Tuesday, November 12, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 32


CHƯƠNG 03 (tt)
C- Đánh lần hai
Sau khi vững ngôi đại hãn, và thanh toán tất cả các nước miền bắc sông Dương Tử, Möngke (Mông Kha) đánh Nam Tống và Trung Đông. Như trên ta biết, người em thứ hai của ông là Hülagü đánh Trung Đông, còn người được giao trách nhiệm đánh Tống là người em thứ nhất của ông: Kulibai (Khulibai- Hốt Tất Liệt).
1. Thôn tính Đại Lý
a. Lịch sử Đại Lý:
Nước Nam Chiếu hùng mạnh là do 6 chiếu (tiểu quốc) của một dân tộc gọi là Bạch dựng nên khi Trung Quốc bị chia 5 sẻ 7. Sáu chiếu này vẫn thường quấy phá Trung Quốc. Đến đời Đường cả sáu chiếu đều qui phục Trung Quốc. Một chiếu mạnh nhất ở phía nam tên Mông Xá thu gồm cả 5 chiếu kia, với sự hỗ trợ của Đường Huyền Tông lập nên một vương quốc nên gọi là Nam Chiếu, và nhà Đường đã phong vương cho vua Nam Chiếu. Từ đó, nước này càng ngày càng hùng cường, đã từng chiếm Thổ Phồn (Tây Tạng), Thành Đô (Tây Thục) và đánh bại quân nhà Đường nhiều lần liên tiếp. Nguyên nhân là vì một phần tại dân Bạch thiện chiến, phần khác là địa thế hiểm trở. Tiết Độ Sứ ở Kiêm Nam là Trọng Thông rồi Đường Quốc Trung hai lần đem 28 vạn quân đều bị đánh thảm bại. Nhưng đến 937, sau nhiều lần thay đổi quốc hiệu với các vụ đảo chánh, thì quốc gia này đổi chủ vào dân tộc Thái (là giống người ở thượng du bắc Việt bây giờ). Người lãnh tụ người Thái này mang họ Đoàn tên Tư Bình (tổ của Đoàn minh Chính, Đoàn Chính Thuần…trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung). Nước Đại Lý có thời bao trùm cả Vân Nam, bắc Lào, bắc Thái Lan, bắc Miến Điện, một phần bắc Việt Nam, lên tận nam Tứ Xuyên và Quý Châu ở phía đông. Nói như vậy đây là một tiểu đế quốc thứ hai sau Trung Quốc ở Á Đông Châu. Trong truyện Thiên Long Bát Bộ, tác giả Kim Dung đã nói tới Đoàn Nam Đế là có thật. Ông đã dựa theo lịch sử mà dựng nên câu truyện kỳ thú này. Tuy nhiên, ngón Lục Mạch Thần Kiếm, Nhất Dương Chỉ thì chỉ là sự tưởng tượng mà thôi.
b. Địa dư Đại Lý:
Trong thời gian từ khi thống nhấ Trung Quốc đến thế kỷ 14, nếu muốn từ Trung Nguyên muốn đến Vân Nam thì có thể từ Tứ Xuyên ở hướng bắc đi xuống, hay Quý Châu, Quảng Tây ở hướng đông đi sang. Nhưng muốn đến đây địa thế cũng rất khó khăn vì nhiều núi sông ngăn chặn. Trong tỉnh, điểm thấp nhất là thung lũng Hồng Hà có cao độ trên 76 m, đến điểm cao nhất 6740m so với mặt biển. Tỉnh có nhiều dãy núi cao từ 4200m đến gần 7000m như: Lãng Lạp Sơn, Đại Vân Lĩnh, Thái Tử Sơn, Bạch Tử Sơn, Ngọc Long Sơn, Vân Sơn, Nộ Sơn, Mai Lý Sơn (Mai Lĩnh tuyết sơn)… Ngay tại Côn Minh thủ phủ Vân Nam và quanh hổ Nhĩ Hải hay thành Đại Lý, địa thế bằng bặn, khí hậu mát mẻ quanh năm nhờ vào cao độ trên 2000m. Nhưng địa thế tình này càng về hướng tây thì càng vô cùng hiểm trở. Nhất là vùng thuộc châu tự trị Địch Khánh núi cao chập trùng, vực sâu muôn trượng, giá lạnh quanh năm. Ngày nay nếu chỉ đi 10 km thì khí hậu đã thay đổi vì độ cao chênh lệch từ 1000m đến 1500m. Xét như vậy ta thấy độ dốc chênh lệch ghê gớm ở hai làng gần nhau. Nếu quý vị đã đọc quyển Thiên Long Bát bộ của Kim Dung sẽ hình dung phần nào cái hiểm trở ấy, khi Đoàn Dự bị rơi xuống vực thẳm.
c. Thôn tính
Đọc các quyển sử hay trang sử trên website thì đoạn Möngke sai Hốt Tất Liệt đánh Tống thì hầu như nhau, nhưng lúc đánh Đại Lý, Tứ Xuyên, Hồ Bắc thì thấy luộm thuộm. Mỗi sách ghi một cách khác nhau.
Theo quyển “Việt Sử Toàn Thư” của ông Phạm Văn Sơn thì viết Hốt Tất Liệt sai Uriyangkhadai (Lương Ngôn Hợp Đài hay Thai), đánh Đại Lý. Quyển “Lịch Sử Trung Quốc” của ông Nguyễn Hiến Lê lại viết chẳng đả động gì.
Đến quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” của Stephen Turnbull cũng như vài trang website thì viết Hốt Tất Liệt chia quân làm 2. Một cánh do Uriyangkhadai tấn công Đại Lý, Đại Việt. Từ đây họ sẽ đánh lên Nam Tống. Cánh thứ hai đánh Hồ Bắc, Tương Dương. Sau đó quyển này lại viết: “Năm 1160-1162, quân Tống phản công…”
 Trong khi ấy quyển Nguyên Sử viết:

元宪宗三年癸丑兀良合台从世祖平大理世祖还,留兀良合台攻诸夷之未附者

Ông Tích Dã dịch như sau: “Ngày Qúy Sửu năm thứ ba thời Nguyên Hiến Tông [năm 1253 Công nguyên], Ngột Lương Hợp Thai theo Thế Tổ dẹp yên Đại Lí. Thế Tổ về, giữ Ngột Lương Hợp Thai ở lại đánh các nước Di chưa hàng phục”.
Trong trang 105, quyển “A Concise History of China” của J.A.G Roberts[1] viết đoạn sau:Möngke quyết định đánh bên sườn của họ (Nam Tống) và năm 1252 ông ta ra lệnh cho em là Hốt Tất Liệt tấn công, tiêu diệt Nam Chiếu. Nước này bị diệt năm 1254. Mục tiêu kế tiếp của Möngke là tỉnh Tứ Xuyên…(…Möngke decided to outflank them and in 1252 he order his borther Khulibai to attack and destroythe south-western kingdomeof Nanzhao, which the latter achieved by 1254. Möngke’s next objective was the province of Sichuan…)
Dựa theo các tài liệu này ta ghép lại lịch trình các trận đánh theo thời gian cho hợp lý hơn.
Năm 1253, Hốt Tất Liệt theo lệnh Đại Hãn Möngke cùng Uriyangkhadai (Ngộ Lương Hợp Đài) đem quân tránh Thành Đô, Tứ Xuyên xuống đánh Đại Lý. Uriyangkhadai, con trai của danh tướng Mông Cổ Subatai, dẫn một đạo binh khác đánh vào cạnh sườn, còn Hốt Tất Liên đem đại binh đánh vào chính diện. Nước này bị diệt năm 1254.[2] Khi nói đến  thôn tính nước Đại Lý thì có hai ba nguồn khác nhau. Có nguồn nói Uriyangkhadai, cho lính đem tên đến vứt trước cửa thành như một trái núi nhỏ, làm thành này hoảng sợ mà đầu hàng. Nguồn khác lại viết, Uriyangkhadai đánh mãi thành vẫn không thua, vì địa thế của Đại Lý thật hiểm trở. Sau này nhờ một người phản quốc dẫn quân Mông đi qua núi Thương Sơn phía bắc hồ Nhĩ Hải nên Đại lý mới thua. Theo hai cách thì giả thuyết vì một Đại Lý gian nghe ra có vẻ hợp lý hơn.
Khi lấy Đại Lý xong, Hốt Tất Liệt để Uriyangkhadai ở lại Đại Lý lo việc đánh Đại Việt, còn ông trở về miền bắc để lo việc đánh Tứ Xuyên.
Hốt Tất Liệt cho quân đánh Tứ Xuyên vào khoảng năm 1256 hay 1257. Quyển “Cambridge Illustrated Historu of China” của Patricia Buckley Ebrey thì cho biết quân Mông đã chiếm 54 quận trong tổng số 58 quận của tỉnh Tứ Xuyên.
Trong các năm 1260-1262 quân Tống phản công chiếm lại một số quận. Đây là thời gian, Mông Cổ lại gặp khủng khoảng chính trị sau cái chết của Möngke. Lúc ấy anh em Hốt Tất Liệt và Ariq-Böke tranh nhau ngôi báu, nên đành làm ngơ. Sau khi lên ngôi năm 1260, Hốt Tất Liệt mới cho tiếp tục. Đến năm 1265 hai bên đụng lớn ở Diaoyu thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Trận này quân Mông thắng và chiếm được 145 chiếc tầu thủy. Theo Stephen Turnbull viết đó là “ship”- có nghĩa là tầu- nên không biết chiếc tầu này lớn bao nhiêu, chở được bao nhiêu quân? Có phải tầu chở đến ngàn người như Nguyễn Hiến Lê giải thích vài trang sau không? Nhưng quân Mông dùng tầu này tấn công các địa phương, các thành trì ven sông Trường Giang. Quyển sách viết tiếp: Sự linh động của quân Mông, một quốc gia của cưỡi ngựa, chẳng biết gì về biển cả, đã sử dụng thủy chiến một cách tài tình. (The alacity with which the Mongol, a nation of horsemen unacquainted with sea, took to naval warfare was amazing).[3]
Thuyền Phi Hổ.
Trích từ When China Ruled The Sea” của Louise Levathes.
Dựa vào quyển “Beijing” (Bắc Kinh) của ba tác giả: Lillian M Li, Alison J. Dray-Novey và Haili Kong thì Liu Bingzhong[4] (Lưu Bỉnh Trung) đã khuyên Hốt Tất Liệt xây dựng lại Trung Đô thành một kinh đô của Mông Cổ, khi Hốt Tất Liệt vẫn còn đóng quân trong các trại hình tròn bên ngoài thành đổ nát này sau các đợt tấn công, và Hốt Tất Liệt đã làm theo. Ông ta đã chọn một người theo đạo Hồi tên Yeh-hei-tich-erh[5] làm kiến trúc sư trưởng của công trường.
Trong quyển sử về Trung Quốc “A Concise History of China" trang 106, James G Roberts[6] viết lại một lời khuyên của Lưu Bỉnh Trung với Hốt Tất Liệt bằng cách nhắc lại câu nói của Lục Tích khuyên Hán Cao Tổ và được dịch sang Anh văn như sau: Tuy rằng, đế quốc đã được chinh phục trên lưng ngựa, nhưng nó không thể trị vì trên lưng ngựa[7]. (“Although the empire had been conquered on horse back, it could not be administrated on horse back.)


[1]  Ông Roberts đã từng giảng dạy tại đại học Huddersfield ở Anh Quốc.
[2] Trong quyển “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư” nhà xuất bản Hà Nội dịch có đoạn bài “Binh Gia diệu lý yếu lược” (Hịch tướng sĩ) của Hưng Đạo Vương đoạn  nói diệt Đại Lý có vài tuần như sau: “Cốt Dãi Ngột Lang (Uriyangkhadai - Ngột Lương Hợp Đài) là người thế nào, tỳ tướng của ông là Cân Lý Tư lại là người thế nào, mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm, phá quân Nam Chiếu khoảng vài tuần, kiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt.”” Như vậy Mông Cổ chỉ tốn vài tuần để thôn tính Đại Lý.
[3] Trang 61- Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.
[4]刘秉忠 (12161274) Theo quyển “Beijing” (Bắc Kinh) của ba tác giả: Lillian M Li, Alison J. Dray-Novey và Haili Kong thì Lưu Bỉnh Trung, trạc tuổi với Hốt Tất Liệt và là một cặp bạn thân thủa cả hai khoảng 20 tuổi. Họ Lưu là một họa sĩ, một thi sĩ và còn là một nhà toán học. Năm 1260, khi Họ Lưu làm cố vấn cho Hốt Tất Liệt thì đã đi tu. Cũng theo quyển này Lưu Bỉnh Trung rất có nhiều ảnh hưởng đối với Hốt Tất Liệt. Một trong bốn bà vợ của vị chúa tể Mông Cổ đã nói với Lưu Bỉnh Trung như sau: “When you speak, he listen.” (Khi ông nói, ông ta nghe)
[5] Theo “All Under Heaven” của Rayne Kruger.
[6] Ông James G Roberts là trưởng khoa Á Châu sử của đại học Hudderfield- Anh quốc.
[7]Thật ra câu nói này đưọc viết trong Nguyên sủ mà ông Tích Dã đã dán lên trên trang của Viện Việt Học/ Diễn Đàn Viện Việt Học/ Lịch Sử-VN History/VN thắng Nguyên Mông như sau:
“愚之曰:“上取天下不可以上治。“上得之宁可以上治之乎  Câu này ông kt dịch là “Kẻ ngu muội này từng nghe nói: Ở trên lưng ngựa lấy được, há có thể ở trên lưng ngựa cai trị sao?.”
Điều này chứng tỏ Lưu Bỉnh Trung đã dẫn chuyện Lục Tích khuyên Hán Cao tổ.
 
 
 

 
 

No comments:

Post a Comment