Sunday, March 1, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 22


Một nửa tháng sau khi thi, tất cả chúng tôi nôn nóng chờ ngày có kết quả. Ở nhà, tôi thường tính nhẩm số điểm từng môn rồi cộng lại, tôi thấy có thể đậu, nhưng ngày hôm sau, tôi thấy tôi chắc phải rớt, vì thế tôi sống trong phập phồng lo âu. Tôi đoán tất cả bạn cũng trong tình trạng ấy, vì thằng nào thằng nấy nhìn xanh như tàu lá. Nếu đậu trung học thì đi lính cũng được học lớp hạ sĩ quan; đậu tú tài I thì được học trường võ bị Thủ Đức để trở thành sĩ quan, nên việc thi cử rất quan trọng đối với nam sinh.

Một buổi sáng, Đỗ Trung Tín- một bạn học- đến nhà tôi.

Tín nói:

- Hiệp, tôi nghe nói có bảng kết quả dán ở trường Châu Văn Tiếp rồi. Bạn có muốn lên đó coi không?

- Có chứ, nhưng ba tôi đã dùng xe đạp đi làm rồi.

Tín vỗ yên xe hắn:

- Hai đứa mình đi một cái cũng đủ rồi.

- Để tôi xin phép mợ tôi đã.

Sau khi có phép, tôi nói với Tín:

- Để tôi chở Tín đi cho.

Tín là một học sinh quê quán tại Vũng Tầu, anh ta bị một tai nạn về ngựa từ nhỏ làm chân đi đứng không bình thường. Tín là một người vui vẻ hoạt bát, có tài viết kịch. Y thường viết kịch vui để tôi thủ vai chính.

Tôi chở Tín lên Bà Rịa cách Vũng Tầu 24 cây số. Khi đến nơi, chúng tôi chẳng thấy gì cả. Hai đứa mua bánh mì, ra đài chiến sĩ trận vong, giữa cánh đồng lúa, ngồi ăn. Xế trưa, chúng tôi quay lại trường Châu Văn Tiếp xem lại có kết quả gì không, nhưng vẫn chẳng có gì. Chúng tôi đành đạp xe trở về nhà. Lúc về, tôi phải đạp xe ngược gió và đèo thêm một người sau lưng, nên lúc về đến Rạch Dừa thì chân tay đã rụng rời, phần thì đói, phần thì mệt. Ổ bánh mì không đã chẳng cung cấp đủ năng lượng để tôi làm việc ấy, nhưng không cách nào hơn là cố sức tiếp tục đạp. Cứ đạp khoảng một cây số tôi phải nghỉ. Mấy lần Tín ngỏ ý thay phiên, nhưng tôi không chịu, vì tôi biết y làm sao mà đèo nổi tôi khi chân y bị thương như vậy. Khi dừng xe trước cửa nhà thì tôi bị xỉu.

Một hôm, vào lúc chiều tối, tôi phải gánh nước, nhưng vì bố mẹ tôi có khách, nên tôi phải đi vòng sang phía hông nhà rồi vào cửa bếp. Gánh như vậy mệt hơn, vì vừa xa, vừa phải đi qua bãi cát. Lúc đang đổ nước từ xe vào thùng, tôi thấy một người đi xe đạp lại phía tôi, vì trời đã tối, nên tôi không biết là ai. Nhưng với mái tóc dài phất phơ sau lưng, tôi biết đó là một người con gái. Đột nhiên xe thắng và ngừng lại ngay cạnh.

Khi nhận ra người đó, tôi mừng rỡ reo lên:

- An!

An hỏi:

- Hiệp, mình có thể vào nhà nói chuyện được không?

Tôi ngần ngừ:

- Không.. An ạ. Ba mợ tôi đang đãi khách ăn cơm tối. An có chuyện gì nói không?

Giọng nàng rất phấn khởi:

- Có chứ, An đến báo cho Hiệp một tin mừng.

Nói xong, nàng ngừng lại nhìn tôi.

Tôi tò mò hỏi:

- Tin gì vậy An?

Nàng cừơi:

- Hiệp đã đậu rồi mà đậu rất cao.

Tôi mừng quá:

- Thật không? Còn An?

An cúi xuống, nói thật khẽ; tiếng nói thoang thoảng trong gió, tợ như từ nơi nào đưa đến:

- An mừng cho Hiệp lắm, nhưng An trượt rồi.

Tôi nghẹn ngào nhìn An, chẳng biết phải nói gì. Trong bóng đêm, tôi thấy hai giọt nước mắt đọng trên khóe mắt nàng đang long lanh phản chiếu ánh sáng ngọn đèn nê ông từ nhà tôi ra. Hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má nàng. Tôi biết giờ phút này tôi phải an ủi nàng, để nàng bớt sự đau buồn, nhưng tôi ngu đần chẳng biết nói sao hết. Tôi nghĩ: “Mới một phút trước nàng đến báo tin cho mình thì vui mừng, trong khi nàng trựơt. Như vậy nàng vui chỉ vì mình. Ân tình của nàng đối với mình như vậy, sao mình không biết nói gì để làm nàng vui?” Tuy nghĩ như thế, song miệng tôi cứng ngắc chẳng biết nói gì cả.

Cả hai chúng tôi đứng bất động một lúc, và sau cùng tôi hỏi:

- Sao An biết?

Giọng nàng rung, rung đầy xúc động

- Thầy Ngọc…cho An biết hồi chiều. Thầy đi chấm…chấm thi về ghé lại nhà An nói như vậy.

Tôi nghĩ: “Người đẹp cũng được biệt nhỡn hơn, nên Thầy mới ghé lại cho biết tin.”

Tôi hỏi:

- Thầy còn nói gì không?

- Thầy nói… trong tất cả học sinh, Hiệp có… điểm cao nhất.

- Còn ai có điểm cao nữa không?

Giọng nàng bớt vẻ xúc động sau một thời gian trấn tĩnh.

- Còn một… người lớn tuổi rồi, ông ta không phải là học sinh mà là một công chức hay sĩ quan gì đó có số điểm cũng bằng Hiệp. Như vậy Hiệp đậu thủ khoa của hội đồng đó.

Tôi mừng quá, nhưng nghĩ lại sự đau buồn của An, nên không dám bày tỏ sự vui mừng ấy ra. Chúng tôi nói thêm vài ba chuyện nữa rồi An đạp xe về nhà.

Không phải riêng nàng bị tượt mà còn trên ¾ các bạn khác cũng cùng chung số phận. Những người bạn này thường tuyệt tích giang hồ; nhiều khi chúng tôi không bao giờ gặp nhau nữa.

Bố mẹ rất mừng về kết quả đó. Tuy nhà còn rất nghèo, mẹ cũng mua cho tôi một cái đồng hồ Seiko để làm phần thưởng.

Nhà thờ Vũng Tầu
 

No comments:

Post a Comment