Sunday, December 21, 2014

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 14


Cuối bậc trung học đệ nhất cấp- đệ tứ (lớp 9), tôi học chung cùng lớp với Thanh, Thiện vì hai anh em cô ta đã kém may mắn trong kỳ thi trung học đệ nhất cấp trong niên học trước.

Lề lối học vấn cùng thi cử ngày ấy rất khó khăn. Một năm, có một kỳ thi Trung Học cho toàn quốc và số thi đậu khoảng 20%. Các học sinh học hết lớp đệ tứ (lớp 9) phải tham dự kỳ thi này, tuy nhiên một học sinh thi rớt bằng Trung Học vẫn có thể học đệ tam (lớp 10) nếu họ đủ điểm trung bình. Khi đến lớp đệ nhị (lớp 11), các học sinh lại phải tham dự kỳ thi tú tài I. Kỳ thi Tú Tài I cũng được tổ chức cho toàn quốc, một năm có hai khóa: khóa một khoảng đầu tháng 6 và những người kém may nắm trong khóa một sẽ được thi khóa hai. Khóa hai thường được tổ chức vào khoảng giữa tháng 9.

Một kỳ thi tú tài gồm hai phần: thi viết và thi vấn đáp. Sau khi thi viết độ nửa tháng thì kết quả được công bố. Một học sinh sau khi đậu thi viết sẽ phải thi vấn đáp và họ cũng đậu kỳ thi này họ sẽ có bằng Tú Tài I và được học lớp đệ nhất. Một học sinh thi rớt môn viết sẽ thi lại từ đầu vào khóa hai, còn ai thi vấn đáp rớt thì chỉ sẽ thi lại vấn đáp vào khóa hai. Nêú khóa hai mà họ cũng rớt vấn đáp thì năm đó kể như bỏ và vào niên học kế tiếp họ lại bắt đầu từ số 0. Cả hai kỳ thi, số học sinh thi đậu chỉ khoảng 15 hay 16% mà thôi. Một học sinh thi tú tài I rớt liên tiếp thì đường học vấn của họ kể như là chấm dứt. Nữ sinh thì lo làm việc gì đó kiếm sống, còn nam sinh thì chỉ có một con đường duy nhất là: “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” đi lính!

Bằng Tú Tài II lại càng khó khăn hơn nhiều, tuy nhiên cách thi cử cũng tương tự như kỳ thi Tú Tài I. Tỷ số thi đậu một năm khoảng 13%. Làm một phép toán ta thấy trong 1000 học sinh, sau hai kỳ thi Tú Tài thì chỉ còn 21 người đậu bằng Tú Tài II. Trong thời gian ấy, nhiều ngừơi chế diễu những kẻ thi rớt Tú Tài bằng cách gán cho người thi rớt một quân hàm: rớt một lần là Thiếu Úy Tú Tài I hay II; hai lần là Trung Úy Tú Tài… Có kẻ lên tới Đại Tá (ba năm thi) hay Tứơng (bốn năm trở lên) mà vẫn không đậu. Trong khi kỳ vọng gia đình rất cao cho kẻ đi thi, nên nhiều người thi rớt đã tự tử để khỏi bị mang nhục.

Năm ấy, mẹ tôi tốt nghiệp bằng Anh văn Lower Certificate của đại học Cambridge. Bà quay về Vũng Tàu mở lớp Anh văn tư thục tại nhà. Cẩm Dung và một số bạn bè cùng lớp theo học lớp đó. Vài người bạn cùng lớp tôi là Kiệm, và Hùng (cháu ông Nguyễn Đình Hòa) cũng có mặt trong số học sinh đó. Tôi học sinh ngữ bậc cao hơn, nên không phải là học sinh chính thức của lớp, tuy nhiên đến giờ chính tả, tôi thường ra tham dự để luyện thêm về ngữ vựng.

Một hôm, ở trong lớp ở trường công, giáo sư T đột nhiên hỏi chúng tôi:

- Các em học sinh cũ còn nhớ em An không?

Chúng tôi hơi ngạc nhiên, vì giáo sư T là người rất nghiêm trang, ít khi nói chuyện về một học sinh nào.

Các học sinh cũ như Thanh, Tị, Két, Đoạn đồng loạt hỏi:

- Thầy nói chị An là chị thật đẹp người mà trước kia đã học trường này phải không Thầy?

- Đúng đó!

- Các em tưởng chị ấy đã đậu trung học rồi mà?

- Không An bị trượt. Chiều hôm qua, An đến thăm Thầy và ngỏ ý muốn về học lại trường mình. Có lẽ An sẽ theo học lại lớp đệ tứ.

Tôi không biết cô An đó là ai mà thầy T nhắc nhở như vậy? Chắc cô này đẹp lắm, và thầy giáo cũng chỉ là người có đủ thất tình lục dục, nên thầy có cảm tình với một người đẹp thì cũng bình thường thôi. Theo quan niệm tôi, thầy giáo chỉ là người truyền đạt kiến thức cho kẻ chưa biết điều đó, chứ ông ta không phải thầy tu hay thần thánh gì. Vì vậy việc thầy trò yêu nhau là chuyện bình thường, miễn là đừng làm trái với luân thường đạo lý. Tôi tôn trọng các thầy, các cô là vì họ đã cố công truyền đạt kiến thức họ cho chúng tôi, để sau này chúng tôi dùng kiến thức ấy trong việc mưu sinh.
 
*** 

Tuần sau, trước khi có giờ chính tả Anh văn tại nhà, mẹ tôi hỏi:

- Hiệp, hôm nay con có ra viết bài chính tả không?

Tôi đáp:

- Thưa mợ không, hôm nay sau khi gánh nước, con phải lo làm nhiều bài tập lắm.


Thời gian ấy, khu tôi ở chưa có nước máy, nên cứ khoảng hai ngày tôi phải gánh nước từ một cái xe đậu trước cửa vào nhà, và đổ vào cái bể cạn cho nhà dùng. Kể từ năm tôi học đệ ngũ, Cẩm Dung phải lo chuyện rửa chén, nấu cơm còn tôi phải lo gánh nước, tưới rau, chứ không như trước việc gì hai anh em cũng chia đôi. Bố tôi sợ nếu bắt Cẩm Dung gánh nước sẽ khiến chân tay thô kệch, làm cho mất đi cái vẻ yểu điệu của một cô thiếu nữ.
 
Tôi lo đi gánh nước, rồi vào nhà làm bài toán, cũng vừa lúc đó lớp học bắt đầu. Tôi môn gì cũng thích, nhưng đặc biệt là toán. Vì vậy khi thầy Nguyễn Tuấn Văn cho bài tập về là tôi ngồi chứng minh, nhưng không phải là một cách giải mà là vài ba cách khác nhau. Thầy thường đem bài tập của tôi cho học sinh các lớp khác xem làm mẫu. Vì vậy mà tôi càng phải trau dồi môn này nhiều hơn. Bản tính tơi viết chữ rất cẩu thả, sách vở giữ không sạch sẽ mấy, nhưng với môn toán tôi viết rất rõ ràng ngăn nắp. Nếu con số viết không rõ ràng thì kết quả có thể bị sai lạc. Hồi còn học tiểu học ở Thanh Hóa, bác tôi mỗi lần khám sách vở, thường đánh tôi rất nhiều vì viết chữ xấu. Mỗi lần như vậy bác lại mắng: “Mày viết chữ như gà bới bếp, sau này lớn lên chỉ đi hốt cứt bò để sống, chứ học hành sao được?”

Một chặp sau, khi đang chăm chú giải toán, tôi nghe giọng của một thanh niên:

- Thưa cô con mới tới.

Tiếng mẹ tôi đáp lại:

- Chào Quân, hôm nay cậu đến trễ thế!

Quân là một thanh niên, cũng có thể gọi là khá tuấn tú, lớn hơn tôi vài tuổi. Tôi không biết anh ta làm gì để sống, nhưng chắc chắn không phải là một học sinh thuần túy.

Tiếng Quân đáp lại:

- Thưa cô, hôm nay con dắt lại cho cô một cô học sinh mới.

Tiếng trong trẻo của một cô gái Bắc vang lên:

- Dạ chào cô.

Mẹ hỏi:

- Tên cháu là gì?

Quân nhanh nhẩu đáp thế:

- Dạ, tên cô ấy là An.

Tôi tò mò ai mà có tiếng nói nghe trong quá: "trong như tiếng hạc bay qua" thế này? Tôi định ngó ra lớp học xem coi An như thế nào, nhưng thấy thật quá trắng trợn, thô bỉ nếu tôi làm như thế, nên đành ngồi lại trong phòng làm bài tiếp. Tôi phân vân tự nghĩ: "Chẳng biết cô An này với cô An mà thầy T nhắc trong lớp có liên quan gì đến nhau hay không?"

Sau hơn một giờ học văn phạm, ngữ vựng, tiếng mẹ tôi vang lên:

- Nào bây giờ đến phần viết chính tả. Các con cất tập xuống hộc bàn đi!

Tôi nghĩ đây là cơ hội để tôi nhìn cô gái tên An ấy, nên cầm giấy bút ra lớp học.

Mẹ hơi ngạc nhiên, vì trước khi học tôi đã cho bà biết tôi không ra viết chính tả hôm ấy.

Bà hỏi :

- Con cũng ra viết chính tả à?

- Dạ vâng.

Bà quay sang An:

- Để cô giới thiệu với cô học sinh mới. Đây là Hiệp, con trai của cô, còn đây là An.

Tôi cúi đầu chào An. Nàng cúi đầu, nhoẻn miệng cười đáp lại. Ôi chao một nụ cười! Nụ cười ấy làm tôi chân tay run lẩy bẩy. Người con gái trước mặt tôi có mái tóc đen huyền dài chấm thắt lưng, cặp lông mày dài như lá liễu, với đôi mắt đen lay láy như hạt huyền nổi bật trên một làn da hơi ngăm ngăm càng tăng thêm vẻ duyên dáng, yêu kiều của một thiếu nữ mới dậy thì. Tôi có cảm tưởng lớp học của mẹ tối hôm ấy sáng rực rỡ hơn mọi ngày với chiếc áo dài tím của nàng. Tuổi nàng cũng chạc tuổi tôi thôi.

Tôi nghĩ: “Từ nhỏ đến bây giờ mình mới thấy một cô gái đẹp như thế này.”

An ngồi chăm chỉ học, dường như nàng không quan tâm tới một ai cả.

Lớp học tan, tôi có cảm tưởng như mất đi một cái gì quí giá. Một điều quan trọng, tôi không biết An có phải là người yêu của Quân hay không?
 

No comments:

Post a Comment