Friday, September 5, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông- bài 64

CHƯƠNG 04 (tt)


Trong nghệ thuật chiến tranh, một câu chuyện hay nhất phải giành cho trận Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương đã áp dụng tất cả yếu tố vào trận này từ thiên thời, địa lợi đến nhân hòa rồi công tâm, công lương đến công đồn.

Một lần tôi gặp người bạn thân, trước 1975 dạy sử địa, anh ta hỏi tôi:

- Moa dạy sử nhưng toa nghiên cứu sử. Moa có câu này hỏi toa nhe.

Tôi đáp:

- Cậu cứ hỏi, để xem tôi biết hay không?

- Đời Ngô, Trần nói họ cắm cọc xuống sông Bạch Đằng để làm bẫy đánh Nam Hán, Nguyên Mông. Với trình độ kỹ thuật ngày ấy cưa chẳng có, dùi thì không làm sao họ có thể thi hành việc này? Nước sông chảy siết, nên việc này rất khó.

Tôi nói:

- Theo tôi nghĩ, Ngô Quyền hay Hưng Đạo Vương đã phải chọn thời điểm là lúc nước ròng nhất vào đầu tháng hay giữa tháng (15 âm lịch) để làm việc này. Vì lúc ấy lúc nước ròng cực điểm, mặt nước sẽ gần sát đáy sông nhất. Ở vị trí cực tiểu này, nước sẽ đứng, không chảy trong một thời gian, tùy theo vị trí trên mặt địa cầu (thường khoảng độ nửa giờ). Khi thả cọc lúc đầu, nhất định phải làm trong khoảng thời gan này. Còn việc chặt đốn thì dùng dìu, đóng thì sức người, vồ, chày.

Sau đó tôi cũng đã nói cách làm như thế nào để các cọc có thể chống nổi thuyền tàu địch quân.

Trong trận Bạch Đằng đánh Nguyên, nhiều bài viết đều do sự tưởng tượng mà ra. Một lần, tôi được xem bài viết của nhiều tác giả ở Hà Nội gồm : Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí về “Chiến Thắng Bạch Đằng”. Tôi cũng xin đưa ra một câu chuyện về trận đánh này. Đây cũng là do sự tưởng tượng nhưng cũng có thể là trận đánh thật sự. Trong lịch sử, ta không thấy nói về hỏa công, nhưng có thể Hưng đạo Vương đã áp dụng mà sử không ghi thôi.

Bây giờ ta dựng lại đoạn phim đánh trận Bạch Đằng.
Lúc Thóat Hoan đem đại binh vào Thăng Long thì thấy kinh thành trống trơn. Kể từ đầu năm Mậu Tý (1288), Thoát Hoan đã rút đại bản dinh về Vạn Kiếp.
Hưng Đạo Vương biết ngay ý của tướng chi huy đại quân đối phương.
Vạn Kiếp nằm gần những chỗ giao nhau của sông Đuống, sông Phả Lại, sông Kinh Thày và sông Thái Bình. sông Phả Lại là hợp lưu các con sông chảy từ bắc xuống nam: sông Cầu, sông Thương, Sông Lục Nam (nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vị trí này tương tự như thành Tương Dương bên Trung Quốc).
Trên con mắt nhìn về chiến thuật thì nơi này dễ tấn công thuỷ bộ, lại rất dễ rút về nam hay về bắc vì vậy nhà Trần cũng đã tập trung nơi đây rồi rút lui ra biển bằng sông Thái Bình và xuống vùng Thiên Tường năm 1285. Còn đối với quân Nguyên chúng cũng dễ rút ra biển về Quảng Châu và theo đường bộ về lại Quảng Tây- Trung Quốc theo sông hướng bắc nam.
Ngài đoán Thoát Hoan lo tiến tới thì ít mà rút lui thì nhiều. Có thể cái thắng đã nằm trong tay ngài.
Kể từ ngày 11 tháng giêng Mậu Tý, ngày đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị tướng Trần Khánh Dư đánh tan, rồi chiến dịch vườn không nhà trống tỏ ra hữu hiệu, Hưng đạo Vương biết chắc quân Nguyên sẽ phải rút. Với số quân khổng lồ, một đường đi của chúng sẽ là đường thủy. Rồi tin tình báo cho biết, quân Nguyên tại Vạn Kiếp đang tập trung tu bổ thuyền bè. Vậy chắc là một số thật đông sẽ theo đường này. Đường ấy là con sông nào?
Từ Vạn Kiếp chắc chắn chúng không ngược dòng sông Đuống đến Thăng Long, rồi sang sông Hồng hay sông Đáy mà ra biển để bị nhận chìm bởi quân Đại Việt. Một cách hay nhất là phải xuôi dòng để vào sông Kinh Thày rồi sang sông Thái Bình, sông Kinh Môn, hay sông Bạch Đằng mà về lại Quảng Đông. Còn con sông Đá Bạc chắc chúng không dùng vì thuyền chúng lớn quá so với con sông nhiều gành này.
Cuối tháng giêng, ngài ra lệnh tất cả các đội thôn binh, xã binh đâu ở đó, rồi cho hội họp chư tướng bàn định kế hoạch và phân chia trách nhiệm.
Một khó khăn cho Hưng Đạo Vương với chức Tiết Chế tổng chỉ huy tất cả lực lượng chống Nguyên Mông gồm cả hai vua: Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài ra, còn cả Thượng Tướng Thái Sư- Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải Với chức Thượng Tướng Thái Sư, Trần Quang Khải là Tể Tướng chỉ đứng dưới hai vua, cũng là một vấn đề rất tế nhị mà ngài phải đối phó. Nhưng tất cả đều hoan hỷ nghe lệnh.
Ngài cho biết ý của ngài về việc Thoát Hoan sẽ rút chạy, rồi chia chư tướng làm các việc sau:
Thứ nhất: Thượng Tướng Thái Sứ Trần Quang Khải điều khiển 15000 quân cấm vệ và bộ binh trấn giữ Thăng Long, điều khiển chính sự quốc gia (trong lịch sử ta không nói rõ việc Trần Quang Khải tham gia trận kháng Mông thứ 3). Đồng thời, ngài nhờ Thượng Tướng Thái Sứ phân chia một số ngự lâm quân bảo vệ hai vua.
Thứ hai: Ngài sai hai tướng Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa đem ba vạn quân bộ binh và 200 kỵ binh lên phục kích binh Mông Cổ ở ải Nội Bàng, Chi Lăng, Khả Lợi, Vĩnh Bình, Lộc Châu và Khưu Cấp thuộc Lạng Sơn. Mục đích của Hưng Đạo Vương là dùng đạo quân này chặn đường rút lui đạo quân trên bộ của Thoát Hoan. Ngài dặn thêm tại các ải cứ để tiền quân đi qua, chỉ đánh úp phần đoạn hậu. Khi đạo đoạn hậu đã bị thiệt hại thì ta rút binh. Lúc chúng lại tiếp tục lên đường rút, thì đuổi theo để giúp đạo quân ải sắp tới.
Thứ ba: Ngài nhờ hai Vua chỉ huy đạo quân 10000 giáp sĩ thủy binh. Đạo này là đội thủy quân hỏa công gồm 80 bè mỗi bè có 5 mảng vị chi 400 mảng cả thẩy. Đạo này nằm rải rác trên sông Đuống đến và sông Kinh Thày. Hàng ngày chỉ hai hai ba người già cả trên bè. Số người này chiệm giữ nhiệm vụ chống bè ra xa hay vào gần bờ, khi nước lớn hay ròng, để tránh bè bị mắc cạn. Nếu bị mắc cạn, lúc cần thì trận thế trận kém hiệu quả. Khi cần, lúc tham chiến, thì mỗi mảng có tới 25 lính khỏe mạnh. Đây là một việc nhẹ và ít nguy hiểm cho hai vua, nhưng cũng đã thật sự góp công vào trận đánh lớn.
Thật ra hai vua đều biết với sự tham dự của hai ngài là một đòn tâm lý cho dân Việt. Đây chính là một phần của công tâm trong binh pháp. Một điểm thứ hai của việc này là làm cho sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương thêm phần dễ dàng.
Hai bên sông Đuống, Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Bạc và cả ngay bên sông Bạch Đằng lẻ tẻ có những bè dài thông thường. Miền bắc Việt Nam người ta dùng bè tre, nứa, gỗ rất nhiều. Để tiện chuyên chở nhiều và ít nhân công, năm, bảy mảng thường nối sát với nhau thành một bè dài. Tre, nứa, luồng, giang và gỗ là các vật liệu đem từ thượng du về miền xuôi để bán. Đôi khi bè cũng dùng để chuyên chở các vật liệu khác. Nếu nơi nào có ao, hồ, kinh, rạch ăn thông sang kinh Thày hay Bạch Đằng và có khả năng chứa bè hay mảng thì đem bè, mảng dấu trong ấy. Một điểm khác là các là các bè này không nối với nhau như thường lệ. Tuy nhìn sát nhau, nhưng rời rạc và có các khúc dây chão, cột một đầu vào dưới đáy bè, còn phần trên chỉ cuốn tạm vào một trụ nhỏ trên bè. Cả hai đầu bè đều được cột như vậy.
 Trên đoạn sông dài trên 400 dặm (gần 200 cây số), cách khoảng 5 dặm (hai cây số) thì lại thấy một bè. Nên cảnh trên đây chỉ là cảnh thường nhật. Tuy vậy một cái khác mà quân Nguyên Mông không thấy: hai bên sông đầy các cây rơm kế xù, nhưng rơm được bó thật chặt, bằng một người ôm, còn củi thì chẳng thiếu.
Thứ tư, ngài trao vịệc phục kích đạo kỵ binh hộ tống đoàn chu sư cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật vùng Đông Triều, bên tả ngạn sông Bạch Đằng. Khúc sông chảy vào Bạch Đằng và gần bãi cọc. Chiêu Văn Vương sẽ đem hết ghe thuyền sang phia kia sông, nơi ta đã hoàn toàn kiểm soát, và phá cầu phá đi. Lúc kị binh địch rút lui thì cho quân đuổi theo sau phá các cầu còn lại. Sau đó, tiếp tục phục binh, phòng ngừa chúng quay lại.

Thứ năm, ngài sai con trai cả là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đem 6000 quân và một số tượng binh đến các ngã ba sông Đuống với sông Thái Bình. Rồi ngài sai con trai thứ hai là Minh Hiến vương Trần Quốc Uất đem 4000 quân, một số tượng binh đến các ngã ba sông Kinh Thầy với sông Kinh Môn. Cả hai đều đóng cừ và phục binh.

Ngài còn trao cho hai người hai cẩm nang, nói cứ theo đó mà làm.

Thứ sáu, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư Trần Khánh Dư chỉ huy 10000 thủy binh vào các vùng chung quanh sông Bạch Đằng làm các việc cho tập trung các thuyền, xuồng lớn nhỏ. Tất các quân dân ở cách xa sông Bạch Đằng nửa ngày đường dùng tre, nứa và luồng khô kết bè. Nhưng lớp tre nứa bên trên cùng phải là loại gần khô. Những vùng cách sông gần hơn, được lệnh thu gom cỏ, rơm, rạ và củi khô. Rơm, rạ, cỏ khô, được cột chặt thành bó như trên.  Củi chỉ cần bó để di chuyển chứ không chặt lắm. Tất cả thứ này có thể được trộn thêm các thứ dẫn lửa và được gọi chung là vật liệu cháy. Dân quân, vùng gần hơn nữa, thì làm dây chão, ngắn dài đủ cỡ.

Để liên lạc tổng quát sẽ có đội thám mã:

Trong khi ấy thám mã của ta phải theo sát địch ở bên hữu ngạn. Khi đoàn chu sư vừa rời bến, ba thám mã lên ngựa chạy theo sông báo tin. Khi gặp sông chắn ngang mà có đủ thì giờ thì một trong bọn xuống đò ngang sang bên kia báo cho toán thám mã thứ hai...Nếu cấp bách thì họ sẽ có tín hiệu màu cờ báo cho bờ bên kia biết các diễn biến quan trọng. Trường hợp ban đêm, thì họ thông tin với nhau bằng đuốc.

Chính ngài điều khiển các tướng còn lại và đại quân trực tiếp đánh trận Bạch Đằng.

Dưới trướng ngài gồm các tướng chia các việc sau:

Thứ nhất: tướng Nguyễn Khoái chỉ huy 20000 thủy quân cánh thượng, phục kích thuyền trên các sông nhỏ mà thuyền quân Nguyên quá lớn không dùng được như: Ghềnh Dốc, Đồng Cốc, Phong Cốc, Gia Đước và Điền Công. Đạo quân này ra đánh giặc lúc giặc đi qua và theo cờ hiệu mà tiến lui.

Thứ hai Đỗ Hành và Yết Kiêu chỉ huy một đạo cánh hạ thủy binh gồm 15000 quân với các thuyền nhỏ, nhanh. [ Một sứ giả nhà Nguyên có mô tả thuyền của ta: “thuyền nhẹ và dài, ván thuyền rất mỏng, đuôi giống như cánh uyên ương, hai bên mạn thuyền cao hẳn lên. Mỗi chiếc có đến 30 người chèo, nhiều thì tới hàng trăm người. Thuyền đi nhanh như bay”.] Đạo này đóng dưới bãi cọc, khi thấy thuyền giặc đến, đạo này ra chặn đánh, rổi theo lệnh mà tiến lui.

Thứ ba: con trai thứ của ngài Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng chỉ huy đạo bộ binh 30000 quân phục kích bên tả ngạn sông Bạch Đằng.

Thứ tư: con trai út của ngài là Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện chỉ huy đạo bộ binh 30000 quân phục kích bên hữu ngạn sông Bạch Đằng.

Cả hai đạo quân thứ ba và tư lo việc đóng cọc trên sông Bạch Đằng và các chi lưu quanh đấy như sông Chanh, sông Tràng Kênh, chảy ra vùng Hạ Long- Quảng Ninh, dưới sự chỉ huy cùa ngài.

Đạo quân cuối cùng của ngài là 35000 bộ binh và tượng binh sẽ làm nhiệm vụ bảo bệ tổng hành dinh và hộ trợ nơi nào cần. Dã Tượng thì luôn luôn túc trực bên ngài hộ vệ.

Về việc đóng cọc thì trước tiên ngài nghiên cứu thời gian nước lên xuống. Trong tháng âm lịch nước lên xưống không như nhau, do ảnh hưởng mặt trăng. Ngày mồng một và ngày rằm nước ở vị trí cực đại và cực tiểu xa nhất, có nghĩa là nước lên cao nhất và xuống thấp nhất. Các ngày, mồng 5,6,7,8,9 và 10 con nước ương lên và xuống không cách xa bao nhiêu. Vì lý do ấy lúc thả cọc lần đầu nên chọn những ngày 28, 29,30, mồng 1, 2 và 3 hay những ngày  13,14 15, 16 và 17, lúc nước ròng đến cực tiểu. Lúc nước ở mức thấp nhất, sức cản ít đi nên cọc lao xuống mạnh hơn và chân cắm xuống bùn sâu hơn. Các ngày khác làm công việc hỗ trợ cũng được.

Chiều dài cọc sẽ tùy thuộc độ sâu của sông lúc nước ròng.

(Tôi chưa được dịp nghiên cứu độ sâu con sông này tùy theo con nước. Nhưng ngay chính tại cùng một điểm, độ sâu khi nước thấp nhất cũng còn tùy theo tháng. Hưng đạo Vương đã phục kích quân Nguyên trong tháng 3 là tháng nước ít nhất. Tôi giả sử sau khi nghiên cứu thì phát hiện nước thấp nhất là từ 2 đến 3 m.)

Dựa vào tin tình báo. thuyền địch dài từ 6 trượng ( 20 thước tây) đến 9 trượng (30 m), bề ngang 1 trượng, 1 bộ (5 m).

Theo sự tính toán của một quân sư, một con thuyền rất lớn dài gần như vậy, thì chiều cao từ đáy đến bề thuyền phải là 1 trượng, 1 bộ (5 m); gỗ đóng thuyền dày 4 hay 5 thốn (10 cm đến 12 cm) thì con thuyền này nặng khoảng 1000 đảm (1 đảm= 50kg, vậy con thuyền không nặng 50 tấn). Cộng thêm 100 lính trang bị, cùng lương thực nước uống khoảng 1000 đảm  (50 tấn) nữa. Lẽ dĩ nhiên, đồ vật của các hành dinh cũng phải trở trên các thuyền này. Con thuyền này sẽ nặng xấp xỉ 2000 đảm (100 tấn). Với sức nặng này, con thuyền sẽ chìm vào nước khoảng 1 bộ (trên 1 m, rưỡi). Các thuyền nhẹ hơn, phần chìm dưới nước khoảng 3 xích (1 m). Con thuyền an toàn vượt qua con sông sâu trên 1 bộ đến gần 2 bộ (2 đến 3 thước).


Bây giờ là cách làm cọc.

Với độ sâu trên 9 xích (3 m) trên, ngài cho chặt cây gỗ loại khá cứng, thân to như bắp vế là ít và chia làm 2 loại. Loại dài đường kính 6 đến 7 thốn (18 đến 25 cm), dài khoảng  trên 1 trượng, 1 bộ (5 m) đến 2 trượng (7 m).  Loại ngắn, bề các cọc dài trên 1 (4 m) phải chọn lim, dẻ, táu mà đường kính từ 7 đến 8 thốn (25 đến 30 cm). Cả hai loại, hai đầu đều được vát nhọn. Chọn cây suôn hay không đều được chặt các cành dài đi. Chỗ có mắt cây sẽ làm nơi cột tre hay đá như hình vẽ. Ở nơi nông hơn, thì cây thay đổi chiều dài cho phù hợp nhưng cách làm vẫn tương tự.

Lấy dây đan như lưới, ràng đá lớn theo hình dưới đây. (cũng có thể cột nhiều chùm  đá nhỏ thành một chùm lớn)

Khiêng cây xuống bè, để phần gốc cây thòi ra khỏi bè khoảng 3 xích (1 m) đến 1 bộ  (1m 6) và cách nhau  khoảng 6 xích ( 2m), tùy theo độ dài cây.
Khiêng đá xuống bè.

Cột 2 cục đá vừa ràng vào phần gốc, đối xứng nhau, rồi thả đá xuống nước.  Sau đó chống bè ra nơi ấn định, cắm sào giữ bè. Bè bây giờ là căn cứ để cắm cọc.
 

          Đợi đúng lúc nườc ròng gần sát, sức nước chảy đã thật yếu, các lính trên bè hất mạnh ở đầu A, làm cọc phóng nhanh xuống đáy sông vì có hai cục đá lớn. Đầu nhọn cắm sâu xuống bùn. Nên để cây cọc nghiênh về phía thượng nguồn làm tăng sức mạnh đâm vào thuyền địch quân.




Vì sức nặng của đá kiến đầu này rơi nhanh hơn và cắm sâu xuống bùn.


Dùng chày, vồ và sức nhún của người lên đoạn tre già cọc sẽ xuống sâu hơn. Để tránh việc các cọc nghiêng quá, mất tác dụng nên dựa cọc vào bè và làm thêm tre, luồng thành hình chân vạc để giữ cọc cân bằng.

Sau khi cọc đã được cắm, đem đá ràng cột gần trên ngọn cọc bởi các dây chão bền to, như hình trên để tạo thêm sức mạnh chống lại vận tốc thuyền, đồng thời cho thêm đá không ràng vào chân cọc. Các cọc cắm có phần trên cao hơn so với mặt nước lúc ròng từ 1 xích (1/3 m) tới gần 6 xích (2 m). Các cọc sẽ có độ nghiêng với đáy sông khoảng từ 45o độ đến 70o. Trên khúc sông này sẽ có cả ngàn cọc xếp thành nhiều hàng; cọc dài nghiêng cách nhau khoảng 4 thước rưỡi đến 5 thước; Chen chính giữa các cọc này là các cọc ngắn được cắm thẳng đứng. Mỗi hàng cũng cách nhau từ 7 đến 10 thước.

Trận thế, các cọc sẽ được đóng nhiều thành hàng ngang, so le nhau. Trên khúc sông này sẽ có cả ngàn cọc; cọc dài nghiêng, cách nhau khoảng 4 thước rưỡi đến 5 thước. Chen chính giữa các cọc này là các cọc ngắn được cắm thẳng đứng. Mỗi hàng cách nhau từ 7 đến 8 thước.


Trận thế các cọc

Cọc dài và ngắn đóng so le nhau

 

Khi viết xong bài, tôi thấy một đoạn trên Wikipedia viết về bãi cọc như sau:

 Bãi cọc Bạch Đằng là các bãi cọc trên sông Bạch Đằng được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt, do Ngô Quyền khởi xướng vào năm 938 trong trận đại phá quân Nam Hán. Hiện nay có hai bãi cọc được phát hiện:

Một bãi cọc nằm trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bãi cọc này được phát hiện vào năm 1953 khi người dân trong vùng đào đất đắp đê. Bãi hiện còn hàng trăm cọc, một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc nằm chếch theo hướng đông 15°, cắm theo hình chữ "chi" (). Cọc phần lớn bằng gỗ lim, gỗ táu, đầu dưới vát nhọn, đầu trên đã bị gãy. Độ dài trung bình các cọc từ 2 m đến 2,8 m; có cọc dài tới 3,2 m. Phần cọc được vát nhọn dài từ 0,8 m đến 1 m. Đầu phía trên của cọc nằm dưới mặt đất khoảng 0,5 m đến trên 1,5 m. Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220 m2, trong đó có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2 m, nhô cao từ 0,2 đến 2 m. Mật độ cọc ở nửa bãi phía nam là một cây mỗi 0,9 đến 1,2 m, nửa bãi phía bắc có một cây mỗi 1,5 đến 2,2 m.

Một bãi cọc phát hiện năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối (thuộc Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), với hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100 m, dài 300 m. Theo các nhà khoa học, người xưa đã dùng loại cọc đường kính 7 – 10 cm, to nhất là 20 – 22 cm, có cọc dài trên 2 m được cắm theo nhiều thế rất hiểm, thường xiên 45° theo một hướng.

 

No comments:

Post a Comment