Thursday, May 3, 2012

Tuổi thơ trong chiến tranh 4

Bến Thủy:

Sau cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945, bố đưa gia đình từ thành nội Huế về Bến Thủy- Nghệ An để sinh sống. Tại đây, chính phủ Việt Minh cấp cho nhà tôi một biệt thự khá lớn, có lầu, cạnh đường sắt chạy thẳng ra sông Cả của Bến Thủy. Ngôi biệt thự này, tôi không nhớ có bao nhiêu phòng, nhưng nhớ là trên lầu rộng lắm và quanh tường toàn là kính, đối diện với các cửa sổ; đi đâu cũng thấy bóng mình trong gương. Dưới nhà thi có nhà hầm và một giếng nước thật lớn.

Họ cũng cấp cho bố một chiếc xe hơi Citroen đen, để ông đi làm. Người tài xế lái xe đưa ông đi đây đó chừng 20 tuổi. So với tôi thì anh ta quá lớn; tôi có thể gọi bằng chú, nhưng anh ta xưng hô với tôi là anh và em nên tôi quen miệng gọi anh. Anh tài sống ở nhà ngang sau biệt thự. Anh là người thích vẽ và tôi là kẻ thích xem tranh nên anh em ý hợp tâm đầu. Ngày ấy, giấy bút khan hiếm nên một cách vẽ hay nhất là vẽ các bức tranh lên tường vôi trắng bằng than. Anh hay vẽ những cảnh tầu bay bắn phá, rồi cao sạ bắn trả, ca nông pháo kích. Đó là các hình ảnh tôi thích xem vì có tính cách náo động. Tôi bắt chước thêm vào vài cái máy bay, một hai khẩu cao sạ khác. Anh em thi nhau vẽ, túi bụi. Chỉ độ vài ngày sau, bức tường to lớn của nhà ngang trở thanh đen thùi. Nhưng chúng tôi đều thích thú và cũng rất may bố chẳng bao giờ xuống đây cả, nên ông chẳng rầy ra gì. Anh tài này chính là kẻ tạo cho tôi hứng thú vẽ sau này.

Anh tài là người chăm chỉ, khi tường hết chỗ vẽ, anh lấy nước rửa bờ tường. Sau khi được rửa, bờ tường trở nên xam xám, đợi cho khô thì an hem lại vẽ cảnh đánh nhau khác. Vui đáo để. Sau vài ba lần thì bức tường hết còn vẽ được. Nhưng thật may, chẳng biết anh kiếm đâu ra mấy cục phấn trắng. Anh em lại có dịp trổ tài họa sĩ.

Năm ấy tôi trên ba tuổi và cuộc sống chị em chúng tôi thật là sung sướng, cơm áo đầy đủ, thức ăn không thiếu. Đã thế bố còn mua cho tôi chiếc xe đạp ba bánh nhỏ tí ti. Hàng ngày tôi đạp xe này quanh nhà cũng đủ mệt. Nhiều khi tôi đạp xe ra đường xe lửa trước nhà để nhìn con vật sắt đèn thui, dài thườn thượt di chuyển àm ầm. Tôi nghe lời mẹ dạy là ôm một cột đèn bên đường để tránh bị xe lửa hút vào đường rày.

Sau này, cứ mỗi khi nghe còi tàu, tôi chạy ra lấy một cục đá để lên đường rày. Sau khi xe đi qua, tôi có một gói bột đá mang vào chà cho chị và em chơi đồ hàng.

Vì ngôi nhà to quá, nên lắm khi chẳng ai muốn lên lầu một mình. Có một lần chị giúp việc nói lại, chị thấy một ông già lạ ngồi trên chiếc ghế đu ở hành lang lầu, gần cửa sổ. Kể từ đó trong nhà đồn ầm lên là nhà có ma. Một cái khó khăn của tôi lúc ấy là thích nằm bên mẹ ngủ, nhưng bà có ba chị em gái nên mỗi tối bà thường nói: “Thằng Hiệp gan lắm, tối ngủ một mình chẳng sợ ma đâu.” Thế là thằng bé ì ạch ôm gối sang phòng bên nằm ngủ một mình, vì bố hay đi làm xa nhà.

Nhiều buổi chiều, khi bố về nhà, ông lấy xe chở mẹ và chị em chúng tôi lên thành phố Vinh xem phố, nhà máy làm diêm hay ra sông Cả ngoạn cảnh. Cho đến nay, trong trí tôi còn hiện rõ hình ảnh con sông Cả rộng bát ngát với các tầu gỗ to lớn, cồng kềnh của người Nhật để lại bên kia bờ. Riêng thành phố Vinh cũng đã cho tôi một ấn tượng: nhà bưu điện mà ngày ấy gọi là nhà giây thép thật đồ xộ, ngay trước một công viên rộng rãi với các cây to cho bóng mát. Chung quanh công viên tôi còn nhớ có các xe bán kem, trái cây. Người ta ra đây hóng mát buổi chiều; cảnh nhìn thật nên thơ. Khi qua nhà máy diêm, tôi chỉ còn nhớ các bức tường nhà máy cao và dài lắm, nhưng tai tôi còn vẳng vẳng lời giảng của bố về nhà máy này.

Cuộc sống nên thơ ấy chỉ được một thời gian ngắn thì chấm dứt khi cuộc chiến giành độc lập từ tay người Pháp bắt đầu. Tháng 12 năm 1946 ông Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tôi nhớ mãi nhà tôi tản cư từ Bến Thủy về Bồng Thượng-Thanh Hóa. Vì Bến Thủy- Vinh là một nơi đô hội có nhà máy diêm lớn nhất Đông Dương, nên dễ bị oanh tạc. Bố chủ trương như vậy vì nơi đây rất xa thị xã Thanh Hóa lại là nơi trồng dâu nuôi tầm cùng ngô khoai không phải là nơi quan trọng. Tuy nhiên, chỉ mẹ đưa chúng tôi đến đây còn ông đi vào rừng Phủ Quỳ- Nghệ An lo kháng chiến.

Thế là cuộc sống chúng tôi bắt đầu thấy mùi bom đạn.



Bến Thủy mộng mơ:



Bến Thủy nơi tôi sống tuổi thơ.

Chiều ra đường sắt thấy xa mờ.

Chị em đùa giỡn trong vui thú.

Cha mẹ xum vầy với mộng mơ.

Chiến cuộc bỗng về không kẻ biết.

Thanh bình chợt bỏ chẳng ai ngờ.

Tuổi xanh cũng nếm mùi đau khổ.

Trốn chạy đạn bom thấy mệt phờ.

VHKT

No comments:

Post a Comment