Wednesday, February 13, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Ra khỏi nhà Mỹ Hoa, về đến đoàn thì mọi người cũng ăn vừa xong.

Tất cả lên xe ra thăm Dinh Ông Thượng hay còn được gọi là Bạch Dinh. Nơi đây trước kia, lúc tôi còn sinh sống, kín cổng cao tường chẳng ai biết có gì bên trong. Ngày ấy khi đứng từ Bãi Trước nhìn sang Núi lớn thì thây ngay Bạch Dinh to lớn sừng sững trên một ngọn đồi ở chân núi. Nay nhìn lại thì nó đã không còn chíếm vị trí của một dinh thự lớn nhất vì có nhiều tòa nhà xung quanh cũng to lớn không kém.
Bạch Dinh nhìn từ chân Núi Nhỏ

 
Đây là nơi ghi nhiều biến chuyển lịch sử.

Tháng 8 năm 1964, ông Nguyễn Khánh triệu tập hội đồng cách mạng tại đây và ra bản Hiến Chương Vũng Tầu. Trong bản hiến chương này, ông tự xưng là Quốc Trưởng trọn đời. Ngày 25 tháng ấy, hàng chục ngàn sinh viên, trong đó có tôi, kéo đến nơi tướng Khánh làm việc tại dinh trước sở thú, biểu tình chống đối. Hàng chục ngàn các miện cùng hô "Đả đảo Nguyễn Khánh!". Tướng Khánh buộc phải ra gặp đoàn sinh viên chúng tôi. Khi đoàn biểu tình hô: "đả đảo Nguyễn Khánh", ông ta cũng hô “Đả đảo Nguyễn Khánh.” Đúng là trò hề! Trước áp lực dư luận, tướng Khánh phải tuyên bố hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu và thành lập cơ chế "Tam đầu chế". Hiến Chương Vũng Tàu biến thành Hiến Chương Vũng Sình.

Chúng tôi, mua vé vào tham quan.
Xe chạy theo một con dốc ngoằn nghèo rồi đậu ở sân của Bạch Dinh. Ngay bãi đậu xe, bên hông của dinh nhìn ra cửa biển Cần Giờ là một hàng các khẩu thần công cổ lỗ, chen giữa các hàng đại cỗ thụ, với các gốc cây sần sùi và các cành khúc khủy, càng làmg tăng thêm vẻ cổ kính.
 
 
Đây là lần đầu tiên trong đời và sống ở Vũng Tàu tổng cộng khoảng 12 năm, nay mới thấy bên trong như thế nào.

Từ Bạch Dinh nhìn xuống Hòn Châu

 
Từ Bạch Dinh nhìn sang Bãi Trước và Núi Nhỏ
Bạch Dinh là một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm trên một ngôn đồi ở chân núi Lớn của thành phố Vũng Tầu. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Pháp ở Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907. Đến năm 1916, người Pháp đã đem ngài cùng con trai, vị vua kế tiếp là Duy Tân sang đảo Réunion ở Ấn Độ Dương thì nơi đây là nơi nghỉ mát thật sự cho nhũng người uy quyền nhất Việt Nam của mọi thời trước 1975.

Nguyên thủy, nơi đây, Hoàng đế Minh Mạng đã cho từng cho xây dựng một pháo đài chống quân Bạch Quỷ, theo tiếng gọi của dân ta dối với người Pháp da trắng. Pháo đài nơi đây có mục đích kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Tuy nhiên, pháo dài chẳng thể chống được “quỷ” mà cuối cùng dân ta đã bị họ đô hộ trong gần một thế kỷ. Nghĩ cho cùng, ta hay dùng chữ quá tệ mạt để ám chỉ đối phương. Điều này chắc nên sửa đổi. Tại Mỹ khi người ta đề cập đến kẻ có tội về tình dục, trộm cướp…họ vẫn kêu là ông A, bà B (Mr. A. Mrs B), trong khi dân ta hay tên quỷ râu xanh, con mẹ cướp dựt…

Sau khi chiếm được quyền cai trị của cả bán đào Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã cho san phẳng pháo đài để xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn Quyền của họ.

Đề án được chính Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và chính ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của vợ ông là bà Blanche Richel Doume. Công trình được khởi công vào năm 1898, mãi đến năm 1902 mới hoàn thành. Do màu sơn bên ngoài cũng như tên gọi Villa Blanche nên người Việt quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh.

Đến tháng 9 năm 1907, ngừơi Pháp đem giam lỏng cựu hoàng Thành Thái nơi này. Ông sống tại đây trong gần 10 năm. Dân địa phương kính trọng ông, nên còn gọi Bạch Dinh là Dinh ông Thượng.

Gió biển thổi đến lồng lộng làm ta khoan khoái lang thang ngắm cảnh. Bên trong tòa nhà ba từng có nhiều phong của vua, hoàng hậu. Nhưng các nhân viên bảo trì đã không quên yêu cầu bạn bỏ giầy dép và đi vào một loại giầy vải của họ, trước khi ban đi tham quan.

Nói là đẹp thì không đúng mà đó là nơi ghi lại lịch sử, xem cho biết. Có rất nhiều phòng và chúng tôi được giới thiệu các phòng của Hoàng Đế Bảo Đại, cùng Hoàng Hậu Nam Phương.

Đứng trên lầu hai hay ba, bạn sẽ có dịp nhìn bãi Trước một cách toàn diện
và một phần thành phố Vũng Tầu.

Bên cạnh Bạch Dinh, chúng tôi thấy một đường dây cáp. Đường này được nối từ một tòa nhà to lớn ở Hòn Châu lên đỉnh núi Lớn. Người tài xế giải thích đó là đường cho xe dây cáp, đưa du khách từ bở biển lên một khu du lịch ở đỉnh núi Lớn, trong tương lai. Đến nay, tôi biết khu du lịch ấy đã vào hoạt động và có tên là khu du lịch Hồ Mây.

đường cho xe dây cáp
 
 Bạch Dinh nhìn từ phía sau

No comments:

Post a Comment