Tuesday, January 8, 2013


Sáng hôm sau, chúng tôi kéo nhau về thăm ngôi nhà cũ, nơi vợ chồng con cái chúng tôi đã ở trong thời gian 1976 đến 1981. Đây là khoảng thời gian bi thương nhất của vợ chồng tôi. Mỗi ngày chúng tôi chỉ hy vọng kiếm ra được 1 lon gạo để độn khoa mì (sắn) do tôi trồng, cho vợ chồng con cái sống qua ngày, nhưng ngày hôm sau thì sao? Tuy nhiên, ngôi nhà tôi ở thì khá đẹp với cầu thang lên nhà uốn cong và nhà nhìn ra vịnh Cần Giờ. Ngôi nhà này là tiền mẹ tôi dạy học ở Ziên Hồng và tiền tôi dạy tư các lớp toán lý hóa Đồng Tiến.

Xe rời khách sạn chạy trên đường Hạ Long để về ngôi nhà cũ ấy trên hẻm Hải Đăng. Đường Hạ Long bây giờ rộng thêng thang như một đại lộ, đèn đường rất tân kì đẹp đẽ, chẳng bù cho lúc chúng tôi còn ở nơi đây. Lúc ấy đường nhỏ đủ cho hai xe tránh nhau một cách rất cẩn thận. Đường này được làm từ thời Pháp thuộc và ven biển có các lô cốt xây đá và đã sập xuống sau thời gian và mưa gió.

Bên ngoài biển toàn là đá chất chồng cùng với các vỏ hào sắc như dao cạo.

Khi dự dịnh tổ chức vượt biên, tôi đã xuống đây vần các cục đá to như cái thúng để làm đường cho kẻ ra đi. Thời gian này không có gang tay, nên hai bàn tay tôi bị vỏ hào cắt đứt tan nát. Đã thế bị nước biển ngấm vào làm nhức, sót vô cùng. Nay đứng trên bờ em ả nghĩ lại mà còn ớn lạnh.

Xe chạy trên đường Hạ Long to lớn uốn quanh bở biển. Trước kia, đường này hẹp quanh co, ít người qua lại, nên rất buồn.

Qua bãi Dứa, nơi các ngôi biệt thư của cựu Tổng Thống Thiệu, Tổng Trưởng Phạm Kim Ngọc…tôi không còn thấy dấu vết mà thay vào đó là các khách sạn to lớn, bề thế. Đây cũng đã từng ghi các kỉ niệm u buồn cho chúng tôi. Năm 1979, tôi đã bị công an Bãi Dứa bắt vì tôi tổ chức vựơt biên rồi đem đi tù ở Bình Ba. Câu truyện đã làm vợ tôi hết nước mắt.

Một lúc sau, xe qua vùng lô cốt sập thì không thấy lô cốt ấy nữa. Cái lô cốt chẳng mấy đẹp ngoài hình dáng vì các bờ tường đổ nát, cỏ hoang lan tran, nhưng nó quá đẹp trong lòng tôi.

Sau khi được trả tự do từ trại hoc tập Bến Tre năm 1976, tôi về đây để mong tìm cách đưa gia đình vượt biên.

Việc đầu tiên của tôi ở đây là phải làm cho công an khu vực tin tưởng là một công dân tốt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Muốn thực hiện điều đó, tôi hàng ngày cùng Phương, một cựu hạ sĩ quan trường truyền tin, gần nhà tôi, lấy vỏ xe cũ chất quanh bụi le rồi đốt. Le là một loài tre đặc biệt ở Núi Lớn và Núi Nhỏ, Vũng Tầu. Thân le trung bình bằng ngón chân cái, cao độ 4 thước, thân không có gai. Năng le ăn rất ngon, và dễ kiếm, vì le mọc nhan nhản ở cả hai núi. Khi bụi le chết, chúng tôi lấy xà beng lớn bằng cườm tay, dài hơn 1 thước, nậy gốc các bụi le lên, lấy đất trồng hoa mầu. Nhiều bụi le, gốc lan rộng như vài cái chiếu, nên việc này không dễ ăn. Thời gian này, chúng tôi không tìm đâu ra găng tay, nên bàn tay chúng tôi phòng lên, rướm máu sau hơn một tuần làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục công việc đó, trong nhiều tháng trời để làm được một miếng rẫy.

Phương lấy cô Châu, con gái của ông chủ nhà thuốc tây Hoàng Mộng Giác, ông bà này đã đi ngoại quốc từ 1975. Hai vợ chồng Phương sống ở một ngôi biệt thự nhỏ cạnh một khách sạn trung bình trên đường Hạ Long. Khách sạn này cũng là tài sản của ông bà chủ nhà thuốc tây, và đã bị CS tịch thu. Ngay trước khách sạn là một quán bán nước đã bỏ trống. Quán này cũng là tài sản của gia đình Châu.

Cuộc sống nơi đây thật là buồn tẻ. Sau một ngày lao động vất vả, tối đến trở về nhà ăn cơm chiều với nước mắm cá khô, tôi lủi thủi một mình lên sân thượng, vì bố hay đi công tác liên lạc với bà con lối xóm. Mình tôi nhìn về phía cửa sông Cần Giờ, mà tưởng tượng hình bóng thân yêu của vợ con ở tận chân trời xa thẳm. Hình ảnh Điệp ôm cu Hi, ru ngủ, bên ngọn đèn dầu, hiện lên trong trí tôi, làm tôi nhớ nhung vợ con vô hạn. Trong khi đó các hồi chuông rền rĩ của các ngôi chùa ở chân núi văng vẳng vang lên, đánh tan cái tĩnh mịch của đêm tối, làm tôi cảm thấy buồn hơn.

Một buổi chiều hôm đó vợ chồng Châu, Phương mời bố con tôi xuống nhà họ ăn bữa cơm chiều với canh chua cá chình, một loài cá như lươn biển, nhiều xương, trước 75 chẳng ai ăn, mà chỉ dùng làm phân bón cây. Loài cá này khi bị nguy chúng sẽ phản công bằng cách cắn, và cắn đau như chó, nên các ngư phủ rất sợ khi phải tiếp xúc với chúng.

Bố tôi xuống đó trước, còn tôi tắm táp xong thủng thẳng xuống sau. Khi qua khỏi chùa Ngọc Bích, thấy trời còn sớm, nên tôi tản bộ trên con đường Hạ Long ra phía Lò Heo ngắm cảnh hoàng hôn.

Vừa đi tôi vừa thầm nghĩ: "Mình lại nhà người ta cả vợ chồng con cái để chia vui cùng họ, trong khi bản thân mình thì lẻ loi, đơn chiếc. Chẳng biết khi nào sẽ đem được vợ con về đây?" Hình ảnh Điệp và cu Hi chợt hiện lên trong óc tôi một cách sống động. Tôi cố đè nén xúc cảm nội tâm cùng những giọt nước mắt sẵn sàng trào ra.

Ra đến một lô cốt sập, tôi ngồi xuống một gộp đá nhìn trời nước mung lung, thấy bờ biển quanh co, buồn tênh, chẳng một bóng người, trong gió chiều nhè nhẹ thổi, cây rừng sào xạc, một cánh buồm lẻ loi ngoài khơi nổi bật lên trên những đám mây vàng hồng của buổi hoàng hôn.

No comments:

Post a Comment