Sunday, July 8, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Hàng Châu


Đường vào Phi lai Phong

Sau đó, chúng tôi đi thăm Phi Lai Phong Công Viên, nơi có rất nhiều tựơng Phật thật lớn; một quang cảnh nổi tiếng Giang Nam. Các pho tượng này là các tác phẩm của các điêu khắc gia lừng danh sống trong thời Ngũ Đại (thế kỷ thứ 10). Ngay dứơi chân núi có một hồ nước nhỏ thật phẳng lặng soi bóng quả núi cùng du khách. Vì đây là vùng Giang Nam (Nam sông Dương Tử), nên cây cối xanh tươi vì mưa nhiều không nhu vùng Bắc Kinh.



Đường lên núi

Tục truyền rằng, một nhà sư Ấn Độ khi thăm nơi đây đã thốt lên: “Núi này là ở Ấn Độ mà sao lại bay đến dây?”. Vì câu nói ấy mà núi mới được đặt tên là Phi Lai Phong, có nghĩa là núi bị gió thổi bay tới.

Chúng tôi leo lên núi chụp cảnh kỷ niệm. Hôm ấy, trời nhiều mây lại mưa lâm râm làm đường lên núi ứơt át trơn trượt va  uy rằng núi không cao nhưng nhiều người đến đây quá nên việc leo núi rất khó khăn. Núi là núi đá không cao lắm nhưng mỗi hốc đá, mỗi mỏm núi đều có tượng Phật. Tuy nhiên với số lượng thì nhiều, nhưng chẳng có pho tượng nào thật to lớn cả. Nếu ai mứon chụp ảnh với các pho tượng phật thì không biết bao nhiêu hình cho đủ.
Leo lên một quãng thì càng chật chội, nên chúng tôi xuống núi. Đến ven hồ nước thì cả đám ngồi nghỉ chân, mua nước giải khát cùng ăn vặt. Cạnh bờ hồ họ cũng xây vài nhà thủy tạ cùng vài nơi thờ cúng, kể ra cũng duyên dáng.

Ngay bên cạnh là Linh Ẩn. Linh Ẩn Tự là một ngôi chùa rất lớn và nổi tiếng. Ai muốn xem chùa thì lại bỏ tiền mua vé. Giữa Phi Lai Phong và Linh Ẩn Tự có một hồ nhỏ soi bóng quả núi lẫn các đền đài quang hồ.

Thầy trò trước Linh Ẩn Tự

Pha-VHKT-Điệp

Vì sự tích xưa nói rằng con gái Tô Hàng rất đẹp, người nào người ấy chỉ kém Tây Thi chút đỉnh, nên tôi cũng cố tìm và chụp hình, nhưng quả thật tôi chỉ thấy các cô trên trung bình mà thôi.
 

(Hai cô đội gạo lên chùa)


Buồn tình tôi làm bài thơ:

Tô Châu cho tới Hàng Châu.

Đi tìm người đẹp ở đâu bây giờ?

Người đẹp chỉ gặp trong mơ.

Bao ngày đi kiếm, đâu ngờ cạnh bên.

Tại Hàng Châu còn nhiều di tích lịch sử mà người Việt rất quen thuộc: như sông Tiền Đường nơi mà nàng Kiều đã kết liễu cuộc đời qua tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du:

Nàng đà gieo ngọc trầm châu.

Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan.

Đặc biệt, hàng năm, vào ngày 18 tháng 8 âm lịch, tại cửa sông Tiền Đường có hiện tượng lạ lùng của thủy triều với các trận sóng thần khủng kiếp.  Cũng trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã viết hai câu thơ sau để mô tả lại chuyện kì dị ấy:

Triều đâu nổi tiếng ầm ầm.

Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường.

Nếu các bạn đã đọc truỵên Ỷ Thiên Kiếm, Đồ Long Đao thì chắc còn nhớ lúc Trương Thúy Sơn chữa độc cho Hân Tố Tố. Lúc ấy, họ đang ngồi trên thuyền trôi theo dòng sông này vậy và ta cũng còn thấy Kim Dung nhắc tới sóng Tiền Đường.

Ngoài ra, tại Hàng Châu còn có Nhạc Vương Miếu, nơi thờ Tống Nhạc Phi; xem chuyện của Kim Dung cũng thường hay nhắc tới ngôi miếu này. Nhạc Phi là một danh tướng đời Tống, người chủ trương đánh Kim, thu phục giang sơn. Trong khi ấy, Tần Cối làm thừa tướng chủ hàng, nhường đất cho Kim. Lúc Nhạc Phi đang thắng trận, Tần Cối dùng Thập Nhị Kim Bài (12 lệnh bài vàng), triệu hồi Nhạc Phi về hành hình. Nhạc Phi là tác giả quyển Vũ Mục Di Thư, một quyển binh pháp được giấu trong thanh Đồ Long Đao của Kim Dung. Trong câu truyện Thần Điêu Đại Hiệp cũng nhắc tới truyện của Nhạc Vương Miếu, nơi Mục Niệm Từ sanh ra Dương Quá.

Chuyện Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài phát xuất từ địa phương này.

Lúc lên lầu ăn cơm trưa, tôi đi loanh quanh để xem cảnh. Vì chúng tôi ăn cơm ở từng thứ 5, nên nhìn thấy hầu hết cảnh của Hàng Châu. Nhìn xa, tôi thấy một con sông tôi nghi là sông Tiền Đường. Tôi hỏi cô Hướng Dẫn viên đây có phải con sông mà hàng năm có sóng thủy triều rất lớn phải không thì cô đáp đúng[1]. Thật la may mắn! Tôi gọi Pha và bà xã chỉ cho biết. Mấy người khác trong đoàn thì chẳng ai quan tâm tới con sông này.

Ăn xong, chúng tôi lên xe đi về Thựơng Hải. Nhìn hướng xe đi tôi biết xe sẽ gặp lại con sông mà Nguyễn Du đã viết. Quả đúng như vậy, độ 10 phút sau thì xe gặp con sông này và chạy theo con đường cặp mé sông. Sông Tiền Đường bây giờ toàn là những cầu nối bờ và nhiều công viên nhận tạo nên không có gì là thơ mộng cả.



[1] Vì không biết tiếng hoa gọi sông Tiền Đường là gì nên tôi phải hỏi bằng cách ấy.

No comments:

Post a Comment