Friday, January 25, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Nay nhắc lại chuyện đi đánh cá tỵ nữa chết chìm ở giáp nước. Sau khi gửi cá ra bán ở chợ. Tôi đem một mớ cá ngân và bạc má đem về nhà ăn.

 
Tôi mệt mỏi, buồn nản xách giỏ cá lỉnh đỉnh lên dốc Hải Đăng để về nhà. Đang đi nửa chừng dốc, tôi nghe tiếng quen thuộc ở đường Hải Đăng vọng xuống:

- Thôi tụi mình rẽ vào dốc, đi đường tắt cho lẹ bay!

Vì khúc đường như chữ V, nhóm người đó ở cao độ hơn chỗ tôi và cách tôi chỉ độ bẩy tám thước, nhưng cây rừng che khuất, nên tôi không biết là ai. Tiếng chân người chạy thình thịch, qua dốc tắt rồi một nhóm thanh niên, quần áo bảnh bao, xuất hiện, và tôi nhận ra được một trong mấy cậu đó là Phạm Hoàn Vũ, một nam học sinh ở Chợ Lách.

 

DỐC HẢI ĐĂNG

(CHÍNH GIỮA LÀ TRẠM ĐIỀN KHIỂN LƯU THÔNG CŨ, BÊN PHẢI LÀ MỘT KHÁCH SẠN ĐANG XÂY NỬA CHỪNG, BÊN TRÁI VÀ TRÊN CAO LÀ TRẠM CÔNG AN HẢI QUAN.)

Vũ có quê là xã Bình Hòa Phước, một xã giàu có nhất Chợ Lách ngày trước 75. Nay xã còn trực thuộc Vĩnh Long, nhưng Chợ Lách lại thuộc về Bến Tre.

Lúc tôi còn dạy lớp 11, 12 ở đó, thì Vũ mới học lớp 10, chưa phải là học sinh của tôi, nhưng cậu trọ ở một nhà gần nhà bà Tư Cù, cùng với  nhóm Mỹ Hoa, Mỹ Linh, Thủy, Tím, Khen. Các cô này mới là học sinh chính thức của tôi. Cậu này cũng như rất nhiều học sinh khác thường sang chơi với tôi và hỏi bài vở. Vũ là em của Thủy, có nước da trắng như con gái, tính tình dễ thương, hiền lành. Bây giờ, Vũ đã là một thanh niên ngoài 20 tuổi.

Tôi nhìn thẳng vào hắn, để coi hắn có nhận ra tôi không? Nhưng Vũ không nhận ra được, vì tôi đi chân không, quần áo rách rưới, đầu đội nón mê, tay xách giỏ cá. Tôi cũng không gọi tên y là vì chẳng biết y, còn muốn nhận một tên như ăn mày làm thầy hay không?

Một cậu bạn Vũ nói:

- Ê! Tụi bay! Coi chú ngư phủ xách giỏ cá kìa!

Vũ nói:

- Lại coi chú câu được mấy con?

Cả đám chạy lại vây quanh tôi. Tôi ngừng lại cho các cậu nhìn cá.

Một cậu khác hỏi:

- Chú! Chú cho chúng cháu coi cá được không?

Tôi bình thản trả lời:

- Được chứ!

Tôi vạch giỏ cá cho các cậu xem.

Vũ có lẽ nghe giọng quen, ngước mắt nhìn lẹ vào mặt tôi một cái, rồi lại nhìn vào giỏ cá, nhưng trên khóe mắt em có một sự suy tư.

Vũ hỏi:

- Chú có bán cá này không chú?

Tôi trả lời:

- Cá bán thì đem ra chợ rồi, cá này tôi đem về ăn, nhưng nếu cậu thích thì tôi cho một nửa.

Vũ nhíu mày, ngước lên nhìn tôi trân trối, rồi mồm từ từ há ra mà nói không được. Thái độ của hắn làm mấy người bạn quay sang nhìn tôi, rồi nhìn Vũ.

Đột nhiên, mắt Vũ đỏ ngầu, rồi nước mắt trào ra như mưa. Vũ không nói được vì quá xúc động. Riêng tôi, tôi đứng yên đè nén xúc cảm. Thời gian lặng lẽ trôi qua, Vũ giọng run run:

- Thầy...! Thầy! Làm sao.. Thầy ra nông nỗi này Thầy?

Mọi người cùng chết trân, đứng nhìn chúng tôi.

Vũ hai tay nắm lấy tôi, nước mắt lăn trên gò má, nói tiếp:

- Thầy! Tội.... Thầy quá! Tụi..tụi em nhớ..Thầy lắm.

Tôi xúc động dữ dội, cố sức kìm nước mắt, nhưng không nổi:

- Thầy..Thầy đi.. đánh cá thôi mà.

Tất cả mọi người đều yên lặng và cùng ứa nước mắt. Vũ và tôi không còn đủ can đảm để nói, vì nói chúng tôi sẽ bật tiếng khóc.

Vài phút trôi qua, Vũ bình tĩnh hơn, quay sang các bạn nói:

- Thầy.. tao đó tụi mày. Học trò trong trường ai cũng.. thương ổng, nhưng bây giờ ổng...nhìn thân tàn ma dại, đâu còn là một ông thầy của ngày xưa.

Mấy cậu thấy vậy, cùng cúi đầu chào:

- Thầy!

Tôi xúc động:

- Chào… các em.

Thái độ của Vũ đã làm các bạn em nhìn tôi với đôi mắt thân mến xen trong sự kính trọng.

Vũ gạt nước mắt, quay sang tôi hỏi:

- Thầy… đi đâu… vậy?

- Thầy về nhà. Nhà Thầy đi thẳng… đây vào hẻm …Hải Đăng đó. Em …em làm gì mà lại …ra Vũng Tầu này?

- Em ra …học khóa Thanh Tra đèn biển Thầy.

Thanh tra đèn biển là ngành phải điều khiển các tầu nhỏ, đi tuần tra ven duyên, khám xét các đèn hiệu được neo trên biển. Nếu cần thì phải tu bổ, sửa chữa. Những người muốn được theo học ngành này trước tiên phải là con nhà cách mạng trung kiên có lý lịch thật tốt. Nếu không thì họ lại dùng tàu bè trong tay vượt biên mất. Nhưng thái độ của Vũ, cùng các bạn em cho tôi thấy tình thương không phân biệt màu sắc chính trị.

Tôi hỏi:

- Các em đi đâu vậy?

Mấy cậu bạn Vũ nói:

- Tụi em đi uống cà phê. Mời Thầy xuống uống cà phê với tụi em.

Vũ túm tay tôi:

- Đi Thầy.

Tôi lắc đầu:

- Không! Thầy….. .

Mấy cậu bạn Vũ đọc được thâm ý tôi nên cùng nói:

- Thầy đừng ngại.

Một cậu thêm vào:

- Thầy là thầy của Vũ cũng là thầy tụi em. Tụi em mến trọng Thầy vì tư cách chứ đâu phải là bộ quần áo.

Tôi theo các em xuống cửa hàng ăn uống quốc doanh bãi trước, nơi đây tôi, một đôi khi, cũng vào uống một ly cà phê, khi có thì giờ, cùng vài người bạn ngư phủ.

Các cậu kéo ghế, ai nấy đều vui vẻ mời tôi:

- Thầy ngồi đây Thầy!

- Không! Thầy ngồi đây mới được

Vũ nói:

- Vừa vừa thôi chứ tụi mày. Không phải để Thầy ngồi gần tao bay!

Có lẽ cách cư xử, cùng thái độ của Vũ đối với tôi làm các em cùng cảm động, và có hảo cảm với anh chàng ngư phủ mới biết đó.

Bây giờ, đến phiên mấy cô chiêu đãi viên của cửa hàng. Từ trước đến giờ, các cô chỉ biết tôi là một ngư phủ nghèo nàn. Hôm nay, các cô ngạc nhiên, khi thấy mấy cậu thanh niên, mặt mày sáng sủa, quần áo chỉnh tề, săn đón thằng cha ngư phủ quần lem áo vá, đi chân không, mà còn gọi hắn bằng thầy một cách thân mến chen trong sự kính trọng. Cái thái độ của mấy cậu làm các cô cũng đứng sững nhìn tôi dưới đôi mắt khác hơn.

Khi cà phê đem ra, cô chiêu đãi đưa cà phê cho mọi người.

Khi đến chỗ tôi, cô đặt ly cà phê xong nói:

- Mời Thầy uống cà phê.

Từ ngày đó, lúc có thì giờ nhàn rỗi tất cả mấy em thường xuống nhà tôi chơi với vợ chồng tôi, còn mấy cô chiêu đãi thì gọi tôi bằng thầy mỗi khi tôi vào quán cà phê uống. Thì ra chữ "thầy" đây không phải để chỉ cho một người thực sự dạy học các em, dù là mất dạy, mà đó là một danh từ chỉ cho một sự mến chuộng.

No comments:

Post a Comment