Wednesday, August 14, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 18


CHƯƠNG 03 (tt)
 
IV/ Cuộc hành quân Jebe/Subutai

 
B-    Liên minh các thành trì của Nga.
1. Tình trạng xã hội và địa lý Nga-Kiev trước 1223.
 
Trước nhất ta hãy nhìn qua địa thế, lịch sử và tình trạng vùng đất Nga và Kiev hồi ấy. Thời gian này, Nga chưa thống nhất thành một quốc gia như ngày nay, mà phân chia thành cả trăm lãnh địa, mỗi lãnh địa là một tiểu quốc, có vài tòa thành cổ, cai quản bởi một lãnh chúa tự xưng là prince – lãnh chúa. Tất cả dân vùng này đều là gốc Slave và Viking.

 

Một bộ giáp trụ với cây thương của hiệp sĩ Âu Châu- thời Trung Cổ.
(hình vẽ trên Solidworks) 

Các lãnh chúa thường đóng quân trong tòa thành cổ, rồi thu lợi tức từ các nông dân trong vùng. Họ đem quân đi đánh dẹp nếu các đám du mục nào vào cướp phá. Khi đuổi quân cướp đi, họ lại đem quân về thành. Chuyện đánh đuổi mới nhất là chính chuyện dẹp đám người Cumans.

Các lãnh chúa này thường va chạm nhau vì quyền lợi lãnh thổ, tài sản hay vì người đẹp, do đó chẳng ai ưa ai. Quân đội của các vị lãnh chúa gồm một thiểu số lính chính quy, là kị binh với giáp trụ nặng nề, vững chắc bằng kim loại. Các bộ áo giáp của các hiệp sĩ Âu Châu nặng đến nỗi khi ngã xuống đứng dạy không nổi.

Vũ khí của họ là búa, trùy, kiếm to bản, hay thương (lance). Vũ khí này mà đánh trúng một kị binh Mông Cổ thì người này chết lập tức. Tuy nhiên, vì nặng nề nên di chuyển chậm chạp. Họ thường tổ chức các cuộc đọ sức bằng cách đấu thương. Nói tóm lại đây gọi là các hiệp sĩ thời trung cổ (knight).
Ngoài toán lính chuyên nghiệp trên, các lãnh chúa còn một số đông bộ binh, được tuyển từ các nông dân trong phần đất mà họ cai quản. Trong lối luyện quân cho đám bộ binh này là thường là bắn nỏ.
 
Một vài vũ khí thời trung cổ của Âu Châu
Mãi tới cuối thể kỉ thứ X thì vùng này mới có thay đổi. Lãnh địa lớn nhất ở quanh vùng nước Nga ngày ấy là Kiev trên bờ tây sông Dnieper. Kiev đã trở thành hùng cường từ đó, nhờ con sông Dnieper. Vào các mùa xuân hạ thu, khi nước tan băng, các tàu buôn từ các nước ven Địa Trung Hải đem hàng hóa gồm áo lông thú, mật ong và sáp ong vào Hắc Hải rồi theo con sông này đến thành phố Kiev thủ phủ của lãnh địa Kiev. Từ đây, hàng hóa mới chuyển lên các địa phương khác. Còn hàng hóa địa phương cũng được đem về thành phố này, theo sông mà ra biển theo hành trình ngược lại.
Năm 980, một lãnh chúa Kiev tên là Vladimir the Great đã đánh dẹp nhiều lãnh chúa nhở để làm nên một vương quốc rộng lớn mà người ta thường gọi là Kiev Rus’. Vì ông là lãnh chúa Kiev, nên thủ đô đương nhiên là Kiev[1]. Ông này cũng là người đầu tiên chấp nhận đạo Thiên Chúa ngành Orthodox. Một lý do chính mà ông không chấp nhận đạo Hồi là vì đạo này cấm uống rượu. Trước thời gian này dân slave thờ đa thần, tùy theo hiện tượng thiên nhiên.
Vị lãnh chúa kế là Yaroslav the Wise cũng đã làm Kiev thêm ổn định mở mang.
Bản đồ này cho ta thấy lãnh thổ của Kiev từ Galich ở miền nam lên đến bắc của nước Nga bây giờ và bao trùm luôn Belarus, Moscow, Suzdal và Novgorod.
 
Bản đồ Nga ở thế kỉ XIII
(Sửa chữa lại từ bản đồ từ quyển “Russia and the USSR” Peter Neville)

Đến thế kỉ XI, vì nạn cướp bóc của đám Cumans, nhiều dân rời Kiev lên định cư ở phần đất phía bắc thuộc Novgorod và Suzdal. Đồng thời dân nơi dây lại khám phá ra con sông Volga có thể chuyển hàng từ biển Baltic đến biển hồ Caspian, nên Kiev bắt đầu suy thoái. Một động cơ thúc đẩy khác là các cộng đồng của các thị tộc càng ngày càng đông. Họ không thích bị chi phối bởi một thủ lãnh ở xa và phức tạp. Đến thế kỉ XII, Kiev tuy còn mạnh nhưng so với trước thì thua xa. Kiev lúc này đã chia ra làm 64 lãnh địa mà hai lãnh địa mạnh nhất ngoài Kiev là Suzdal và Novgorod. Các lãnh địa này cũng rơi vào tình trạng cũ là lục đục, cãi cọ và đánh nhau túi bụi.
2. Chuẩn bị cho trận Kalka.
Khi Mstislav the Bold, lãnh chúa của Galich, được tin từ bố vợ về quân Mông Cổ ông vẫn dửng dưng. Ông con rể này không tin và vì còn bực bội chuyện cũ là dân Cumans, mà người Nga gọi là Polovtsian, đã từng cướp phá đất ông ta.
Mãi một năm sau, năm 1223, Mstislav the Bold nghe tin quân Mông Cổ đã đến sát bờ sông Dnieper, ngay cạnh biên giới của Galich. Lúc ấy, vị lãnh chúa này liền báo tin cho các lãnh chúa khác trong vùng gồm cả các lãnh địa thuộc Kiev (Ukrain ngày nay), Belarussia, tổng cộng 19 người. Khi nghe tin, họ cũng tập trung quân đội đến hợp với Mstislav the Bold, mặc dù họ không ưa đám cướp phá Cumans, cũng như thù hằn giữa các lãnh chúa với nhau. Tất cả hẹn gặp tại hòn đảo Khortitsa (tiếng Ukrain: Хортиця, và thiếng Nga là: Хортица) trên sông Dnieper (nay thuộc thành phố Zaporizhia và gần hồ chứa nước Kakhovka của Ukrain).
Về số quân tham chiến, cũng như hầu hết lịch sử thời ấy còn rất mơ hồ, mỗi nguồn nói một cách khác nhau.
Mông Cổ:
Theo Leo de Hartog viết trong quyển: “Genghis Khan  conqueror of the World” thì số quân Mông Cổ là 20000 người. Nhưng theo Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì nói 23000 người. Con số này còn lớn hơn nữa nếu theo trang Russia the Great với 30000 ngàn quân.
Liên minh Nga:
Theo Hector Hugh Munro trong quyển “The Rise of the Russian Empire”, “Mongol: ACountry Study” xuất bản bởi Federal Research Division Library of Congress, edited by Rober L Worden và Andrea Matles Savada và Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì nói 80000 người. Trong khi ấy, Leo de Hartog cũng viết trong quyển: “Genghis Khan  conqueror of the World” thì số quân của liên minh Nga-Kiev 30000 người.
Liên minh Nga gồm có các lực lượng và người chỉ huy sau:
1.      Quân Galich - Mstislav Mstilavich (Mstislav the Bold).
2.      Quân Kiev - Mstislav III- Romanovich (chú của Mstislav the Bold).
3.      Quân Cumen (Polovtsian) - Koten.
4.      Quân Chernigov – Mstislav.
5.      Quân Volhynian - Daniil Romanovich.
6.      Quân Kursk do lãnh chúa của họ đem tới.
7.      Ngoài ra còn khoảng 13 lãnh chúa với số quân tương đối nhỏ họ tham dự.[1][2]
Nhưng dù con số nào thì số quân thiện chiến của lực lượng này là kị binh chỉ khoảng 20000 lính mà thôi và đám lính này cũng chỉ có kinh nghiệm giao chiến kiểu Âu Châu chứ chưa bao giờ đánh trận toàn kị binh và vài chục ngàn quân một lượt. Đám lính có kinh nghiệm nhất đối với Mông Cổ là đám Cuman của Koten.



 
 
[2] Theo quyển “A History of Russia” của Jesse D. Clakson thì xứ Zudal cũng cho quân tới giúp Mstislav Mstilavich, nhưng bản thân ông thì không đi.



[1] Kiev là thủ đô nước Ukrain. Mãi đến năm 1922 mới nhập vào Liên Xô. Sau năm 1991 lại tách khỏi Liên Xô.

 

No comments:

Post a Comment