Wednesday, March 26, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 46


CHƯƠNG 04

Bàn về chuyện chiến thắng địch quân thì ta không khỏi phải nói tới các yếu tố cơ bản chiến lược trong binh thư Tôn Ngô, nhất là các cuộc chiến tranh theo lối cổ điển.
Tôn Tử có viết rằng: “Thứ nhất công tâm, thứ nhì công lương, thứ ba công đồn.
Nói như vậy Tôn Tử, Ngô Khởi đã cho việc đánh nhau, quan trọng nhất là chiếm lòng người, và cuối cùng mới đánh nhau thật sự trên chiến trường. Ta cũng phải phân biệt rằng thua một trận đánh không phải là thua cuộc chiến. Nhưng đầu tiên, cái quan trọng gây ra một cuộc chiến thắng hay bại là bởi “Chính Nghĩa”.
I/- Chính Nghĩa trong một cuộc chiến:
Chiến tranh bản chất là tội ác, gây tang tóc, đau khổ cho con người. Nêú ta có thể tránh được chiến tránh thì nên làm việc này đầu tiên. Do đó, một cuộc chiến liên hệ đến chính trị, ngoại giao, kinh tế, tuyên truyền, tôn giáo… chứ không đơn thuần là lấy vũ khí chống vũ khí lấy sức mạnh đấu sức mạnh. Trước khi gây ra cuộc chiến, các nước liên hệ thường đưa ra các lý do mà họ cho là chính nghĩa của cuộc chiến. Lật lịch sử thế giới xưa nay ta thấy trước khi có một cuộc chiến thì thường có những sứ đoàn thương thuyết đến nước trực hệ, nêu lên các chính nghĩa ấy, để tránh đổ máu. Trong các phần trên, ta thấy ngay cả chính Mông Cổ nhiều khi cũng đã lập đồng minh và cũng cử các sứ đoàn thuyết phục đối phương đầu hàng để họ bớt đổ máu. Rồi tiếp theo đó biết bao cuộc vận động đối với các nước khác để làm liên minh dựa theo chính nghĩa của họ. Nước Tần nằm cạnh ba nước Hàn, Triệu, Nguỵ vốn tách ra từ nước Tấn nên gọi là Tam Tấn. Muốn thống nhất, nước Tần chủ trương “Đánh gần, thân xa” có nghĩa kết thân với các nước ở xa trước như Yên, Tề và đánh các nước chung biên giới như Hàn, Ngụy, Triệu và Sở. Nước Sở hùng cường đất rộng chưa dễ đánh chiếm nên mục tiêu đầu tiên của Tần là Tam Tấn. Thời chống Tần các nước yếu Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề và Sở đã từng làm liên minh theo thuyết Tô Tần[1]. Trước khi khởi động chiến tranh xâm lược ở thế chiến thứ hai, Đức cũng lập khối trục với Nhật, Ý. Ngược lại để chống khối ấy liên minh Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô…phải lập đồng minh. Mới đây, trước năm 1990, trên thế giới rất nhiều liên minh quân sự để khống chế lẫn nhau: nào là Nato, Warszawa, Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á…và hiện tại cũng vậy.
Lão Tử là người cho chiến tranh là điều không nên làm trừ khi phải tự vệ, ông nói:  Quân đi đến đâu, ở đấy chỉ có cỏ dại. Phía sau đại quân, tất có mất mùa đói kém.”[2] Trong Chu Dịch[3] cũng viết: “Người theo đuổi chiến tranh, cuối cùng sẽ không thu được thành công, cho nên phải chấm dứt chiến tranh. Người Chu đã thấy được chiến tranh là việc dữ, chiến tranh thực sự là nguồn gốc của tai hoạ, vì vậy chủ trương chấm dứt chiến tranh. Tư tưởng này vô cùng đáng quý.[4] Tôn Tử cũng đưa ra ý tương tự: “Bởi vậy kẻ bách chiến bách thắng không phải là người giỏi nhất; không đánh mà khuất phục được quân đội người khác, đó mới là người giỏi nhất.”[5]. Cũng như Lão Tử đề xướng, ông nói chiến tranh chi nên làm khi bảo vệ đất nước. “Để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, cần tiến hành chiến tranh phòng vệ, không thể phát động chiến tranh xâm lược.” Trong khi ấy học trò của Lão Tử là Văn Tử[6] cũng đưa ra ý kiến giống như thầy.
Tôn Tẫn[7] còn đề xuất vấn đề “ nghĩa” “bất nghĩa” của chiến tranh, tức là vấn đề tính chính nghĩa và tính phi nghĩa của chiến tranh. “Kẻ nào quân ít mà binh lính dũng mãnh là có chính nghĩa vậy. Chiến tranh chính nghĩa, quân tuy ít vẫn có thể kiên cường dũng mãnh, “ chiến thắng mà vững mạnh” khiến cho “thiên hạ phục”, ngược lại “ chiến tranh mà vô nghĩa, thiên hạ không thể cho đó là vững và mạnh”. Chiến tranh phi nghĩa cho dù là tạm thời chinh phục được nước khác, cũng không thể khiến cho lòng dân quy phục mà trở thành kẻ mạnh.”[8] Khương Tử Nha còn chủ trương: “Đạo dùng binh là vì thương dân mà đánh kẻ có tội.”[9]
Không riêng gì Tôn Tẫn, Gia Cát Lượng[10], nhà quân sự lừng danh đời Tam Quốc, đã nhấn mạnh về chính nghĩa. Ông chủ trương:“Chính trị trong việc cầm quân là việc giữ yên biên giới, là đạo cứu giúp đại loạn, lấy uy vũ làm chính sự, trừ bạo tàn dẹp phản nghịch, là kế để giữ nước, an xã tắc. Do đó có văn sự tất có võ bị…Vũ khí của quân đội là để chấn chỉnh điều bất nghĩa, trừ hại cho dân”[11] Điền Tương Như[12] cũng nghĩ tới việc chọn dân làm gốc, chiến tranh chỉ dùng để diệt bạo tàn. Ông còn khuyến khích người trị quốc phải lấy sáu đức nhân, nghĩa, lễ, trí , tín, dũng làm đầu.
Trong lịch sử ta đã thấy biết bao lần con người đã dùng tới chính nghĩa để đánh giặc:
Hồi thế kỷ thứ nhất, lúc Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Việt Nam lấy chính nghĩa diệt quân thù, thì bên Anh cũng có một nữ lưu anh thư tên Boudica[13] (6-60 AD), lấy chính nghĩa đánh ngoại xâm. Bà là vợ vua Pratusagus, đã lãnh đạo dân Anh đánh với quân của Đế Quốc La Mã, và thắng được nhiều trận. Lúc đầu, bà cũng chỉ có vài ngàn người theo, nhưng sau vì chính nghĩa nên quân của bà lên đến cả chục vạn người (sẽ viết tiếp theo). Sự xâm lăng thông thường là vô chính nghĩa; trong quyển: Chu Dich với binh pháp, trang 7, nói chính nghĩa trong cuộc chiến như sau: “Để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, cần tiến hành chiến tranh phòng vệ, không thể phát động chiến tranh xâm lược…”
Đối với một quốc gia đã có một nền chính trị văn hóa thì sự thành công của một cuộc xâm lược chỉ là tạm thời. Chúng tôi không muốn nói đây là sự tuyệt đối chẳng hạn Việt Nam đã nuốt chửng Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp cũng như người da trắng đã chiếm được Mỹ Châu từ tay người da đỏ là các trường hợp ngoại lệ. Một lý do chính cuả các nước đó là quá nhiều bộ lạc không đoàn kết chống xâm lược, chưa phát triển được văn hóa đúng mức, chưa có một tổ chức chính trị và ý thức về quốc gia vững chắc. Nếu Mông Cổ xâm lăng Đại Việt thời mạt Lý thì chẳng biết kết quả ra sao?
Nước Mỹ ở một phương trời xa xăm đối với Việt Nam, và cùng thời với Nguyễn Tây Sơn giấy nghiệp, cũng đã từng chiến đấu chống lại Anh quốc giành độc lập. Cuộc chiến đi đến thành công là nhờ chính nghĩa. Sau đó, nước này lại xẩy ra một cuộc nội chiến nam, bắc (1849-1865) và cuối cùng cái chính nghĩa cũng đã thắng.
Vì không chính nghĩa nên các đế quốc La Mã, A lịch Sơn, Caliphate, Ottoman… chiến thắng tạm thời rồi cũng tan rã. Đế quốc MC chiếm hơn già nửa thế giới (ngày đó), giết đến 40 triệu người (theo một số tài liệu- Wikipedia) cuối cùng cũng trở về chỗ cũ. Một Nã Phá Luân chinh phục khắp Âu Châu rồi cũng tan tành. Nhà Minh xâm lược Việt Nam ta cuối cùng cũng phải bỏ chạy. Quân Thanh mấy lần xâm chiếm Miến Điện, Việt Nam nhưng cũng chỉ rước lấy thảm họa. Đức quốc xã với chủng tộc siêu việt, đã đánh bại bao nhiêu quốc gia nhưng họ đã hưởng được gì? Người Nhật có tinh thần yêu nước cực độ vậy mà khi đi xâm lăng các nước Á Đông rồi còn có gì đâu? Sau thế chiến thứ hai, Pháp trở lại Việt Nam với sự hậu thuẫn của Mỹ, Anh và một số tay sai người Việt. Họ cậy có vũ khí tối tân để đè bẹp các lực lượng ái quốc dành độc lập với mã tấu, tầm vông vạt nhọn. Vậy mà trong suốt mấy năm đầu (1946-1949) người Pháp đã không tiêu diệt được lòng ái quốc của đại đa số dân tộc ta. Và cuối cùng, với sự trợ giúp của các nước Cộng Sản, Việt Minh đã làm họ phải dương cờ trắng. Đó cũng vì ta đã có chính nghĩa. Nhưng trong các thí dụ thì nước Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam là một thí dụ độc đáo nhất. Nước này đã gom nước ta thành một quận trong hơn 1000 năm mà cuối cùng người Việt cũng đứng dạy lật ách gông cùm. Với khoảng thời gian dài như vậy thì quốc gia này phải vĩnh viễn chỉ là một tỉnh của các nước khổng lồ ấy, thế mà với chính nghĩa quốc gia dân tộc mà người mình đã làm một việc cổ kim chưa thấy.
Chu dịch với binh pháp, cũng trang 7, đã phản ảnh điều trên và đã viết: “Nếu ta vô cớ đi tập kích, xâm phạm kẻ mông muội vô tri, tuy có thể giành thắng lợi, nhưng sẽ chuốc lấy sự căm ghét của người thiên hạ.”
Ngày nay, các quốc gia muốn đánh một nước nào thường tìm hai chữ “Chính Nghĩa” để họ có được hậu thuẫn của cộng đồng thế giới. Muốn có điều này, mục đích chiến tranh thường được đem ra Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bàn tán, rồi thông qua bởi một quyết nghị (resolution). Lịch sử thế giới cận đại đã ghi bao lần như vậy với một liên quân đi đánh một nước phạm lỗi. Khi Mỹ tấn công Iraq 1991, thì họ có chính nghĩa vì bảo vệ tiểu quốc Kuwait tránh cuộc xâm lăng từ Iraq; đánh Afganistan thì họ cũng có chính nghĩa vì diệt khủng bố, nhóm người tự dưng khơi mào giết dân Mỹ vô tội và được dư luận thế giới ủng hộ kể cả Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nhưng đến lúc xâm lăng Iraq lần thứ hai họ đã đánh mất chính nghĩa rồi. (Đoạn này được viết trên diễn đàn VVH năm 2007)
Như vậy muốn có sự thành công tốt đẹp trong một cuộc chiến thì việc đầu tiên ta phải nói tới là “CHÍNH NGHĨA”.


[1] Tô Tần (蘇秦không biết năm sinh nhưng chết vào khoảng năm 316 TCN), tự Quý Tử (季子), người ở Lạc Dương nước Đông Chu, là một biện sĩ lừng danh đã đi du thuyết thời Chiến Quốc.
[2] Trích từ quyển: Chu Dịch và Binh Pháp, trang 62.
[3] Chu Dịch được coi như là một tác phẩm rút ra từ Kinh Dịch.
[4] Phần này trích từ Chu Dich với binh pháp trong trang 8.
Tác giả Khương Quốc Thụ, dịch giả Nguyễn Hữu Tưởng.
[5] Trích từ quyển: Chu Dịch và Binh Pháp, trang 20.
[6] Theo Chu Dịch và Binh Pháp.
[7] Tôn Tẫn là một thiên tài quân sự nổi tiếng ở Trung Hoa thời Xuân Thu (722 – 481 TCN). Ông làm Nguyên Soái cho vua nước Ngô là Lạp Hư. Ông dùng 3 vạn binh Ngô phá 20 vạn quân Sở.
[8] Chu Dịch với binh pháp trang 38.
[9] Chu Dịch với Binh Pháp trang 23.
[10]  Khổng Minh- Gia Cát Lượng (181234) là vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán
[11] Trích từ Chu Dich với binh pháp, trang 55.
[12] Điền Tương Như hay còn được biết dưới tên Tư Mã Tương Như, làm đại tư mã cho Tề vào cuối đời Xuân Thu.
[13] Bài này viết dựa vào History Channel và quyển “The Story of Britain” của Rebecca Fraser.

No comments:

Post a Comment