Wednesday, September 4, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 22


CHƯƠNG 03 (tt)

VI- Đánh Korea .

A-Lịch sử Cao Ly trước 1216.

Nước này được người Việt gọi theo nhiều cách như Cao Li, Triều Tiên, Đại Hàn tùy theo nguồn gốc. Theo wikipedia chữ Cao Ly là do người Hán phiên âm từ chữ Á Rập hay tiếng Ý: Cauli. Trong quyển Nguyên sử mà ông Tích Dã trích đăng trên website www.viethoc.com/websites cũ/Diễn Đàn Viện Việt-Học/lich su-VN History/Việt Nam thắng Nguyên Mông thì có đoạn sau đây:

并古新罗百济高句丽三国而为一其主姓高氏- chiêm cả Tân La, Bách Tế, Cao Câu Li ngày trước mà làm một nước. Chủ nước ấy họ Cao

Địa phận nước Cao Ly ngày nay gồm nhiều tiểu quốc lập nên. Bắt dầu từ khoảng thế kỉ thứ I Trước Công Nguyên, có ba vương quốc được thành hình sau khi đã thôn tính các bộ tộc khác và được gọi là thời Tam Quốc. Vương quốc Goguryeo (Cao Cấu Ly) ở phía bắc rộng lớn nhất. Phương nam có hai tiểu quốc là Silla (Tân La) và Baekje (Bách tế). Cả ba vương quốc này đồng tồn tại kéo dài khoảng 7 thế kỉ. Cả ba nước này hay thường có chiến tranh với nhau, nhưng cũng có khi hai nước liên minh đánh nứơc còn lại.
Goguryeo (Cao Cấu Ly) đã trở thành hùng cường nhất ở vào khoảng thế kỉ thứ IV, thôn tính nhiều bộ tộc lập ra một vương quốc bao gồm cả phần Mãn Châu và đến đất Nội Mông ngày nay. Cuối thế kỉ thứ VII và đầu thế kỉ thứ VIII, vương quốc này liên tiếp chiến tranh với nhà Tùy, rồi nhà Đường của Trung Quốc. Có lần Tùy Dạng Đế đem trên 1,000,000 quân sang đánh như bị bại.
Baekje (Bách tế) lúc đầu được thành lập ở vùng Hán Thành. Rồi chiến tranh với Goguryeo và Silla nên lúc lớn lúc thu lại. Trong thế kỷ thứ IV, vương quốc này cũng có lúc bành trướng chiếm đất của Goguryeo lên đến tận vùng Bình Nhưỡng ngày nay.
Nước Silla, lúc đầu là nước nhỏ nhất, mãi tới năm 562, quốc vương này đánh bại nước bên cạnh là Gaya để tạo thế tam phân. Năm 660, vua Muyeol kết hợp liên minh với nhà Đường rồi sai tướng Kim Yu-Shin đánh chiếm Baekje. Sau đó, liên quân đánh Goguryeo, nhưng bị quân nước này đẩy lui. Năm 667, tướng Kim lại tấn công Goguryeo lần nữa và thôn tính đối thủ lập ra vương quốc Salli rộng lớn. Nhưng nhà Đường lợi dụng tình thế chia thành phủ huyện cai trị. Dân Salli lại đứng lên đuổi quân Đường dành độc lập. Đến cuối thế kỉ thứ IX, Salli bị tan rã chia thành nhiều mảnh vùng đất này trở thành náo động.
Trong các tiểu quốc ấy, thì tiểu quốc Goryeo thu nhận dân tị nạn từ nhiều nơi đến và lập ra một vương quốc hùng cường. Cuối cùng năm 918, Goryeo (Cao Ly) hoàn toàn chiếm hết bán đảo lập ra nước riêng biệt cho đến khi Mông Cổ xâm lăng.
B- Nguyên nhân.
Năm 1216, Mông Cổ đánh bại quân Kim ở Mãn Châu, đám tàn quân vượt sông Yalu (Áp Lục) vào đất Cao Ly cướp bóc. Cao Ly và Mông Cổ hợp tác diệt tàn quân ấy.
Đây là lần đầu hợp tác giữa hai nước.
Nhưng Mông Cổ không bao giờ ngưng chuyện đòi hỏi. Chúng bắt Korea phải triều cống nhiều thứ. Năm 1225, một đoàn sứ giả Mông Cổ đến thủ đô P’yongyang (Bình Những) đòi nộp cống vật, Korea cũng thỏa nãm, nhưng một chuyện không hay xẩy ra. Quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquest 1190-1400” trang 36, đã viết lại theo một bài trần thuật của lịch sử Korea đoạn sau: Đám Mông Cổ rời khỏi Tây Kinh và vượt sông Yalu. Chúng quan sát các cống phẩm của quốc gia, rồi chỉ giữ lại các bộ lông rái cá, còn các thứ khác như tơ lụa thì bỏ lại trên các cánh đồng. Trên đường về chúng bị một đám cướp giết chết. Người Mông Cổ nghĩ việc ấy là do chúng tôi làm. Vì vậy cho nên, các quan hệ trở nên suy đồi (The Mongol envoys left Western capital and cross Yalu (Áp Lục). Of the national  gifts had been  presented, they kept only otter pelts, and as regards the remainder, that is, silks and so on, they abandoned on the fields. On the way they were killed by bandits. The Mongols suspected us. Therefore, relations were broken off.)
C- Các cuộc xâm lăng.
1. Cuộc xâm lăng thứ nhất.
Năm 1231, quân Mông vượt sông Yalu, dưới quyền chỉ huy của tướng Sartaq và hải quân vượt biển Hoàng Hải và đánh vào phía nam. Quân Mông vây thành Uiju, và quân trú phòng phải đầu hàng sau đó không lâu. Sartaq lại cho quân tiến về phía nam. Vây thành Kuju. Thành này được trấn thủ bởi tướng Pak So và hai tướng phụ tá Kim Ch’ungon trấn phía bắc, Kim Kyongson trấn cửa nam.
Một hôm, Kim Kyongson dẫn một đạo tùy tùng gồm 12 người đi tuần tra thì thấy một đoàn quân Mông đông đảo đến cửa nam của thành. Thấy vậy, ông hỏi đoàn lính phòng thủ nơi đây ai là người dám liều chết cùng ông chặn đoàn quân khát máu không? Cả đoàn đều nằm rạp xuống không dám trả lời. Ông liền cho họ trở vào thành, còn ông và 12 vị anh hùng liền xông ra đánh giặc.
Đoàn kị binh Mông Cổ ào ào phóng tới. Tướng Kim dương cung nhắm tên cưỡi ngưựa đi đầu với lá cờ trên tay, rồi buông dây cung. Mũi tên xuyên qua cỗ họng tên này và hắn ngã xuống. Thế là ông và 12 chiến sĩ xông thẳng tới quân thù đánh thật hăng. Một mũi tên của Mông Cổ ở đâu bắn tới xuyên qua cánh tay của tướng Kim; máu nhộm đỏ cả vạt áo, nhưng ông vẫn thúc quân đánh tới. Trận chiến lúc tiến, lúc lui đến năm sáu lần và cuối cùng quân Mông phải rút lui.
Quân Mông lại tiếp tục vây hãm thành Kuju trong nhiều ngày. Chúng chất cỏ rơm vào xe, đốt lên rồi đẩy xe vào tường thành và lật đổ xe ở cổng thành hòng đốt cháy cánh cửa. Chúng còn làm các tháp tấn công, có che da sống để chống lửa, núp bên dưới, rồi tiến vào đào chân tường. Tướng Pak So cho phóng kim loại nóng chảy trả đũa. Mặt khác ông cho bó rạ lại, đốt lửa bỏ vào các lỗ mà quân Mông trốn, khi chúng đã đào xong đào.
Tướng Mông Cổ Sartaq cho sứ giả đến ép đầu hàng, nhưng Pak So chối từ. Quân Mông lại cho làm thang leo lên mặt thành. Tướng Pak cho làm các dụng cụ lớn chém nát các thang khi vừa dựng vào thành. Vì vậy quân Mông không làm gì được.
Trong khi ấy, tướng Yi Chasong, dẫn một đạo quân từ Kaesong lên giải vây. Lúc tướng Yi vừa cho quân nghỉ dưỡng sức, thì ào ào một đạo 8,000 quân Mông Cổ bỗng xuất hiện. Một mũi tên bắn trúng Yi và một ngọn thương xuyên qua viên phụ tướng. Đoàn quân này tan rã. Tuy nhiên thành Kuju vẫn không suy chuyển.
Mông Cổ để lại một toán vây Kuju, còn lại chúng tiến về phương nam đốt phá. Một toán đánh chiếm P’yongju, toán khác Ch’ungju va Ch’ongju. Nơi đây rất gần Kaesong làm triều đình hoảng sợ vội thương thuyết.
Tuy nhiên tướng Kack So không chịu buông vũ khí. Ngay sau đó, ông nhận được bản án tử hình của triều đình. Một chuyện ngạc nhiên là kẻ thù Mông Cổ phục con người can đảm này; cuối cùng họ đã cứu ông.
Với những đòi hỏi của Mông Cổ, triều đình Korea đã phải cống nhiều vàng, bạc, châu, báu …Theo Stephen Turnbull trong cùng quyển trên thì Korea phải cống 10000 tấm da rái cá, 20000 con ngựa và 10000 tấm lụa cùng quần áo cho 1 triệu lính. Ngoài ra, Korea còn phải trao cho Mông Cổ hàng ngàn người cứng đầu. Quân Mông có quyền đóng quân trong các thành của Korea. Những ngày đen tối bao trùm đất nước Korea.
Tuy nhiên sự kháng cự lại lan tràn ở miền nam của bán đảo. Dù bom, hay tên lửa cuộc kháng chiến cũng không ngăn nổi vó ngựa Mông Cổ. Triều đình phải bỏ trốn sang hòn đảo Kaughwa. Hòn đảo này chỉ khoảng 1 km cách bờ lục địa nhưng cánh quân Mông Cổ này lần đầu đụng với biển, nên không biết làm sao tấn cống. Kết quả, hòn đảo nhỏ bé ấy đã cứu thoát hoàng gia. Không bắt được hoàng gia đầu hàng, quân Mông lại tiếp tục xuống phương nam tàn phá. Cái gương Kuju làm toàn dân noi theo. Quân Mông đã vất vả tấn công các thành trì, nhưng không mấy kết quả.
Cùng khi quân phương bắc do Sartaq đánh phá, thì cuối cùng phương nam một cánh quân thứ hai vượt biển Hoàng Hải đặt chân lên đất Korea. Cánh này đã bị đại tướng Korea gốc Đại Việt chặn đánh dữ dội phải tháo lui. Đó là hoàng tử Lý Long Tường (). Lý Long Tường là con trai thứ 7 của vua Lý Anh Tông, sinh năm 1174. Ông không muốn bị Trần Thủ Độ hãm hại cùng diệt tông đường nhà Lý nên đã đem mấy ngàn người thân thuộc, binh lính vượt biển bằng thuyền đến Korea và được vua nước này cho dung thân, lại cấp đất đai cho khai phá[1]. Vì cảm ân trên, nên ông đã đem hết tài năng sức lực để bảo vệ quê hương mới của ông.
Tháng 8 năm 1232, Sartaq càn quét khắp phương nam và đến dòng sông Hàn nay thuộc Seoul và bao vậy một thành trên ngọn núi nhỏ có tên Ch’oin với tướng Kim Yunhu. Kim Yunhu lại là một nhà sư và cũng là một thiện xạ. Một hôm, quân Mông công thành, Tướng Kim Yunhu đặt một mũi tên lên cung nhắm Sartag buông dây. Mũi tên xuyên qua mắt tay tướng khát máu Sartag. Quân Mông đem xác hắn quay về lại phần đất của chúng, chấm dứt cuộc tấn công thứ nhất.


[1] Cách đây độ 25 năm (1985) tôi được dip quen với ông Nguyễn Trí Lục, cựu hiệu trưởng trung học Trịnh Hoài Đức, Bình Dương. Ông cho tôi xem một tài liệu này đăng trên báo. Lâu quá tôi không nhớ tên tờ báo ấy. Dòng họ của ông vốn cũng họ Lý, nhưng đã phải cải họ sang Nguyễn vì vụ Trần Thủ Độ. Tuy vậy hàng năm dòng họ Nguyễn này vẫn làm lễ kỷ niệm dòng họ Lý. Hiện nay, các câu chuyện về vị hoàng tử này đã lan tràn trên báo chí cũng như các website tiếng việt và tiếng Anh. Tổng thống Nam Hàn đầu tiên Lý Thừa Vãn là cháu đời thứ 25 của hoàng tử này.

No comments:

Post a Comment