Saturday, February 28, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 84


D- Có người lại hỏi lính đâu mà đông quá vậy?

 

Như đoạn trên, ta đã thấy nước ta nhỏ mà quân tập họp trên 20 vạn là chuyện thường. Cả một Trung Quốc mênh mông; số dân gấp 10 lần nước ta thì bao nhiêu quân có thể lấy được?

Trong thời xưa chuyện bắt lính không đợi tới 18 tuổi như ngày nay, mà là từ 15 tuổi. Cũng trong quyển Việt sử toàn thư (trang 406) có ghi về việc, vua Lê Thánh Tông cho tuyển binh như sau để đánh Chiêm Thành như sau: “Ngày 6 tháng 10 năm ấy (1470) nhà vua hạ lệnh kén hoàng đinh từ 15 tuổi trở lên, được 26 vạn quân.”….

Trang 410 lại viết: “Mùa xuân năm sau (1480), ta lại mở cuộc chinh phục Bồn Man và cũng huy động tới 30 vạn binh sĩ.”

Nếu như muốn khoa trương sự tài năng, mưu lược của các tướng cùng sự dũng cảm, tinh nhuệ của quân ta thì chắc lịch sử phải giảm con số ấy xuống còn vài vạn và thắng dễ dàng đối phương.

Theo thiển ý việc tuyển quân của Mông Cổ để có một số quân lớn lao chẳng mấy khó khăn, nhất là để hoàng tử thân chinh lại càng quan trọng hơn và cũng để trả những mối thù: Bắt giam sứ giả, bắn mù mắt sứ giả[1] cùng đánh bại họ. Mông Cổ ngày ấy đã khét tiếng là tàn bạo, chuyện bắt giam, giết sứ giả là không thể chấp nhận được. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cử một sứ đoàn đến Samarquand một thành phố của đế quốc Khwarezm. Shah Muhammad cho giết các sứ giả này. Sau này, THÀNH CÁT TƯ HÃN cho một đạo quân 200000 kị binh tấn công trả thù, tiêu diệt đế quốc và giết gần hết dân của thủ đô nước này. Ngay cả lúc cai trị cũng vậy, nên khi bắt ai đi lính thì không thể trốn tránh được. Việc đem quân sang đánh nước khác thường là tuyển lính ở các nước đã chiếm được và dùng kỉ luật tự kiểm soát lẫn nhau như chúng tôi đã viết. Ta cũng thấy điều này trong chiến tranh Việt Pháp 1946-1954, lính Pháp phần đông là tây đen, người gốc Phi Châu như Algeria, Tunisia, Maroc hay Senegal… Lúc chiếm được Đại Lý (1253), Ngột Lương Hợp Thai  (Uriyangqadai) đã đem quân nước này sang đánh Đại Việt. Quyển : “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” đã ghi Đoàn Hưng Trí vua Đại Lý Đoàn Hưng Trí nước Đại Lý hàng Mông đã đem 2 vạn quân người Thoán Bặc Vân Nam đưa quân Mông Cổ vào Việt Nam.

Nên nhớ rằng khi Mông Cổ đánh chiếm Đại Lý, không biết bao nhiêu người Đại Lý đã rời bỏ quê hương trở thành dân tị nạn ở bắc Khmer để rồi lập quốc gia mới: Thái Lan. Vậy mà quân Mông vẫn lập ra đao quân người Đại Lý đông như vậy.

Nhưng cũng trong lịch sử thì số quân 50 vạn vào Đại Việt đâu phải là lớn lắm. Trong thời Đông Châu Liệt Quốc, chỉ nói một trận Trường Bình, quân Tần đã giết tới 40 vạn quân Triệu. Vào đầu thế kỷ thứ VII (612), Tùy Dạng Đế đã từng huy động một lực lượng tới hơn 1 triệu quân sang đánh Cao Ly. Đó là chưa kể 2 triệu dân công lo chuyển lương thực. Nhưng rồi vị vua này cũng bị thất bại và nhà Tùy sụp đổ luôn. Chuyện này tin được không? Ấy là thời gian trước khi Mông Cổ tuyển lính ở Trung Quốc đến hơn 600 năm. Trong đời nhà Tùy, dân số Trung Quốc, theo Wikipedia là khoảng 50 triệu người. Đến năm Mông Cổ chiếm toàn bộ Trung Quốc thì dân số toàn Trung Quốc gần 60 triệu, đó là chưa kể tới vùng thuộc các nước Tây Hạ, Kim và Đại Lý-Vân Nam[2].

Nếu đọc một phần của sử thì chưa đủ, ta hãy đọc tiếp. Ngay bên dưới phần nói con số 92000 trên, Nguyên sử ghi tiếp:

五月,命右丞程鹏飞还荆湖行省治兵。六月,枢密院复奏,令乌马兒与樊参政率军士水陆并进。九月,以琼州路安抚使陈仲达、南宁军民总管谢有奎、延栏军民总管符庇成出兵船助征交趾,并令从征。

Mà ông Tích Dã dịch:

Tháng năm, ra lệnh cho Tả thừa Trình Bằng Phi về Kinh Hồ Hành tỉnh trị quân. Tháng sáu, Xu mật viện lại tấu lên, ra lệnh Ô Mã Nhi cùng Phiền tham chính đem quân sĩ thủy, lục cùng tiến. Tháng chín, lấy An phủ sứ Trần Trọng Đạt ở lộ Quỳnh Châu, Tổng quản quân dân ở Nam Ninh là Tạ Hữu Khuê, Tổng quản quân dân ở Diên Lan là Bồ Tí Thành đem thuyền quân giúp đánh Giao chỉ, hợp lệnh theo đi đánh.”

Phần này không thấy ghi đến con số lính sang đánh. Vậy số thật sự mà Nguyên sử đếm được là bao nhiêu?

 

Tóm lại số quân Nguyên sang nước ta phải rất đông, hơn con số mà Nguyên sử đã ghi.



[1] Đây là việc Sài Xuân đem Trần Di Ái về làm vua, nhưng bị qiân ta phục kích bắn mù mắt.
[2] Theo trang 111, quyển “A Concise History of China”

No comments:

Post a Comment