Sunday, March 29, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 26


Ngày hôm sau, tôi đem đến nàng mấy tờ báo và đến ngày kế tiếp An đem lại tặng tôi hai cái đèn ngủ đầu giường và hai cái lục bình. Tất cả các vật trên đều xếp bằng giấy có hình mầu, và trông rất đẹp mắt. Lúc đầu tôi không hiểu ý nghĩ của các tặng vật ấy, nhưng từ từ nghiền ngẫm và đi đến một kết luận. Hai đèn ngủ lả biểu hiệu cùng chung một phòng; hai lục bình có nghĩa là bình an, tức ám chỉ tới tên nàng. Tôi thầm nghĩ thầm: “Chẳng hiểu An có yêu mình không? Tại sao nàng tặng mình những kỷ vật có liên quan đến tên nàng cùng hai cái đèn ngủ?” Tôi đem các thứ đó trưng trong tủ kính của nhà.

Chẳng bao lâu sau, mùa hè cũng qua, niên học mới lại tới, tôi từ giã Vũng Tầu về Sàigòn để tiếp tục học, chấm dứt nhiệm vụ ông "thầy bất đắc dĩ." Cũng thời gian này, mẹ tôi được trường trung học Trung Thu nhận dạy Anh văn. Cho nên cả hai mẹ con cùng về Sàigòn một lượt. Trong khi ấy, bố và hai em tôi vẫn còn ở lại Vũng Tầu.

Trong thời gian đó, hàng tuần, An và tôi vẫn thường liên lạc với nhau qua thư từ. Ngoài giờ học và ôn bài, tôi chỉ nhớ tới An, nên lấy giấy bút viết vài ba trang thơ về thăm nàng. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ viết trắng trợn "anh yêu em, hay em yêu anh cả." Giây phút vui sướng nhất của tôi lúc ấy, là chờ người phát thư trao cho tôi một lá thư. Tôi đọc đi, đọc lại những thư của nàng gởi cho tôi, cho đến khi chúng nhàu nát.

Vào rạng sáng ngày 11 tháng 11, 1960,  lúc dân chúng Sàigòn đang say ngủ, bỗng nghe những tiếng súng lớn, nhỏ nổ vang. Chúng tôi cùng nghĩ có lẽ Việt Cộng tấn công. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cứ đến trường để học như thường lệ, nhưng thầy giáo cho lớp tan, ai nấy lo chạy về nhà. Tôi ra đường nghe tin có một cuộc chính biến muốn đảo chánh anh em ông Diệm và ông Nhu đang diễn ra ở dinh Độc Lập, do Đại Tá Dù Nguyễn Chánh Thi cùng Trung Tá Vương Văn Đông cầm đầu.

Hiếu kỳ, tôi đạp xe lên chỗ ấy xem tình hình.

Khi đến nơi, tôi thấy hàng ngàn lính nhẩy dù, cùng xe tăng thiết giáp đang bao quanh đấy. Bất thình lình, súng ở trong bắn ra và ở ngoài bắn vào ngay trên đầu chúng tôi. Tôi vội nằm xuống mặt đường tránh đạn cả hai bên, rồi bò từ từ và kéo theo chiếc xe đạp ra khỏi vòng giao tranh.

Tuy nhiên cuộc chính biến ấy bất thành, và các phần tử gây chính biến phải đào tẩu sang Cam Bốt. Tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao phải có cuộc đảo chính đó? Sự dân chủ ở niềm Nam có thực sự được tôn trọng hay không? Tại sao Tổng Thống Diệm phải tuyên bố trên đài phát thanh giải tán chính phủ, lập chính phủ lâm thời? Đó có phải là một dấu hiệu cho thấy rằng chính phủ của ông Diệm đã không được toàn dân ủng hộ và có nhiều sai lầm?

Một hôm, tôi nhận được một lá thư của An, trong thư nàng viết: "Hiệp! Nếu Hiệp có thì giờ về Vũng Tầu, nhớ đến thăm An. An có nhiều chuyện muốn nói cho Hiệp nghe. À này, An muốn tặng Hiệp một đôi guốc thật nhỏ và xinh lắm. Hiệp về thăm An càng sớm càng tốt, An sẽ đưa Hiệp đôi guốc đó. Độ này An có nhiều chuyện hơi buồn.” Trời ơi! Một "đôi guốc", nàng có ám chỉ gì đây không? Tôi nhớ lại hôm hai đứa ăn cơm tối ở quán trên Bà Rịa, nàng đố tôi một câu: “Lẻ bạn cho nên phải kiếm đôi. Chúa dạy ra đi chẳng dám ngồi. Dầm mưa giãi nắng lòng chẳng quản. Chúa còn ướt, huốn chi tôi” Rồi nàng giải nghĩa đó là đôi guốc. Nàng có muốn tôi và nàng thành một đôi không nhỉ? Nàng có yêu tôi không, hay là tôi suy đoán vẩn vơ? Còn chuyện gì mà nàng buồn nữa đây?

Tôi vội viết thư an ủi nàng, và hứa sẽ về thăm nàng.

No comments:

Post a Comment