Sunday, February 1, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 18


Hai tên kia đứng cùng về một phía, nên tôi không sợ bị tất công bất ngờ từ sau lưng. Tôi chăm chú nhìn hai đối thủ, chờ phản ứng.

Cùng lúc đó nhiều tiếng ồn ào ở cửa trước, tiếng cửa trước bật mở. Hai tên kia liếc mắt nhìn nhau. Chúng cảm thấy không ổn. Vài giây sau cửa hậu, cạnh chỗ chúng tôi, cũng bật mở, rồi cả tá bạn bè tôi chạy ra. Bấy giờ, hai tên đó đột nhiên bị ở thế hạ phong.

Họ vây quanh chỗ chúng tôi, nhiều người hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Ba Gà hỏi;

- Chuyện gì vậy, Hiệp?

Tôi không trả lời, nhưng một trong hai tên đó nói:

- Không có gì hết.

Nói xong, hắn lôi tên còn lại đi một nước.

Chúng tôi vào lớp và bắt đầu làm việc.

Các bạn trai giúp tôi trang hoàng và xắp xếp bàn ghế, trong khi các bạn gái lấy chén đĩa, xắp lên bàn.

Khi các việc nặng xong tôi đến hỏi An:

- An có cần tôi giúp gì không?

Nàng mỉm cười:

- Có chứ! Hiệp làm ơn lấy trái dưa hấu đàng kia lại đây rồi theo An.

Tôi mừng rỡ, làm theo lời yêu cầu của nàng. Chúng tôi đi cạnh nhau, nàng lấy dưa hấu từ tay tôi, rồi cắt thành hình hoa tám cánh xếp lên đĩa. Nàng rất khéo tay, nên cách xếp dưa hấu rất đẹp. Tôi biết rất nhiều cặp mắt đang nhìn chúng tôi, nhưng sau nhiều "thử thách" tôi có phần can đảm hơn.

Khi việc sắp xếp xong, tôi yêu cầu các bạn vào chỗ ngồi, rồi năm, sáu tên trong ban tổ chức bắt đầu đốt bánh pháo. Xui cho An, nàng cũng đứng gần chỗ có pháo nổ, cho nên phải bịt tai chạy quanh. Chẳng hiểu sao, nàng chạy ngay trước mặt tôi, hai tay bịt tai và nép vào ngực tôi. Mùi thơm từ người nàng làm át cả mùi pháo và tôi có cảm tưởng đang ở cõi thiên thai.

 

ĐÓN XUÂN

 

Tôi e rằng pháo nổ sẽ làm nàng bị đau, nên lấy tay kéo nàng ra sau lưng tôi nấp. Tôi thấy các bạn dơ tay chỉ trỏ về phía chúng tôi rồi cười; mọi lúc khác thì chắc tôi mắc cỡ lắm, nhưng lúc ấy tôi thấy có nhiệm vụ che chở cho nàng. Vì vậy tôi phưỡn cái ngực lép kẹp, khuỳnh đôi cánh tay sậy ra che cho nàng ở phía sau.

Pháo hết, chúng tôi trở xuống dưới tìm chỗ ngồi. Oái oăm thay, tôi thấy hai chỗ trống cạnh nhau, chẳng hiểu có phải các bạn tôi chủ trương hay không. An ngồi xuống một chỗ, trong khi tôi vẫn tần ngần không biết có nên ngồi cạnh nàng không. Tôi liếc nhìn lên thấy cả lớp đang nhìn tôi một cách chăm chú. Tôi đoán các bạn đang chờ đón xem một pha ngoạn mục. Mắc cỡ quá, tôi quay đi đến chỗ Hoa, Súy và Tiếng đang ngồi, rồi chen vào giữa Hoa và Súy.

Hoa tức giận:

- Tại sao anh không ngồi chỗ đó?

Tôi yên lặng.

Súy nói:

- Ông là thằng Ngu. Thằng ngu!

Tôi cũng thấy tôi ngu thật, và trong lòng thấy hối hận vì đã không ngồi ở chỗ ấy.

***

Nhiều lần, tôi tôi muốn ghé thăm An ở nhà vào buổi tối, nên đến cửa hàng guốc, đứng trước cửa cả nửa giờ, bất kể nóng, lạnh, mưa, gió mà không dám gõ cửa. Và cuối cùng lại bò về nhà, trong sự luyến tiếc và tự chửi thầm: "Hiệp mày là thằng ngu, hèn, tồi bại. Lần sau phải mạnh dạn gõ cửa nghe không?" Nhưng lần sau, vở kịch lại tái diễn y chang, chẳng thay đổi gì cả.

Sau dịp tết, tôi trở thành mục tiêu công kích của giáo sư T. Sau mỗi giờ học, Thầy cho tôi là lập dị, vô phép, hỗn láo...Có lẽ tôi cũng lập dị thật, vì tôi không mấy để ý đến quần áo. Tôi có một cái quần cứ bị thủng đít hoài; ông cụ tôi tức quá, bèn lấy một miếng vải lớn bằng cái quạt mo, cắt thành hình trái tim, rồi vá lên đó. Nếu như người bình thường khác, với lứa tuổi 17, 18 thì chẳng bao giờ mặc, nhưng tôi cứ phớt tỉnh Ang Lê, mặc đi học và mặc ai cười thì cười. Theo quan niệm tôi, cái quý nhất, giá trị nhất của một người là tấm lòng và bộ óc chứ không phải quần áo bề ngoài.

Năm đó gần đến hè, trường tổ chức một kỳ thi vẽ hình bìa cho tập san "Sóng Biển," với chủ đề: "Hè" cho tất cả học sinh đệ nhất và đệ nhị cấp. Để dự thi, tôi nộp một tấm hình mầu nước, trên đó vẽ một quyển sách bìa xanh da trời gấp lại, một bình mực khô lăn bên cạnh, một cây viết lăn ở phía khác, bên trên quyển sách là một nhánh hoa phượng rực rỡ. Phía góc trên bên phải là hình biểu tượng núi nhỏ với đèn hải đăng mà dưới chân núi là các đợt sóng. Nhánh hoa phượng là biểu tượng của mùa hè. Quyển sách xếp lại, bình mực khô, cây viết lăn một cách hỗn độn tượng trưng cho sự nghỉ ngơi. Mầu xanh của bìa sách là biểu tượng của sự hy vọng trong tương lai. Núi Nhỏ với đèn hải đăng là biểu tượng của trường trung học Vũng Tầu, còn sóng biển là tên tờ tập san. Kết quả bức tranh đó được chấm hạng nhất và sẽ được in lên bìa báo.

HÈ VỀ

BÌA ĐẶC SAN SÓNG BIỂN
 

Niên học cũng gần tàn, lúc hoa phượng vĩ thật sự ngoài đường bắt đầu lác đác nở. Hoa phượng đỏ ối báo cho chúng tôi biết ngày trọng đại cũng sắp tới: "Ngày thi." Để đáp ứng với việc thi trung học, chúng tôi phải cật lực học hành. Vì ở nhà nhiều khi quá ồn ào, và vì không có thư viện, nên chúng tôi phải tìm những nơi yên tĩnh để học bài. Một trong các nơi yên tĩnh nhất là Núi Lớn. Trong thời gian này, ở chân Núi Lớn và Núi Nhỏ rất hoang vu, không có nhà ở.

No comments:

Post a Comment