Thursday, August 7, 2014

Đai Việt thắng Nguyện Mông 61


Chương 4

Nghệ thuật chiến tranh (tt)

G- Vũ khí-Quân trang.

1. Vũ Khí.

Ngày xưa, vũ khí chỉ là đao, kiếm, cung, thương. Nếu thiếu kiếm thì dùng côn, sự chênh lệnh không bao nhiêu. Vì vậy nên yếu tố vũ khí không quan trọng như ngày nay. Chắc tại lí do ấy trong các nhà quân sự thời xưa không thấy ai nhấn mạnh đến vần đề vũ khí. Duy chỉ có Điền Tương Như cho rằng có nhiều yếu tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh như: thiên thời, địa lợi, mưu lược nhưng phải có vũ khí trang bị.

Đến thế kỉ XIII, thì loại súng công thành catapult và trebutchet xuất hiện làm sự chênh lệch tăng lên, nhưng sự chênh lệch vẫn không đáng kể. Hơn nữa, các loại súng này vẫn đơn giản và dễ bắt chước. Nếu một bên nào tịch thu được của địch một khẩu súng, thì có thể họ làm ra những khẩu súng tương tự không mấy khó khăn. Một nhược điểm của súng này là quá lớn, cồng kềnh, nặng nề, khó di chuyển, nhất là vùng nhiều núi non, sông ngòi và sình lầy.

Khi bàn về vũ khí ta không thể giới hạn trong lãnh vực các vật mà con người chế ra để đánh, giết nhau mà nó con bao gồm nhiều thứ khác như con vật, thiên nhiên.

a. Con vật:

Trong các con vật thì ngựa là một vật dùng trong chiến tranh đầu tiên ngay từ thời cổ đại. Khởi thủy, người ta chỉ nghĩ đến cưỡi ngựa, dùng nó như một phương tiện di chuyển thật lẹ, để đánh nơi nào thật nhanh. Sau đó, người ta dùng ngựa kéo chiến xa. Các nước Á Rập được coi như là nơi dùng chiến xa đầu tiên. Tùy theo con mắt của tướng mà ngựa được áp dụng vào chiến thuật như thế nào cho hữu hiệu. Đọc qua phần lịch sử của Mông Cổ, ta thấy quân đội Mông Cổ dùng ngựa khác hẳn với các đối thủ của họ.

Voi là con vật phổ biến thứ hai mà các dân tộc đông nam và nam Á Châu đã sử dụng tới từ rất lâu. Khoảng năm 330 TTL, Alexander đại đế đánh xứ  Cambojia[1] đã gặp một đạo quân gồm 200 con voi và tị nữa ông đã mất mạng vì trận này. Sau đó, ông định đánh các xứ thuộc Ấn Độ thì nghe tin nơi đây có một đạo quân 4000 con voi, ông bèn bỏ cuộc xâm lăng ấy. Tuy nhiên cách sử dụng voi thì mỗi nước một khác: có nước thì làm bệ và có vài người cỡi voi với vũ khí cung, nỏ, lao; có nước thì một người cỡi và dùng voi như vũ khí. Câu chuyện hai bà Trưng cỡi voi ra trận đánh quân Hán là một trang sử đầu tiên của dân ta chống lại sự cai trị ngoại bang.

Con trâu cũng là một con vật đã được dùng trong chiến trận. Câu chuyện dưới đây nói về việc lấy trâu làm vũ khí lừng danh thời Chiến Quốc.

Năm 285 TCN, Yên liên kết với Triệu, Sở, Hàn Ngụy, đánh Tề. Yên Chiêu Vương phong Nhạc Nghị làm nguyên soái cầm đầu tất cả quân các nước hợp nhất. Trong 6 tháng, liên quân đánh chiếm của Tề 70 thành trì và cuối cùng đả bại quân Tề ở Tế Tây. Sau đó, quân Triệu, Sở, Hàn và Ngụy bãi binh rút về chỉ còn quân của Yên dưới quyền Nhạc Nghị vẫn tiếp tục đuổi theo quân Tề về phía Lâm Tri, kinh đô Tề. Đến lúc ấy, chỉ còn Cử Châu cùng với Tức Mặc do tướng Ðiền Ðan chỉ huy là hai điểm cuối cùng trước khi thôn tính Tề.

Điền Đan là một người rất bình dân, ông suốt ngày và đêm hòa mình với dân chúng và binh sĩ tại đây. Vì điểm này, quân dân hai thành rất thương mến ông và vẫn theo ông chống giặc. Do đó, dù thành bị vây khổn, nhưng vẫn được bình an suốt 3 năm. Không làm gì được nên Nhạc Nghị đành rút quân khỏi Tức Mặc 9 dặm và lập đồn lũy ngăn chặn.

Yên Chiêu Vương chết Năm 279 TCN, con là Yên Huệ Vương lên thay. Huệ Vương từ khi còn làm thái tử thường không thích Nhạc Nghị. Điền Đan biết vậy liền cho kế phản gián phao tin sang Yên nói Nhạc Nghi có ý làm phản nên không chịu hạ Tức Mạc. Huệ Vương tin thật bèn cử Kỵ Kiếp làm tướng thay Nghị rồi đòi Nhạc Nghị về Yên Kinh. Nhạc Nghị biết Yên Huệ Vương ghét mình bèn đi về hướng Tây theo nước Triệu.

Biết Yên đã trúng kế, Ðiền Ðơn cho người giả làm thần nửa đêm tới dinh Yên phao tin ‘ Thần linh sẽ xuống giúp Tề tiêu diệt Yên vì tội xâm lăng.’ Việc này làm quân Yên nao núng tinh thần. Ðiền Ðan lại còn tung tin Kỵ Kiếp sẽ tàn sát cả thành Tức Mạc  khi chiếm được, làm cho dân trong thành quyết lòng tử chiến với quân Yên. Ðiền Ðan cho một số người già cả yếu đuối sang trại Kỵ Kiếp nói họ sẽ đầu hàng. Sau đó, Điền Đan dùng vàng bạc sang biếu cho Kỵ Kiếp cùng các tướng dưới quyền khác, khiến quân tướng Yên không đề phòng, chỉ lo mở tiệc ăn mừng chờ ngày Tề đầu hàng.

Khi thấy đúng thời cơ, Điền Ðan tập trung tất cả số trâu đang có trong thành lại được hơn ngàn con. Ông cho người làm các áo giáp đỏ vẽ thêm rồng rắn với các màu loè loẹt. Một số khác được lệnh buộc gươm nhọn trên hai sừng còn phía sau đuôi trâu cột vải, cỏ khô tẩm dầu chai. Ông còn chọn 5000 quân dũng cảm, khẻo mạnh mặc hóa trang như thiên thần, tay cầm giáo mác, trường thương để chạy theo sau đàn trâu.

Khi trời đã khuya, và trong lúc đại quân Yên đang ngủ say sau một ngày tiệc tùng.  Ðiền Ðan ra lệnh lùa bầy trâu ra khỏi thành đốt lửa vào vải, cỏ ở đuôi trâu. Trâu bị nóng ở đuôi nên cắm đầu xông về phía trước. Lính canh trại Yên bỗng thấy lửa cháy càng lúc càng gần, với tiếng hò hét cùng tiếng kêu la quái dị do trâu phát ra vì nóng, hợp với chân trâu chạy rầm rầm lại nghĩ là thiên thần xuống trừng phạt, nên cắm đầu bỏ chạy. Đàn trâu hơn nghìn con với hai lưỡi kiếm xông vào trại Yên, cùng với năm nghìn quân cảm tử chạy theo sau tha hồ đâm chém, trong khi ấy quân dân trong thành Tức Mạc thì nổi chiên trống trợ oai. Kết quả Điền Đan phá tan quân Yên.

Trong thời gian hiện đại các nước còn dùng cá voi, cá heo để chuyển vận vũ khí đánh tầu chiến, tầu ngầm của địch. Tại Mỹ có nhiều căn cứ huấn luyện cá heo (dolphin) đem mìn phá chiến hạm hay làm gián điệp.

Lẽ dĩ nhiên ngoài các con vật kể trên, người ta còn có thể lợi dụng các con vật khác làm vũ khí. Đó là tùy thuộc sáng kiến của các tướng đứng trước một hoàn cảnh nào đó.

b. Thiên nhiên:

Thiên nhiên cũng có thể dùng làm vũ khí.

Câu chuỵên Solomom dùng ánh sáng diệt địch quân là một trong các chuyện ấy. Thành Cát Tư Hãn dùng nước công thành là việc thứ hai. Trong nhiều câu chuyện dùng đến gió, như quân Mông lợi dụng gió đốt khói đánh quân Ba Lan hay quân Thanh cũng dùng chiều gió đốt khói chống quân Tây Sơn.

Một câu chuyện của phim hoạt họa, nhưng mang tính chất rất khoa học và hợp lý, có thể áp dụng trong thực tế. Đó là chuyện Mulan (Hoa Mộc Lan), của hãng phim Walt Disney sản xuất dưới đây cho ta thấy áp dụng ấy.

Câu chuyện kể lại lúc quân Hung Nô tràn sang đánh Trung Quốc. Hoa Mộc Lan thay cha già ra trận. Một cánh quân của Trung Quốc được lệnh án ngữ một ngọn đèo, Hoa Mộc Lan là một binh sĩ trong cánh quân ấy. Quân Hung Nô muốn sang đánh nhanh, nên vượt đèo trong mùa đông tuyết trắng. Đạo tiền phong của Hung Nô gặp cánh quân của Hoa Mộc Lan. Vị tướng chỉ huy của cánh quân ra lệnh dùng hỏa pháo bắn đánh tan đạo quân này. Ngay sau đó đại quân Hung Nô tràn tới, nhưng quân Trung Quốc chỉ còn một hỏa pháo duy nhất, vậy cơ nguy thập phần nguy hiểm. Hoa Mộc Lan, nhanh trí dùng cây pháo duy nhất nhắm vào một đỉnh núi, tuyết phủ trắng toát, bắn. Pháo đúng mục tiêu làm tuyết đổ tạo thành một trận tuyết lở (avalanche), chôn vùi tất cả đoàn lính Hung Nô.

Trong các nước có nhiều tuyết như Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Áo, Nga… avalanche thường tạo ra những tai ương khủng kiếp, có khi chôn vùi cả làng. Người ta muốn tránh các tai ương này thừơng đem các khẩu pháo bắn lên đỉnh núi có nhiều tuyết với một loại đạn đặc biệt. Khi đã chạm đất, đạn này sẽ phát nổ và gây ra âm thanh lớn chứ không công phá. Bây giờ họ còn dùng trực thăng bay lên đỉnh núi mà họ sợ sẽ có avalanche, rồi thả các trái nổ xuống. Khi các trái nổ phát nổ, âm thanh rung bởi tần số dao động sẽ tạo ra avalanche. Nhưng đây có kiểm soát nên avalanche tương đối nhỏ và tràn xuống khi không có người. Một năm họ làm vài lần, nên tuyết đóng không quá nhiều để có thể tạo ra nguy hiểm.

Chuyện Thành Cát Tư Hãn nhìn sông Hoàng Hà chạy cuồn cuộn rồi nghĩ ra cách đắp đập công thành là dùng nước phá địch. Việc làm này dễ dàng vì quân Mông Cổ bao vây nên ở thế mạnh và kiểm soát khắp nơi.

 Bây giờ mời quí vị xem một câu chuyện giả tưởng mà cũng dùng nước chống các cuộc tấn công, dù rằng nước rất ít. Bài này đăng trên trang Việt Học Viện hôm thứ hai, nhằm ngày 30 tháng 4, 2007.



[1] Nước này nằm vùng tây bắc Ấn Độ ngày nay.

No comments:

Post a Comment