Sunday, September 28, 2014

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 3


(TT)
 

Những khó khăn không những xẩy ra ở nhà, mà còn cả ở trường tôi theo học. Từ xưa vốn đã có sự kỳ thị giữa Nam và Bắc, và với cuộc di cư rầm rộ đã tạo ra một cơ hội cho sự kiện này gia tăng mãnh liệt, nhất là  giới kém học thức. Sự kỳ thị Nam Bắc đã bắt đầu tử thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh từ năm 1627; lúc ấy nườc ta chia làm 2 nước Bắc và nước Nam. Khi Gia Long thống nhất (1802) không bao lâu thì người Pháp đô hộ, chia Việt Nam làm 3 kỳ làm sự kỳ thị không thuyên giảm. Việc này tạo ra sự chia rẽ giữa người Việt với người Việt làm cho người Pháp dễ cai trị hơn.
Tuy rằng các bạn học miền Nam cùng lớp như Khương, Thời... đều rất tốt với tôi, nhưng nhiều học sinh du đãng khác luôn luôn tìm cách hạ nhục, và khiêu khích với thiểu số học sinh mới di cư vào đây. Một cái dễ ghét khác mà chúng hay gây sự đánh tôi là vì cái tên. Chẳng hiểu sao bố nẹ lại đặt tên tôi là Võ Hiệp; chỉ nguyên nghe tới cái tên là muốn đục rồi. Khi mấy tên học sinh di cư đến trường, tụi du côn thường hò hét: "Bắc Kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm rau muống ỉa trây ra quần." Học sinh nào nhát gan, tỏ vẻ sợ sệt thì đôi khi chúng tha, nhưng nếu tên nào cứng đầu, tụi du côn sẽ tìm cách gây sự đánh lộn.
Tôi không hiểu tại sao lại có câu đó, sau này các người lớn tuổi giải thích cho tôi nghe sự tích cá rô cây ấy: "Vào thời còn phải thi Hương, thi Đình của Nguyễn Triều, trong khi các sĩ tử của các nơi về thi có kẻ hầu người hạ cơm nước đầy đủ, thì mấy ông sĩ tử nghèo nàn miền Trung chỉ ăn cơm không. Để làm bữa ăn thêm hương vị, mấy ông này đã nghĩ ra một cách là đẽo gỗ thành hình con cá rô. Khi ăn cơm, họ nhìn cá gỗ mà tưởng tượng như ăn cá thật." Các người thiếu học thức đã dùng câu vè trên để nhạo báng sự hà tiện của người miền Trung. Nhưng chẳng hiểu sao câu vè lại biến Trung Kỳ thành Bắc Kỳ như vậy? Nghĩ cho cùng, nghèo chẳng có gì là xấu, nhưng học giỏi mới đáng khen. Bất hạnh thay, lúc ấy, nhà tôi ăn cơm chẳng có một con cá dù rằng đó là cá rô cây, và cũng chẳng có tiền mua rau muống nốt. Rất nhiều lần, tôi bị bọn chúng chọc ghẹo, gây hấn nhưng tôi cố nhịn, vì biết rằng tôi đến đấy để học chứ không phải để đánh nhau và gây thêm sự chia rẽ Bắc Nam.  

Chợ Vũng Tàu trước 1950
Một hôm, khi vào lớp học, tôi thấy bọn Khương, Thời...đang xúm nhau xếp giấy.
Tôi hỏi:
- Các bồ làm gì vậy?
Khương vừa cười vừa trả lời:
- Tụi tôi đang xếp bì.
Tôi nghe danh từ đó hơi lạ, nên hỏi tiếp:
- Bì là cái gì và để làm gì?
Thời nói:
- Coi nè!
Hắn lấy một sợi thung (giây cao su), quấn vào hai ngón tay như một cái  giằng ná (súng cao su), nạp một viên bì rồi nhắm trần nhà bắn.
Hắn cười, rồi tiếp:
- Tý nữa, lúc ra chơi, tụi lớp mình sẽ chơi trò bắn nhau với tụi nhì "C". Vui lắm! Bồ có chơi không?
Tôi nghĩ: "Nếu tôi tham gia với bọn họ, có thể tôi gây thêm rắc rối giữa Nam và Bắc nhiều hơn," nên tôi mỉm cười, lắc đầu.
Đến giờ ra chơi, tôi ngồi cắm cúi đọc mấy bài Pháp văn cho giờ sau. Tôi rất dở môn học này, vì các bạn tôi đã học môn học đó đã gần hai năm, trong khi tôi mới bắt đầu làm quen với la, le, les... Cứ mỗi lần có giờ dictation, tôi lại lãnh hai quả trứng vịt to tổ bố, và chỉ tiếc rằng loại trứng này ăn không được mà còn khiến tôi bị đòn ở nhà, nếu ăn được thì chắc nhà tôi mừng lắm.
Trò chơi bắt đầu được một lúc, thì các bạn tôi chạy về lớp chui xuống gầm bàn bắn tra, còn bên ngoài bọn "kẻ thù" bao vây bắn vào dữ dội. Tôi nhận thấy lớp tôi sắp thua cuộc chơi đau đớn đó. Tôi tảng lờ, ngồi tiếp tục đọc bài và để tránh những rủi ro, tôi lấy tay che trước mắt. Nhiều phát đạn lạc trúng tay, trán, cằm...làm tôi đau, nhưng cũng chẳng ăn thua gì với những lần đánh nhau, té trâu ở Tân Phúc- Lam Sơn[1]. Thêm một lúc nữa, những "kẻ thù" xông vào lớp, bắt tất cả mấy thằng bạn tôi, đem ra sân "hành hình," bằng cách bắn vào bụng mỗi đứa một phát đau điếng.
Sau khi trở lại lớp, mấy thằng bạn xúm quanh, chỉ vào các vết hằn trên trán tôi hỏi:
- Ê bồ! Bộ bồ không đau hả?
- Bồ không sợ hả?
Tôi lắc đầu:
- Đau thì cũng hơi đau, nhưng sợ thì không sợ.
Khương, Thời dục:
- Ngày mai bồ tham gia với chúng tôi đi!
Tôi vẫn lắc đầu.
Ngày hôm kế tiếp, lúc tôi đang đi qua sân để vào lớp học, bất chợt có mấy tiếng nói phía sau lưng:

- Ê! Thằng Bắc Kỳ nhón! Lại đây!
Quay đầu lại, tôi thấy một tên mập đang đứng ở cột cờ, với dáng điệu đe dọa và sau lưng y có mấy tên du côn khác đang cười, chọc phá tôi. Tôi phớt lơ, tiếp tục đi về lớp học. Bất ngờ, tôi nghe tiếng chân chạy theo ở phía sau, biết một khó khăn sắp đến với tôi.

Thằng mập chặn trước mặt, còn hai tên khác chặn hai bên tôi, làm tôi hết đường tiến. Bấy giờ, tôi mới nhận ra tên ấy không phải mập mà là to xác và có bắp thịt.
Tên đầu sỏ trợn mắt quát:
- Mày vừa câm vừa điếc phải không?
Tôi nén giận, tránh một cuộc chạm trán vì sự kỳ thị, ôn tồn nói:
- Làm ơn cho tôi đi.
Hắn phá lên cười:
- Há! Há! Mày biết nói! Mày muốn đi à? Đây không có đường đi cho mày! Một đường đi của mày là đi về Bắc Kỳ thôi.
Hai tên đứng bên bật cười phụ họa khả ố.
Tôi tránh sang bên để về lớp. Hai tên kia dơ tay chặn lại.
Tên đầu sỏ túm ngực áo tôi, hét:
- Ê! Thằng Bắc Kỳ ăn cá rô cây! Bộ muốn trốn hả?
Tôi chẳng biết nói làm sao, phản ứng như thế nào để ra khỏi vòng vây đó. Học trò khác chỉ đứng ở xa ngó, chứ không dám can thiệp. May thay, Khương và Thời trong lớp chạy ra. Về thể xác, Khương, Thời cũng chẳng kém tên đó, nên làm nó bớt hung hăng. 
Khương nói:
- Ba Đăng, đừng chọc bạn tao mà.
Ba Đăng quay sang Khương gằn giọng:
- Bộ mày muốn xía vào chuyện tao hả? Nó là Bắc Kỳ mà.
Thời ôn tồn:
- Bắc kỳ hay Nam kỳ thì cũng như nhau thôi. Mình cùng là người Việt Nam mà.
Ba Đăng gân cổ cãi lại:
- Không! Bắc Kỳ là người nước Bắc, còn Nam Kỳ là người Việt Nam.
Khi nghe nó lý luận, tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó, vì nó học lịch sử bao lâu mà vẫn chẳng hiểu nguồn gốc dân tộc Việt. Ngay lúc ấy, tất cả học sinh lớp tôi gồm 50 đứa, chạy ra bao quanh đó, làm tụi Ba Đăng trở thành thế hạ phong. Chúng biết chẳng làm gì được tôi, nên tự động giải tán, và chúng tôi cũng yên thân về lớp.
Khương nói:
 - Hiệp, lần sau bồ ráng nhịn nhục, tránh tụi nó nhe, nhất là thằng Ba Đăng. Nó khoẻ lắm, mà còn là thằng trùm du côn trường mình đó.
Tôi hỏi:
- Nó học lớp mấy?
- Lớp tiếp liên.
- Lớp tiếp liên là lớp gì?
- Những học sinh thi vào trung học không đậu, nếu nhà có khả năng, thì hắn được học lớp đó để thi vào đệ thất[2] năm sau.
Vào giờ ra chơi hôm đó, lớp tôi và lớp nhì "C" lại tái diễn trò chơi bắn giằng thung, và lần này khi lớp bị bao vây, tôi thấy mặt, mũi và tay tôi bị trúng "đạn" thật nhiều.
Lúc trò chơi tàn, Khương thấy mặt tôi có nhiều vết hằn, nên nói:
- Thật là xui cho bồ, trong số những "địch quân" có một thằng là đàn em của thằng Ba Đăng.
Thời đốc:
- Hiệp, tham gia với tụi tao đi mày.
Tôi chỉ mỉn cười, chứ không trả lời.
Khương tiếp:
- Hiệp, bồ phải cứu tụi tôi chứ! Chẳng lẽ ngày nào bồ cũng ngó tụi tôi bị xử tử sao? Nè coi!
Y kéo cái áo lên cho tôi thấy một vết hằn vì sự "hành quyết." trên bụng. Mấy đứa khác cũng nhao nhao vạch bụng cho tôi coi.
Thời nói:
- Bồ gan lắm, cứu tụi này đi.
Tôi đành miễn cưỡng:
- Để tôi coi.
Ngày hôm sau, khi trò chơi sắp bắt đầu, Khương hỏi tôi:
- Sao? Bồ đã nghĩ kỹ chưa?
- Chưa.
- Vậy ngồi đây mà nghĩ nghe.
Hắn bỏ mấy sợi thung, và mấy viên bì giấy trên bàn gần chỗ tôi ngồi, rồi ra sân chơi bắn nhau.
Chỉ vài phút sau, bạn tôi lại rút về lớp lo phòng thủ. Đột nhiên tôi thấy trán tôi đau rát, tôi nhìn qua kẽ ngón tay thấy một tên nấp sau cánh cửa nhắm tôi bắn, nhưng lần này nó hụt. Tôi nghĩ có lẽ đó là sự lầm lẫn. Tuy nhiên, tên này lại nạp bì nhắm tôi bắn lần nữa, và lần này viên bì đã trúng cổ tôi. Vậy là nó có chủ ý nhắm tôi bắn chứ không phải là vô tình. Trong khi hắn lui hui lo nạp bì, tôi vớ lấy sợi thung, vài viên bì, phóng qua mấy cái bàn, tới trước mặt nó. Nó không kịp phản ứng, vì không nghĩ tôi phóng qua bàn. Thường thì mặt bàn hơi nghiêng và không mấy thăng bằng, vì chân cao mà hẹp, nhưng hắn không biết là tôi vốn là tên mục đồng, chăn bò, trâu trong rừng núi, nên nhảy nhót, leo trèo là nghề của chàng. Nó đang lúng túng thì tôi đã dơ hai ngón tay với sợi thung vào trán nó, tuy rằng đó chỉ là sợi thung không vì tôi chưa kịp nạp bì.
Dù sao trong lúc hoảng hốt, nó không biết có bì hay không, nên sợ quýnh, dơ tay đầu hàng:
 - Tao thua! Tao thua!
Bấy giờ tôi mới nạp bì và hét:
- đi!
Tên đó co dò vừa chạy vừa la:
- Tụi bay ơi Bắc Kỳ tấn công! Bắc Kỳ tấn công!
Tôi dơ giằng thung vào mặt một tên kế tiếp, nhưng không bắn, vì bắn tôi sẽ không kịp nạp "đạn." Tôi chỉ dùng cái dây thun để dọa kẻ nhát gan thôi, và tên này cũng ù té chạy nốt. Tụi bạn tôi xông ra từ các hốc bàn, vùng lên tấn công. Nước cờ đột nhiên thay đổi, tụi nó rút vào lớp, đóng cửa sau, lo phòng thủ, còn chúng tôi nấp ở thềm hành lang, bao vây bên ngoài. Nhờ vào nền lớp cao đến 3 bậc nên chúng tôi có chỗ núp rất tốt.
Tôi nói với các bạn:
- Khi nào tôi hô "xung phong" thì các bồ lập theo, rồi cùng tôi xông vào lớp đó nghe!
Các bạn tôi gật đầu đồng ý.
Tôi hô:
- Xung phong!
Mấy chục cái miệng cùng hô:
- Xung phong!
Tôi xông vào lớp trước và các bạn tôi cùng chạy vào theo. Lớp đó trở thành hỗn loạn, nhưng cửa sau đã gài, nên chúng không còn đường rút. Tôi thấy tên hay bắn tôi chạy vào cuối lớp, bèn đuổi theo, dơ cánh tay chẹt vào cổ nó.
Tên này sợ quá, la:
- Tao thua! Tao hàng!
Cả lớp ấy cùng chịu thua và bị bạn tôi đem ra "hành quyết" trả thù.




[1] Thủa bé, 7, 8 tuổi tác giả đã đi chăn trâu, bò trên rừng vùng Tân Phúc- Lam Sơn thuộc huyện Thọ Xuân- Thanh Hóa.
[2] Tức lớp 6 ngày nay.

No comments:

Post a Comment