Tuesday, June 4, 2013

Đại Việt Thắng Nguyên Mông? Bài 9


CHƯƠNG 02 (tiếp theo)

 
IV/ Tình báo-Chiến thuật.

Khi nói về chiến thuật thì thiên hình vạn dạng, tuy nhiên ở đây ta chỉ nêu lên vài chiến thuật thông thường mà Mông Cổ hay áp dụng.

A. Tình báo:

Trước khi đánh một địa điểm nào tướng Mông Cổ thường cho các tình báo viên hoạt động rất lâu, điều ra rất kỹ từ địa dư, thời tiết, dân tình, lính tráng của xứ đó. Mông Cổ đã triệt để khai thác các lái buôn trên con đường “Tơ Lụa”, nối liền từ Trung Quốc đến La Mã. Họ biết từ một thành phố này đến thành phố kia có bao nhiêu ốc đảo, để có đủ nước cho đàn ngựa khổng lồ của họ. Các gián điệp của Mông Cổ thường là các lái buôn, nhà ngoại giao trong các sứ đoàn. Các lái buôn phần nhiều là các người Hồi giáo đã đầu phục họ. Cái nguy hiểm là các nước nhiều khi lại nghĩ người tây vực không liên hệ đến quân Mông Cổ, nên không để ý đến đám người này.

Ta không ngạc nhiên các đại hãn, các hãn Mông Cổ thường cử các sứ đoàn đến các nước. Việc đầu tiên của các sứ giả là bắt nhà cầm quyền của nước đó triều cống, đồng thời dò xét tình hình quân đội nước ấy. Câu chuyện gián điệp kiểu này thì hầu như nước nào cũng vậy. Đến ngày nay, nhiều khi một nhân viên trong tòa đại sứ của một nước cũng bị nhà cầm quyền yêu cầu rời khỏi quốc gia trong 24 giờ là vì lý do ấy. Những lái buôn thì đi sâu vào quần chúng thu lượm tình hình dân sự, tìm hiểu địa thế, phong thổ rồi vẽ bản đồ. Thí dụ điển hình là trước khi đánh các nước đông Âu Châu, Batu và Subutai đã cho gián điệp của họ vào các nước này từ 10 năm trước. Chính bản thân hai người ấy đã dẫn quân lính đi trinh sát, càn quét các vùng thôn quê lấy tin tức tình báo 2 năm. Khi họ thấy đầy đủ tài liệu rồi mới mở đợt tấn công quân sự.

Theo quyển “The Mongol Empire” thì thường một đạo quân trinh sát có thể đi trước đại quân một khoảng đường thật xa đến 70 miles (114 km).

B- Chiến thuật.

Mông Cổ thường dùng tâm lý chiến thuật trước khi dùng vũ lực để đánh đối phương.

1. Chiến thuật tâm lý:

Cũng như hầu hết các nước lớn khi xâm lăng nước nhỏ, trước khi tấn công quân sự, Mông Cổ thường dụ dỗ nước đối nghịch phải đầu hàng, nếu không họ tàn sát thẳng tay. Đại Việt cũng đã nếm mùi bài học này. Có khi họ lại dở trò liên kết trước, tiêu diệt sau đó là trường hợp của Tây Hạ, Cuman.

Theo tác giả John S Major trong quyển “The Land and People of Mongolia” thì Thành Cát Tư Hãn đã học được việc đem kinh hoàng như là một vũ khí tinh thần.

Mông Cổ rất tàn nhẫn khi đã chiếm được một nơi nào đó. Chúng thường tàn sát những kẻ dám đối đầu, nhưng thả một số tù binh, để đám người này reo hoang mang cho các địa phương sắp bị tấn công. Nhiều nước đã phải đầu hàng vì không muốn nhân dân rơi vào cảnh tang thương. Lúc tiến đánh Khwarezm, quân đội Mông Cổ tàn dân thành phố Nishapur không chừa chó mèo. Một số người sống sót được thả chạy về thành phố gần bên là Heart. Thành phố này nghe tin thảm sát ở Nishapur đã đầu hàng khi vừa thấy quân Mông Cổ xuất hiện. Thành phố Hanmada ở Iraq cũng chịu thuần phục khi Mông Cổ mới đến. Tại Azerbaijain, vua nước này đem châu báu, ngọc ngà, vải vóc ra tặng cho Mông Cổ để họ không tàn phá kinh đô Tabriz. Các bộ lạc cướp cạn Kurdish và Turcoman trên vùng núi Caucase thì tình nguyện đem quân hợp tác.

Một trong các cách mà Mông Cổ làm địch quân kiếp sợ là dùng nghi binh. Mông Cổ thường cột thêm cành cây vào sau lưng ngựa để tạo thêm bụi trong lúc di chuyển. Ta có thể nói đây là chiến thuật cầu Trường Bản của Trương Phi. Vì một lính Mông Cổ dùng vài con ngựa để cỡi, nên đám bụi trở thành rất khủng kiếp. Họ cho tù binh cưỡi ngựa để làm địch quân có một cái nhìn sai lạc về con số. Đối phương nhìn thấy bụi này nhiều khi đã hồn phi phách tán và lắm khi đầu hàng trước khi giao chiến.

No comments:

Post a Comment