Thursday, February 14, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Thời gian cho hai chúng tôi cùng hai cháu Lili và Alyssa với đại gia đình gần hết. Chúng tôi nói tài xế đem chúng tôi tới bến tàu cánh ngầm để về Sàigòn.

Xe lại chạy qua Bãi Trước. Bãi trước bây giờ cũng khác xưa. Nơi đây trước kia là những bar hay quán bán đồ kỉ niệm. Trong khoảng năm 1955 đến 1965, trên bãi chỉ lèo tèo vài bar bán nước ngọt. Sau đó, các bar bán rượu có một thời rất thịnh khi lính Mỹ, Đại Hàn và Úc đóng quanh. Ngày trước 1980, cuối bãi, trước ty bưu điện là bến ghe chài chính của Vũng Tàu. Ngày đó ghe đậu san sát, bạn hàng cùng ngư nhân trong đó có tôi rất ồn ào, náo động vả cũng hơi dơ vì ngư dân phóng uế xuống biển rất tự nhiên. Trong khoảng từ năm 1976 đến 1980 đây cũng là bến đổ người vượt biên. Biết bao nhiêu kẻ đã thoát ra nước ngoài nhưng cũng không biết bao nhiêu người đã bị túm cổ đưa vào trại học tập. Bây giờ, nơi đây là một công viên đẹp đẽ sạch sẽ.
Bãi Trước
 
Khi nói tới vượt biên, tôi có một kỷ niệm sâu đậm tại nơi đây.
Năm 1978, tôi quay về Sàigòn mở lớp toán lý hóa tư, bất hợp pháp, để kiếm tiền nuôi vợ con. Thời ấy, chính quyền chưa cho phép dạy tư như sau 1990. Trong thời gian dạy học ở Sàigòn, tôi gặp lại Trần Trọng Hưng, một bạn học toán với tôi khi ở Đại Học Khoa Học. Hưng cũng muốn tìm đường vượt biên, và ngỏ ý muốn hợp tác với tôi để đóng một chiếc ghe máy cho hai gia đình vượt biên. Nhưng trước khi thực hiện kế hoạch đó, Hưng muốn xuống Vũng Tầu một chuyến để thăm dò tình hình.

Theo kế hoạch đó, một hôm, Hưng xuống nhà tôi. Chiều hôm ấy, tôi đưa anh ta thăm những địa điểm để đổ người, cũng như cách ém người, nhưng chỗ giấu người tôi không cho anh ta biết, vì đó là một điểm liên quan đến sự sống chết. Tôi chỉ cho Hưng biết vào giờ cuối mà thôi. Hưng tỏ ra rất hài lòng với cách tổ chức của tôi.

Sau ăn bữa cơm chiều, Hưng hỏi:

- Này Hiệp! Ông có cách nào đưa tớ xuống Bãi Trước để xem cách sinh hoạt về đêm ở đó ra sao không?

- Để tôi đưa cậu đi xuống biển, hớt cá đối bằng chiếc thuyền nhôm.

Hưng hỏi:

- Tớ nhìn như công tử thì làm sao mà xuống ghe?

Hưng nổi tiếng là đẹp trai, khi còn ở Đại Học.

- Thì cải trang thành ngư phủ mấy hồi!

Tôi lấy cho Hưng mượn một bộ quần áo rách rưới, đội cho y một cái nón rộng vành để che bớt gương mặt công tử của y, rồi xách đèn, vợt lưới xuống Cầu Đá. Tôi thường để chiếc thuyền nhôm của tôi ngay trước đồn công an biên phòng. Lúc qua đây, Hưng hơi ngán, nhưng tôi nói cho anh ta biết chính vì đó mà công an không ngờ tới, vì chẳng ai dám vượt biên trước mặt công an.

Chúng lo đem ghe xuống nước, rồi tôi chèo ra Bãi Trước. Tôi chưa đốt đèn vội vì trời còn hơi sâm sẩm. Loanh quanh đấy một lúc, tôi chèo vào trước ty Bưu Điện.

Hưng hỏi:

- Sinh hoạt ở đây mợi ngày như thế này sao?

- Bình thường thì êm ả lắm, nhưng đôi khi có những trận cuồng phong bất ngờ, sấm sét nổ lên đùng đùng trong vòng 15 hay 20 phút thì hết.

Hưng ngạc nhiên:

- Cuồng phong gì mà kỳ vậy?

Tôi cười:

- Công an cuồng phong đó.

 Tôi vừa dứt lời, bất thình lình, một tràng súng tiểu liên vang lên, cách chúng tôi chừng hai chục thước, rồi nhiều ánh đèn bấm quét tới quét lui. Tiếp theo sau là những tiếng quát tháo huyên náo cả bến ghe. Vài tràng súng lục, súng trường lại vang lên. Nhiều chiếc ghe nhỏ, chở công an bơi ra một chiếc thuyền lớn, đang neo giữa một nhóm ghe đánh cá.

Lúc ấy, Hưng rất lo lắng, nên hỏi tôi:

- Hiệp mình đang trong vòng vây của công an làm sao thoát giờ?

Tôi nói:

- Bình tĩnh! Mình hãy đốt đèn măng sông lên! Cuồng phong tới đó.

Tôi lại chỗ Hưng ngồi ở mũi ghe, và đốt đèn.

Chúng tôi biết một tổ chức vượt biên bị lộ, và tất cả những người ra đi bị bắt khi vừa xuống thuyền hay còn trên tắc xi. Vài thanh niên nhẩy xuống biển thoát thân, lội vào bờ, nhưng bị bắt ngay tại đó vì quần áo ướt. Nhiều ghe công an bơi tới, bơi lui gần chúng tôi để bắt những người còn kẹt trên tắc xi hay ẩn nấp dưới đáy ghe lớn quanh đó.

Đối với tôi, việc này quá thông thường, nhưng đối với Hưng, lần đầu tiên xuống biển và cũng lần đầu tiên bị nằm trong vòng nguy hiểm, nên y tỏ vẻ sợ sệt. Tôi nhắm phía bờ biển chèo ghe vào. Vài chiếc ghe chở công an bơi lại chỗ tôi, nhưng lại bơi đi nơi khác, vì họ cho rằng chúng tôi là ngư phủ thật.

Hưng hỏi:

- Sao cậu lại chèo ghe vào chỗ công an? Bộ cậu điên sao?

- Chỗ ấy an toàn hơn.

Hưng nói:

- Hiệp! Cậu cho tớ về nhà được không?

Tôi nói:

- Được chứ! Cậu lại bơm đèn thêm, rồi xách đèn lên bờ mua dầu hôi ở trước Bưu Điện đi. Tôi sẽ theo ngay.

Hưng hỏi lại:

- Lên bờ? Ngay chỗ công an đang đứng ấy à?

- Ừ; chỗ đó là an toàn nhất đấy. Cậu cứ nghe lời tôi đi.

- Nhưng đó đâu có cây xăng?

- Không; cậu hỏi mấy cô bán thuốc lá ấy. Các cô ấy bán dầu lậu mà.

- Công an đứng ngay đó mà họ cũng bán dầu lậu sao?

- Thì công an bán dầu cho các cô ấy chứ sao. Cậu nhớ đội nón che gần hết mặt đi nghe không?

Hưng kéo vành nón xuống, rồi cầm đèn lên chỗ bán thuốc lá. Tôi bỏ neo ghe và theo sát Hưng ngay sau đó với cái vợt trên tay. Mấy người công an nhìn chúng tôi rồi quay đi tiếp tục quan sát các chỗ tối tăm khác.

Hưng hỏi cô bán thuốc:

- Cho một lít dầu hôi đi cô.

- Em mới hết dầu.

Tôi chọc:

- Sao cô không nói mấy anh này bán cho một ít.

Hai người công an quay lại nhìn tôi, nhưng rồi mắt lại hướng vào chỗ tối tăm để tìm những kẻ đào tẩu.

Cô bán hàng nói:

- Em nói thật. Hết dầu rồi.

- Vậy sao?

Tôi quay sang Hưng:

- Thôi mình về.
Chúng tôi thủng thẳng ra về, và sau đó Hưng hủy bỏ chuyện hợp tác đóng ghe.

No comments:

Post a Comment