Tuesday, June 26, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Chúng tôi rời đây để đến xem Hàn San Tự.

Chùa này nằm ở cửa Xương Môn thành Tô Châu, tỉnh Giang Tô.

Trên xe Dave hỏi:

-           Have you ever heard of the poem A Night Mooring .

(Các bạn đã ai nghe bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc chưa?)

Tôi biết đây là bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế lừng danh.

Mọi người nói chưa.

Anh ta đứng đọc một mạch bài thơ này bằng tiếng Hoa và chỉ nói đây là bài thơ rất nổi tiếng chứ chẳng giải thích gì hơn.

Xe chạy độ 1giờ thì tới nơi.


Vào chùa

Vài nét về:    Hàn  San Tự- Chùa không lớn về kích thước nhưng nổi tiếng qua thi ca TQ.

Không rõ chùa này được xây từ đời nào, người ta chỉ biết chùa đầu tiên có tên là Diệu Lợi Phổ Minh pháp viện. Đến đời Đường một nhà sư tên Hàn San đến đây trụ trì với một đệ tử tên Thập Đắc. Từ đó, chùa có tên là Hàn San Tự.
Cổng chùa

Có một câu chuyện kỳ thú với ngôi chùa và thi sĩ Trương Kế.

Trương Kế là một thi sĩ nổi tiếng đời Đường, ông đậu tiến sĩ năm 753, và lừng danh với bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” (Đậu bến Phong Kiểu).

Cong sông và bến Phong Kiều
Tháp chuông 


Năm ấy Trương Kế thi rớt, bèn du ngoạn cho vơi nỗi buồn. Một hôm đầu tháng âm lịch, ông đến bến Phong Kiều. Phong là cây thu phong, loại cây đổi màu lá thành vàng đến đỏ khi vào thu. (Thủa ấy nơi đây còn hoang vắng lắm). Chiều xuống, sương mù che phủ mặt sông, lập lòe trong màn sương ảm đạm đó những ánh lửa của các chiếc thuyền ngư chài để chuẩn bị cơm tối. Một vài cánh chim bay về tổ gọi nhau dưới ánh trăng non. Cảnh buồn này làm rung động tâm hồn người thi sĩ. Trương Kế nổi hứng làm hai câu thơ:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên.     
 (Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời.)

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.  
(Cây phong bên bến, lửa thuyền chài cùng chìm trong giấc ngủ)

Thi sĩ muốn làm thêm hai câu nữa để có bài thất ngôn tứ tuyệt, nhưng không còn hứng và không còn ý. Ông cố sức để tìm nguồn cảm hứng, nhưng càng cố thì lời lại càng gượng ép, trơ trẽn.

Cũng chiều ngày hôm ấy, sư Hàn San nói chú tiểu Thập Đắc xuống sông trước chùa gánh nước.  Nhà sư ra sân tưới cây kiểng và bất chợt ngửng đầu lên thấy mặt trăng lưỡi liềm. Thật ra ánh trăng này thì mỗi tháng có vài ngày, nhưng chẳng hiểu sao đêm ấy ánh trăng có sự hấp dẫn lạ thường. Có lẽ tại sương lam che phủ nên trăng nhìn huyền ảo hơn chăng?

Chú Thập Đắc vâng lời sư phụ, quẩy thùng xuống bến sông, đây là con sông mà bến Phong Kiều chảy qua và không xa nhau bao nhiêu. Lúc xuống đến bến, Thập Đắc nhìn thấy đêm bắt đầu buông, trên bầu trời mảnh trăng lữơi liềm của đầu tháng đang soi bóng xuống mặt sông giống như hai nửa vòng ngọc.

Gánh nước xong, chú tiểu Thập Đắc xuống bếp dọn dẹp. Hết việc, Thập Đắc ra trước sân định bụng dạo bước hưởng không khí yên tĩnh của đêm khuya. Lúc ấy đã gần nửa đêm, chú ngạc nhiên thấy sư phụ còn đứng giữa sân yên lặng, dáng dấp chẳng yên.

Chú hỏi:

- Bạch Thầy! Sao Thầy chưa nghỉ?

Hàn San trả lời:

- Ta nghĩ mãi mà chẳng giải được vấn đề này.

- Dạ đó là vấn đề gì, thưa Thầy?

- Con có để ý đến vầng trăng non đêm nay không?

- Dạ có? Nhưng có chuyện gì vậy Thầy?

Hàn San thở dài:

- Khi thấy ánh trăng, ta định làm bài thơ nhưng chỉ làm đựơc hai câu rồi rồi không thể làm tiếp được con ạ.

- Bạch Thầy có thể đọc cho con nghe được không?

- Ừ để ta đọc cho con nghe (có bản chép hơi khác):

初三初西月朦朧     

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mung lung.

 半似銀勾半似弓   

 Bán tự ngân câu, bán tự cung.                                                                              

Có nghĩa là:

Ngày ba, ngày bốn trăng mung lung.

Nửa giống câu bạc, nửa giống cung.

Thập Đắc nghe xong khen:

-          Thơ nghe hay quá, Bạch Thầy.

Chú chợt nhớ tới lúc gánh nước, nên thưa:

-          Bạch Thầy, thầy có thể cho phép con làm hai câu kết được không?

-          Con có ý gì sao?

-          Dạ có.

-          Vậy con đọc cho ta nghe.

-          Dạ.

Nói xong, Thập Đắc đọc luôn:

片玉壺分兩段  

半沈水底半浮空   

 Thùy bả ngọc hoàn phân lưỡng đoạn.        
 (Ai bẻ chiếc vòng ngọc thành hai nửa.)

Bán trầm thủy để, bán phù không.              
 (Nửa chìm đáy nứơc, nửa trong bầu trời.)        

Hàn San mừng lắm:

- Hai câu này rất hợp với hai câu thơ của ta. Như vậy thầy trò mình đã làm được một bài thơ rất hay:

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mung lung.

Bán tự ngân câu, bán tự cung.

Thùy bả ngọc hoàn phân lưỡng đoạn.

Bán trầm thuỷ để, bán phù không.

***

(Tôi chưa được dịp một bài thơ dịch nào của bài này nên xin dịch như sau:



Mùng ba, mùng bốn trăng mơ.

Nửa như câu bạc, nửa mờ cung cong.

Ai đem bẻ chiếc ngọc vòng.

Nửa chìm đáy nước, nửa trong khung trời.

Hay:

Mùng ba, mùng bốn trăng mung lung.

Nửa giống móc câu, nửa giống cung.

Ai bẻ ngọc vòng hai nửa mảnh.

Mảnh chìm đáy nước, mảnh trời khung.

                                                    VHKT)
                                                                                                                                

No comments:

Post a Comment