Friday, August 8, 2014

July 4-2011 Du Kí- bài 8


Yellowstone

( Xin bấm vào hình để xem cho rõ)
Chúng tôi vào cổng bắc có tên Roosevelt Arch. Chỗ tham quan đầu tiên, là suối nước nóng nồi tiếng của công viên: suối nước nóng Mammoth, chẳng cách xa cổng bắc là bao nhiêu. Khi xe ngừng thì trước mắt chúng tôi thấy một cái đồi nhìn như mạ vàng, bạc óng ánh chen vào các mầu đỏ, nâu vàng lẫn lộn thật đẹp mắt. Khi đến gần hơn thì chúng tôi nhận thấy quả đồi này nước trào ra từ hồ nước nóng bên trên đỉnh. Vì khoáng chất trong lòng đất dưới tác dụng của nhiệt hòa tan. Khi nước nguội, thì khoáng chất bám vào đá tạo nên màu sắc nói trên. Mầu vàng nhiều là do chất lưu huỳnh còn mầu đỏ là đỏ, nâu là do chất sắt bị oxít hóa. Người ta làm cầu ván bên trên nước nóng để du khách đi mà không đụng vào nước. Cầu chỉ cách nước khoảng nửa thước và có lan can khi vào vùng nước nóng.

Khi nói tới nước nóng thì tại VN ta cũng có, nên không gì làm lạ. Nhưng cả ngàn cái với đủ mầu từ trắng vàng xanh tím đỏ thì thật là đẹp. Có khi ta có cảm tưởng ở đáy giếng là ngọc bích, thành giếng thì mạ vàng, bạc. Nguyên nhân của nước nóng là vì nước chạm vào các vùng đá ngầm tiếp giáp với lớp dung nham nóng chảy của lòng trái đất.

Nói như vậy thì các chất dung nham nóng chảy ở gần mặt đất sao? Thưa vâng. Người ta đã tìm ra công viên này là một miệng núi lửa khổng lồ, to nhất thế giới. Theo các đài Discovery, History hay National Geography… thì núi lửa đã nổ với chu kỳ khoảng 600000 năm một lần thật lớn. Các lần rung chuyển để thành động đất thì thường xuyên. Lần nổ cuối cùng cách đây độ 500000 năm. Cũng theo nhận xét các đài khoa học trên, trái đất có nhiểu cách trở thành tận thế. Một trong nhũng cách ấy là do đây mà ra. Khi núi lửa này mà nổ thì thật thảm họa cho nhân loại. Chắc các bạn biết núi lưả Krakatoa của Nam Dương nổ năm 1883 chứ? Theo các đài khoa học thì khói, bụi từ núi lửa phun lên đã bao quanh trái đất ba năm làm nhiệt độ trái đất giảm đi 2 độ. Nhưng Kratatoa so với đây chỉ là một quả chanh với một quả bưởi. Nếu núi lửa Yellowstone mà phun thì khói bụi của núi lửa sẽ bao phủ trái đất vài chục năm. Như vậy cả trái đất sẽ có thể bị đông đá.

Chúng tôi không đủ giờ xem nhiều suối nứơc nóng, mà chỉ xem vài cái quan trọng. Các suối này thường từ các ao hồ nước nóng trào ra. Tại các ao, hồ nước bốc hơi nghi nút. Có cái thì nước sôi ùng ục, trong veo thấy đáy đủ màu; có cái thì như bùn xám. Rải rác hàng đàn bison (bò rừng), lông lá xú xì, sừng ngắn, ngực bự đang gặm cỏ trên các cánh đồng xanh, quanh các cột khói. Mấy đứa bé đều la hét khi thấy chúng.

Sau khi xem các ao, hồ, sưối nước nóng chúng tôi vào sâu hơn xem giếng phun (geyser) nổi tiếng nhất thế giới: Old Faithful. Nói về giếng phun thì không phải chỉ ở đây mới có, mà ở Đức, Thụy Sĩ, Nga, Iceland, New Zealand…cũng có. Nhưng hơn 50% giếng phun thiên nhiên trên thế giới quy tụ nơi đây. Các giếng phun thường là phun ra hơi nước cùng một số nứơc. Cũng có giếng phun nước lạnh. Tuy nhiên, sự cấu trúc giếng phun khí (geyser) rất đặc biệt. Các giếng phun loại này đều nằm trên miệng núi lửa. Giống như suối nước nóng, tại đây nước tiếp xúc với đá cực nóng sát với lớp dung nham. Tại giếng nước nóng, thì nước tiếp xúc với đá nóng xong trào ra. Còn tại các giếng phun thì nước tiếp xúc với đá quá nóng làm nước bốc hơi rồi phun lên.

Trong suốt đường đi, chúng tôi thấy không biết bao nhiêu suối nước nóng và giếng phun, khói bay nghi ngút.
Old Faithful lúc bình thường

Trong các giếng phun nổi tiếng, thì chiếc nổi tiếng nhất thế giới là giếng phun Old Failthful. Chúng tôi từ phía bắc xuống, nên phải chạy qua hồ lớn nhất của công viên: hồ Yellowstone để đến giếng này. Hồ này nằm trên cao độ 7,732 feet (2,376 m) và có diện tích 136 dặm vuông hay 352 km². Con sông Yellowstone bắt nguồn từ dẫy núi Teton phía nam công viên đổ vào hồ này rồi lại tiếp tục chảy xuống phía dưới với hai thác nước nổi tiếng Upper Fall và Lower Fall.

Vì thời gian chưa cho phép, nên chúng tôi không ghé hai thác này mà đến xem Old Faithful (Faithfull có nghĩa là trung thủy, chính xác; ở đây phải dịch là chính xác) cho kịp giờ. Giếng phun này phun lên theo một chu kỳ. Trong thời gian sau trận động đất mới đây, chu kỳ này là 92 phút, thời gian phun kéo dài vài phút.

Khi chúng tôi tới nơi là 5 giờ 20 phút và chiếu theo sự ước tính thì giếng phun lúc 5:55. Như vậy chúng tôi đợi hơn nửa giờ. Gần giếng có một cửa hàng khá lớn bán vật kỷ niệm và đồ ăn giải khát. Chúng tôi vào trong này để tránh nắng. Lúc ấy, trong quán có vài trăm người, đông như chợ chồm hổm.

Bên ngoài gần giếng phun, người ta làm băng ghế gỗ ngồi hình cánh cung cách miệng giếng khoản gần 100 m. Tuy là còn lâu giếng mới phun nhưng người xem đã ngồi khá đông. Một số khác sợ nắng thì đứng trong cửa hàng nói trên hay ngoài hành lang. Đâu đâu cũng chật cứng người ta. Có lẽ đây là dịp nghỉ hè nên người đi du lịch nơi đây đông hơn. Mùa đông công viên này đóng cửa, vì nguy hiểm cho người tạo ra bởi băng tuyết. Tôi rủ cháu gái lớn Lili ra ngoài băng gỗ xem và chụp hình gần hơn. Cô này theo ông nội ra ngoài. Khi ra đến nơi thì người ngồi đã gần chật và giờ phun còn phải 20 phút nữa. Khó khăn lắm hai ông cháu mới tìm ra chỗ ngồi. Nhìn quanh lại tôi có cảm tưởng đây là một sân vận động, người ngồi chen chúc. Tại miệng giếng vẫn có hơi nước bốc lên nhưng không mạnh lắm.

Lý do giếng phun theo đúng giờ thì có nhiều cách giải thích.

Theo cách giải thích hồi tôi còn dạy học tại học khu Whittier (1985), thì lý do nói rằng một ống thông nhỏ nối với một bầu rộng sát lớp đá nóng. Nước từ các mạch ngầm chảy vào bầu bị đun sôi, bốc hơi. Nhưng giữa đường một khối đá khác chặn lại, làm hơi nước không phun lên đều đặn từ từ như các giếng khác, mà tích tụ lại. Hơi nước tích lũy càng lúc càng nhiều, tạo ra một sức ép từ dưới lên trên. Đến khi sức ép mạnh hơn sức nặng của khối đá bên trên thì cục đá bật ra để hơi nước thoát ra khí quyển. Hiện tượng này giống như nấu một nồi nước mà đậy vung thật chặt, thì có lúc vung bị bật ra hay nồi pressure cooker cũng vậy. Khi nứơc phun ra và sức ép giảm đi; lúc sức ép yếu hơn trọng lượng cục đá, thì cục đá rơi về chỗ cũ. Cùng khi ấy nước lạnh từ các mạch vẫn chảy vào bầu và hiện tượng tiếp tục. Sự cung cấp nhiệt và lượng cung cấp nước của các mạch nước ngầm rất đều đặn nên tạo ra một chu kỳ gần hoàn hảo.
HÌNH GIẢI THÍCH CÁCH CŨ
HÌNH GIẢI THÍCH CÁCH MỚI

Sự thực chưa ai dám chui vào giếng phun để tìm ra sự thực. Nhưng không hiểu các khoa học gia nghiên cứu về giếng9 phun có cụng cụ nào đặc biệt để thăm dò bên trong geyser hay không?
Người Mỹ đứng cạnh tôi nhìn đồng hồ nói:
- “Faithful, but unfaithful!” (Chính xác mà không chung thủy).
Tôi nhìn đồng hồ thấy còn hai phút nữa mới tới giờ ấn định.
Tôi nói:
- Let see! Two more minutes. (Chờ xem. Còn 2 phút nữa mà.)
Tôi vừa dứt lời thì nghe thiên hạ la lớn.
Tôi quay ra thấy giếng phun lên cao đến 7 hay 8 thước, rồi thu nhỏ lại lại bốc hơi từ từ.
Tôi đưa ống ảnh chụp cảnh người xem.
Phút sau, đột nhiên cô cháu Lili la:
- Ông! Ông! Nó phun.

Cùng lúc tiếng la vang dội khắp nơi, tợ như trong một trận túc cầu hay foot ball mà đội nhà ghi bàn thắng.
Tôi thấy một cột hơi nước trắng toát đang phun lên nền trời xanh, càng lúc càng vũ bão. Mươi giây đồng hồ sau, đám hơi tỏa rộng đến 20 m phun lên cao đến 30 m. Độ mươi giây sau nữa cột nước từ từ giảm cường độ, rồi mọi vật trở lại bình thường. Mọi người cười thoải mái vì mới chứng kiến một hiện tượng kì lạ, độc nhất vô nhị của thiên nhiên, mà họ chỉ nghe hay đọc qua sách vở. Từ đây về sau, tất cả các người đã chứng kiến cảnh này sẽ hãnh diện nói với bạn bè rằng: "Chính mắt tôi đã chứng kiến Old Faithfull phun hơi nước."
Kể ra thì tạo hóa có khả năng tạo ra một bộ máy rất tinh vi, chính xác.
Chúng tôi lục đục tìm nhau ra về.
Người nhiều tưởng tượng đến đây lúc sẩm tối, khi thấy cảnh này phải nghĩ rằng họ đã gặp rồng trong hang phun khí độc. Không hiểu người da đỏ vào săn thú nơi đây 11 ngàn năm trước đã nghĩ gì khi thấy giếng này phun?
Theo tôi nghĩ đến trước 1950, một giếng tương tự thế này ở Việt Nam hay Trung Quốc đã có thể giải thích như sau: "Dưới lòng đất nơi này có một con rồng. Nó hay nổi cơn giận nên phun nước lên. Ta phải lập đền thờ, hàng ngày nộp hoa quả cúng kiếng. Nếu không nó sẽ làm đất sụp, chết cả đám."
Thật chẳng uổng công lặn lội từ xa qua bao sa mạc, đồng không mông quạnh và các đèo cao tuyết phủ để đến đây.
Giếng phun xong, chúng tôi quay lại xe, về khách sạn nghỉ.
 
Yellowstone- Đá vàng
 Nổi tiếng công viên với đá vàng.
Từng lâu chuẩn bị để tham quan.
Vượt qua sa mạc đầy hơi nóng.
Leo đến tuyết sơn lắm giá hàn.
Phụng nhả ngọc xanh vào đáy giếng.
Rồng phun khí trắng tự lòng hang.
Kỳ quan thế giới nay đà đến.
Khoan khoái trong lòng khỏi oán than.
VHKT
Một bạn đọc trên diễn đàn Viện Việt Học khi xem bài này, viết về Old Faithful và dùng cách tả của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đã làm bài thơ vịnh như sau:
 
Thân em ấm áp chốn non cao,
Tạo hóa khen thay khéo khéo nhào.
Giữa trũng đất sâu cời lỗ thắm,
Bên khe đá tảng chẹn hom đào.
Một bầu khép chặt hơi còn ngút,
Đôi miệng mở toang nước vụt trào.
Quân tử thương em thời đứng ngắm,
Đừng nên liều lĩnh nhúng chân vào.
                                    M2m
Tôi đáp lại:
Vịnh Old faithful
Thân nằm hơ hớ giữa non cao.
Tạo hóa ra tay, kéo nặn nhào.
Chính giữa khe sâu, nhìn đỏ tía.
Ven bờ đồi thấp, thấy hồng đào.
Khi dồn đất ép, hơi im lại.
Lúc bỏ đá dằn, khí phụt trào.
Các vị muốn vui thì cứ ngắm.
Nhưng đừng ngu suẩn cố chui vào.
VHKT

Khách sạn này nằm trong một thị trấn nhỏ ở cổng bắc công viên, mà hồi sáng chúng tôi đã qua. Đây là phần đất trên lãnh thổ tiểu bang Montana. Thị trấn này rất nhỏ chỉ gồm vài ba con đường, nhưng có nhiều khách sạn và cũng có siêu thị.

Check in xong, thấy trời còn sáng, đám Việt Nam kéo nhau di dạo quanh và vào siêu thị mua rau ráng về nấu ăn. Chúng tôi mua một vỉ trứng, cùng 1 cây bắp cải để luộc ăn. Nước mắm thì chúng tôi đã mang theo. Cơm ăn thật ngon!





No comments:

Post a Comment