Tuesday, September 30, 2014

Hải quân thế giới sau thế chiến II


III-                   Tuần Dương Hạm- Cruiser.

Đây là những con tàu nổi lớn hàng thứ hai sau HKMH. Như đã viết phần trước, tuần dương hạm ngày nay chỉ còn 3 nước dùng. Nhưng không sớm thì muộn, loại này sẽ phải loại bỏ vì các khu trục hạm đủ sức nếu không muốn nói dư sức làm các việc mà đang đảm nhiệm.

Nước thứ nhất là Peru (Nam Mỹ) với chiếc BAP Almirante Grau. Chiếc này nguyên thủy là của Hòa Lan được hạ thủy năm 1953 cho hải quân nước này. Đây là một tuần dương hạm hạng nhe với lượng rẽ nước là 12100 tấn, dài 187 m và có vận tốc 59 km/h, cùng hoạt tầm 6900 km. Năm 1973, Peru mua lại tân trang để dùng. Lần tân trang cuối cùng từ năm 1983 tới 1988 với các kỹ thuật điện tử, hỏa tiễn.
BAP Almirante Grau

Như lịch sử chiếc, ta thấy đây là một tàu cũ canh tân. Hai nước thật sự đóng tuần dương hạm, với các kỹ thuật tối tân, trong thời chiến tranh lạnh và đang cho phục vụ là Liên Xô và Hoa Kỳ.

Ta hay xem qua các tuần dương hạm của Liên Xô và nay là Nga như thế nào.

Và đây là nước có nhiều tuần dương hạm nhất thế giới.
IV-                   Lọai Khu trục Hạm- Destroyer.
Lọai Khu trục hạm- Guided Missile Destroyer.
Trong tương lai, loại này sẽ đảm nhiệm các công việc của thiết giáp hạm và tuần dươngh hạm. Các chiến hạm sẽ được trang bị bằng vũ khí tối tân là các hỏa tiễn đánh chìm bất cứ tàu lớn cỡ nào. Súng chỉ giữ vai trò thứ yếu. Tên của chúng trong tương lai sẽ là Guided Missile Destroyer- mà ta có thể dịch là Hỏa Tiễn Điều Kiển Hạm. Ngoài nhiệm vụ trên, các chiến hạm này còn săn đuổi tàu ngầm, tấn công trên bộ và ngăn chặn phi cơ địch.

Từ bảng so sánh trên, ta thấy vài nước có đội Hỏa Tiễn Điều Kiển Hạm nhiều phải kể là:
Nhật: 8 chiếc.
Ấn Độ: 11 chiếc
Pháp: 14 chiếc.
Anh: 15 chiếc.
Nga: 21 chiếc.
Trung Quốc: 32 chiếc.
Hoa Kỳ: 68 chiếc.
Ta nay xem sự so sánh các quốc gia trên thế giới đang làm các con tàu loại này.
 

Sunday, September 28, 2014

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 3


(TT)
 

Những khó khăn không những xẩy ra ở nhà, mà còn cả ở trường tôi theo học. Từ xưa vốn đã có sự kỳ thị giữa Nam và Bắc, và với cuộc di cư rầm rộ đã tạo ra một cơ hội cho sự kiện này gia tăng mãnh liệt, nhất là  giới kém học thức. Sự kỳ thị Nam Bắc đã bắt đầu tử thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh từ năm 1627; lúc ấy nườc ta chia làm 2 nước Bắc và nước Nam. Khi Gia Long thống nhất (1802) không bao lâu thì người Pháp đô hộ, chia Việt Nam làm 3 kỳ làm sự kỳ thị không thuyên giảm. Việc này tạo ra sự chia rẽ giữa người Việt với người Việt làm cho người Pháp dễ cai trị hơn.
Tuy rằng các bạn học miền Nam cùng lớp như Khương, Thời... đều rất tốt với tôi, nhưng nhiều học sinh du đãng khác luôn luôn tìm cách hạ nhục, và khiêu khích với thiểu số học sinh mới di cư vào đây. Một cái dễ ghét khác mà chúng hay gây sự đánh tôi là vì cái tên. Chẳng hiểu sao bố nẹ lại đặt tên tôi là Võ Hiệp; chỉ nguyên nghe tới cái tên là muốn đục rồi. Khi mấy tên học sinh di cư đến trường, tụi du côn thường hò hét: "Bắc Kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm rau muống ỉa trây ra quần." Học sinh nào nhát gan, tỏ vẻ sợ sệt thì đôi khi chúng tha, nhưng nếu tên nào cứng đầu, tụi du côn sẽ tìm cách gây sự đánh lộn.
Tôi không hiểu tại sao lại có câu đó, sau này các người lớn tuổi giải thích cho tôi nghe sự tích cá rô cây ấy: "Vào thời còn phải thi Hương, thi Đình của Nguyễn Triều, trong khi các sĩ tử của các nơi về thi có kẻ hầu người hạ cơm nước đầy đủ, thì mấy ông sĩ tử nghèo nàn miền Trung chỉ ăn cơm không. Để làm bữa ăn thêm hương vị, mấy ông này đã nghĩ ra một cách là đẽo gỗ thành hình con cá rô. Khi ăn cơm, họ nhìn cá gỗ mà tưởng tượng như ăn cá thật." Các người thiếu học thức đã dùng câu vè trên để nhạo báng sự hà tiện của người miền Trung. Nhưng chẳng hiểu sao câu vè lại biến Trung Kỳ thành Bắc Kỳ như vậy? Nghĩ cho cùng, nghèo chẳng có gì là xấu, nhưng học giỏi mới đáng khen. Bất hạnh thay, lúc ấy, nhà tôi ăn cơm chẳng có một con cá dù rằng đó là cá rô cây, và cũng chẳng có tiền mua rau muống nốt. Rất nhiều lần, tôi bị bọn chúng chọc ghẹo, gây hấn nhưng tôi cố nhịn, vì biết rằng tôi đến đấy để học chứ không phải để đánh nhau và gây thêm sự chia rẽ Bắc Nam.  

Chợ Vũng Tàu trước 1950
Một hôm, khi vào lớp học, tôi thấy bọn Khương, Thời...đang xúm nhau xếp giấy.
Tôi hỏi:
- Các bồ làm gì vậy?
Khương vừa cười vừa trả lời:
- Tụi tôi đang xếp bì.
Tôi nghe danh từ đó hơi lạ, nên hỏi tiếp:
- Bì là cái gì và để làm gì?
Thời nói:
- Coi nè!
Hắn lấy một sợi thung (giây cao su), quấn vào hai ngón tay như một cái  giằng ná (súng cao su), nạp một viên bì rồi nhắm trần nhà bắn.
Hắn cười, rồi tiếp:
- Tý nữa, lúc ra chơi, tụi lớp mình sẽ chơi trò bắn nhau với tụi nhì "C". Vui lắm! Bồ có chơi không?
Tôi nghĩ: "Nếu tôi tham gia với bọn họ, có thể tôi gây thêm rắc rối giữa Nam và Bắc nhiều hơn," nên tôi mỉm cười, lắc đầu.
Đến giờ ra chơi, tôi ngồi cắm cúi đọc mấy bài Pháp văn cho giờ sau. Tôi rất dở môn học này, vì các bạn tôi đã học môn học đó đã gần hai năm, trong khi tôi mới bắt đầu làm quen với la, le, les... Cứ mỗi lần có giờ dictation, tôi lại lãnh hai quả trứng vịt to tổ bố, và chỉ tiếc rằng loại trứng này ăn không được mà còn khiến tôi bị đòn ở nhà, nếu ăn được thì chắc nhà tôi mừng lắm.
Trò chơi bắt đầu được một lúc, thì các bạn tôi chạy về lớp chui xuống gầm bàn bắn tra, còn bên ngoài bọn "kẻ thù" bao vây bắn vào dữ dội. Tôi nhận thấy lớp tôi sắp thua cuộc chơi đau đớn đó. Tôi tảng lờ, ngồi tiếp tục đọc bài và để tránh những rủi ro, tôi lấy tay che trước mắt. Nhiều phát đạn lạc trúng tay, trán, cằm...làm tôi đau, nhưng cũng chẳng ăn thua gì với những lần đánh nhau, té trâu ở Tân Phúc- Lam Sơn[1]. Thêm một lúc nữa, những "kẻ thù" xông vào lớp, bắt tất cả mấy thằng bạn tôi, đem ra sân "hành hình," bằng cách bắn vào bụng mỗi đứa một phát đau điếng.
Sau khi trở lại lớp, mấy thằng bạn xúm quanh, chỉ vào các vết hằn trên trán tôi hỏi:
- Ê bồ! Bộ bồ không đau hả?
- Bồ không sợ hả?
Tôi lắc đầu:
- Đau thì cũng hơi đau, nhưng sợ thì không sợ.
Khương, Thời dục:
- Ngày mai bồ tham gia với chúng tôi đi!
Tôi vẫn lắc đầu.
Ngày hôm kế tiếp, lúc tôi đang đi qua sân để vào lớp học, bất chợt có mấy tiếng nói phía sau lưng:

- Ê! Thằng Bắc Kỳ nhón! Lại đây!
Quay đầu lại, tôi thấy một tên mập đang đứng ở cột cờ, với dáng điệu đe dọa và sau lưng y có mấy tên du côn khác đang cười, chọc phá tôi. Tôi phớt lơ, tiếp tục đi về lớp học. Bất ngờ, tôi nghe tiếng chân chạy theo ở phía sau, biết một khó khăn sắp đến với tôi.

Thằng mập chặn trước mặt, còn hai tên khác chặn hai bên tôi, làm tôi hết đường tiến. Bấy giờ, tôi mới nhận ra tên ấy không phải mập mà là to xác và có bắp thịt.
Tên đầu sỏ trợn mắt quát:
- Mày vừa câm vừa điếc phải không?
Tôi nén giận, tránh một cuộc chạm trán vì sự kỳ thị, ôn tồn nói:
- Làm ơn cho tôi đi.
Hắn phá lên cười:
- Há! Há! Mày biết nói! Mày muốn đi à? Đây không có đường đi cho mày! Một đường đi của mày là đi về Bắc Kỳ thôi.
Hai tên đứng bên bật cười phụ họa khả ố.
Tôi tránh sang bên để về lớp. Hai tên kia dơ tay chặn lại.
Tên đầu sỏ túm ngực áo tôi, hét:
- Ê! Thằng Bắc Kỳ ăn cá rô cây! Bộ muốn trốn hả?
Tôi chẳng biết nói làm sao, phản ứng như thế nào để ra khỏi vòng vây đó. Học trò khác chỉ đứng ở xa ngó, chứ không dám can thiệp. May thay, Khương và Thời trong lớp chạy ra. Về thể xác, Khương, Thời cũng chẳng kém tên đó, nên làm nó bớt hung hăng. 
Khương nói:
- Ba Đăng, đừng chọc bạn tao mà.
Ba Đăng quay sang Khương gằn giọng:
- Bộ mày muốn xía vào chuyện tao hả? Nó là Bắc Kỳ mà.
Thời ôn tồn:
- Bắc kỳ hay Nam kỳ thì cũng như nhau thôi. Mình cùng là người Việt Nam mà.
Ba Đăng gân cổ cãi lại:
- Không! Bắc Kỳ là người nước Bắc, còn Nam Kỳ là người Việt Nam.
Khi nghe nó lý luận, tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó, vì nó học lịch sử bao lâu mà vẫn chẳng hiểu nguồn gốc dân tộc Việt. Ngay lúc ấy, tất cả học sinh lớp tôi gồm 50 đứa, chạy ra bao quanh đó, làm tụi Ba Đăng trở thành thế hạ phong. Chúng biết chẳng làm gì được tôi, nên tự động giải tán, và chúng tôi cũng yên thân về lớp.
Khương nói:
 - Hiệp, lần sau bồ ráng nhịn nhục, tránh tụi nó nhe, nhất là thằng Ba Đăng. Nó khoẻ lắm, mà còn là thằng trùm du côn trường mình đó.
Tôi hỏi:
- Nó học lớp mấy?
- Lớp tiếp liên.
- Lớp tiếp liên là lớp gì?
- Những học sinh thi vào trung học không đậu, nếu nhà có khả năng, thì hắn được học lớp đó để thi vào đệ thất[2] năm sau.
Vào giờ ra chơi hôm đó, lớp tôi và lớp nhì "C" lại tái diễn trò chơi bắn giằng thung, và lần này khi lớp bị bao vây, tôi thấy mặt, mũi và tay tôi bị trúng "đạn" thật nhiều.
Lúc trò chơi tàn, Khương thấy mặt tôi có nhiều vết hằn, nên nói:
- Thật là xui cho bồ, trong số những "địch quân" có một thằng là đàn em của thằng Ba Đăng.
Thời đốc:
- Hiệp, tham gia với tụi tao đi mày.
Tôi chỉ mỉn cười, chứ không trả lời.
Khương tiếp:
- Hiệp, bồ phải cứu tụi tôi chứ! Chẳng lẽ ngày nào bồ cũng ngó tụi tôi bị xử tử sao? Nè coi!
Y kéo cái áo lên cho tôi thấy một vết hằn vì sự "hành quyết." trên bụng. Mấy đứa khác cũng nhao nhao vạch bụng cho tôi coi.
Thời nói:
- Bồ gan lắm, cứu tụi này đi.
Tôi đành miễn cưỡng:
- Để tôi coi.
Ngày hôm sau, khi trò chơi sắp bắt đầu, Khương hỏi tôi:
- Sao? Bồ đã nghĩ kỹ chưa?
- Chưa.
- Vậy ngồi đây mà nghĩ nghe.
Hắn bỏ mấy sợi thung, và mấy viên bì giấy trên bàn gần chỗ tôi ngồi, rồi ra sân chơi bắn nhau.
Chỉ vài phút sau, bạn tôi lại rút về lớp lo phòng thủ. Đột nhiên tôi thấy trán tôi đau rát, tôi nhìn qua kẽ ngón tay thấy một tên nấp sau cánh cửa nhắm tôi bắn, nhưng lần này nó hụt. Tôi nghĩ có lẽ đó là sự lầm lẫn. Tuy nhiên, tên này lại nạp bì nhắm tôi bắn lần nữa, và lần này viên bì đã trúng cổ tôi. Vậy là nó có chủ ý nhắm tôi bắn chứ không phải là vô tình. Trong khi hắn lui hui lo nạp bì, tôi vớ lấy sợi thung, vài viên bì, phóng qua mấy cái bàn, tới trước mặt nó. Nó không kịp phản ứng, vì không nghĩ tôi phóng qua bàn. Thường thì mặt bàn hơi nghiêng và không mấy thăng bằng, vì chân cao mà hẹp, nhưng hắn không biết là tôi vốn là tên mục đồng, chăn bò, trâu trong rừng núi, nên nhảy nhót, leo trèo là nghề của chàng. Nó đang lúng túng thì tôi đã dơ hai ngón tay với sợi thung vào trán nó, tuy rằng đó chỉ là sợi thung không vì tôi chưa kịp nạp bì.
Dù sao trong lúc hoảng hốt, nó không biết có bì hay không, nên sợ quýnh, dơ tay đầu hàng:
 - Tao thua! Tao thua!
Bấy giờ tôi mới nạp bì và hét:
- đi!
Tên đó co dò vừa chạy vừa la:
- Tụi bay ơi Bắc Kỳ tấn công! Bắc Kỳ tấn công!
Tôi dơ giằng thung vào mặt một tên kế tiếp, nhưng không bắn, vì bắn tôi sẽ không kịp nạp "đạn." Tôi chỉ dùng cái dây thun để dọa kẻ nhát gan thôi, và tên này cũng ù té chạy nốt. Tụi bạn tôi xông ra từ các hốc bàn, vùng lên tấn công. Nước cờ đột nhiên thay đổi, tụi nó rút vào lớp, đóng cửa sau, lo phòng thủ, còn chúng tôi nấp ở thềm hành lang, bao vây bên ngoài. Nhờ vào nền lớp cao đến 3 bậc nên chúng tôi có chỗ núp rất tốt.
Tôi nói với các bạn:
- Khi nào tôi hô "xung phong" thì các bồ lập theo, rồi cùng tôi xông vào lớp đó nghe!
Các bạn tôi gật đầu đồng ý.
Tôi hô:
- Xung phong!
Mấy chục cái miệng cùng hô:
- Xung phong!
Tôi xông vào lớp trước và các bạn tôi cùng chạy vào theo. Lớp đó trở thành hỗn loạn, nhưng cửa sau đã gài, nên chúng không còn đường rút. Tôi thấy tên hay bắn tôi chạy vào cuối lớp, bèn đuổi theo, dơ cánh tay chẹt vào cổ nó.
Tên này sợ quá, la:
- Tao thua! Tao hàng!
Cả lớp ấy cùng chịu thua và bị bạn tôi đem ra "hành quyết" trả thù.




[1] Thủa bé, 7, 8 tuổi tác giả đã đi chăn trâu, bò trên rừng vùng Tân Phúc- Lam Sơn thuộc huyện Thọ Xuân- Thanh Hóa.
[2] Tức lớp 6 ngày nay.

Friday, September 26, 2014

July 4-2011 Du Kí- bài 13


Nói về các buổi trình diễn, có nhiều màn trình diễn rất độc đáo. Có lần tôi và bà xã đi xem một buổi trình diễn. Trên sân khấu tôi thấy cảnh phố phường xe cộ, lẽ dĩ nhiẹn xe hơi thật đấy và một cặp nam nữ đi tham quan phố phường. Cảnh đổi thì cặp này đang đi vào rừng cây âm u, thác nước thật đổ trắng xóa. Nước chảy xuống thác thì mất tăm. Cặp này vượt qua một cây cầu do một thân cây già ngã xuống làm thành, rồi họ bị săn đuổi bởi các thổ dân ăn thịt người. Cảnh thứ ba, cặp này đang đi trượt băng thật trên vùng lạnh cóng. Quả tình kỹ thuật rất cao.

Riêng các màn trình diễn xesy, tôi cũng đến xem các vũ điệu này để xem thử nó như thế nào cho biết, chứ trong lòng không thích chút nào (đó là lời phân bua với bà xã thôi). Nếu ai đến Grand Teton thất vọng thì vào đây sẽ hết.

Tuy nhiên, phải nói rằng khi mấy chục cô cùng khoe các hỏa diệm sơn xinh đẹp một lượt thì bạn sẽ hoa mắt chẳng biết ngắm cái nào. Vừa thấy một cô tiên bước ra với hai trái đào, chưa nhìn kỹ thì cô khác ra mà cô trước đã biến đâu rồi. Chưa khịp ngắm cô thứ hai, thì cô thứ ba đến trước mặt. Kết quả chẳng thấy gì ráo trọi. Tôi tự trách mình ngu thật.

Sau khi check in, tôi đưa gia đình và Thanh xuống phố dạo nóng. Vì ở đây mà nói dạo mát thì thật là nực cười. Mặt trời đã lặn từ lâu nhưng nhiệt độ ngoài đường vẫn là 90oF (32 oC). Thành phố sáng choang dưới cả triệu ngọn đèn xanh, đỏ, vàng, tím… có lẽ vì vậy mà không khí nóng thêm. Vì có hai cháu bé, nên chúng tôi không thể cho các cháu ghé nơi chơi bài. Nếu bạn vô tình cho một em vị thành niên vào đây thì nhân viên công lực sẽ có mặt ngay, yêu cầu bạn đưa em bé ra. Đương nhiên các màn trình diễn cho người lớn thì hai cháu cũng không vào xem được. Chúng tôi đưa hai cháu đến coi xiệc free tại hotel Circus Circus. Các cô rất thích các màn nhào lộn, đu dây…



Mirage- có thác nước và hỏa diệm sơn phun lửa vào đêm, ngay cửa chính.

Trong thập niên 80s và 90s nhiều trận tranh chức vô địch quyền Anh đã tổ chức ở đây.

Coi chán chê mê mỏi, chúng tôi đi lang thang trên phố độ 1 km cho hai cháu xem các kiến trúc đẹp mắt của các khách sạn. Có cái thì hình Kim Tự Tháp; cái có tượng Nữ Thần Tự Do; cái thì cao vút với tòa tháp rộng bên trên…Mỏi chân chúng tôi quay về.

Stratosphere tower

Đây là kiến trúc cao nhất ở phía tây dòng sông Mississippi bắc Mỹ với chiều cao 350.2 m (1,149 ft). Bên trên cùng phần gương sen có một roller coaster đứng tim. Roller coaster này ở độ cao 277 m (909 ft), nhất thế giới so với mặt đất.


Năm 2005 một hành khách đã bị treo lơ lửng ngoài trời hơn một giờ. Sau đó, khách sạn cho dẹp trò chơi đứng tim thay vào là một phòng ngắm cảnh thành phố. Vì đi du lịch theo đoàn nên chúng tôi không thể lên đây thăm viếng.

 Ngoài ra ai thích xem giếng phun nước theo nhạc thì đến khách sạn Bellagia với Bellagio Fountains. Nếu bạn thích xem cảnh hải tặc thì đến Treasure Island Hotel. Bạn có dịp chứng kiến các vở kịch ngoài trời hấp dẫn với thuyền buồm, súng đại bác nổ ầm ầm. 

Las Vegas 

Vê gás là nơi tội lỗi đầy.

Mọi người chen chúc đổ về đây.

Vạn anh đụng rủi, tiền đi hết.

Vài chị gặp may, bạc tới đầy.

Tối tối, say sưa màn gợi cảm.

Chiều chiều, túy lúy chén nồng cay.

Chỉ vì xanh đỏ, đêm đêm chiếu.

Tiền bạc để giành chẳng cánh bay.

                                             VHKT

Thursday, September 25, 2014

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 66


Câu chuyên con quái vật là do tấm cẩm nang mà Hưng Đạo Vương trao cho hai con.

Trong bí kíp dặn, khi đến nơi chia binh và loan tin con số phục kích gấp mười lần rồi lo việc đóng hàng cừ.

Cừ chỉ đóng làm khó đi và cao hơn mặt nước lúc triều cao nhất khoảng 2 xích (gần 1 mét) và cây cừ này cách cây cừ kia cách nhau độ 1 gang tay. Như vậy, địch thấy có chướng ngại vật, đồng thời có thể nhìn sang phía kia mà không thấy gì khả nghi. Hàng cừ phải cách ngã ba sông độ trên 100 trượng (khoảng nửa cây số) và chỉ ra đến nửa sông.

Sau hàng cừ, để một khúc cây dài cỡ hơn 1 trượng (độ 4 hay 5 mét), to hơn 1 người ôm, một đầu vát nhọn. Đầu này hướng ra giữa sông. Gần đầu nhọn, cột một dây chão thật to dài qua bờ sông đối diện khoảng 16 trượng (trên 40 m). Buộc một cục đá trên dây chão, cách đầu nhọn độ từ 1 tới 2 trượng, làm dây luôn luôn chìm. Đầu còn lại của khúc cây, được cột một cục đá khá nặng làm đầu này chìm sâu dưới nước. Từ bờ sông bên đối diện với hàng cừ, vào sâu 2 trượng, cây cối phải để tự nhiên, rậm rạp, nhưng sau đó là một đường dài bằng nửa bề ngang con sông, rộng 1 trượng ( 3,3 m), tương đối dễ đi. Con đường này phải làm thẳng góc với con sông.

Đầu dây trên bờ sẽ cột vào một đàn voi khoảng 8 hay 10 con. Phía sau đàn voi là cả trăm lính túm vào các dây nhỏ hơn nối vào dây cái. Lính sắp hàng cả hai bên sợi dây này mà chạy.

Khi thuyền địch ngang tầm, thì các nài thúc voi chạy ra xa. Lính túm dây chạy theo. Vì vậy khúc cây chạy rất nhanh và húc vào thuyền địch. Khi đầu nhọn đâm vào thuyền nó sẽ kẹp trong thuyền và kéo thuyền đi theo một đoạn dài. Mải đến khi đàn voi ngừng vì hết đường thì thuyền mới ngừng.

Một số cừ làm dở dang, khi có lệnh lên làm tiếp. Lúc địch đến sẽ bỏ vào rừng cây, lo phục kích. Vì vậy địch mới nghĩ là quân Đại Việt định rào sông nhưng chưa kịp hoàn tất.

Bên ngoài hàng cừ cứ 5 trượng lại làm đường tương tự như trên, nhưng ở cả hai bên sông.

Tại sao lại cột cục đá ở cuối gốc cây? Vì lúc voi kéo dây chạy thì con thuyền địch đi ngang sợi dây, và đè dây xuống đáy thuyền, mũi nhọn sẽ có khuynh hướng đâm xuống đất. Nhờ cục đá mà mũi nhọn vẫn hướng lên trên tạo ra sự va chạm làm thủng thuyền.

Với khúc cây dài trên 4 m, to như đã viết (60 đến 70 cm) thì có trọng lượng gần 700 kg. Nếu như voi và người kéo khúc cây chạy độ 12 km/h thì khúc cây sẽ có năng lượng khoảng 50000 joule. Nó sẽ húc thủng thuyền như chơi.

Bây giờ ta giải thích lý do người Thập phu trưởng té xuống sông dù là y mới giữ được thăng bằng, nhưng thuyền bị lắc lần sau. Việc này xảy ra là vì cục đá cột ở đuôi khúc cây. Khi khúc cây bị kéo chạy, cục đá chạy phía sau đuôi khúc cây. Đến lúc khúc cây đâm thuyền thủng, cục đá chưa tới thuyền. Một giây sau thì nó mới vượt qua chỗ cột và đến khi dây căng hết sức, nó mới làm thuyền lắc.

Một số khúc cây lớn khác thì được vát nhọn hai đầu. Các khúc cây này cũng được cột dây như thế nhưng ở cả hai đầu.

Vì lý do ấy, lúc khúc cây húc thuyền đợt một thì voi người cùng kéo dây chạy. Lúc phải chạy ngược thì không thể sắp voi cho nhanh nên chỉ có người bờ sông đối diện kéo. Dù là thêm vài chục lính, thì sức vẫn chưa bằng voi, nên chạy chậm hơn.

Vì tháng này không mưa nên sông cạn, việc đóng cừ, đập tương đối dễ dàng. Như vậy là mới lên đài dạo quyền sơ sơ thì gần 400 lính Nguyên đã tử vong. Bị tổn thất và bất lợi vỉ sông nhỏ lại có phục binh, chúng đành rút lui.

Kể từ ngày 6 tháng Mậu Tý (7 tháng 4,1288), khi trời về chiều, họ Ô ra lệnh bên cạnh mỗi thuyền cho cắm 1 cây sào. Trên cây sào phải có ngọn đèn, hay một bó đuốc đốt cháy suốt đêm.

Hai ngày sau, 8 tháng 3 vào lúc canh ba, trăng đã lặn, trời tối đen như mực, Ô Mã Nhi ra lệnh cho đoàn chu sư âm thầm nhổ neo xuôi dòng, sau một đêm yên tĩnh. Tất cả đèn, đuốc trên cây sào vẫn giữ y nguyên, không được nhổ hay đem đi. Trong khi ấy, doanh trại của Thoát Hoan trên bờ vẫn sáng trưng. Với chiến thuật này, nếu quân Đại Việt có nhìn sang từ bờ sông bên kia vẫn thấy không có gì thay đổi, lại tưởng đèn đuốc trên các thuyền vẫn bất động. Đây chính là kế kim thiền thoát xác (ve sầu lột vỏ).

Tuy vậy, chiến thuật này không qua mắt được gián điệp ta. Họ thường giả dạng làm ngư phủ chài lưới bên dưới trại thủy trại họ Ô độ vài dặm. Vì là thuyền nhỏ, nên các gián điệp ta thấy được thuyền lớn của địch hiện lên nền trời dù là tối mấy cũng vậy. Khi thấy đoàn thuỳên hiện lên, họ chèo thuyền vào bờ báo động ngay.

Theo sông Kinh Thày đến ngang khúc sông Kinh Môn thì đoàn chu sư không thể vào để sang phía cửa Hải Phòng ngày nay ngay, vì sợ gặp các thủy quái như ở sông Thái Bình. Phạm Nhan rất ức vụ bị phục kích nên xin cho một đội quân đi tìm hiểu khúc sông này. Phàn Tiếp ưng thuận. Vì lúc này nước đang lớn nên dòng nước chảy lên. Để đánh lạc hướng quân Đại Việt, đoàn chu sư cứ thẳng tiến. Đi qua cửa vàm vài dặm, Phạm Nhan cùng 20 quân cảm tử nhảy xuống sông theo dòng nước đi ngược sông, đội mảng bèo vào bờ. Ô Mã Nhi cho đoàn chu sư ngừng chờ kết quả. Trời mới hừng hừng, Phạm Nhan và đội cảm tử đã đến chỗ quân ta phục khích. Nhưng lính ta canh ỷ y vì thấy đoàn thuyền giặc đã qua, nên lơ là. Toán lính Phạm Nhan xông bắt đi 5 lính ta rồi bơi ra sông chờ thuyền chúng tới.

Lên thuyền Phạm Nhan cho trói tay, tra hỏi 5 người lính này. Để tránh việc sai lầm, y tra khảo từng người dưới hầm thuyền, số còn lại bị giữ trên sàn. Cách tra tấn đã man làm người lính rên la khủng kiếp. Các lính trên sàn nghe thấy đã toát mồ hôi. Khi hỏi số quân thì các lính đều khai 4 vạn, dù là đao kề cổ. Y biết rất mù mờ về việc phục binh nên lần lượt giết lính ta. Để uy hiếp tinh thần các tù binh còn lại, chúng mang các tù binh vừa lấy khẩu cung lên lại sàn tàu, trói chặt từ đầu đến chân, rồi đạp xuống sông. Khi chúng đang ra tay giết tù binh thứ ba, người lính thứ tư lộn ngược ngừơi rơi xuống sông, làm đám lính Nguyên không thể ngờ tới.

 Viên bách phu trưởng chỉ huy thuyền ra lệnh lấy cung bắn loạn xạ thành một màn tên xuống nước. Hắn hy vọng người lính kia không chết cũng bị thương và bị trói thì cũng chết đuối. Nhưng người lính này thông minh. Khi vừa chìm xuống nước anh ta bơi ngược vào đáy thuỳên, nằm im chờ một lúc. Khi thấy thuyền địch di chuyển, anh ta mới lặn về bờ, chỗ lính ta đóng quân. Người này có tài lặn lâu chẳng kém Yết Kiêu bao nhiêu. Nhờ trời còn tôi tối và dù là tay bị trói nhưng người này lâu lâu ngoi lên thở dưới các mảng bèo nên trốn thóat về với đoàn phục kích, thuật lại cho chủ tướng.

Thấy tình trạng y hệt lúc gặp sông Thái Bình, đoàn chu sư lại tiến về phía Bạch Đằng giang. Chúng đã đi vào cuộc phục binh thực sự. Ô mã Nhi, nghĩ nếu mỗi nơi số quân phục kích lớn như vậy thì số quân Đại Việt trải ra các đường rút quân chẳng còn bao nhiêu.

Hưng Đạo Vương biết chắc rằng quân Nguyên sẽ không vào sông Kinh Môn nên ông cho đạo quân này ít hơn đạo quân thứ nhất.

Trời đã sáng hẳn, trên mặt sông rộng mênh mang, đoàn thuyền họ Ô hùng dũng, vĩ đại trải rộng tiến ra cửa biển. Thuyền giặc đã vào Bạch Đằng. Lúc này, Hưng Đạo Vương và ban tham mưu trên đỉnh núi Tràng Kênh ra lệnh bộ bịnh, kỵ binh và tượng binh chặn đánh quân Trịnh Bằng Phi. Trong khi thủy quân hai cánh ra đánh chặn, dụ địch với các thuyền nhỏ. Tùy theo sức nước chảy khi ròng mà cuộc đánh dụ địch này mạnh hay yếu. Mục đích là tính sao cho thuyền địch qua bãi cọc thì nước phải cao hơn mũi nhọn khoảng 3 xích (1 mét) và thời điểm nước đang ròng thì trận thế mới hiệu nghiệm. Trường hợp quân Nguyên qua đúng thời điểm ấn định thì đạo quân này không cần đánh. Duy một điểm còn may cho đạo chu sư Nguyên Mông là chúng rút lui vào ngày 8 âm lịch nên nước ròng không mạnh bằng các ngày con nước mạnh.

Trịnh Bằng Phi thấy cờ quạt chiêng trống trên núi Tràng Kênh thì biết rằng nơi ấy bộ chỉ huy nhà Trần làm đại bản dinh. Y cố sức sua quân đến đó để tiêu diệt đầu não của trận thế. Nhưng đoàn kỵ bịnh của Nguyên Mông xuống gần đến bãi cọc thì bị đánh rát, lại thêm sông ngòi, kênh rạch chặn ngang mỗi lúc một lắm. Đây không phải là địa bàn của kỵ binh. Hơn thế nữa, núi Tràng Kênh nằm trên môt hòn đảo thì chúng làm sao qua sông được. Lẽ dĩ nhiên, Hưng Đạo Vương đã nghiên cứu biết điều này trước, nên mới chọn làm bản dinh. Trịnh Bằng Phi thấy hao binh tổn tướng nên đành ra lệnh rút binh.

Ô Mã Nhi thấy nước vẫn chảy ngược dòng, nên lợi dụng chiều nước cho hậu quân đánh rát cánh quân cánh thượng của Trần Khánh Dư. Trên núi Tràng Kênh, Hưng Đạo Vương thấy cờ toán kiểm soát dòng nước cho biết nước đang chảy lên bèn phất cờ hiệu hiệu cho Khánh Dư rút lui. Đoàn thuyền của quân Nguyên đang giao tranh dữ dội bỗng thấy quân Việt rút, liền đuổi theo ráo riết ngõ hầu tiêu diệt đạo thuyền này. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng tiến lên vài dặm, các thuyền Việt biến hết vào các kinh rạch nhỏ. Cùng khi ấy, cánh hạ của Đỗ Hành theo lệnh tiến ra tấn công tới tấp. Quân ta có lợi thế vì theo chiều nước. Ta chẳng chèo thuyền vẫn tới, nên chỉ vài người lo chèo giữ vị trí, còn tất cả đều dùng vũ khí tấn công. Trong khi ấy, giặc không chèo thì bị thụt lùi, đụng với thuyền phía sau, mà chèo tiến tới phải bỏ ra nhiều nhân lực làm giảm sức chiến đấu. Một cái bất tiện thứ hai vì đây là sông, nên số thuyền lên nghinh địch cũng chỉ giới hạn. Số còn lại chỉ chèo sau trợ chiến bằng cách la hét cổ vũ.

Hậu quân của quân Nguyên chưa biết tiến thối ra sao, thì nghe tù và báo cho biết tiền quân đang gặp giặc. Chúng đành rút về cố thủ, bảo vệ trung quân.

Thuyền  quân Nguyên to lớn, vũ khí mạnh nhưng xoay chuyển chậm chạp. Thuyền binh Việt nhỏ vũ khí nhẹ nên di chuyển xoay trở lẹ làng. Cứ cái này phóng tới các khác đi ra làm chúng khó lòng chiến thắng.

Đội hậu quân của Tích Lệ Cơ mới về đến nơi, thì lại thấy một bày thuyền nhỏ như ong, tiến xuống đánh nữa. Đây cũng là đạo binh cánh thượng.

Đánh nhau cho đến trưa, vẫn bất phân thắng bại. Đạo thủy binh của ta, với các thuyển nhỏ hơn nửa, hay một phần ba, thậm chí có cái đến một phần tư của giặc, lúc phía trên đánh xuống, lúc phía dưới đánh lên, hai bên bờ, cung nỏ, tên lừa bắn ra như mưa. Ô Mã Nhi thấy kỵ binh vắng bóng, biết là nguy hiểm vô cùng. Đến giờ nước xuống, nếu xuống tận đáy thì có thể khó khăn. Y lo lắng vô cùng. Khi đoàn quân của y đến đây lúc nước đang lớn làm vận tốc thuyền chậm lại, định qua thì bị phục binh, nên quay lên, quẹo xuống mấy lượt.

Đến trưa, chính ngọ, nước ngừng, rồi bắt đầu ròng. Ô Mã Nhi càng lo hơn.

Xế chiều, con nước đã đúng giờ. Hưng Đạo Vương ra lệnh phất cờ để quân phía dưới rút lui. Vừa rút vừa bắn trả. Ô Mã Nhi nghi cánh quân này đã yếu, nên sua đoàn thuyển tiến thật nhanh, cộng thêm sức nước chảy nên chúng đi nhanh như bay. Trong khi ấy cánh quân của Đại Việt phía trên đánh đáo ríêt.

Đột nhiên đoàn thuỳên gần đầu của họ Ô bị khựng lại rồi quay ngang. Trong khi một số khác phía trước vẫn tiếp tục truy đuổi. Nhưng số thuyền này trở nên quá ít so với thuỳên của Đại Việt.

Sự khựng lại rồi quay ngang là vì mũi thuyền húc nhằm một cọc làm nó quay quay ngang húc phải cọc khác và bị chọc thủng vài nơi, nước tràn vào ào ạt. Có nhiều thuyền tránh được các cột nghiêng dài nên kông bị chặn lại, nhưng chúmg lại đâm vào hàng cột thứ hai. Chúng không quay ngang như những cái trước mà bị kèm bởi hai cột dài. Các thuyền này tiến không được vì cọc chắn, mà lui không xong vì các thuyền khác đang lao đến kẹt cứng mặt sông. Một thời gian sau, nước rút thêm thì các thuyền này bị các cột ngắn đâm thẳng đứng từ dưới lên, thuyền sẽ thủng ở đáy phía mũi. Nêú không thủng thì mũi thuyền càng lúc càng đưa lên cao; nước sẽ tràn vào từ đuôi thuyền. Các thuyền trên bãi cọc nghiêng ngả thì lính tráng đâu có thăng bằng mà chiến đấu.

Đám lính đang hoảng hốt, thì lớp tàu thứ hai không kìm nổi đâm sầm vào chúng. Bây giờ đến phiên đợt hai cùng chung số mạng. Chỉ trong vòng chưa tới nửa giờ đoàn thê của Ô Mã Nhi kẹt cứng như nêm. Một số ít khác may nắm chạy qua. Quân Đại Việt phía dưới đánh thật rát nhưng mở lối cho thuyền giặc tốp đầu chạy thoát, sau khi bị tổn thất khá nặng. Tốp này biết đã lọt ổ phục kích, nên cắm đầu chạy thẳng ra vịnh Hạ Long rồi về Quảng Châu. Đây là một đòn tâm lý, đám này chạy về đến nơi sẽ đem chuyện thảm bại của đạo thủy quân cho giới chức quân sự Nguyên Mông. Tin này truyền đến Thoát Hoan, y sẽ điếng hồn, chư tướng hoang mang. Lúc rút đường bộ, chúng sẽ giảm đi tinh thần chiến đấu.

Đoàn thuyền này bị máng cọc cao ở dưới cuối bãi. Nước còn đủ để cho nhiều chiếc khác vào sâu trong trận thế và như vậy sự tổn thất mới cao.

Rất may mắn cho Ô Mã Nhi, thuyền y cũng bọ cọc chặn nhưng nằm giữa hai cây cọc bên nên không bị húc thủng như các thuyền khác. Tuy nhiên, thuyền y nằm ngay bên trên cây cọc ngắn. Giả sử là thuyền thường thì nước ròng, thuyền sẽ bị chọc thủng vì sức nặng của thuyền đè lên mũi nhọn. Nhưng thuyền y là thuyền chủ soái rất dày, vững chắc nên chẳng hề hấn gì. Nước mỗi lúc một thấp, nên làm thuyền y đầu cao hơn đuôi. Lại một may mắn khác, cách thiết kế thuyền cho chủ tướng có phần cuối như một ngôi nhà, vách chắn nước lại không vào thuyền được. Tuy nhiên rất khó di chuyển vì sự cao thấp bất thường.

Ô Mã Nhi ra lệnh bình tĩnh chống lại thuyền ta phía trên. Các thuỳên chưa bị máng cọc được lệnh cắm sào đánh trả. Chúng nối các thuyển đã vào bãi cọc với nhau để thành thế liên hợp, tạo ra một sân rộng, dùng súng bắn đá bắn trả làm thuyền ta một số bị chìm. Kể ra thì quân Nguyên rất bình tĩnh trong lúc rối rắm.

 

Wednesday, September 24, 2014

Thái Liên Khúc II

 

Ngô, Việt giai nhân với Sở phi.

Tranh sen, áo ướt chẳng còn gì.

Đầu đường hoa đón khi vừa tới.

Cuối bãi trăng đưa lúc mới đi.

VHKT- 1972

Tuesday, September 23, 2014

Hải quân thế giới sau thế chiến thứ II (tt)


c-      ATD - Amphibious Transport Dock

Đây là loại tầu mới ra đời, mục đích là vận chuyển các loại máy bay lên thẳng như Harrier, trực thăng, F-35C hay V-22 Osprey từ nơi này sang nơi khác tùy theo nhu cầu chiến trường, nhưng không có nhiệm tụ tác chiến.

Giả sử sau các cuộc đổ bộ lên đất địch, quan đội nước xâm lăng cần có các quân cụ, quân xa, thiết giáp hay máy bay nói trên, chiếc tàu này đem đến nơi ấy các thứ mà quân đội cần.



d-      OHSS- Offshore Helicopter Support Ship.

Hiện nay trên thế giới chỉ có một nước dùng loại này đó là Thái Lan. Chiếc HTMS Chakri Naruebet helicopter carrier: được đặt mua từ Tây Ban Nha năm 1992, với lượng rẽ nước 11400 tấn, dài 183 m, vận tốc 47.2 km/h, hoạt tầm 19000 km  và chở khoảng trên dưới 18 trực thăng. Chiếc này được đóng theo kiểu ski jump, nhưng rồi Thái dùng nó chở trực thăng mà thôi, vì các phi cơ dùng phi đạo ngắn quá đắt và không thực tiễn cho nhu cầu quân đội. Dựa vào kích thước trên. Đây là chiếc HKMH nhỏ nhất thế giới.

Loại này dùng chuyên chở và hỗ trợ chức không đem quân đổ bộ hay chiến đấu.

HTMS
Chakri Naruebet
Tổng kết lại, hiên nay trên thế giới có nhiều quốc gia đã có TTMH với nhiều mục tiêu khác nhau. Ta hãy xem bảng phân loại và số TTMH của các quốc gia ấy.




 

Monday, September 22, 2014

Biệt Thự Trần Lệ Xuân / Bà Ngô Đình Nhu


Tôi nhận được email một bạn đọc về các biệt thự của bà Trần Lệ Xuân / Bà Ngô Đình Nhu.  Nay đăng lên để chúng ta cùng thấy các vị cầm quyền thời Cộng Hòa đã sống như thế nào. Nhà tôi trên núi Nhỏ Vũng Tầu. gần đấy có nhiều biệt thư nghỉ mát của các tướng, bộ trưởng, thủ tướng miền nam. Trong các biệt thư này nổi tiếng nhất là biệt thư Ông Thiệu, ông Phạm Kim Ngọc (BT Tài Chính) Ông Hương. Mong rằng các người cầm quyền hiện thời không bị vướng vết dơ này.

Biệt thự Trần Lệ Xuân xa hoa lộng lẫy trước đây, nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ) ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt, Lâm Đồng được trùng tu, phục chế nguyên vẹn, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng của sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và du lịch.


 Hồ bơi trong khu biệt điện Bạch ngọc ( có nước nóng thời Trần lệ Xuân )

 
Kho Mộc bản quý hiếm. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, năm 1960, Mộc bản được chuyển từ Huế về Đà Lạt do chi nhánh Văn khố Đà Lạt quản lý. Mộc bản là những bản in chữ Hán khắc vào gỗ, kích thước trung bình 0,43m x 0,27m, dày từ 2 - 4 cm, mỗi tấm nặng chừng 300 - 400g.

 

 
 
 

thực sự ngỡ ngàng khi bước vào kho chuyên dụng lưu giữ tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tại biệt thự Trần Lệ Xuân. Nơi đây đang lưu giữ trên 30.000 tấm Mộc bản được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm (khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo; lưu truyền công danh sự nghiệp của vua, chúa, các sự kiện, các biến cố lịch sử… hầu hết các bản thảo đều được Hoàng đế “Ngự lãm”, phê duyệt trước khi cho những người thợ tài hoa khắc lên gỗ.

Năm Tự Đức thứ hai (1849), triều Nguyễn đã cho dựng Tàng bản đường để bảo quản Mộc bản. Mộc bản, Châu bản và sách Ngự lãm là kho tư liệu quý, là nguồn sử liệu phong phú, chân xác về xã hội phong kiến triều Nguyễn. Hiện tại, Mộc bản đã được in dập ra giấy dó - bản gốc và bản dập Mộc bản đã được chỉnh lý hoàn chỉnh và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và phục vụ khai thác khối tài liệu quý hiếm này. Mộc bản triều Nguyễn, ngoài giá trị về mặt nội dung, mỗi tấm Mộc bản còn được đánh giá như một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Ngày nay, sau khi Mộc bản triều Nguyễn và các tài liệu lưu trữ được di chuyển từ Huế về Đà Lạt, Sài Gòn thì được sắp xếp theo trình tự gồm 9 vấn đề chính: Lịch sử, Địa lý, Chính trị - Xã hội, Quân sự, Pháp chế, Văn hóa - Giáo dục, Tôn giáo - Tư tưởng - Triết học, Ngôn ngữ văn tự, Văn thơ, Tồn nghi và được lưu giữ trong kho chuyên dụng bảo mật. Các cơ quan chức năng và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Mộc bản triều Nguyễn là di sản văn hóa thế giới.
 

Hướng mở cho du lịch Đà Lạt
 
Dưới thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, biệt thự Trần Lệ Xuân là biểu tượng của vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy cùng danh tiếng và quyền uy của chủ nhân. Đến nay, tại số 2 Yết Kiêu - Đà Lạt, khu biệt điện này đã được giữ gìn và phục chế lại gần như nguyên vẹn, tọa lạc trên đồi thông thơ mộng với diện tích khoảng 13.000m2 với ba ngôi biệt thự, một hồ bơi, một vườn hoa được thiết kế theo kiểu Nhật Bản, cùng nhiều hạng mục lý thú khác. Có thể nói đây là khu nghỉ dưỡng xa xỉ vào bậc nhất trong giai đoạn đầu chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1954 - 1963). Giới nghiên cứu đánh giá khu biệt điện này là một quần thể kiến trúc mang phong thái quý tộc với nhiều tên gọi hoa mỹ thể hiện quyền uy của chủ nhân nó.

Biệt thự Trần Lệ Xuân và những điều chưa biết

Biệt thự Bạch Ngọc 
Đỗ Mậu - một tướng quân đội Sài Gòn - viết qua hồi ký như sau: “Tướng Đôn và bà Nhu là đôi bạn chí thân từ năm 1948. Tướng Đôn biết rõ sự nghiệp và cuộc đời của bà Nhu cũng như ngôi nhà của bà ta tại Đà Lạt. Tướng Đôn quên kể cái vườn hoa rộng lớn có thể được gọi là bát ngát trong sân trước, quên cả rừng thông trên ngọn đồi của lâu đài được sắp đặt và vun xới công phu, quên cả cái hồ sen hình địa đồ Việt Nam mà bà Nhu đã mời kỹ sư Nhật Bản đến Việt Nam hai lần để thiết kế và xây cất cái hồ đặc biệt đó”. Trên thực tế, bây giờ người ta vẫn gọi khu biệt thự ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt là khu biệt thự Trần Lệ Xuân. Khu này được xây dựng trên một quả đồi có tên là Lam Sơn với diện tích hơn 13.000m2 đất, với các hạng mục chính như sau:
Biệt thự Bạch Ngọc và hồ bơi nước nóng, nơi giải trí của gia đình Lệ Xuân. Tọa lạc ngay trên một quả đồi, khu biệt điện hiện lên lộng lẫy hơn khi có một hồ bơi nước nóng với sức chứa hơn 300m3 nước để xua đi cái lạnh của thành phố cao nguyên này. Nơi đây còn là một không gian đầy lãng mạn, từ vọng lâu của biệt điện có thể phóng tầm mắt ngắm những đồi thông xanh ngắt chập chùng.

Biệt thự Lam Ngọc 
Biệt thự Lam Ngọc được trang bị hiện đại bậc nhất thời đó. Có phòng làm việc, hội họp, phòng nhảy, phòng trang điểm của Lệ Xuân, nhà được trang bị lò sưởi kiểu Pháp. Trong biệt thự này có đường hầm thoát hiểm nội bộ và hầm trú ẩn với nắp hầm được làm bằng một loại thép đặc biệt đạn bắn không thủng, bên dưới hầm được thiết kế rộng rãi, đủ chỗ cho hơn mười người trú ẩn. Biệt thự Hồng Ngọc thường gọi là biệt thự Trần Văn Chương. Ngôi biệt thự này Trần Lệ Xuân xây cho bố đẻ là Trần Văn Chương khi ấy đang làm đại sứ của chính quyền ở Mỹ. Công trình chưa hoàn thành thì bị lật đổ. Vườn hoa Nhật Bản nằm phía sau biệt thự Lam Ngọc (do kỹ sư Nhật thiết kế nên gọi là vườn hoa Nhật Bản). Trong vườn hoa Nhật Bản có hồ nước, khi bơm nước đầy hiện rõ hình bản đồ Việt Nam. Và hai khu nhà dành cho đơn vị bảo vệ, canh gác. Vườn hoa Nhật Bản có thác nước, nhiều loài hoa đẹp và được chăm sóc rất công phu.

Biệt thự Hồng Ngọc 
Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, tài sản gia đình họ Ngô bị tịch thu, khu biệt thự Trần Lệ Xuân được dùng làm khu bảo tàng sắc tộc Tây nguyên. Sau 30-4-1975, khu biệt thự này được giao cho Sở Du lịch Lâm Đồng quản lý. Năm 1984, tỉnh Lâm Đồng giao lại cho Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước) quản lý để làm nơi bảo quản khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Kể từ tháng 8-2006, khu biệt thự Trần Lệ Xuân trở thành trụ sở chính của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Ngày nay, biệt thự  Trần Lệ Xuân không còn bí ẩn nữa khi được trùng tu, tôn tạo để giữ lại vẻ đẹp diễm lệ xưa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, cơ quan chủ quản khu biệt điện, đã khai trương khu trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ quốc gia ngay trong khuôn viên biệt điện, mở cửa đón các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước, những người quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.(st)

Biệt thự Lan Ngọc 

Biệt thự Hồng Ngọc