Sunday, March 8, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 23


TT
 
Vài ngày sau, tôi gặp Thanh.

Thanh nói:

- Chúc mừng Hiệp đậu thủ khoa nhé.

Tôi trả lời:

- Tôi cũng chúc mừng Thanh đã đậu. Này Thanh, tội nghiệp cho An quá!

- Tôi cũng vậy. Hôm qua tôi gặp An. An khóc quá chừng.

Tôi ngạc nhiên:

- Thật sao? Hôm trước An đến nhà tôi để báo tin về kết quả kỳ thi. Lúc đó An rất buồn nhưng không khóc sướt mướt như Thanh nói.

Thanh cười:

- Hiệp à, sao Hiệp ngây thơ thế?

- Sao lại ngây thơ?

- Hiệp phải biết rằng làm sao mà một người con gái lại khóc trước mặt một người con trai được, trừ phi họ là người yêu của nhau.

Tôi nghĩ: “Chắc Thanh nói đúng, về phương diện tình cảm có lẽ người con gái cùng tuổi khôn hơn con trai. Từ trước tới giờ An và mình chỉ biểu lộ cảm tình qua cái nhìn, nụ cười hay những hành động, cử chỉ, chứ chưa bao giờ mình ngỏ lời nói yêu đâu. Chẳng lẽ nàng lại yêu một thằng ngốc? Hay là mình nghĩ lầm? Nhưng tại sao bọn Minh Đức cũng thấy như vậy? Riêng phần mình, tự trong lòng, mình biết rằng mình đã yêu nàng rồi, còn về phần nàng mình làm sao hiểu được? Có lẽ mình yêu đơn phương chăng?”

Hai ngày sau, An lại đến nhà tôi lúc sẩm tối. May mắn quá, bố mẹ cùng hai em tôi hôm ấy đi vắng, nên tôi mời nàng vào nhà. An đến cái bàn học chỗ nàng ngồi ngày trước, tay nàng mân mê mặt bàn. Có lẽ nàng đang hồi tưởng lại ngày đầu tiên nàng ngồi học ở đây? Trên gương mặt nàng đượm vẻ buồn, trộn với cái đẹp làm nàng càng thấy yêu kiều hơn. Mắt An thấy đỏ, có lẽ nàng đã khóc rất nhiều.

Tôi quýnh quáng hỏi:

- An đi đâu vậy?

Hỏi xong, tôi thấy mình lố bịch, vô duyên không thể tưởng; lẽ dĩ nhiên nàng lại thăm tôi mà tại sao phải hỏi câu ngu đần đó. Tôi cũng chẳng mời nàng ngồi hay uống nước để làm bầu không khí dịu xuống.

An trả lời:

- Chỉ lại thăm Hiệp thôi.

Tôi nghĩ: “Vậy là nàng can đảm hơn ta. Ta đến nhà nàng là cắm đầu chạy về. Mình hèn thật!”

Tôi biết An đến đây, chuyện trò cùng tôi để làm giảm sự chán nản và ưu sầu của nàng, nhưng tôi không biết nói làm sao cho nàng vui, nên cả hai đứa tôi đều đứng yên lặng. Tôi tự rủa thầm tại sao tôi ngu quá vậy, lúc nào cũng muốn được gần nàng, mà khi đứng gần thì run rẩy quên hết mọi ý nghĩ.

Tôi đứng nghĩ một hồi, để tìm những lời an ủi hữu hiệu, rồi thu tất cả can đảm nói:

- An à, An đừng buồn nữa. Tôi rất thông cảm sự buồn rầu của An, nhưng trên đời rất công bằng. Thượng đế chỉ cho mỗi người một đặc ân thôi, và ngài đã cho An một đặc ân rồi. Đó là cái đẹp của An.

An đứng yên không nói, tôi đoán nàng đang cố đè nén những xúc động mãnh liệt trong lòng. Mắt nàng đột nhiên long lanh, rồi bất chợt nàng bật lên khóc. Tôi không thể tiên đoán được sự kiện ấy, nên chẳng biết làm sao cho nàng bớt khóc.

Tôi chạy quanh nàng, năn nỉ:

- An, An đừng khóc nữa!

Nhưng khi nói nàng đừng khóc nữa, thì nàng càng khóc nhiều hơn, mạnh hơn. Đôi vai nàng rung lên dữ dội, hai tay nàng vin chặt thành bàn cho khỏi ngã. Tôi cuống lên chẳng biết làm sao. Đột nhiên tôi nghĩ: "Mình đến ôm đôi bờ vai nàng nói: An, anh yêu An, An đừng khóc nữa." Nhưng cùng ngay khi ấy một tư tưởng khác hiện ra: "Nếu tôi đã nói yêu thì tôi phải cưới nàng làm vợ. Như vậy tôi có khùng không? Tôi có sự  nghiệp gì chưa mà cưới vợ? Muốn cưới vợ, tôi phải đậu hai bằng tú tài, rồi tốt nghiệp đại học, và phải tìm được một việc làm vững chắc để nuôi vợ con."

Tôi gạt ngay ý niệm thố lộ tình yêu, và nói:

- An, tôi lạy An, An đừng khóc nữa, nếu bố mẹ về thì nguy lắm.

Sau một hồi năn nỉ của tôi, An cũng từ từ bớt khóc. Một chặp sau, nàng chia tay tôi ra về. Tôi đứng nhìn theo bóng nàng cho đến khi khuất sau ngã ba đường với lòng buồn rười rượi.

Đêm đó tôi ngủ không được và phải tính cách học cho thật lẹ để mau mau tốt nghiệp đại học hay ít nhất cũng phải tìm được một việc làm kha khá, rồi mới tỏ tình cùng nàng. Tôi tự hỏi: "Nếu nàng đi lấy chồng thì sao? Thôi cũng đành vậy!" Một phần là vì hoàn cảnh chiến tranh, nên mất học, một phần khác là vì lề lối thi cử quá khó, nên đa số chúng tôi  đã 17, và có khi 18 tuổi rồi, tuy là mới học đệ tứ. Với tuổi ấy, An có thể lấy chồng được rồi, còn tôi thì làm sao mà lấy vợ?
Hòn Bà
 

No comments:

Post a Comment