Thursday, August 29, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 21



CHƯƠNG 03 (tt)
 
 
V/ Quay về đông phương
A- Thôn tính Tây Hạ.
Sau khi đoàn tụ với Subutai, và phần bình định Khwarezm cũng xong, Thành Cát Tư Hãn muốn quay về lại hỏi tội Tây Hạ đã khước từ việc đem quân đánh Khwarezm. Một số tài liệu khác còn cho biết, khi quân Mông đang đánh Khwarezm, thì Tây Hạ liên kết với Kim làm thành một liên minh chống lại Thành Cát Tư Hãn. Đó là nguyên nhân thứ hai mà ông đã quyết định quay về phương đông. Theo quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.” thì Thành Cát Tư Hãn muốn băng qua Ấn Độ, nhưng thấy địa thế nhiều sông sâu, rừng rậm, núi cao nên lại quay ngược lên hướng bắc Afganistan rồi về. Một quyết định sáng suốt khi chưa nắm vững địa thế.
Quân Mông đánh nhau với Tây Hạ chiến thắng và chiếm nhiều nơi, tuy nhiên quân Tây Hạ không chịu đầu hàng. Đặc biệt tướng Tây Hạ Mã Diên Long cương quyết tử thủ thành Deshun, nhưng khi vị tướng này tử trận thì quân Mông chiếm được thành. Lúc đang vây kinh đô Tây Hạ thì Thành Cát Tư Hãn qua đời năm 1227. Theo History Channel, thì Thành Cát Tư Hãn chết trên đường về Tây Hạ. Tuy nhiên, các người con của ông cũng hoàn tất nhiệm vụ làm nước này bị diệt vong từ năm ấy, và Tây Hạ tồn tại gần 200 năm.
B- Thôn tính Kim                            
Sau khi được hội đồng Kuriltai bầu làm đại hãn,  Őgedei (Oa Khoát Đài) lấy Trung Nguyên làm trọng điểm, mở các cuộc tấn công diệt Kim. Trong đợt tấn công vào Kim lần này, Mông Cổ đã nếm mùi vũ khí mới: thuốc nổ đặt trong một bao bằng sắt, và được đốt bằng ngòi, ấy chính là hình thức nửa pháo nửa bom. Các quả bom này được đặt lên súng bắn đá. Toán pháo thủ kéo cung dương lên. Khi cung đã dương tột độ, một người chạy lại châm ngòi, rồi chạy ra xa. Trong khi ấy, toán pháo thủ buông dây để quả bom bay đến phía địch.
Theo sử gia Javaini ghi lại chuyện về quả bom có đoạn viết: Một tiếng nổ thật lớn, như tiếng sét, vang đi hàng trăm lí. Cây cối bị đốt cháy hay rạt xuống trong một phạm vi hơn nửa mẫu vì sức nóng. Khi nó đập vào thì dù là áo giáp sắt cũng bị xuyên thủng. Ai mà bị bắn không bị thương bởi mảnh vỡ thì cũng bị đốt cháy (There were a great explosion, the noise whereof was like the thunder, audible for more than a hundred li, and vegetation was scorched and blasted by heat over an area of more than half a mou. When hit, even armour was quiet pierced through. Those who were not wounded by fragments were burnt to death by explosions.[1]. Tuy nhiên, quân Kim cũng không chặn nổi bước tiến của quân Mông.
Năm 1232, sau khi thanh toán tất cả các thành miền bắc, quân Mông quay xuống thành Khai Phong kinh đô mới của Kim. Quân Mông bây giờ được đặt dưới quyền chỉ huy của hổ tướng Subutai. Khai Phong nằm ở bờ nam sông Hoàng Hà (nay thuộc Hà Nam). Thời Đông Châu đây là Biện Lương kinh đô nước Ngụy. Thời Tống, để tránh bị Kim và Tây Hạ quấy phá đã chọn đây làm kinh đô vì có sông Hoàng Hà làm chướng ngại vật. Sau khi bị uy hiếp bởi người Kim, nhà Tống mới dời đô về Hàng Châu.
Khi tin Mông Cổ đến Khai Phong, thì ai nấy đều mất hồn, vì không ngờ họ đã đánh tan các đạo binh hàng đầu của Kim ở vùng núi, khi tuyết đóng đến đầu gối.
Để nâng cao tinh thần binh sĩ, chính hoàng đế Kim là Kim Ai Tông đi thanh sát tường thành khi quân Mông đang tấn công. Tuy quân Mông không có bom nổ như quân Kim, nhưng có hàng hà sa số cần bắn đá phóng ra các cục đá to như nửa cái cối xay gạo[2].
Trong quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400”, trang33, Stephen Turnbull có ghi lại đoạn mà sử gia Javaini đã viết và được dịch sang tiếng Anh: Quân Mông tăng cường oanh tạc thành phố và đá bay vào như mưa rào. Đội pháo bảo vệ trở nên hoang mang cực độ, lớp thì bị nghiền lớp thì bị giã nát [The northern army (Mongol) intensified the bombardment of the city and stones flew like rain showers. The crews (of the city’s own artillery) were put in terrible confusion and were partly crushed, partly pounded.]
Nhưng quân Kim cũng chống trả kịch liệt với bom sắt. Bài trên viết tiếp: “Các cục nặng của thành mà người ta gọi là Lôi Động Thiên Cung trả lời. Bất kì nơi nào của lính Mông mà bom bắn trúng, lửa bộc phát đốt người cháy như than.” [The heavy pieces in the city- they were called Heaven shaking thunder replied. Wherever the northern army was hit fires started that burned many people to cinders]
Trước sự kháng cự với các vũ khí trên, quân Mông phải rút về phía xa để tìm phương pháp khác. Và rồi biện pháp mới đưa ra. Để tránh các bom trên quân Mông lấy kiên bằng da che lên rồi xông vào tường thành tìm các nơi tường thành bị đá bắn vỡ chui vào đó nấp. Phản pháo lại quân Kim lại treo bom vào một sợi xích, rồi hạ bom từ từ vào chỗ trú ẩn của lính Mông. Bom phát nổ thì kiên da hay người không còn một dấu vết.
Một vũ khí khác của lính Kim là giáo lửa. Để làm giáo lửa, họ cột một mũi giáo vào một thân tre đã đục thông các mắt. Như vậy là họ có một cán giáo rỗng ruột. Họ nhét thuốc súng vào cán giáo, rồi đốt bằng một bùi nhùi lửa đeo cạnh hông. Khi thuốc súng cháy họ ném giáo lửa về phía địch quân. Sức ném hợp với sức thuốc súng cháy làm giáo đi xa hơn sức người nhiều và mũi giáo cùng lửa của giáo phát nổ làm người bị thương hay tử vong nhiều hơn.
Bom sắt và giáo lửa là hai vũ mà lính Mông rất sợ.
Trong “Lịch Sử Trung Hoa” của Nguyễn Hiến Lê có đoạn nói đến quân Mông nhờ Tống diệt Kim như sau:
“Oa Hoạt Đài (Ogodei) đem quân đánh Kim, vây Biện Kinh 16 ngày không lấy được. Mông Cổ sai sứ vào xin Tống (vua Lí Tôn) hợp binh đánh Kim. Vua tôi nhà Tống muốn thừa diệp đó, diệt Kim để rửa nhục, mà quên rằng trước kia Tống giúp Kim diệt Liêu, sau bị Kim phản, trở lại hại Tống. Lần này cũng vậy, Tống giúp Mông Cổ diệt Kim (vua Kim phải tự ải - có sách nói nhảy vào lửa chết năm 1234) rồi cũng bị Mông Cổ phản trở lại hại Tống.”
Dù vũ khí chiếm thượng phong, nhưng tinh thần của binh dân thành Khai Phong lại suy đồi. Theo Stephen Turnbull viết trong quyển nói về Nguyên Mông, lúc ấy hoàng đế Kim bắt lính tất cả mọi người kể cả các thư sinh yếu đuối. Cũng theo quyển ấy thì các thư sinh này chống đối vì đem họ vào chỗ nguy hiểm.

Mùa đông năm 1233, hoàng đế Kim Ai Tông bỏ trốn khỏi thành Khai Phong, dù là ông vẫn còn cơ hội chống đỡ. Ông này đã có một vết tì là đã bỏ trốn khỏi Trung Đô ngày trước. Các tướng giữ thành thấy vậy mở cửa thành đầu hàng để tránh các thảm họa như các nơi khác. Quả tình Mông Cổ cũng sát hại một số, nhưng không tiêu diệt hết dân như các nơi đã từng chống đối đến khi vỡ thành. Sau đó họ đuổi theo Kim Ai Tông, và ông này đã tự tử chết khi cùng đường năm 1234. Một quốc gia nữa bị xóa tên trên bản đồ thế giới.



[1] Trích từ trang 33- Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.
Không biết tác giả nghe ai tả lại mà ghi như trên. Đây phải là bom tiên tiến của đầu thế kỉ thứ XX mới có.
[2] Tính theo cái cối mà người Hoa, Việt hay dùng để giã gạo, xay lúa thì viên đá này có thể có đường kính đến 60, 70 cm.
 
 

No comments:

Post a Comment