vui.

Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,

Anh sợ tình ta cũng thế thôi.

 

Thuở đó nào tôi có hiểu gì,

Cánh hoa tan tác của sinh ly,

Cho nên cười đáp: mầu hoa trắng

Là chút lòng trong chẳng biến suy.

 

Đâu biết lần đi một lỡ làng

Dưới trời đau khổ chết yêu đương,

Người xa xăm quá, tôi buồn lắm

Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường.

 

Từ đấy thu rồi thu lại thu,

Lòng tôi còn giá đến bao giờ?

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

"Người ấy" cho nên vẫn hững hờ.

 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,

Mà từng thu chết, từng thu chết,

Vẫn giấu trong tâm bóng một người.

 

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết

Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ

Và đỏ như màu máu thắm phai

 

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,

Một mùa thu cũ rất xa xôi.

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

 

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,

Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu...

Gió về lạnh lẽo chân mây vắng.

Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

 

Nếu biết rằng tôi đã có chồng,

Trời ơi, người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

 TTHK

 

Tuy nhiên, nếu yêu thật thì bài thơ trên có giá trị vô cùng. Và đúng như câu ta thường nói:

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

Tình đen thui khi ở với nhau.”

Khi hai kẻ lấy nhau rồi thì nhiều khi phải đồi vài câu thành:

Thằng ấy thường hay túm tốc tôi.

Chửi thề khi thấy lúc tôi vui.

Hét rằng tao đánh mặt mi vỡ.

Tao nói tình ta cũng thế thôi.”

Monday, January 14, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm

Với cảm hứng ấy, tôi làm bài thơ:

Hạ Long, Vũng Tầu

 

Quanh co bờ biển buồn tênh.

Gió hiu hắt thổi; nắng chênh chếch sầu.

Xa khơi một cánh buồm nâu.

Mênh mông mặt nước biết đâu quê nhà?

Xin mây đừng nhuộm nắng tà.

Xin cây đừng khóc khiến ta phải buồn.

Quê nhà có nắng chiều buông?

Có mây nhuộm nắng; cây buồn khóc than?

Mong em, con được an toàn.

Anh về đem mẹ con nàng đến đây.

Để rồi nối lại những ngày

Mà mình xa cách, mà đày gian truân.

 

Bài thơ dịch sang anh Văn:

 

HA LONG STREET

 

Curvy seashore line is so gloomy

The sea breeze is blowing; sunray is melancholy.

A brown sail is at the high sea.

Over immense water surface, I can't recognize my lover's country.

Sunray please don't dye the cloud.

Trees, please don't cry, that makes me down.

At your village, the sun is setting, do you see?

Does the sunray dye clouds brown; do trees cry sorrowfully?

I wish you and our son in safety.

I will take both of you here with me.

We then continue our life,

That we had suffered separation and misery.

Friday, January 11, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Sáng hôm sau, chúng tôi kéo nhau về thăm ngôi nhà cũ, nơi vợ chồng con cái chúng tôi đã ở trong thời gian 1976 đến 1981. Đây là khoảng thời gian bi thương nhất của vợ chồng tôi. Mỗi ngày chúng tôi chỉ hy vọng kiếm ra được 1 lon gạo để độn khoa mì (sắn) do tôi trồng, cho vợ chồng con cái sống qua ngày, nhưng ngày hôm sau thì sao? Tuy nhiên, ngôi nhà tôi ở thì khá đẹp với cầu thang lên nhà uốn cong và nhà nhìn ra vịnh Cần Giờ. Ngôi nhà này là tiền mẹ tôi dạy học ở Ziên Hồng và tiền tôi dạy tư các lớp toán lý hóa Đồng Tiến.

Xe rời khách sạn chạy trên đường Hạ Long để về ngôi nhà cũ ấy trên hẻm Hải Đăng. Đường Hạ Long bây giờ rộng thêng thang như một đại lộ, đèn đường rất tân kì đẹp đẽ, chẳng bù cho lúc chúng tôi còn ở nơi đây. Lúc ấy đường nhỏ đủ cho hai xe tránh nhau một cách rất cẩn thận. Đường này được làm từ thời Pháp thuộc và ven biển có các lô cốt xây đá và đã sập xuống sau thời gian và mưa gió.

Bên ngoài biển toàn là đá chất chồng cùng với các vỏ hào sắc như dao cạo.

Khi dự dịnh tổ chức vượt biên, tôi đã xuống đây vần các cục đá to như cái thúng để làm đường cho kẻ ra đi. Thời gian này không có gang tay, nên hai bàn tay tôi bị vỏ hào cắt đứt tan nát. Đã thế bị nước biển ngấm vào làm nhức, sót vô cùng. Nay đứng trên bờ êm ả nghĩ lại mà còn ớn lạnh.

Xe chạy trên đường Hạ Long to lớn uốn quanh bở biển. Trước kia, đường này hẹp quanh co, ít người qua lại, nên rất buồn.
Qua bãi Dứa, nơi các ngôi biệt thư của cựu Tổng Thống Thiệu, Tổng Trưởng Phạm Kim Ngọc…tôi không còn thấy dấu vết mà thay vào đó là các khách sạn to lớn, bề thế. Đây cũng đã từng ghi các kỉ niệm u buồn cho chúng tôi. Năm 1979, tôi đã bị công an Bãi Dứa bắt vì tôi tổ chức vựơt biên rồi đem đi tù ở Bình Ba. Câu truyện đã làm vợ tôi hết nước mắt.
Một lúc sau, xe qua vùng lô cốt sập thì không thấy lô cốt ấy nữa. Cái lô cốt chẳng mấy đẹp ngoài hình dáng vì các bờ tường đổ nát, cỏ hoang lan tràn, nhưng nó quá đẹp trong lòng tôi vì một kỷ niệm.
Sau khi được trả tự do từ trại hoc tập Bến Tre năm 1976, tôi về đây để mong tìm cách đưa gia đình vượt biên.
Việc đầu tiên của tôi ở đây là phải làm cho công an khu vực tin tưởng là một công dân tốt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Muốn thực hiện điều đó, tôi hàng ngày cùng Phương, một cựu hạ sĩ quan trường truyền tin, gần nhà tôi, lấy vỏ xe cũ chất quanh bụi le rồi đốt. Le là một loài tre đặc biệt ở Núi Lớn và Núi Nhỏ, Vũng Tầu. Thân le trung bình bằng ngón chân cái, cao độ 4 thước, thân không có gai. Năng le ăn rất ngon, và dễ kiếm, vì le mọc nhan nhản ở cả hai núi. Khi bụi le chết, chúng tôi lấy xà beng lớn bằng cườm tay, dài hơn 1 thước, nậy gốc các bụi le lên, lấy đất trồng hoa mầu. Nhiều bụi le, gốc lan rộng như vài cái chiếu, nên việc này không dễ ăn. Thời gian này, chúng tôi không tìm đâu ra găng tay, nên bàn tay chúng tôi phòng lên, rướm máu sau hơn một tuần làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục công việc đó, trong nhiều tháng trời để làm được một miếng rẫy.
Phương lấy cô Châu, con gái của ông chủ nhà thuốc tây Hoàng Mộng Giác, ông bà này đã đi ngoại quốc từ 1975. Hai vợ chồng Phương sống ở một ngôi biệt thự nhỏ cạnh một khách sạn trung bình trên đường Hạ Long. Khách sạn này cũng là tài sản của ông bà chủ nhà thuốc tây, và đã bị CS tịch thu. Ngay trước khách sạn là một quán bán nước đã bỏ trống. Quán này cũng là tài sản của gia đình Châu.
Cuộc sống nơi đây thật là buồn tẻ. Sau một ngày lao động vất vả, tối đến trở về nhà ăn cơm chiều với nước mắm cá khô, tôi lủi thủi một mình lên sân thượng, vì bố hay đi công tác liên lạc với bà con lối xóm. Mình tôi nhìn về phía cửa sông Cần Giờ, mà tưởng tượng hình bóng thân yêu của vợ con ở tận chân trời xa thẳm. Hình ảnh Điệp ôm cu Hi, ru ngủ, bên ngọn đèn dầu, hiện lên trong trí tôi, làm tôi nhớ nhung vợ con vô hạn. Trong khi đó các hồi chuông rền rĩ của các ngôi chùa ở chân núi văng vẳng vang lên, đánh tan cái tĩnh mịch của đêm tối, làm tôi cảm thấy buồn hơn.
Một buổi chiều hôm đó vợ chồng Châu, Phương mời bố con tôi xuống nhà họ ăn bữa cơm chiều với canh chua cá chình, một loài cá như lươn biển, nhiều xương, trước 75 chẳng ai ăn, mà chỉ dùng làm phân bón cây. Loài cá này khi bị nguy chúng sẽ phản công bằng cách cắn, và cắn đau như chó, nên các ngư phủ rất sợ khi phải tiếp xúc với chúng.
Bố tôi xuống đó trước, còn tôi tắm táp xong thủng thẳng xuống sau. Khi qua khỏi chùa Ngọc Bích, thấy trời còn sớm, nên tôi tản bộ trên con đường Hạ Long ra phía Lò Heo ngắm cảnh hoàng hôn.
Vừa đi tôi vừa thầm nghĩ: "Mình lại nhà người ta cả vợ chồng con cái để chia vui cùng họ, trong khi bản thân mình thì lẻ loi, đơn chiếc. Chẳng biết khi nào sẽ đem được vợ con về đây?" Hình ảnh Điệp và cu Hi chợt hiện lên trong óc tôi một cách sống động. Tôi cố đè nén xúc cảm nội tâm cùng những giọt nước mắt sẵn sàng trào ra.
Ra đến một lô cốt sập, tôi ngồi xuống một gộp đá nhìn trời nước mung lung, thấy bờ biển quanh co, buồn tênh, chẳng một bóng người, trong gió chiều nhè nhẹ thổi, cây rừng sào xạc, một cánh buồm lẻ loi ngoài khơi nổi bật lên trên những đám mây vàng hồng của buổi hoàng hôn.

Thursday, January 10, 2013

Cám ơn,


Cám ơn những lời chia buồn của tất cả các bạn và các em từ 4 phương trời.

Trong tang lễ thân mẫu chúng tôi bà Đinh Thị Việt Liên, Cựu Giáo Sư Anh văn Dziên Hồng, hưởng thọ 96 tuổi, gia đình chúng tôi nhận được vòng hoa cùng 100 phần cơm chay, cà phê sữa lạnh của các thầy, cô cùng cựu học sinh Chợ Lách. Mặc dù chúng tôi đã thông báo không nhận vòng hoa và phúng điếu. Tấm lòng chân thành và sốt sắng của các bạn và các em làm chúng tôi vô cùng cảm động.

Tôi được biết các bạn (theo mẫu tự): ông bà Đào Hữu Ngạn, bà Trần Mai Huỳnh (quả phụ của GS Vũ Đỗ Hải) và bà Trần Phương Lan  cùng các em: vợ chồng Chích Chị- Huỳnh Luận, vợ chồng Đào Hữu Lộc –Đỗ Thị Tiệp, vợ chồng Đào Hữu Ngọc Lợi- Trần thị Hường và Phạm Thị Pha đã đóng góp. Tuy nhiên, tất cả các vị đóng góp ở rất xa, không thể đem lại nhà quàn. Một bạn quê ờ Bình Hòa Phước- Chợ Lách mới quen tôi đã bỏ công liên tiếp hai ngày đem lại Oak Hill Funeral & Memorial Park- San Jose vòng hoa và những món ăn trên. Người ấy là cô Nguyễn Thị Lượm (Út Lượm). Cô Lượm đã lại thăm chia buồn với chúng tôi tổng cộng 5 lần, trong hai ngày 29 và 30 tháng 12-2012.

Chân thành cám ơn các bạn và các em.

Một câu hỏi

 
Tôi có một câu hỏi cho bạn đọc.
Nếu vị nào biết xin email về vhkt.3563@gmail.com.
Trước đây, tôi muốn đăng hình lên blog thì vào icon hình mầu xanh. Bấm vào đó thì sẽ xuất hiện một bảng mà trên cùng có khung browse.
Tôi bấm vào browse sẽ thấy khung cho chọn hình ở subdirectory nào. Sau tết dương lịch 2013. Khung browse đột nhiên biến mất, tuy là hàng tháng tôi phải đóng tiền để có một chỗ chứa 25 GB trên mạng.
Cám ơn bạn đọc.

Tuesday, January 8, 2013


Sáng hôm sau, chúng tôi kéo nhau về thăm ngôi nhà cũ, nơi vợ chồng con cái chúng tôi đã ở trong thời gian 1976 đến 1981. Đây là khoảng thời gian bi thương nhất của vợ chồng tôi. Mỗi ngày chúng tôi chỉ hy vọng kiếm ra được 1 lon gạo để độn khoa mì (sắn) do tôi trồng, cho vợ chồng con cái sống qua ngày, nhưng ngày hôm sau thì sao? Tuy nhiên, ngôi nhà tôi ở thì khá đẹp với cầu thang lên nhà uốn cong và nhà nhìn ra vịnh Cần Giờ. Ngôi nhà này là tiền mẹ tôi dạy học ở Ziên Hồng và tiền tôi dạy tư các lớp toán lý hóa Đồng Tiến.

Xe rời khách sạn chạy trên đường Hạ Long để về ngôi nhà cũ ấy trên hẻm Hải Đăng. Đường Hạ Long bây giờ rộng thêng thang như một đại lộ, đèn đường rất tân kì đẹp đẽ, chẳng bù cho lúc chúng tôi còn ở nơi đây. Lúc ấy đường nhỏ đủ cho hai xe tránh nhau một cách rất cẩn thận. Đường này được làm từ thời Pháp thuộc và ven biển có các lô cốt xây đá và đã sập xuống sau thời gian và mưa gió.

Bên ngoài biển toàn là đá chất chồng cùng với các vỏ hào sắc như dao cạo.

Khi dự dịnh tổ chức vượt biên, tôi đã xuống đây vần các cục đá to như cái thúng để làm đường cho kẻ ra đi. Thời gian này không có gang tay, nên hai bàn tay tôi bị vỏ hào cắt đứt tan nát. Đã thế bị nước biển ngấm vào làm nhức, sót vô cùng. Nay đứng trên bờ em ả nghĩ lại mà còn ớn lạnh.

Xe chạy trên đường Hạ Long to lớn uốn quanh bở biển. Trước kia, đường này hẹp quanh co, ít người qua lại, nên rất buồn.

Qua bãi Dứa, nơi các ngôi biệt thư của cựu Tổng Thống Thiệu, Tổng Trưởng Phạm Kim Ngọc…tôi không còn thấy dấu vết mà thay vào đó là các khách sạn to lớn, bề thế. Đây cũng đã từng ghi các kỉ niệm u buồn cho chúng tôi. Năm 1979, tôi đã bị công an Bãi Dứa bắt vì tôi tổ chức vựơt biên rồi đem đi tù ở Bình Ba. Câu truyện đã làm vợ tôi hết nước mắt.

Một lúc sau, xe qua vùng lô cốt sập thì không thấy lô cốt ấy nữa. Cái lô cốt chẳng mấy đẹp ngoài hình dáng vì các bờ tường đổ nát, cỏ hoang lan tran, nhưng nó quá đẹp trong lòng tôi.

Sau khi được trả tự do từ trại hoc tập Bến Tre năm 1976, tôi về đây để mong tìm cách đưa gia đình vượt biên.

Việc đầu tiên của tôi ở đây là phải làm cho công an khu vực tin tưởng là một công dân tốt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Muốn thực hiện điều đó, tôi hàng ngày cùng Phương, một cựu hạ sĩ quan trường truyền tin, gần nhà tôi, lấy vỏ xe cũ chất quanh bụi le rồi đốt. Le là một loài tre đặc biệt ở Núi Lớn và Núi Nhỏ, Vũng Tầu. Thân le trung bình bằng ngón chân cái, cao độ 4 thước, thân không có gai. Năng le ăn rất ngon, và dễ kiếm, vì le mọc nhan nhản ở cả hai núi. Khi bụi le chết, chúng tôi lấy xà beng lớn bằng cườm tay, dài hơn 1 thước, nậy gốc các bụi le lên, lấy đất trồng hoa mầu. Nhiều bụi le, gốc lan rộng như vài cái chiếu, nên việc này không dễ ăn. Thời gian này, chúng tôi không tìm đâu ra găng tay, nên bàn tay chúng tôi phòng lên, rướm máu sau hơn một tuần làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục công việc đó, trong nhiều tháng trời để làm được một miếng rẫy.

Phương lấy cô Châu, con gái của ông chủ nhà thuốc tây Hoàng Mộng Giác, ông bà này đã đi ngoại quốc từ 1975. Hai vợ chồng Phương sống ở một ngôi biệt thự nhỏ cạnh một khách sạn trung bình trên đường Hạ Long. Khách sạn này cũng là tài sản của ông bà chủ nhà thuốc tây, và đã bị CS tịch thu. Ngay trước khách sạn là một quán bán nước đã bỏ trống. Quán này cũng là tài sản của gia đình Châu.

Cuộc sống nơi đây thật là buồn tẻ. Sau một ngày lao động vất vả, tối đến trở về nhà ăn cơm chiều với nước mắm cá khô, tôi lủi thủi một mình lên sân thượng, vì bố hay đi công tác liên lạc với bà con lối xóm. Mình tôi nhìn về phía cửa sông Cần Giờ, mà tưởng tượng hình bóng thân yêu của vợ con ở tận chân trời xa thẳm. Hình ảnh Điệp ôm cu Hi, ru ngủ, bên ngọn đèn dầu, hiện lên trong trí tôi, làm tôi nhớ nhung vợ con vô hạn. Trong khi đó các hồi chuông rền rĩ của các ngôi chùa ở chân núi văng vẳng vang lên, đánh tan cái tĩnh mịch của đêm tối, làm tôi cảm thấy buồn hơn.

Một buổi chiều hôm đó vợ chồng Châu, Phương mời bố con tôi xuống nhà họ ăn bữa cơm chiều với canh chua cá chình, một loài cá như lươn biển, nhiều xương, trước 75 chẳng ai ăn, mà chỉ dùng làm phân bón cây. Loài cá này khi bị nguy chúng sẽ phản công bằng cách cắn, và cắn đau như chó, nên các ngư phủ rất sợ khi phải tiếp xúc với chúng.

Bố tôi xuống đó trước, còn tôi tắm táp xong thủng thẳng xuống sau. Khi qua khỏi chùa Ngọc Bích, thấy trời còn sớm, nên tôi tản bộ trên con đường Hạ Long ra phía Lò Heo ngắm cảnh hoàng hôn.

Vừa đi tôi vừa thầm nghĩ: "Mình lại nhà người ta cả vợ chồng con cái để chia vui cùng họ, trong khi bản thân mình thì lẻ loi, đơn chiếc. Chẳng biết khi nào sẽ đem được vợ con về đây?" Hình ảnh Điệp và cu Hi chợt hiện lên trong óc tôi một cách sống động. Tôi cố đè nén xúc cảm nội tâm cùng những giọt nước mắt sẵn sàng trào ra.

Ra đến một lô cốt sập, tôi ngồi xuống một gộp đá nhìn trời nước mung lung, thấy bờ biển quanh co, buồn tênh, chẳng một bóng người, trong gió chiều nhè nhẹ thổi, cây rừng sào xạc, một cánh buồm lẻ loi ngoài khơi nổi bật lên trên những đám mây vàng hồng của buổi hoàng hôn.