Monday, May 7, 2012

Tuổi thơ trong chiến tranh 6

Phủ Quảng



Cuộc sống thanh bình cũng lại chấm dứt sau một hai tháng khi máy bay Pháp lại bắn phá các làng xa xa.

Một lần em gái út chúng tôi lúc ấy là Thanh Hương bị bệnh đậu mùa. Chiến tranh về laị không có thuốc men; mẹ lại sợ thằng con trai duy nhất của bà lây bịnh, nên nhờ bác Bích đem tôi lên nhà bác cả Sanh anh ruột bố ở Phủ Quảng- thuộc vùng Thành nhà Hồ -xã Vĩnh Long- H Vĩnh Lộc- Thanh Hóa. Phủ Quảng cũng nằm cạnh con Sông Mã và cách Bồng Thượng vài chục cây số về phía tây bắc. Nhưng trong thời gian này, sự di chuyển thật khó khăn nên coi như sự về nhà không phải dễ dàng.

Sáng hôm ấy, mẹ gói quần áo cho tôi rồi nói tôi theo bác Bích đi. Tôi chẳng biết đi đâu, nhưng linh cảm là đi xa lắm và chỉ thấy một mình đi, còn chị, em ở lại nhà. Lúc này tôi mới 4, 5 tuổi, cái tuổi còn muốn mẹ ấp ủ mà bây giờ phải ra đi không biết ngày trở lại nên mếu máo ra khỏi nhà. Tôi đeo cái túi bé tí rồi lủi thủi theo bác, vừa đi vừa thút thít. Đường đi xa lắm, hai chân tôi mỏi nhừ mà chẳng dám than van vì sợ bác đánh và lại lòng nhớ mẹ và các chị em còn lớn con đường ấy nhiều. Khi ra đến một bến đò mà tôi chẳng biết thuộc đâu thì được xuống một chiếc thuyền máy. Thuyền chạy lâu lây lại đón khách nên thật lâu vì tôi nhớ bác lấy cơm nắm muối vừng cho tôi ăn trưa với bác trên đò. Xế chiều thì thuyền cập bến Phủ Quảng. Và thật may mắn, tôi theo bác lên bờ là đến nhà bác Sanh. Nhà bác cũng ngay cạnh đường cái và một cái chợ tấp nập.

Ở đây với bác nhưng tôi thấy lẻ loi, cô độc vì bác là người nghiêm khắc và cũng chẳng khác bác Bích, bố hay các ông già xưa là giáo dục bằng roi với  châm ngôn: “Thương cho roi, cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.” Ở đây được ba ngày, bốn ngày tôi cũng chẳng thấy bác Bích lên đón về.

Kể từ hôm ấy, tôi cả ngày ra xó tường trước cửa nhìn ra sông, cố tình nén nước mắt. Khi nghe tiếng còi đò máy là cắm đầu chạy xuống bến xem thấy người quen ở Bồng Thượng lên đón không, bất chấp lệnh bác cấm xuống gần bờ sông và sau đó lại bị mấy roi đau quặn. Ngày lại qua ngày, chiếc đò máy vẫn thờ ơ trước cái tôi mong đợi.

Mùa đông đến với các trận mưa phùn và bầu trời xám xịt ảm đạm. Tôi nhìn sang bên kia sông Mã, chợt nhận ra xa xa trong màn mưa một cây đa cao nghều nghêụ, giống hệt cây đa trước cửa nhà tôi làm tôi đau buồn hơn. Hình ảnh chiều chiều nằm bên mẹ học nói nhìn cây đa làm tôi bật khóc. Thật là một điều giản dị thông thường mà đứa bé đã không được toại nguyện.


Sông Mã

(Nhớ lại khi xa nhà lúc chiến tranh)



Năm chiến tranh, tuổi vừa lên bốn.

Đã bôn ba chạy trốn giặc càn.

    Phủ Quảng bên giải sông lam.

               Nhìn dòng nước chảy hồn tan, mắt mờ.

Nước sông Mã lờ lờ, lững lững.

Bên kia sông, sừng sững cây đa.

    Nhìn sao giống hệt làng ta.

 Mẹ ơi, con nhớ đến nhà quá thôi!

Con còn bé, đơn côi đã chịu,

Tuổi trẻ thơ nũng nịu mẹ hiền.

    Riêng con lạnh lẽo triền miên.  

Khi nào sẽ được về miền ước ao?

Nhiều đêm đã nhìn sao cầu nguyện.

Mong mẹ, em mọi chuyện hanh thông.

    Sông Mã con mãi đứng trông.

Con thuyền ấm cúng đã không đón mình.

Cầu Trời hãy cho tình nhân ái.

Để lòng ta khỏi phải đớn đau.

    Ước gì tôi được về mau.

                   Chị, em cùng mẹ trước sau một nhà.

                                      VHKT
Thật may mắn, sau cả tháng trời, một hôm tôi ra bến đò thì thấy bác Bích trong bộ đồ trắng, sách ô xuống bến. Ngày trước tôi sợ bác lắm, cùng bất đắc dĩ bác bắt theo bác đào dế hay bác dạy học thì phải đến gần còn bình thường thấy bác đâu là tôi chạy trốn thật xa. Nhưng hôm nay thấy bác tôi mừng quá chạy lại túm tay chào bác. Ngày hôm sau, tôi lại đưọc ngồi đò suôi nước trở về ngôi nhà thân yêu.

No comments:

Post a Comment