Saturday, February 21, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 83


Theo Việt sử toàn thư, trang 259, năm 1283  nhà Trần đã tuyển mộ được một con số 20 vạn quân để chuẩn bị cho cuộc chiến chống xâm lược. Đó là dân đinh vùng Thanh Nghệ chưa tuyển đến.

Trong quyển sử “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm, trang 189 đã ghi về số quân kháng Mông trong lần thứ hai như sau: “…các đạo quân về tập hợp ở Vạn Kiếp mới chỉ là quân các lộ miền đồng bằng Bắc bộ. Nhưng quân số đó đã rất lớn. Riêng số quân các vương của Trần Quốc Tuấn cũng đã lên tới hai mươi vạn.

Nhân đấy vua Trần Nhân Tông làm hai câu thơ đi vào lịch sử:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

 (Cối Kê[1] chuyện cũ người lên nhớ,

 Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)

Đến trang 292 lại thấy nói tới số quân Đại Việt trong lần thứ ba: “Ba mươi vạn quân trải ra suốt hơn một trăm dặm để chặn đường về của chúng.”

Hốt Tất Liệt sai con[2] cầm quân sang đánh Đại Việt và họ biết nước mình có số quân rất lớn. Bạn đọc có bút hiệu Lê Hải Nam đăng trên diễn đàn VVH về vấn đề con số lính Nguyên sang đánh Đại Việt ở sử Việt là phóng đại. Ngày 12 tháng 4, 2007, có đoạn viết:

“Năm 1257, quân của Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkadai) xâm lăng Đại Việt gồm 25000 quân (trong đó có 15 ngàn quân của nước Đại Lý).

Năm 1283 đánh Chiêm Thành do Sugetu (Toa Đô) chỉ huy gồm 25000 quân (đợt đầu 5000 quân, sau bổ sung 2 vạn vì nghe quân Đại Việt giúp Chiêm Thành 2 vạn quân, ghi chép trong An nam truyện).”

Đọc đoạn trên ta thấy gì?

Theo bài đăng của bác Lê Hải Nam thì Toa Đô xin thêm 2 vạn để đối phó với 2 vạn binh Đại Việt vào đây giúp Chiêm Thành. Điều này này chứng tỏ rằng Nguyên Mông rất biết khả năng chiến đấu của lính Đại Việt, nên mới xin thêm một số quân tương đương. Vậy Thoát Hoan biết ta có trên 20 vạn binh sẵn sàng chờ quân Mông thì họ phải đem bao nhiêu binh mới quân bằng?

 

C- Một câu hỏi khác: Sao đánh lần thứ 2 lại đông hơn lần 3? Vô lý chăng?

 

Xin thưa là không nghịch lý chút nào. Vì lần thứ 2 Hốt Tất Liệt muốn chiếm Đại Việt rồi dùng làm bàn đạp chiếm Đông Nam Á.

Ta cần phải để ý tới là ý định của Hốt Tất Liệt là muốn chiếm luôn cả Đông Nam Á. Đây là ý của Thành Cát  Tư Hãn, muốn ngự trị toàn thế giới. Cái tên Thành Cát Tư Hãn (Ghengis Khan) đã mang ý nghĩa ấy. Trong quyển A Traveller’s History of China  đã ghi khẩu hiệu mà ông ta đề ra được dịch sang Anh ngữ như sau: “One sole sun in the sky, one sole sovereign on earth” ( Chỉ một thái dương trên bầu trời. Chỉ một lãnh tụ trên mặt đất.) ” Điều này thấy rõ ràng là các con cháu ông ta đã mở mang càng ngày càng rộng lớn, chẳng bao giờ muốn dừng lại.

Muốn chiếm được Đông Nam Á thì Đại Việt phải là một bàn đạp và con số chưa đù. Vậy chiếm được Đại Việt, Mông Cổ sẵn có nguồn tiếp liệu lại có sẵn thanh niên mộ thêm lính. Vì vậy phải cho một số quân lớn để chiếm đóng, giữ đường thoái lui; số còn lại sẽ hợp với quân mới tuyển đi đánh các nước khác. Câu chuyện gần gũi với chúng ta là chuyện Mông Cổ chiếm Đại Lý, dùng quân Đại Lý đánh Đại Việt. Đây chính là chiến lược toàn cầu của Mông Cổ. Quân Mông phải đông vì Hốt Tất Liệt cũng như Toa Đô định chủ ý như vậy. Dứơi đây là một chứng cớ nữa về việc này. Quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” Trang 158 chép: “Vào một ngày tháng 11 năm Giáp thân (8-12-1284---6-1-1285) từ vùng đất phía bắc Chiêm Thành giáp Đại Việt, viên bại tướng Mông Cổ Toa-đô đã tâu về với Hốt-tất-liệt:

‘Giao Chỉ liền với đất Chân-lạp, Chiêm-thành, Vân-nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ba đạo Việt-lý (vùng Quảng-trị ngày nay-G.T), Triều-châu (vùng bắc Quảng-đông Trung-quốc-G.T), Tỳ-lan (tây bắc đảo Hải-nam-G.T) lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc.

Cũng trong quyển này ngoài số quân đã được liệt kê trên, phần chú thích ghi: “Nguyên sử Bản kỷ q.13, 2b chép rằng tháng 5-1284, A-ric Kha-y-a (A-lý Hải-nha) xin đến bờ biển thu nhặt quân tan vỡ ở Chiêm-thành để lại sai đi đánh phương Nam...”

Con số lính này không thấy cộng vào con số 92000 quân trên.



[1] Việt Vương Câu Tiễn được tin vua Ngô là Phù Sai đem Việt. Ông muốn mang quân ra đánh Ngô Phù Sai, trước khi quân Ngô xuất trận. Phạm Lãi can nhưng Câu Tiễn không nghe. Vua Ngô Phù Sai nghe tin đem tất cả tinh binh đánh quân Việt thua to ở Phù Tiêu. Câu Tiễn cùng 5000 quân chạy về giữ Cối Kê. Sau cũng phải hàng.
[2] chẳng biết có phải là thái tử không? Nhưng có sách viết là con thứ 9, có sách ghi là con thứ 11- Tuy nhiên việc chọn thái tử của Mông Cổ lại thường thích chon con út

No comments:

Post a Comment