Tuesday, June 5, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Thăm Summer Palace- Di Hòa Viên (tt)

Tôi nhớ lại chuyện vớt rong thủa xa xưa.

Năm ấy, đàn lợn lại gây cho tôi một công việc mới: "lấy rong đuôi chồn." Sau khi được đem về nhà, rong sẽ được băm nhỏ trộn với cám rồi nấu chín cho lợn ăn rất tốt. Mỗi buổi sáng chưa phải chăn trâu bò, tôi phải đi lấy rong ở các ao, ruộng ở gần làng. Nhưng rồi vì nhiều người trong làng bắt chước cũng đi lấy rong, nên chẳng bao lâu sau rong gần làng cũng trở nên hiếm hoi.

Tôi phải nghĩ cách làm sao lấy được nhiều rong cho lợn ăn. Tôi chợt nhớ tới cái đễn, ở phía đông thôn tôi. Nó là ranh giới thiên nhiên của thôn Tân Phúc và thôn Đăng Lâu. Nơi đó khó vào vì các loài lau, sậy, cỏ  mọc chằng chịt hết đời này qua đời kia, đan với nhau thành một bè nổi, xen lẫn trong các bụi cây cao hơn nóc nhà. Bên dưới lớp cỏ là nước, nhưng không ai biết nước trong đễn sâu bao nhiêu. Có một điều chắc chắn là rất sâu, vì có những con cá quả (cá lóc) to như bắp đùi người lớn, sống dưới đó mà không ai có thể bắt được. Người ta chỉ thấy chúng lâu lâu phóng lên táp mồi, rồi biến mất tăm. Thêm vào đó, nơi đây rất nguy hiểm vì nhiều trăn, rắn rất lớn.

Có một con đường nổi duy nhất nối liền thôn Đăng Lâu với thôn Tân Phúc băng qua đễn, tuy nhiên vì nguy hiểm nên chẳng mấy ai dám băng qua đó một mình; họa hoằn lắm mới có một nhóm thanh niên thôn tôi vượt đễn để sang Đăng Lâu hay ngược lại. Vì vậy con đường có nhiều chỗ cây mọc che kín đường đi. Rải rác giữa đễn có nhiều ao đầy rong. Tôi nhận ra điều đó, khi vượt qua đễn đến nhà Giang học bài, hay đưa em gái tôi sang nhà bạn nó chơi. Cách đi trên con đường này cũng rất khác lạ. Khi chân ta đạp lên một mảng cỏ, nó từ từ lún xuống cho đến khi sức nặng của thân mình cân bằng với sức đẩy lên của mảng cỏ  thì nó sẽ ngừng lại. Lúc ấy, ta lại bước thêm một bước nữa. Vì thế cách đi đó làm ta có cảm tưởng đang đi trên một nệm bông ướt khổng lồ. Khi đi trên đường đó, ta phải rất cẩn thận vì nếu đạp lên một chỗ cỏ thưa là có thể bị sa lầy. Ngoài ra, chúng tôi còn phải lo canh chừng trăn rắn, ẩn núp ven đường.

Với các sự nguy hiểm chập trùng, nên chẳng ai dám đến đó lấy rong cả. Có nhiều nơi rong nhiều đến nỗi người ta có thể nằm lên những đám rong mà không chìm, nhưng cũng chẳng thể bơi được, vì rong sẽ cuốn lấy chân tay. Ngoài rong ra, trong ao cũng còn cây súng, mà mỗi khi nở hoa trắng tím rất đẹp mắt. Tôi rủ Giao vào vớt rong, như y ngại ngùng nên tôi quyết định vào đó một mình. Mẹ rất mừng vì tôi vớt rất nhiều rong; mỗi ngày tôi đều gánh một gánh nặng trĩu rong về và đủ để nuôi bầy lợn hai, ba ngày.

Một buổi sáng mùa đông, như thường lệ, tôi đem một đôi quang, một con dao bẩy và một cái cào đánh cỏ[1] lúa vào đễn. Tôi dùng cái cào này làm đòn gánh trên đường đi, và cào rong khi ở ao. Sau khi đi đến cuối thôn, tôi phải vượt qua một vườn chuối hoang, rồi bắt đầu len lỏi trên một con đường mòn trong rừng cây.

CÀO ĐÁNH CỎ LÚA
Hết con đường trên cạn là con đường dưới nước.
Sau khi tìm được một ao rong, tôi đi đốn vài cây chuối đã chặt buồng rồi khiêng chúng về ao. Sau đó, tôi chặt vài ba cây rừng to bằng cổ tay, dài độ một thước và lấy các cây này xuyên thủng các cây chuối làm chúng kết với nhau thành một cái bè. Tôi lấy một sợi dây rừng cột vào một đầu bè, còn đầu kia đem cột vào bụi cây bên bờ ao. Tôi dùng cái cào đánh cỏ làm bơi chèo hay sào bơi, chống ra giữa hồ, rồi cũng dùng nó để quận rong chứa lên bè.
Trời hôm ấy trong veo, gió nhiều và lạnh quá, làm tôi run lên cầm cập. Tôi cố sức làm việc và lấy được một số rong thì cảm thấy đói. Trong thời gian này, chúng tôi ăn độn và chẳng đủ no, nên càng làm tôi thấy lạnh hơn. Khi đang kéo rong, một cơn gió thổi tới, tôi run lên, và mất đà rơi xuống ao. Xui xẻo thay, khi rơi xuống sức tôi đẩy cái bè chuối ra xa nên tôi không với được nó, thêm vào đó gió thổi làm cái bè càng lúc càng xa hơn.
Tôi cố sức bơi lại bè, nhưng không thể bơi được vì rong quấn khắp chân tay. Tôi kêu cứu nhưng chẳng ai đáp lại vì rừng sậy cao hơn nóc nhà đã ngăn mất tiếng kêu của tôi và hơn nữa nơi đây hoang vu chẳng ma nào tới. Tôi quay sang tìm cái cào cỏ, nhưng nó đã bị che lấp dưới đám rong mất rồi. Tôi tự nhủ: "Nếu tình trạng này kéo dài mình không chết đuối thì sẽ chết đói, chết lạnh." Tôi bèn thả ngửa người trên đám rong để khỏi bị chìm, rồi suy nghĩ cách thoát thân.
Cũng may ở dưới nước thì ấm hơn nhiều, nên tôi có nhiều thì giờ để suy nghĩ. Nhìn trời xanh biếc, trong vắt không một cụm mây, tôi nghĩ : "Có lẽ mình sẽ không còn dịp nhìn lại bố, mẹ, chị, em mình nữa. Nếu mình chết ở đây, thì có lẽ chẳng ai tìm được xác mình." Tôi ứa nước mắt, chờ đợi những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Đội nhiên tôi nghe tiếng ngóe kêu, nhìn về hướng đó tôi thấy một con rắn thật to, đen thùi đang bơi trên mặt ao, đuổi theo con ngóe. Con ngóe hoảng hốt, nhẩy nhót lung tung trên các lá súng hay mảng rong, và bất chợt đổi hướng về phía tôi.
Tôi hoảng quá, lấy tay đập loạn xà ngậu, để đuổi hai con vật đi nơi khác. Nhưng một con sợ chết, một con ham mồi nên chúng cứ tiếp tục nhảy, bơi về hướng tôi. Bất thình lình, một vật tròn, dài, nâu nâu nhô lên khỏi đám rong. Tôi nhìn kỹ lại, mừng húm vì đó là cái cán cào cỏ. Nó đã nhô lên là vì khi chân tay tôi giãy giụa, đã tạo ra một khoảng trống nhỏ.

Tôi vớ lấy cái cào, lôi nó lên khỏi mặt nước, rồi đập mạnh về hướng con rắn. Đến lúc ấy con rắn mới đổi hướng về phía bờ, và tôi đã cứu được con ngóe. Tôi cố sức bổ cái cào mạnh xuống bè chuối. Khi răng cào bám vào cây chuối, tôi kéo nó lại gần, tuy nhiên một chặp sau nó lại bung ra, vì thân chuối quá mềm. Sau năm bẩy lần như vậy, tôi đã an toàn ngồi trên bè.
Lúc ngồi trên bè, tôi cảm thấy lạnh khủng khiếp vì quần áo ướt cộng thêm sức gió thổi. May mắn lúc rong cũng đã khá nhiều, nên tôi run rẩy kéo dây đem bè vào bờ.


[1] Cào này dùng để làm cỏ khi lúa mọc khá tốt, và trước mùa nở bông. Bề rộng của cào độ hơn 10 phân, nhỏ hơn khoảng cách hai bụi lúa. Nông dân miền bắc, đặt cào vào giữa hàng lúa đẩy tới kéo lui làm cỏ bật gốc lên. Mỗi một vụa lúa thường làm cỏ hai lần. Sau này vào nam, tôi làm ruộng ở Tân Thiềng- Chợ Lách, Bến Tre, nắm 1976 thì nhận ra không ai làm cỏ lúa cả. Vì vậy, tôi không mua đâu ra cây cào này, nên cuối cùng hàng ngày ra đánh cỏ bằng tay. Cả một cánh đồng chỉ mình tôi làm. Chủ Tịch xã Tân Thiềng, Tư Trong hết sức khâm phục sự lao động của tôi, sau khi nghe tôi giảng.

No comments:

Post a Comment