Wednesday, April 2, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 47

II/- Công Tâm:
Công tâm là đánh về tâm lý, làm sao cho đại đa số dân chúng yêu thích mình, và sẵn sàng hy sinh để đem đến vinh quang. Đặc biệt điều này rất quan trọng khi đấu tranh trong một lớp người cùng ngôn ngữ văn hóa như thời Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc bên Trung Hoa, Nam Bắc phân tranh bên Mỹ, Tam Quốc Triều Tiên hay thời Thập Nhị Xứ Quân bên Việt Nam. Công Tâm cũng còn mục đích làm cho quân địch chán nản, hết muốn chiến đấu.
A- Đấu tranh tâm lý chinh phục nhân dân.
Nhà cầm quyền cần phải chinh phục nhân tâm.
Khi đã mến chuộng đường lối và nhìn thấy cái chính nghĩa thì dân chúng sẽ hết mình ủng hộ nhà lãnh đạo để chống quân xâm lược. Bàn về “Công tâm” Lục Thao[1]  viết: “Muốn làm vua thiên hạ thì phải khiến cho người trong thiên hạ quy phục, muốn khiến cho người trong thiên hạ quy phục, không thể đơn thuần dựa vào vũ lực chinh phạt , điều đầu tiên là phải thu phục nhân tâm, muốn thu phục nhân tâm khiến cho người trong thiên hạ quy phục phải lấy nhân nghĩa đạo đức khiến cho nhân dân vui vẻ thực lòng quy phục.”[2]
Từ cổ chí kim, trên khắp thế giới, khi một nhóm nào muốn lật đổ một chế độ nào cũng đều đưa ra chiêu bài: “Phù X, diệt Y”. Thời Tam Quốc, khi Tào Tháo, Tôn Quyền đã có đất dung thân thì anh em Lưu Bị còn vất va vất vưởng. Khi vào đến Ba Thục nhờ vào lòng thương dân mà Lưu Bị đã lập được thế tam phân. Khi Quân Minh sang xâm lược nước ta, lúc đâù chúng thả các mảnh ván có ghi lại việc quân Minh sang là khôi phục nhà Trần. Với việc Quý Ly mới giết vua Thuận Tông, làm dân chúng còn oán ghét, nên người Việt bị chia rẽ không đồng tâm giết giặc. Vì vậy mà quân Minh đã thành công lúc đầu. Nhưng sau, Nguyễn Trãi lại dùng tâm lý để chiếm lòng dân, nên dân Việt ủng hộ. Sau này, khi thấy đường lối vua Lê với các luật cấm binh sĩ không được hà hiếp, trộm cắp của dân thì dân ta lại càng triệt để tiếp tay đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Sau khi Karl Marx và Fredrick Angels phát hành quyển “Communist Manifesto” năm 1848, biết bao quốc gia đã lấy danh nghĩa “diệt bất công xã hội” mà lập nên các nước CS. Trong cuộc chiến ngày nay, cả hai phía tham chiến đều nỗ lực trong chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên, nhân dân còn phải xem hành động và lời tuyên truyền có phù hợp nhau không? Nếu nói giúp người nghèo mà cứ hối lộ, buôn quan bán tước, nhậu nhẹt bê tha, ăn chơi xa xí, nhẩy nhót trụy lạc thì ai tin?
B- Đánh vào tâm lý địch.
Công tâm còn mang một nghĩa rộng rãi hơn là đánh vào tâm lý địch quân, làm họ ngả lòng, không còn tinh thần chiến đấu. Ngày xưa, thời Hán Sở tranh hùng, lúc quân Hán bị vây hãm gần đến lúc bị thua, thế mà nhờ tiếng sáo của Trương Lương làm lung lay tinh thần quân Sở; rồi kẻ trốn người đào binh và kết quả thua trận đó.
Một câu chuyện công tâm khác ở nước ta là lúc quân Tống sang đánh nhà Lý. Lúc quân Tống đến sông Như Nguyệt uy hiếp đến Thăng Long, Lý Thường Kiệt đã cho người giả làm thần đọc mấy câu thơ làm cho quân giặc khiếp sợ:         
南國山河
           
Nam quốc sơn hà, nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
 
Phương nam, sông núi của vua nam.
Trời đã ghi vô sách rõ ràng.
Vì cớ làm sao mà giám phạm?
Để coi trời diệt, chẳng dung gian.
                                    VHKT
Quân Tống nghe xong tâm hồn khủng khoảng, rồi kết quả hai bên kí kết rồi lui binh.[3]
Khi Mộc Thạnh, Liễu Thăng đem quân sang nước ta, Bình Định Vương cho phục kích ở Chi Lăng giết được Liễu Thăng. Sau đó, Bình Dịnh Vương cho dẫn tù binh dưới tướng của Liễu Thăng cùng ấn tín của y cho Mộc Thạnh xem. Xem xong, Mộc Thạnh dẫn quân chạy về. Chưa đánh giặc đã tan. Đó chính là Công Tâm vậy.
Nhiều khi, hai nước giao sắp chiến. Một nước thứ ba cũng có thể dùng kế sách công tâm khiến một trong hai nước trên phải quyết tấm đánh nước kia, nếu điều này có lội cho họ.
Chắn hẳn ai cũng biết chuyện Khổng Minh khích tướng Tôn Quyền và Chu Du để hai người này phá quân Tào ở Xích Bích. Lúc Tào Tháo đem 83 vạn quân tràn xuống bến Xích Bích, chuẩn bị tấn công Đông Ngô. Quân Đông Ngô lúc ấy có đạo thủy binh 5 vạn dưới quyền chỉ huy của Đại Đô Đốc Chu Du. Nếu đem 5 vạn mà đánh với 83 vạn thì thật đem trứng trọi vào đá. Bên Đông Ngô thì quần thần người chủ chiến, kẻ chủ hàng.
Chu Du
Lưu Bị, chỉ chủ xứ nhỏ nhen gần vùng Kinh Châu, sai Khổng Minh - Gia Cát Lượng sang du thuyết. Khổng Minh dùng tài thuyết khách đưa ra các yếu tố phải đánh và tất thắng, nên bên Chu Du đồng ý và cuối cùng ông đã đánh tan quân Tào.
Khổng Minh
Câu chuyện du thuyết của Tô Tần viết trên cũng chính là nằm trong chiến dịch công tâm vậy.
Ngày nay, chuyện công tâm còn được nghiên cứu sâu xa hơn, và trở thành một nghệ thuật trực tiếp ảnh hưởng tới sự quản trị đất nước và chi phối chiến tranh. Công tâm còn làm cho những người thuộc nước không trực tiếp liên hệ đến cuộc chiến mà lại đứng vào hàng ngũ mình chống quân thù.
Tóm lại “Công Tâm” quả là quan trọng trong cuộc chiến tranh.



[1] Lục Thao là binh pháp cổ của Trung Quốc. Quyển này được viết lại theo tư tưởng quân sự của Khương Tử Nha. Trích từ Chu Dịch và Binh Pháp, trang 22.
[2] Trích từ Chu Dịch và Binh Pháp.
[3] Một giả thuyết khác lại cho đây là bài thơ thời Lê Đại Hành.

No comments:

Post a Comment