Tuesday, September 24, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 25

CHƯƠNG 03 (tt)

D- Đánh Vladimir- Suzdalia- Novgorod.

Bây giờ đến mục tiêu kế tiếp là lãnh địa của Yuri II.

Trang 66 quyển The History of Nations Russia đã thuật lại theo Novgorod Chronicle phần sau. Những kẻ tà giáo vô thần Tartars lại tiến đến Volodimir    (Vladimir) để lột da, lấy máu những người theo Cơ Đốc giáo. Yuri II bỏ thành Volodimir chạy lên Yaroslavl, trong lúc con trai của ông là Vsevolod cùng mẹ và tất cả hoàng tộc cùng các “vladyka” (người quý tộc), đóng cửa thành chống cự.

Một buổi sáng, Vsevolod và vladyka Mitrofan nhận ra rằng họ không còn tia hi vọng nào, nên đành rút vào nhà thờ Holy Mother of God (Mẹ Thiêng Liêng của Chúa). Thành phố bấy giờ đã ngập trong khói lửa, nhiều thường dân cũng chạy vào nhà thờ trú ẩn nơi chứa các dụng cụ hành lễ. Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật chất củi đốt cháy rụi ngôi nhà thờ cùng những kẻ trốn bên trong.

Cùng khi ấy một đoàn quân Mông Cổ khác đuổi theo Yuri II. Tại Yaroslavl, Yuri II cho Dorozh đem 3000 quân ra ngoài trinh sát. Chỉ một thời gian sau, Dorozh chạy về báo: Thưa Lãnh Chúa; chúng nó đã bao vây chúng ta. (They have already surrounded us, knayaz.) [1]Yuri II cho lệnh tập trung quân đội, nhưng quá trễ. Quân Mông Cổ đã xuất hiện! Vị lãnh chúa này chỉ còn cách phóng lên ngựa chạy. Đến bờ sông Sit[2] thì quân Mông Cổ bắt kịp và kết liễu mạng ông ta.

Bản đồ Nga ngaỳ ấy
Số mạng các thành phố khác: Rostov, Suzdale cũng cùng kết quả. Quân Mông Cổ quay về  tàn phá Moscow, Preeyaslasl, Yurev, Dmitrov, Volok và Tver. Hai lãnh địa Riazan và Suzdalia hoàn toàn dưới sự khống chế của Mông Cổ. Họ quay sang phần lãnh địa của Novgorod.

Dân chúng nơi này quá khiếp hãi sự tàn ác, hung hăng của Mông Cổ. Thành đầu tiên chúng nhắm tới ngay cạnh biên giới. Đó là thành phố Torzhok. Tất cả mọi người từ già trẻ trai gái đều nỗ lực chống lại quân xâm lược. Mông Cổ cũng dùng chiến thuật chất củi, cây vây quanh thành tấn công liên tiếp hai tuần lễ. Dân nơi đây đã kiệt lực và chán nản vì không có quân tiếp viện từ thành phố Novgorod. Cuối cùng Mông Cổ cũng hạ đựơc thành vào dịp lễ Phục Sinh, rồi tàn sát tất cả đàn ông cùng một số đàn bà. Đội quân tàn ác này tiếp tục, chém giết người như cắt cỏ, trên con đường đánh chiếm dài đến 100 versts (khoảng 100 km).

Quyển History of Nations Russia, trang 67, thuật lại Novgorod Chronicle không nói tiếp chiến cuộc ra sao, nhưng viết tiếp: Sự trừng phạt của Thượng Đế trên toàn thể đất Nga mà không thương xót sao? Thượng Đế để cho kẻ vô thần dày vò trên tội lỗi của chúng ta. Thượng Đế đem kẻ ngoại bang vào đất nước ta trong sự bực tức của ngài và rồi chúng ta bị nghiền nát bởi các kẻ ấy. Họ sẽ nhắc nhở nhớ đến Thượng Đế… (God’s infliction on the whole Russian Land, does not lament? God let the pagans on us for our sins. God brings foreigners on to the land in his wrath and thus crushed by them, they will be reminded of God…)

Trong quyển “Russia and the USSR” thì đưa ra một kết luận bớt thảm khốc hơn.

Trong hai tuần vây hãm Torzhok nhưng thành vẫn không bị hạ. Bây giờ mùa xuân đã tới, nước băng tan dần, đất đai ướt sũng bùn lày khắp nơi. Kị binh Mông Cổ không còn hiệu nghiệm. Batu và Subutai đành cho quân quay về phương nam tàn phá lãnh địa Chernigov, nhưng cố tránh các thành trì kiên cố. Một chuyện bất ngờ, đạo quân của thành Kozelsk đem quân chặn đánh đội tiền đạo Mông Cổ và làm tổn thất cho đạo quân này. Quân Mông Cổ liền bao vây thành  Kozelsk. Theo Wikipedia thì vị hoàng tử trẻ tuổi can đảm Visily chống cự trong 7 tuần lễ và giết 4000 quân xâm lược, nhưng thành phố đã bị quân Mông Cổ gán cho thành phố một  cái tên không mấy đẹp; ấy là “City of Sorrow” (Thành phố của buồn thảm).

Có lẽ đã chán ngấy với máu và chiến đấu. Quân Mông Cổ lui về thảo nguyên phương nam vào mùa hè 1239 để cho quân sĩ nghỉ ngơi trên các cánh đồng xanh mát.

Theo Russia.com và Indopedia thì dù Novgorod thoát khỏi cuộc xâm lăng của Mông Cổ, nhưng xứ này vẫn phải nộp cống để tránh cuộc xâm lăng khác.

E- Đánh Kiev.

Mùa hè năm sau, Batu và Sabutai lại cho tiến quân về hướng Kiev. Sau khi đánh phá các thành trì trên đường thì mùa đông cũng đến, lợi dụng sông Dnieper đóng băng quân Mông Cổ lại vượt sông tấn công Kiev.

Mông Cổ lại cho sứ giả vào thành gọi đầu hàng.

Kiev lúc này nằm trong sự kiểm soát của xứ Gallich và người quản lý thành phố là do Daniel của Gallich chỉ định. Khi các sứ giả Mông Cổ tới, lãnh chúa Daniel ra lệnh giết các sứ giả. Việc này làm cho Batu quyết chí tiêu diệt Kiev.
Khi quân Mông đến bao vây thành phố, dân thành phố không còn đường trốn chạy. Stephen Turnbull đã dựa vào các cổ sử ghi lại ở trang 48, quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400”, đọan sau: Quân Thát Đát đã bao vây thành phố. Không một ai có thể ra hay vào thành. Tiếng kẽo kẹt của xe kéo, tiếng rống của lạc đà, tiếng kèn, trống, tiếng hí của ngựa và tiếng than khóc của những đám đông không đếm nổi làm cho không còn thể nghe được ngừơi này gọi người kia trong thành. (The Tartar force besieged it and it was impossible either to leave ir to enter it. Squeaking of wagons, bellowing of camels, sound of trumpets and organs, neighing of horses, and cries and sobs of an innumerable multitude of people made it impossible to hear one another in the city.)
Sau vài đợt công hãm, tường thành sụp đổ và quân Mông tràn vào. Cuộc chiến tiếp tục trong các đường phố, trên các đống gạch vụn. Dân chúng xây các tuyến phòng thủ mới quanh nhà thờ Virgin Mary. Quân Mông tàn sát dân chúng làm họ càng hoảng sợ, tranh nhau vào nhà thờ. Số người vào nhà thờ càng lúc càng đông; họ tranh nhau leo lên tháp chuông. Cuối cùng nhà thờ sụp đổ vì sức nặng của giáo dân.
Chiếm xong, quân Mông Cổ tàn phá cướp bóc làm thành phố trở nên kiệt quệ, và không bao giờ phục hồi lại địa vị của thế kỉ X và XI nữa.
Stephen Turnbull đã ghi lại trong quyển sử trên đọan sau:
“Sáu năm sau (1246), Giovanni di Piano Carpini được lệnh Giáo Hoàng đi qua đây đã viết lại: Trên đường đi qua đây, chúng tôi thấy vô số sọ, xương người nằm ngổn ngang trên đất. Kiev đã là một nơi đô hội, đông người, nhưng giờ đây đã trở thành hoang phế. Bây giờ chỉ khoảng 200 ngôi nhà và dân cư hoàn toàn là nô lệ.”



[1] Trích từ trang 66- The History of Nations Russia.
[2] Sông Sit là khúc thượng nguồn của sông Volga.

No comments:

Post a Comment