Saturday, March 14, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 86



II-.       Vì hình thể và địa hình Đại Việt mà Mông Cổ không diệt được nhà Trần.

 

Trên diễn đànviện Việt Học, có người lý luận tại hình thể Đại Việt hẹp dài nên dễ lẩn tránh.

Nói như vậy là quên rằng khi kháng Mông Đại Việt chỉ vỏn vẹn từ đồng bằng bắc bộ đến đầu Đồng Hới. Như vậy dâu dài bao nhiêu. Phần bàn chiều dài hơn rộng thì đúng nhưng xo với Vân Nam có diện tích 394.100 km² thì cả nước  ta  ngày nay diện tích 331,690 km² vẫn còn thua huống hồ một Đại Việt chỉ là một tiểu quốc, diện tích lúc ấy chưa 120000 km² vì vùng Sơn La, Lai Châu là các bộ lạc dân thiểu số chưa hẳn quy thuận nước Đại Việt.

Quan hệ tối với Chiêm thì tốt thật, nhưng ta chưa bao giờ rút xuống quá Nghệ An. Chúng tôi không gạt bỏ địa lợi, nhưng địa lợi không có nghĩa là diện tích, hình thể dài ngắn. Rộng như Trung Quốc, Nga, Khwarezm còn mất huống chi một hạt tiêu Đại Việt.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia hẹp, dài thì chạy trốn khó hơn một đất nước rộng lớn. Giả sử ta hãy nghĩ đến một việc đơn giản đó là một cuộc chơi trốn tìm của mấy đứa bé chẳng hạn thì ta đã thấy gì? Nếu cuộc chơi tỏ chức trong một hành lang thật dài, nhưng hẹp. Đứa bé đi tìm đứng một đầu, còn các đứa kia chạy trốn sang phía còn lại thì đứa bé đi tìm dễ bắt đối phương hơn là cùng diện tích song rộng.

Nếu căn cứ vào toán học, cùng một diện tích nếu vật càng dài thi có chu vi càng lớn hay nói khác đi đường biên giới dài hơn nước vuông vức. Giả sử vài nước có cùng diện tích là 100000 km2 và hình thể khác nhau thì ta có kết quả gì?

·         Nếu nước thứ nhất có hình tròn thì đường biên giới là: 1121km

·         Nếu nước thứ hai có hình vuông thì đường biên giới là: 1264.91km

·         Nếu nước thứ ba có hình chữ nhật một cạnh là 100 km thì cạnh kia là 1000 km để có diện tích trên, nên đường biên giới là 2200 km.

·         Nước thứ tư cùng diện tích cũng hình chữ Nhật, một cạnh 50 km thì cạnh kia phải là 2000 km. Tổng cộng ranh giới nước ấy sẽ là 4100 km.

Cái đó chẳng qua do định lý nếu hai biến số x, y có tích số không đổi thì tổng số có giá trị cực tiểu khi hai số bằng nhau. (Hình vuông). Ta nhìn vào bản đồ nước Chile, Nam Mỹ sẽ thấy điều này.

Tóm lại một nước càng hẹp bao nhiêu thì có biên giới càng dài hơn, khó bảo vệ hơn.

Các nước nam Nga, Khwarezm và Nam Tống đều rộng lớn tương đương, nhưng trên phương diện địa thế nam Nga, cũng như Khwarezm khác với Nam Tống. Các nước này đã thua Mông Cổ, không phải tại hình thể vuông vức mà tại các điểm sau: thảo nguyên, đồng bằng.

Nếu bảo hẹp dài mới là địa lợi thì hãy xem lại bản đồ Cao Ly.

Cao Ly cũng hẹp dài phía bắc và đông là các núi đồi trùng điệp. Chỗ hẹp nhất của nước này chỉ rộng hơn cổ chai Thanh Hóa vài chục km, thế mà Mông Cổ đã bắt nước ấy đầu hàng.

Nếu ta nói cái hẹp của trung Việt ở Thanh Hóa giáp Bắc Bộ thắt cổ chai là một lợi thế đúng không? Phần phía bắc Thanh Hóa giáp với Bắc Bộ gồm các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn La tổng cộng chiều dài từ phía đông (Nga Sơn-Thanh Hóa) đến phía tây (Mộc Châu- Sơn La) trên 150km. Giả sử không có các chướng ngại thiên nhiên ấy và đất bằng bặn thì bao nhiêu quân có thể lên chiến đấu một lượt? Cũng tính cứ 1m thì hai người lính có thể chiến đấu vậy sẽ có khoảng 30 vạn người cùng lúc chiến đấu. Như vậy tất cả đại quân Nguyên có thể lên đánh nhau một lượt chứ không như cái hẹp của Thermopylae (100m).

Chỉ vì núi non rừng rậm của Trường Sơn ở giữa Thanh Hóa với Hòa Bình, Sơn La và núi non đầm lầy Tam Điệp, Tam Cốc, Gia Viễn ở giữa Thanh Hóa với Ninh Bình mới cản trở nổi bước tiến của quân xâm lược.

Ngay tại Bắc Bộ rộng rãi, nhưng khi ta phản công ta cũng có biết bao nhiêu địa lợi làm chuyện ấy. Nếu ta bày trận ở từ khoảng Bắc Ninh, Bắc Giang trong thánh chạp để đánh quân Mông thì chỉ từ chết tới bị thương vì địa lợi cho đối phương. Nhưng các tướng ta đã phục quan ở các nơi có lợi địa, đó là các ải Chi Lăng, Ôn Châu, Khả Lợi, Nội Bàng… vì núi non chập trùng làm thế đất thắt mở, hẹp hòi, hiểm trở, khó đi. Rồi các rừng rậm, núi đá, các con sông ngăn cản đường tiến thoái… vì thế địch mới chết nhiều.

Nam Nga là một thảo nguyên lớn nhất thế giới, còn hơn Mông Cổ, khí hậu cũng bớt khắc nghiệt hơn Mông Cổ vì vậy khi Batu khi được đề cử về tranh chức làm Đại Hãn ở Krakorum thủ đô ở Mông Cổ thì ông đã từ chối vì ông thích nơi đây hơn. Trang 12, quyển: “History of Russia and the USSR” Peter Neville đã viết: Nhược điểm của địa hình bằng phẳng cộng thêm vào cái chia rẽ chính đã giúp cho Mông Cổ hoàn tất cuộc chiến. [To geographical vulnerable, was added to chronic political division, which could only assist the Mongols in their task.]

Vậy lấy chuyện vì hình thể ra bàn thì hoàn toàn sai.

 

B. Địa lợi.

Địa lợi đây là núi, sông, ao, hồ, rừng các chướng ngại vật thiên nhiên. Nhưng nó còn tùy thuộc cho đao binh mà tướng muốn dùng. Có khi đồng bằng, đất cứng lại là lợi địa; ấy là trường hợp kị binh Mông Cổ. Thật vậy Khwarezm và nam Nga thì hầu như là sa mạc, hay đồng cỏ bằng phẳng lại cũng là một lợi địa cho kị binh Thành Cát Tư Hãn. Xin mời các bác xem lại phần địa lợi của nước này trong chương 05. Mông Cổ đã biết dùng địa thế đất đai các nước này mà xâm lăng. Nhưng khi định quay về bằng cách vượt qua Ấn Độ, thì Thành Cát Tư Hãn quyết định hủy bỏ vì không thấy lợi địa cho kị binh của ông ta.

Quả tình địa lợi của nước ta là nhiều núi non, rừng rậm, sông ngòi đầm lầy lợi cho bộ, thủy binh nên Hưng Đạo Vương cùng các tướng đã biết áp dụng để đánh giặc đem đến vinh quang. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định, nếu các tứơng nhìn vào đó mà không nghĩ ra cách bày trận thế.

Các nước khác như Miến, Đại Lý có yếu tố này hơn nước ta nữa mà vẫn bị Mông Cổ đánh bại. Nếu các bạn có dịp đi du lịch Vân Nam chơi 1 lần để thấy địa thế hiểm trở thật của Vân Nam hiểm trở như thế nào.

Phía bắc Miến Điện rừng núi chập trùng vậy mà họ không biết dùng lợi địa bẫy quân Mông, mà trái lại quân Mông lại dụ voi Miến vào rừng mà bắt lại. Kết quả Miến đã thua. Con sông Hoàng Hà thì muôn đời vẫn nằm trên đất Tây Hạ. Mùa mưa đến và lúc tuyết tan sông chảy thật vũ bão vậy mà người Tây Hạ không biết dùng nó để phá giặc. Ngược lại, Thành Cát Tư Hãn cho đắp đập để phá thành.

Ngay tại nam sông Dương Tử, một vùng rộng lớn bao la mà cũng là một địa lợi ngăn cản kị binh. Bài trên tôi đã dịch đoạn của Patricia Buckley Ebrey viết trong quyển sử về Trung Quốc: Miền nam sông Dương Tử của Trung Quốc chưa bao giờ bị chiếm bởi các người trên thảo nguyên không phải gốc Trung Hoa là vì có nhiều sông, kênh đào,  suối đã trở thành các chướng ngại vật ngăn cản kị binh. Bài viết này cũng còn chứng minh các bài viết của tôi về THÀNH CÁT TƯ HÃN nếu có đem đạo kị binh khổng lồ của ông đánh Nam Tống chắc không dễ dàng như đánh các nước Tây Liêu, Khwarezm, Nga…Vậy nam Trung Quốc cũng có địa lợi chặn binh Mông Cổ, thế mà Nam Tống mất nước.

Trong quyển sách của Stephen Turnbull viết cũng có đoạn nói tới việc THÀNH CÁT TƯ HÃN sau khi chiếm được Khwarezm thì định quay về Tây Hạ bằng cách vượt qua Ấn Độ. Nhưng sau khi nhìn địa thế nước này quá nhiều sông và rừng già và còn dãy núi chọc thủng trời xanh nên lại thôi. Đây cũng nói lên việc ông biết cái lợi địa của các nước nam và đông nam Á Châu. Ấn Độ là vùng rộng lớn, dầy đặn biết bao mà cũng làm THÀNH CÁT TƯ HÃN sợ đâu cần hẹp mà dài? Vùng đất này luôn luôn chia cắt thành các bộ lạc nhỏ, không lập ra một đế quốc rộng lớn. Vậy mà Trung Quốc bao nhiêu năm bành trướng sao không đụng độ với các bộ lạc Nam Á? Dãy núi Hỷ Mã Lạp Sơn đã làm bình phong thiên nhiên ngăn Trung Quốc với Ấn Độ. Còn Tây Tạng nữa chứ. Hình dạng cũng đầy đặn, thế mà Hán, Đường chịu thua Thổ Phồn. Hẹp đâu dễ phòng thủ, rộng đâu dễ tấn công. Chẳng qua là núi cao, vực sâu làm ngăn bước kẻ xâm lược.

Cái này chứng tỏ không phải hình thể vùng mà tạo ra địa lợi. Nếu ta lý luận rằng từ Thanh Hóa trở vào, phía đông có biển cả, phía tây có Trường Sơn tạo ra địa lợi thì không ai chối cãi. Dù là đất Việt lan sang đến tận sông Cửu Long vẫn có địa lợi. Một mặt khác biển cả lại là đường cho hải quân uy hiếp, chứ không an toàn tuyệt đối. Bờ biển càng dài thì càng nguy hiểm. Nếu Mông Cổ đánh nước ta trước năm 1270 thì còn có ít lợi vì lúc ấy họ chưa có thủy quân. Đến lúc họ chiếm trọn Nam Tống rồi thì bờ biển Đại Việt quá dài để ta phòng thủ. Lịch sử đã không ghi rõ cách tiến quân của Toa Đô từ Chiêm Thành ra như thế nào. Có thể cả thủy lẫn bộ, nên Trần Quang Khải chống không nổi, vì ông phải trải quân quá rộng. Điểm nữa chúng ta nên nhớ nước Việt Nam bị Pháp tấn công đầu tiên vào Đà Nẵng bằng chiến thuyền, rồi cũng mất nước vì biển cả vậy.

Quả tình không có địa lợi thì ta khó lòng thắng quân thù. Muốn chiến thắng địch quân thì còn phải cộng thêm cả chục yếu tố khác chứ không phải cái địa lợi thôi. Đem so cái địa lợi của Đại Việt với Vân Nam thì ta không thấm vào đâu, nhưng ta còn lợi hơn nhờ thiên thời. Nếu Hưng Đạo Vương không biết lợi dụng tất cả các yếu tố để thắng trận như chúng tôi đã bàn vào phần đầu, thì nước ta đã bị Mông Cổ chiếm mất rồi.

Nếu không có núi cao, sông sâu, rừng thiêng che chở thì cái nào dễ phòng thủ? Ta thấy ngày đường biên giới càng dài thì càng khó phòng thủ.

Nói là đây có nhiều địa lợi, nhưng không phải chỗ nào cũng vậy và mùa nào cũng vậy. Chỗ dải đất ven biển rộng hẹp tùy nơi, nhưng chỗ hẹp nhất cũng gần một chục km và rộng nhất là vài chục. Những nơi này vẫn dễ dàng di chuyển nhất là trong mùa khô. Vì vậy mà Toa Đô đã đem quân đánh từ nam ra bắc mà quân ta không phục kích được. Nhưng nếu Toa Đô tiến quân ra trong mùa hè thì biết liền. Nơi đây sẽ lầy lội các con sông Gia Hội, Hạ Vàng ở Hà Tĩnh; các sông Cả, Con ở Nghệ An; các sông Chu, Mã ở Thanh Hóa cùng cả chục con sông nhỏ khác nước dâng thật cao, chảy thật siết. Không chừng Toa Đô đã bỏ xác ở Nghệ An chứ không phải đợi ra đồng bằng bắc bộ. Kể cả vùng từ Hà Nội lên biên giới Việt Hoa cũng vậy. Có nhiều nơi đồng bằng bát ngát. Mùa khô, đây là địa lợi cho kị binh nhưng nùa mưa lại là bất lợi.

Điều này cho ta thấy rõ ràng cùng là đồng bằng, núi rừng, sông ngòi, nhưng tướng nào biết lợi dụng hình thể địa thế kẻ ấy sẽ thắng.

Tóm lại thắng được là nhờ tướng biết dùng địa lợi, chứ không phải địa lợi làm tướng thắng trận.

No comments:

Post a Comment