Sunday, November 2, 2014

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 7


(TT)
Một sự may mắn cho việc học của tôi đã đến vào đầu năm lớp đệ lục, bộ giáo dục quyết định học sinh trung học đệ nhất cấp chỉ cần học một sinh ngữ chính hoặc là Anh văn, hoặc là Pháp văn mà học sinh có quyền lựa chọn. Đến đệ nhị cấp, học sinh mới bắt đầu học sinh ngữ phụ; như vậy đến năm đệ tam, các học sinh mới bắt đầu học sinh ngữ phụ từ a, b, c... Tôi không cần đắn đo, suy nghĩ, chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Kể từ đó, tôi đã thoát khỏi cái môn học "hắc ám" vì đã mất căn bản từ lúc nhập học, và niên học ấy tôi đã nghiễm nhiên trở thành một học sinh xuất sắc nhất của lớp.
Vì cách chọn sinh ngữ này, các lớp phải sắp đặt lại, nên tôi quen nhiều bạn mới như: Phạm Xuân Hoa, Nguyễn Văn Tiếng, Phan Đình Súy mà tất cả là người miền Nam, và cũng rất dễ mến. Khi vào nhà Hoa chơi, tôi lại may mắn quen với Kim Liêng và anh cô ta là Trần Văn Thiện. Cả hai cũng không có óc kỳ thị và rất tốt đối với tôi. Thêm vào đó, tôi cũng quen thêm một bạn người Bắc khác đó là Vũ Nguyên Long.
Gia đình của Hoa và Tiếng đều khá giả, đủ sống. Nhà của họ đều có vườn cây ăn trái, nơi mà chúng tôi thường tụ họp, học bài và đớp các trái cây chín, tươi. Nhà Súy ở phía sau nhà tôi, và rất nghèo, nghèo còn hơn nhà tôi nữa. Súy là một học sinh chăm chỉ và thông minh. Tôi không rõ bố của y làm gì, nhưng dì ghẻ của y bán hàng rong ở chợ để kiếm miếng sinh nhai.
Trong thời gian ấy, bố tôi cũng được ông Hứa Văn Ngọ thăng lên làm trưởng phòng hành chánh, và nhà tôi được dời về căn nhà số 4 đường Lê Lai, tương đối khang trang hơn. Vì vậy mức sống của nhà tôi cũng cao hơn trước nhiều. Cơm bây giờ không phải ăn với nước mắm như trước mà có canh tôm cá kho, lâu lâu cũng có ít thịt. Đó là căn nhà đầu tiên của một cái nhà dài xây theo kiểu trại gia binh, gồm năm sáu căn liền nhau, mái lợp fribo ciment, tường gạch. Nhà gồm hai phòng: phòng khách rồi tới phòng ngủ. Liên sau đó là sân và bếp. Phòng khách, bề dài khoảng 5 m, rộng 4 m. Phòng ngủ cạnh đó cũng cùng cỡ ấy. Giữa nhà trên và bếp có một khoảng trống, lộ thiên, dùng làm sân cùng một cái bể cạn đựng nước. Bếp thì chia làm 2, chỗ nấu nướng và một nhà tắm lẫn nhà cầu, loại xối nước. Nước uống thì do Cẩm Dung và tôi thay phiên gánh từ một xe do sở công chánh đem tới, để ngoài đường, một tuần 2 lần.
Ngôi nhà này lại gần nhà Súy hơn nữa vì vậy hắn trở thành ngừơi bạn thân nhất của tôi.
Để giúp gia đình tôi lại trổ tài câu cá rô trong các ao hồ gần chùa Tịnh Độ và khu Phật Giáo di cư.
CĂN NHÀ ÊM ẤM
Trong thời gian này, vì nhà nghèo nên chúng tôi không có đồ chơi, và cách chơi của chúng tôi thường là thả diều hay đá dế. Diều thì chúng tôi làm bằng tre và giấy, còn dế thì chúng tôi bắt ở các cánh đồng hoang, và nhiều nhất là cánh đồng cát sau lưng nhà tôi và nhà Súy. Cánh đồng này có nhiều trăn, rắn độc. Tuy là các cách chơi đơn giản, nhưng đó là các loại chơi lành mạnh và nhiều thú vị.
Với phong trào văn nghệ được phổ biến toàn trường, nhiều học sinh đã tham gia ban văn nghệ của lớp. Thanh và Cẩm Dung có giọng hát hay, nên gia nhập ban ca hát, nhẩy múa. Thiện có tài đàn, nên đã gia nhập ban nhạc cụ. Tôi chẳng biết hát lẫn biết đàn, nhưng trong lớp tôi hay chọc mọi người cười nên các bạn yêu cầu tôi vào ban kịch cùng với Tước, Thêm. Chẳng hiểu sao, mỗi vở kịch các bạn chọn tôi đóng vai chánh, nhưng những vai tồi tàn như thằng ở, hay một thằng anh khờ bị em bắt nạt, tuy nhiên tôi thấy mọi người có vẻ tán thưởng cái khùng, điên của tôi lắm. Người chuyên môn làm khổ tôi trong các vở kịch là Tước. Hắn mới có một biệt hiệu khác là "Cá Lóc Sình." Tôi cũng chẳng hiểu tại sao hắn lại có cái tên nghe thật là thanh lịch vậy???
 Một hôm tôi vào nhà Súy chơi  đá dế, thì đột nhiên một cơn dông kéo tới.
Súy nói:
- Hiệp, cậu chờ tôi nhe.
Tôi hỏi:
- Còn cậu đi đâu?
- Tôi đi nhặt củi về cho dì tôi bắp.
- Nhặt củi dưới trời mưa sao?
- Ừ!
Tôi nhìn thân hình nhỏ thó của Súy nên rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của y. Lúc nhỏ tôi đi chăn trâu, bò lại thường chặt củi đem về, nên rất rành việc này.
Tôi nói:
- Để tôi giúp cậu.
Mắt Súy sáng hẳn lên:
- Thật à?
Tôi gật đầu:
- Thật!
Chúng tôi cởi quần áo ra chỉ chừa lại chiếc quần đùi rồi phóng ra mưa. Cách nhặt củi ở thành phố hơi khác lạ; chúng tôi chạy đến các gốc cây lớn nhặt những cành khô bị gió cuốn gãy. Quanh nhà Súy và nhà tôi không có nhiều cây lớn, nên chúng tôi phải chạy ra trường Thiếu Sinh Quân (trường cũ có tên Pháp là Enfant de Troop, cạnh đường Lý Thường Kiệt, trường trung học và nhà thờ chính). Chúng tôi nhặt được một số củi.
Lúc đầu chúng tôi rất thú vị vì tắm dưới mưa, nhưng càng về lâu, các năng lượng dự trữ trong cơ thể bị tổn hao, nên chúng tôi bắt đầu cảm thấy lạnh, và bắt đầu run. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng tìm củi, vì đây là lối duy nhất có củi khô cho dì ghẻ của Súy có thể luộc bắp bán.
Khi đến nhà thờ lớn cạnh trường trung học, chúng tôi thấy một cành cây thật lớn bị gió cuốn gãy, nhưng cành này còn vướng trên cây không rơi xuống đất được. Súy và tôi cố sức kéo xuống mà không nổi. Tôi nói Súy đứng sang một bên còn mình tôi ra sức giật, vì có nhiều thế hơn. Tôi lấy trớn giựt một cái thật mạnh, bất ngờ cành gãy; tôi vội bứơc lui một bước nhưng lại bước vào một chỗ thật trơn, nên ngã xuống với cả cái lưng giáng xuống đất. Tôi cảm thấy thật đau, đau đến nỗi thở không nổi, nên chỉ nằm yên bất động. Súy tưởng tôi đùa nên đứng ôm bụng cười. Độ gần nửa phút, hắn vẫn thấy tôi bất động, nằm giữa cơn mưa, nên hoảng hốt la:
- Hiệp! Cậu có sao không?
Tôi nghe tiếng y kêu nhưng không tài nào trả lời được, nên vẫn nằm yên không thở.
Hắn bắt đầu la, khóc:
- Hiệp! Hiệp tỉnh lại đi!
May mắn thay, tôi bớt đau và thở lại được.
Chúng tôi lo thu lượm cành cây khô về nhà.
Kể từ đó, cứ mỗi khi cơn dông kéo tới, Súy và tôi lại chạy ra đường lượm cành cây khô về làm củi.
(Hiện nay tôi nghe phong thanh Súy đang làm cán bộ thông tin Quân 11, thành phố Sàigòn)
Nhà thờ chính Vũng Tầu

 
 

 
 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment