Sunday, March 22, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 87


 

CHƯƠNG 6- TRANH LUẬN (TT)

IV- Đại Việt thắng là vì Subutai không chỉ huy. 

Trên một vài diễn đàn khác, chúng tôi có xem qua thấy một số bạn đã đưa ra vấn đề Đại Việt may mắn vì Subutai đã qua đời, nếu không thì Hưng Đạo Vương không thắng nổi Nguyên Mông. Một trang web của nước Anh cũng đã xếp hạng mười danh tướng tài bà nhất thế giới đã xếp Subutai trên Hưng Đạo Vương.   Nếu đọc phớt qua, ta thấy Subutai thắng rất vẻ vang và nghĩ như vậy.

Nhưng đọc kỹ thì lý luận này xem ra chưa chắc đúng.

Chúng ta đã xem qua các cuộc chiến của Subutai, và ai cũng thấy ông thắng nhiều hơn thua. Ông thắng địch quân được là vì các quốc gia ấy đã dùng cương chống cương, lấy kị binh chống kị binh hay thủ thành chống tấn công. Ông cũng biến báo nhiều trường hợp để biến đổi thế cờ, nhiều trận pháp giả thua rồi phục kích.

Tuy nhiên, ông không phải bách chiến bách thắng. Ông đã thua khi bị quân Cuman tấn công bất ngờ. Sau trận sông Kalka, Subutai cho quân vượt sông Volga thì bị quân phục kích bởi quân của iltäbär (vua) Ghabdulla Chelbir của xứ Bulgar, cộng thêm quân của inäzors (hoàng tử) MordvinPureshPurgaz gần Samara Bend làm thiệt hại quân Mông. Đến lúc đấu tranh trên sông Sajó lại bị thua về đêm. Nhìn vào đây ta thấy ông giỏi về trận kị binh, nhưng không giỏi đối phó với du kích chiến. Trong khi ấy Hưng Đạo Vương là người chủ trương du kích chiến và sau đó đến trận địa chiến, khi mình đã nắm chủ động. Như vậy Subutai khó lòng thắng nổi chiến thuật của Hưng Đạo Vương.

Subutai thì dùng chớp nhoáng tiêu diệt địch quân. Ngược lại Hưng Đạo Vương lại chủ ý dùng cẩn thận, chờ đợi mới đánh. Như vậy khi thấy giặc mạnh, Hưng Đạo Vương không đem quân nghênh chiến thì Subutai đánh với ai? Đợi cho quân địch mệt mỏi, chán nản ngài ra quân ấy là khắc tinh của chớp nhoáng vậy.

Cả hai Subutai lẫn Hưng Đạo Vương đều chủ ý đến chuyện lựa điểm cao mà điều kiển trận đánh. Vì từ cao nhìn được hết chiến trường, để rồi linh động, tùy cơ ứng biến và thay đổi trận pháp. Về điểm này hai bên tương đồng.

Một cái thắng khác của Hưng Đạo Vương là lòng dân ủng hộ ông. Dân đã nghe theo ông đem lương thực cất dấu hết, làm địch không còn đâu kiếm ra lương thực. Như vậy là Hưng Đạo Vương thắng từ Công Tâm lẫn Công Lương.

Về địa lợi và thiên thời thì đất ta là một nơi không phải cho kị binh hoành hành. Các chiến thuật chớp nhoáng với kị binh của Subutai không thể áp dụng được. Khi bàn về kị binh thì lại nói tới kị binh gốc Mông Cổ mới xuất sắc. Tuy nhiên kị binh này thì phải ở vùng khô khan, không có núi, rừng, sông, hồ.

Ta cứ tưởng tượng cảnh một đoàn kị binh đến vùng đất mà chỉ thấy sình lầy, dưới chân quả núi che phủ rừng già, thì Subutai cho hành quân qua đường nào? Vào rừng thì cây gai chằng chịt, hang hốc không biết thì làm sao tránh khỏi phục kích? Thôi đành đem kị binh lội ruộng, mà nơi đây làm sao phi nước kiệu, nước đại. Đoàn kị binh này đi độ 10km thì mệt lừ rồi lâu lâu bị bắn sẻ làm một lính bị thương. Và cuối cùng khi người ngựa bị mệt mỏi, rã rượu vì đường đi và cái nóng hầm, thì bỗng đâu quân ta nhô ra bắn một loại.

Bây giờ giả sử Subutai đem bộ binh sang thì thắng nổi không? Tình trạng này chắc cũng không hơn Thoát Hoan là mấy vì ông ta không phải là tướng bộ binh. Các chiến thuật mà ông áp dụng ở Âu Châu không còn hữu hiệu cho địa thế nước ta. Vậy ông ta cũng lại ôm đau thương với du kích chiến!

Chúng tôi không muốn nói bất kỳ ở đâu Hưng Đạo Vương cũng giỏi hơn Subutai. Nếu Hưng Đạo Vương đem quân sang đánh Subutai ở thảo nguyên thì có thể ngài phải thua. Nhưng mỗi rừng một cọp, tại quân Mông sang gây hấn nước ta nơi phong thổ địa dư không thích hợp cho họ, thì phần thắng phải thuộc về Hưng Đạo Vương.

Ta phải kết luận ngược lại, đây là một may mắn cho Subutai. Ông ta đã không sang Đại Việt, nên tên tuổi ông là một trong mười tướng lãnh tài ba nhất thời Trung Cổ.

No comments:

Post a Comment