Monday, May 21, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Bắc Kinh (tiếp theo)

Trong đời nhà Tống (960-1279), nước Liêu của dòng họ Gia Luật, mà ta biết qua truyện Thần Điêu Đại Hiệp, với nhân vật Gia Luật Tề, Gia Luật Yên bị nước Kim thôn tính. Nước Kim đánh chiếm bắc TQ, rồi chiếm luôn Yên Kinh và đổi tên là Trung Kinh.

Đến khi Mông Cổ đánh bại Nam Tống, chiếm được thành này. Dựa vào quyển “Beijing” (Bắc Kinh) của ba tác giả: Lillian M Li, Alison J. Dray-Novey và Haili Kong thì Liu Bingzhong (Lưu Bỉnh Trung) đã khuyên Hốt Tất Liệt xây dựng lại Trung Đô thành một kinh đô của Mông Cổ. Khi ấy Hốt Tất Liệt vẫn còn đóng quân trong các trại hình tròn bên ngoài thành đổ nát này sau các đợt tấn công, và Hốt Tất Liệt đã làm theo. Cũng từ quyển sách này, Lưu Bỉnh Trung, trạc tuổi với Hốt Tất Liệt và là một cặp bạn thân thủa cả hai khoảng 20 tuổi. Họ Lưu là một họa sĩ, một thi sĩ và còn là một nhà toán học. Năm 1260, khi Họ Lưu làm cố vấn cho Hốt Tất Liệt thì đã đi tu. Cũng theo quyển này Lưu Bỉnh Trung rất có nhiều ảnh hưởng đối với Hốt Tất Liệt. Một trong bốn bà vợ của vị chúa tể Mông Cổ đã nói với Lưu Bỉnh Trung như sau: “When you speak, he listen.” (Khi ông nói, ông ta nghe)

 Theo quyển “All Under Heaven” của Rayne Kruger, Hốt Tất Liệt đã chọn một người theo đạo Hồi tên Yeh-hei-tich-erh làm kiến trúc sư trưởng của công trường.

Năm 1267, Hốt tất Liệt cho dời đô từ Krakorum về Trung Kinh và đổi tên là Đại Đô. Trong quyển Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung có viết lại chuyện chùa Vạn Pháp ở Đại Đô, nơi giam giữ các chưởng môn của Lục Đại Môn Phái bị Triệu Minh bắt giam. Trương Vô Kị dẫn Vi Nhất Tiếu và Dương Tiêu lên giải cứu với sự trợ giúp của Phạm Dao.

Đời Minh- Thanh gọi là Kinh Sư. Năm 1928 sau cách mạng Tân Hợi (1911) chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch gọi là Bắc Bình. Năm 1949, chính quyền CS đánh bật họ Tưởng ra Đài Loan, đổi tên thành này là Bắc Kinh cho đến ngày nay.



Ngồi chờ khoảng nửa giờ thì thấy một cô tuổi khoảng 30, cao ráo có duyên, nhưng chẳng đẹp lắm, tay cầm lá cờ cùng mầu sắc giống bảng hiệu chúng tôi đeo đi vào. Cô tự giới thiệu tên là Mary và sẽ là người hướng dẫn du lịch khu vực Bắc Kinh. Cô cũng xin lỗi cô chỉ nói được tiếng Hoa và tiếng Anh, nên cô sẽ giảng giải bằng tiếng Anh cho mọi người cùng nghe.

Nhập cuộc:

Vì đây là buổi sáng tự túc, chưa vào chương trình tour, nên mọi thứ chúng tôi phải móc túi trả. Tour sẽ khởi đầu 1 giờ trưa hôm ấy. Cô Mary cho chúng tôi biết rằng trước nhất cô đưa chúng tôi tới nơi ăn sáng, nói xong cô dương cờ đi trước. Tất cả chỉ nhìn theo cờ hiệu mà bước theo. Ra khỏi phi trường trời vẫn còn tôi tối, người đi kẻ lại còn rất thưa thớt. Chúng tôi tới chỗ xe bus, rồi leo lên xe.

Xe chạy qua các khu phố khá đẹp, sang trọng và đến quán ăn sáng. Tất cả mấy người biết nói tiếng Việt và một ông nói tiếng Anh xúm vào một bàn ăn uống nói chuyện cho vui. Gary không hiểu tiếng Việt, nhưng cũng cừoi góp khi thấy chúng tôi vui vẻ chuyện trò. Lâu lâu, tôi phải thông dịch để anh ta hiểu câu chuyện vửa qua và cũng làm anh ta bớt cô đơn.

Nhìn ra đường xe cộ đã đông đúc hơn, nhưng chỉ toàn xe hơi và xe đạp, hay xe đạp điện, mà không có một xe gắn máy.

Thấy chúng tôi chỉ trỏ mấy xe đạp, cô Mary giải thích:

-          Dân TQ bây giờ đời sống rất cao, nhưng tại Bắc Kinh, chính phủ cấm lưu hành xe gắn máy để tránh ô nhiễm. Vì lý do ấy, người ta phải đi xe đạp, chứ không phải không có tiền.

Tôi đoán cô ta sợ chúng tôi đánh giá là TQ còn nghèo nàn, nên giải thích như vậy.

Ăn xong mới 8 giờ sáng, cô Mary đề nghị chúng tôi thuê xe kéo đi thăm vài ơi ở Bắc Kinh ngoài chương trình. Cả nhóm đồng ý, thế là cả nhóm leo lên xe bus để đến chỗ thuê xe kéo. Cô hướng dẫn thu tiền chúng tôi rồi gọi xe đến. Ngoài Mary còn một cô khác người thấp hơn, cô mới này làm việc thu phim cho đoàn. Ai muốn mua một cuộn video thì tốn khoảng 40 Đô la. Và họ cũng không ngần ngại cho biết rằng cô này là một công an.

Xe kéo chúng tôi tới một hồ gần đấy. Hồ cũng khá thơ mộng như hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, với cây cầu vồng bắc qua xa xa, lờ mờ trong sương sớm và phía sau các chùm lá liễu đong đưa. Chung quanh gồ làm lan can bằng xi măng và gạch xây. Trên hồ cũng có các loại thuyền nhỏ, đạp chân. Nhưng lúc chúng tôi tới còn quá sớm nên chẳng có ai đi cả.


Ven bờ hồ
Cô Mary, đưa chúng tôi vào một ngôi nhà ngay ven bờ hồ. Cổng vào là một cổng gỗ cũ kỹ và có tường gạch. Muốn vào cổng này, chúng tôi phải bước qua một ngưỡng cửa xây gạch cao độ 40 cm. Theo lời của hướng dẫn viên thì nhà này xây vào thời nhà Thanh và lúc ấy người ta tin rằng quỷ nhập tràng là có thật. Quỷ chỉ có thể tiến tới trước bằng cách nhảy hai chân một lựơt, nên độ cao bước nhảy tối đa là 20 cm. Với ngưỡng cửa cao 40 cm thì quỷ không thể vào nhà.

Qua cổng, chúng tôi thấy ngôi nhà gạch ba gian, nhưng không đồ xộ, hoàng tráng lắm bao lấy một sân gạch vuông mỗi bề độ 8, 9 thước. Một giàn bầu nậm trái treo lủng lẳng trong sân. Chủ nhà lấy ghế đẩu mời chúng tôi dưới bóng mát của dàn bầu. Mary giới thiệu đây là của một tướng Trung Cộng, người đã từng theo chân Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Cô này chỉ biết có chuyện Vạn Lý Trường Chinh, chứ không biết lịch sử của nó như thế nào.

Tôi cũng xin nhắc lại cậu chuyện Vạn Lý Trường Chinh cho các bạn xem. Năm 1921, Cộng Sản Đảng bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng vẫn hợp tác với Trung Hoa Quốc Dân Đảng một cách tốt đẹp và Mao Trạch Dông chỉ là một binh sĩ của Đảng này. Cho đến đầu thập niên 30, hai bên xích mích trầm trọng. Tuy vậy thế giới vẫn chưa thấy hiểm họa của chủ thuyết này, vì Cộng Sản Đảng Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém. Đến tháng 10 năm 1934, Tưởng Giới Thạch đem một triệu quân vây đánh CS ở các chiến khu vùng Hoa Nam và cuộc Vạn Lý Trường Chinh bắt đầu. Đảng Cộng Sản Trung Hoa phải tháo chạy từ nam Trung Quốc lên Diên An ở phía bắc lập chiến khu. Lúc bắt đầu ra đi họ có độ 100 ngàn người, lúc đến Diên An họ chỉ còn 8000 cán cán bộ. Mao Trạch Đông đã xuất hiện như một lãnh tụ vào phần cuối của cuộc ra đi này.

No comments:

Post a Comment