Monday, August 5, 2013

Tìm Hiểu Không Thám- Bài 15


I X-                   Ngày Nay.


a-      Do thám tiền tuyến


Ngày nay, trong chiến thuật và các vùng có phạm vi tương đối, việc do thám chiến lược được trao cho các máy bay không người lái được gọi tắt là UAV (Unmanned Aerial Vehicle). Ở Mỹ người ta thường gọi nó là drone. Nước tiên phong trong việc này là Mỹ.

Khi máy bay mới được phát minh năm 1903 thì đến năm 1915, một kỹ sư Mỹ gốc Serbia thuộc Nam Tư cũ, đã phát minh ra máy bay điều kiển bằng vô tuyến điện. Thế rồi Thế Chiến I và II Mỹ lẫn Đức đã cố sức dùng máy bay này trinh thám lẫn nhau. Nhưng máy bay này, ngày ấy, không được hữu hiệu lắm.

Mãi cho đến sau Thế Chiến II thì các máy bay không người lái mới được chú ý đến nhiều hơn. Năm 1951 hãng Teledyne Ryan Firebee và năm 1955 hãng Beechcraft đã sản xuất cho Hải Quân Mỹ nhiều máy bay loại này.
 

 

Teledyne Ryan Firebee
 

Trong thời chiến tranh Việt Nam, để tránh tổn thất nhân mạng như vụ Gary Powers với chiếc U-2 năm 1960, Hoa Kỳ đã cho thám thính rất nhiều bằng các UAV.

Năm 1964, khi có sự va chạm hải quân giữa Mỹ và Bắc Việt, một chương trình dùng UAV đã được thực hiện dưới tên Red Wagon. Sau đó, một tờ báo Trung Cộng đã đăng lên một tấm hình chụp một chiếc UAV bị bắn rơi trong vịnh Bắc Bộ. Mỹ đã im lặng không trả lời.

Đây chính là chiếc BQM-34F của Teledyne Ryan Firebee.

 

BQM-34F rời giàn phóng
 

 

Trung Quốc dùng chiếc UAV bị rơi này làm mẫu và thiết kế ngược (reverse engineer)[1]

Vụ tai tiếng ầm ỹ nhất của UAV là vụ Iran bắt được một chiếc tối tân của Mỹ ngày 4 tháng 12 năm 2011. Đây là chiếc Lockheed Martin RQ-170. Ngày 10 – 6 ngày sau đó- Iran tuyến bố sẽ làm một máy bay tương tự dùng các dữ kiện thu lượm được (cũng là reverse engineer). Có nhiều nước tham dự chương trình này, trong đó có cả Nga và Trung Quốc.

Càng ngày việc dùng UAV càng phổ thông. Các nước Nga, Anh, Pháp, Úc, Ấn, Do Thái, Trung Quốc… cũng chế tạo loại này để do thám đối phương. Chẳng riêng gì các nước được coi là cường quốc về quốc phong có các máy bay này mà ngay cả Việt Nam cũng đã chế tạo thành công UAV. Ngày 3 tháng 5 vừa qua, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công Nghệ VN loan báo đã thành công cho bay thử các mẫu UAV với các máy bay có độ dài từ 1m tới 4m.

UAV của Việt Nam


 

Nhưng theo tờ Tuổi Trẻ thì: “Đại tá Vũ Hồng Quang - viện trưởng Viện Kỹ thuật phòng không không quân (Quân chủng Phòng không không quân) - khẳng định mẫu UAV đầu tiên do viện chế tạo, bay thành công trên bầu trời đã xuất hiện cách đây chín năm. “Năm 2004, viện đã chế tạo thành công UAV đầu tiên, ký hiệu là M-100CT, nghĩa là UAV 100 chương trình với tốc độ bay 150 km/g. Đến năm 2005, viện tiếp tục phát triển chế tạo thành công UAV M-400CT, có thể đạt tốc độ 280 km/g, phạm vi điều khiển 20km, khối lượng khoảng 56kg, có thể chịu tải lên 90kg”

 

Xem ra như vậy máy bay UAV của Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn so với các nước tiên tiên khác. Để các bạn có thể so sánh thì nhiều UAV của Mỹ có khả năng bay suốt ngày đêm và có thể lên đến cao độ 18 km và hoạt tầm đến 14000 km. Tuy vậy, đây cũng là một biểu tượng đáng mừng cho ngành kỹ thuật Việt Nam.

 

Trong bối cảnh hiện tại với tranh chấp Biển Đông, Việt Nam cần rất nhiều UAV để bảo vệ lãnh hải chống xâm lược từ phương bắc. Một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có UAV vừa thám thính vừa chiến đấu, hay nói khác đi vừa có các máy chụp hình chuyển về hậu phương tức thời vừa có hỏa tiễn mạnh. Khi nhận được lệnh từ bộ chỉ huy thì UAV sẽ phóng hỏa tiễn vào tàu địch quân. Tôi cũng chẳng muốn có một chiến tranh giữa Việt- Hoa, nhưng chỉ sợ lòng tham của người “bạn” Trung Quốc bên cạnh sẽ tạo ra những bất hòa.

 

Rồi tiếp theo là các loại trực thăng không người lái cũng được sản xuất.


Trên mặt biển, Hàng Không Mẫu Hạm được coi là vua của đại dương kể từ Thế Chiến thứ II. Nhưng Liên Xô đã có các hỏa tiễn đối phó và rồi mới đây Trung Quốc tuyên bố họ có Dong Feng (Đông Phong) DF-21D. Hỏa Tiễn này có khả năng đánh chìm các Hàng Không Mẫu Hạm ở khoảng cách 930 hải lý (1500 km).
 
 
Đó là các điểm mà Mỹ rất quan tâm. Để tránh những mối đe dọa này Hải Quân Mỹ lãi nghĩ cách trang bị những UAV có khả năng bay xa và đáp xuống tầu củ họ an toàn. Lẽ dĩ nhiên các UAV này phải có hoạt tầm thật xa để có thể phát hiện và báo động cho các Hàng Không Mẫu Hạm biết có hỏa tiễn tấn công đang tới mà chuẩn bị đề phòng.
Hôm nay, ngày 14-5-2013, họ tuyên bố đã thành công cho một UAV cất cánh và đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm an toàn. Đây là một trong các chiếc UAV nổi tiếng của Mỹ: Predator MQ-1 của hãng General Atomic Aeronautical System chế tạo.
Predator (Thú ăn mồi sống)



Trong tương lai, có lẽ họ sẽ chiếc MQ-9 Reaper hậu thân của MQ-1 sẽ đáp xuống các con tàu chúa tể của đại dương này. Chiếc MQ-1 có hoạt tầm là trong khi MQ-9 Reaper có hoạt tầm đến 1150 hải lý (1850 km).



Không quân Mỹ có các UAV động cơ phản lực như chiếc Global Hawk của Northrop Grumman có thể bay 28 giờ liên tiếp với vận tốc 575 km/h trong phạm vi hoạt tầm 14000 km bán kính và trên cao độ 18300 m.


Global Hawk

 





[1] Thông thường khi thiết kế một vật, các kỹ sư phải bắt đầu từ một khai niệm, sau đó tính toán và vẽ mẫu trên giấy. Sau đó dựa vào các họa đồ, người ta mới làm prototype (nguyên mẫu). Dùng prototype các kỹ sư nghiên cứu lại xem có gì khiếm khuyết không, rồi tái thiết kế cho đến khi các prototype hoàn hảo thì bắt đầu sản xuất. Thiết kế ngược, là dùng các vật đã được chế tạo thành công, rồi đem đo đặc kích thước. Dùng các dữ kiện ấy, các kỹ sư mới bắt đầu vẽ từng bộ phận. Cuối cùng đem sản suất từng bộ phận rồi ráp lại để được vật tương tự. Đây là cách thó của người khác. Nhiều nước đã áp dụng cách này để được những vật giá trị mà đỡ tốn tiền.


 

 


 

 


 

 


No comments:

Post a Comment