Wednesday, October 16, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 28

CHƯƠNG 03 (tt)


2. Trận đánh Mohi ở Hung

Tin quân Mông tới, vua Béla IV triệu tập quân đội kể cả quân của Cuman do Koten (Khoten) lãnh đạo.

Ngoài lực lượng chính của vua Béla IV, quân Hung còn có quân của công tước Frederick II Babenberg của nước Áo; quân của hoàng tử Kálmán là em vua Béla, đang làm công tước Slavonia (Slovakia), và tổng giám mục Ugrin Csák dẫn các hiệp sĩ Templar. Theo Wikipedia, All Empires online History hay Military History. About.com thì số quân của Hung tổng cộng chừng 80000, và quân số của Mông Cổ là 70000. Một vài tài liệu khác lại viết số quân của Hung là 15000 quân và quân Mông Cổ ở đây khoảng 30000 người. Vậy con số thực sự vẫn là mơ hồ. Thật ra lực lượng Hung có thể rất lớn, nhưng vì nhiều nam tước, bá tước vốn ghét vua Béla vì chuyện tịch thu lại tài sản, phá bỏ luật Golden Bull, nên không đem quân tham chiến. Họ muốn chứng kiến sự sụp đổ của triều đình Hung trước quân Mông Cổ. Một số khác ở miền Transylvania lại lo bảo vệ địa phương vì cánh quân phương nam của Mông Cổ cùng sự hiện diện của các bô lạc khó trị Cuman.

Ngày 12 tháng 3, năm 1241, quân đội của Subutai và Batu đánh bại đạo quân của tiểu vương Palatine ở đèo Verecke trên dãy núi Carpathian, rồi nhắm Hung tiến tới.

Cùng khi ấy, đám dân Cumans và người địa phương chẳng mấy tin nhau. Người Cumans thì nghĩ dân Hung còn kì thị, bóc lột họ như nô lệ. Người Hung lại nghĩ dân Cumans là tay sai, gián điệp cho Mông Cổ và là nguyên nhân của chiến tranh. Khi thấy Quân Mông Cổ thành công chọc thủng phòng tuyến phương nam, dân Hung ghét đám Cumans vô cùng nên đã giết chết lãnh tụ Koten. Dân Cumans nổi loạn cướp phá giết chóc dân địa phương rồi chạy sâu xuống phương nam thay vì lên Pest hợp với quan vua Béla.

Ngày 15 tháng 3, đội tiên phong của Mông Cổ đã tới Pest[1], đánh phá các vùng lân cận. vua Béla cấm không cho quân đội của ông ra đánh, vì lý do chưa chuẩn bị sẵn sàng. Trong khi ấy, Frederick II, không đếm xỉa đến lệnh ấy, tung quân đánh và thắng vài trận nhỏ. Điều này làm Béla mất mặt vì bị coi như hèn nhát. Sau các trận thắng ấy quận công Frederick II đem quân mình về Áo. Tổng giám mục Ugrin Csák của Kalocsa, thấy vậy cũng noi gương. Ông đem các hiệp sĩ Templar định tấn công quân Mông bất ngờ, nhưng bị vây hãm thật nguy. Sau quân Mông mở một đừơng thì toán quân này chạy thoát nhưng lại bị lừa vào một vùng sình lầy. Kết quả ông cùng đám hiệp sĩ Templar với các giáp trụ nặng nề bị sa lầy và một số may mắn thoát chết, trong đó có vị tổng giám mục.

Sau một tuần di chuyển, vào đầu tháng 4, quân của vua Béla đã đến bờ tây của sông Sajó đang ngập lụt. Ông cho quây các chiến xa làm một tường thành bảo vệ, rồi đóng quân chờ thêm viện binh cùng nhu yếu phẩm. Cùng khi ấy, quân Mông dưới sự chỉ huy của tướng Subutai đến bờ đông con sông này.

Theo Military History. About.com và wikipedia thì ngày 10 tháng 4, một người nô lệ của Mông cổ trốn thoát chạy sang Hung báo tin cho vua Béla rằng quân Mông sẽ tấn công vào đêm trên cầu gần đó. Ông này vẫn không tin đó là một trận đánh quyết định mà nghĩ rằng là đơn vị trinh sát của Mông Cổ thôi.

Các tướng dưới quyền đều trách vua Béla là không chịu ra lệnh tấn công. Chiều tối ngày 10 tháng 4, ông hoàng Kálmán và tổng giám mục Ugrin Csák lại đem quân đánh bất ngờ ở cầu. Họ đi âm thầm trong bóng đêm, nên quân Mông không biết. Vả lại Mông Cổ cũng không thích đánh đêm vì giới hạn của cung thủ cũng như ngựa. Đến nửa đêm thì quân Hung tới cây cầu dài khoảng 200m này. Lúc ấy, quân Mông đang chuẩn bị vượt sông mà không đề phòng việc bị tấn công. Theo dự đoán thì có lẽ Subutai muốn tấn công quân đội Hung lúc bình minh. Hai cánh quân của ông hoàng Kálmán và tổng giám mục Ugrin Csák dùng ná (nỏ) tấn công dữ dội. Mông Cổ bị bất ngờ nên bị các tên từ nỏ bắn thiệt hại nặng nề. Kết quả Mông Cổ bị mất một tướng cấp thấp tên Bakatu. Kálmán và tổng giám mục Ugrin Csák để lại một đơn vị nhỏ để canh cầu; số còn lại trở về trại mở tiệc ăn mừng.


Vì thất bại ấy, Mông Cổ phải đổi kế hoạch tấn công. Subutai liền chia quân làm ba đạo: đạo thứ nhất giao cho Shiban (Sejban) chỉ huy, đi lên phía bắc sông Sajó cách cầu khoảng 4 km, rồi vượt sông, đánh vào hông trái của Hung. Subutai thì đem cánh thứ hai đi về phía nam, và cách cầu trên 5 km. Subutai sẽ cho làm một cây cầu dã chiến để vượt sông. Cánh thứ ba thì do Batu chỉ huy với các vũ khí nặng đánh thẳng qua cầu. Chuyện vượt cầu cũng không phải là dễ vì cầu dài mà hẹp. Hơn nữa tầm bắn của nỏ rất xa làm quân Mông không còn lợi điểm dùng vận tốc của ngựa. Batu liền cho đem súng bắn đá tới. Theo các trang sử viết lại thì đây có lẽ là lần đầu tiên mà người Hung thấy súng bắn đá.  Trận đánh vẫn không có thắng lợi cho Mông Cổ, dù là cánh quân của Shiban đã đánh vào hông của quân Hung. Đến 8 giờ sáng, quân Mông tiến được qua cầu, nhưng bây giờ thì quân Hung được lệnh tấn công, nên quân Béla tràn ngập chiến trường. Kị binh Batu không có thế vì sau lưng là sông. Lính Mông chết nhiều và chính Batu cũng tị nữa mất mạng. Diên trì một thời gian khá lâu vì cho làm cầu, nhưng rồi cầu cũng được làm xong và Subutai cho quân vượt sông. Khi đạo quân này đánh từ dưới lên, thì quân Hung chịu không nổi phải thối lui về trại.
Bây giờ thì Mông Cổ vây hãm với những đợt tấn công bóng rổ. Tuy nhiên họ vẫn không tiêu diệt được địch quân, và cũng bị tổn thất nặng. Subutai liền mở phía tây, quân Hung vội tràn về phía ấy chạy trốn. Đây chính là binh pháp của Tôn Tử: Lúc giặc ở cùng đường đừng đánh mà hãy mở. Vì nếu dồn địch quân vào chân tường thì chúng sẽ chống tới chết. Mở đường thì chúng sẽ chạy, và khi chạy thì ai lo thân nấy hết còn nương tựa vào nhau để sống chết cùng hưởng. Một mặt khác, nếu phía mở mà địch quân không có lợi địa thì thật là một thảm họa cho địch. Quân Hung chạy về hướng ấy phải vượt con sông Hejó, rồi vào cánh đồng lầy. Ngựa của các hiệp sĩ Hung thì bị thương, mà mặc giáp thì quá nặng làm sao mà bơi hay chạy, nên họ đành phải bỏ giáp. Nhưng đây lại là một hiểm họa khác đến với họ. Họ không còn giáp thì làm sao chịu nổi tên hay giáo của Mông Cổ? Kết quả là lính nặng của Mông Cổ cứ cỡi ngựa đuổi theo, rồi dùng giáo xuyên người như xuyên thịt.
Tổng kết trận đánh thì cũng có nhiều con số dị biệt nên wikipedia đã dưa ra con số phỏng định từ 10000 dến 40000 cho Hung và từ số nhỏ đến 1000 cho Mông Cổ. Vua Béla và người em Kalmán chạy thoát[1], nhưng ông hoàng này đã chết sau một thời gian. Tổng giám mục Ugrin thì chết trong đám loạn quân.
Vua Béla chạy sang Áo để tránh nạn thì công tước Frederick II bắt giam lại. Ông này đòi vua Béla phải cắt ba phần đất thuộc Hung để sát nhập vào Áo. Vua Bela không chịu lại chạy xuống phía nam của Hung, đến cổ thành Trogir ven bờ biển Adriatic, một phần đất cuối cùng của Hung. Tại đây, ông cũng đã họp lại với một số nhà quí tộc Hung đã chạy trốn xuống đó.
Sau trận thắng này quân Mông lần lượt đi tàn phá khắp vương quốc này và thảo kế hoạch đánh chiếm La Mã, Đức và Áo. Theo các trang trên Internet thì khoảng ¼ dân chúng Hung bị giết, còn theo “Nations in Transition Hungary” của Raymond Hill thì gần ½ dân Hung đã bị tàn sát.
Mãi năm sau, 1242, chúng đột nhiên rút khỏi Hung. Sự rút lui này cũng gây ra nhiều tranh luận. Số đông thì cho là Subutai nhận được tin đại hãn Ögedai băng hà, nên phải để Batu, Kadan quay về Krakorum dự vào việc bầu một đại hãn mới. Nhưng một số khác lại nói đó là lý do không chính xác. Quân Mông vẫn không kiểm soát được Hung. Dân Hung di tản vào các vùng núi non, đầm lầy, thành trì kiên cố, hay các thành đất được xây trên các đỉnh núi đồi hiểm trở, rồi nổi dạy chống lại họ. Nhiều thành trì xây bằng đá kiên cố mọc lên, quân Mông không làm gì được. Người Hung bây giờ lại dùng chiến thuật du kích làm tổn hại quân Mông, và có lần các hộ vệ của Batu cũng bị lột da. Còn chính Batu đã phải trày vi, tróc vẩy mới thoát chết. Khi họ rút thì bị phục kích trên dãy núi Carpathian.
Nhờ vào sự tái phục hồi các thành trì bằng đá mà người Hung đã đẩy lùi cuộc xâm lăng thứ 2 của Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của Nogai (Nogay) cháu cố của Thành Cát Tư Hãn năm 1284.
Quân Mông rút khỏi Hung rồi về lại miền nam nước Nga hiện nay để lập một vùng ngự trị mới gọi là White Horde, và Blue Horde. Cuối cùng, cả hai horde trên nhập lại thành Golden Horde và kinh đô là Sarai (Saray) bên bờ sông Volga (Gần kinh đào Volga-Don ngày nay). Đây cũng là thảo nguyên và còn đẹp đẽ, rộng lớn hơn thảo nguyên Mông Cổ, bao gồm từ Kazakhstan đến phía tây biển Hắc Hải. Khi Őgedei (Oa Khoát Đài), qua đời thì Batu là một ngôi sao sáng để được tuyển làm Đại Hãn, nhưng ông đã từ chối với lý do thích thảo nguyên này hơn Mông Cổ. Vì nếu người nào được bầu làm Đại Hãn thì người này phải trở về thủ đô Krakorum ở Mông Cổ. Tất cả các lãnh địa của Nga, Armenia, Georgia, Circassia, Alans, Crimean Greeks, và các bộ lạc của các dân ở vùng Balkan Bulgars cũng như  Serbs (Nam Tư) phải hàng năm triều cống rất nặng nề cho các chúa Mông Cổ ở Sarai, kể cả Novgorod, nơi quân Mông chưa đánh tới. Golden Horde là một tiểu đế quốc Mông Cổ tồn tại lâu nhất kéo dài mãi cho tới năm 1499.


[1] “Việt Sử Toàn Thư” của Phạm Văn Sơn, trang 246 ghi: “Vua Balé tử trận năm 1241”
 

[1] Thành phố Pest nằm bên bờ đông sông Danube, bên kia bờ tây sông là thành phố Buda. Đến thế kỷ XVII, vua Hung nhập hai thành phố lại lấy tên là Budapest.

No comments:

Post a Comment