Saturday, July 27, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 15


CHƯƠNG 03 (tt)



III/ Vương quốc Khwarezm.

A- Tình trạng đôi bên trước khi đánh

Trong thời gian từ 1200 đến 1206, khi Thiết Mộc Chân thành lập nước Mông Cổ ở đông Á, thì Allah al-Din Muhammad II cũng bắt đầu bành trướng phần đất cha ông để lại mang tên Khorezme ở tây Á (Khorezme còn được gọi Khwarezm hay Khwarizm, tùy theo cách gọi của các dân tộc khác nhau). Vào khoảng 1205 ông đã chinh phục vùng đất của PersiaSeljuk Turks. Đến năm 1212 ông đánh bại Kutluk, Gur-Khan của Kara Khitay (hay còn được đọc là Kara-Khitan Khanate- Tây Liêu), sát nhập một phần đất phía tây của vương quốc này vào đế quốc Khwarezm. Ông Muhammad có ý nhòm ngó tới việc chinh phục Trung Quốc, mặc cho nhiều quan cố vấn khuyên ông không nên làm như vậy. Ông còn có ý định chinh phục Baghdad, nơi được coi là thánh địa Hồi giáo để làm giáo chủ giáo phái này. Tuy nhiên khi quân ông vựơt đèo ở núi Zagros vào Iraq thì bị một trận bão tuyết làm chết gần hết.

Lúc Thiết Mộc Chân trở nên Thành Cát Tư Hãn, vị chỉ huy tối cao của các bộ tộc Mông Cổ năm 1206, thì Muhammad II đã chiếm đến sông Jaxartes trong vùng vịnh Persian và đã trở thành Shah tức là vị chỉ huy tối cao của các bộ lạc Hồi giáo xung quanh đã bị ông chinh phục. Chẳng bao lâu sau thì Khwarezm đã trở thành một đế quốc lớn bao gồm Iran, Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan thêm ½ lãnh thổ các nước Kyrgyzstan và Afganistan ngày nay.

Một đặc điểm khác là vùng đế quốc này cũng có địa thế như Mông Cổ, gồm các thảo nguyên, sa mạc. Trong bài viết của ông Peter Roudik trên trang History of the Central Asia republic đã viết như sau: “Geographical factors have impacted the people as well. Due to the aridity of soil, settlements were concentrated in oases; however, large distances between the oases complicated the communication between them. Because lack of natural barriers, the region had been the subject of frequent foreigner invasions.” (Điều kiện địa lý cũng ảnh hưởng tới con người nữa. Vì là vùng đất khô cằn, dân chúng thường định cư vào các ốc đảo. Tuy nhiên khoảng cách giữa các ốc đảo quá xa làm sự thông tin liên lạc rất phức tạp. Vì không có các chướng ngại vật thiên nhiên nên đây còn là vùng làm mục tiêu cho nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang.)

B- Lý do.

Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cử một sứ đoàn đến Samarqand một thành phố của đế quốc này, nằm trên con đường tơ lụa nối Trung Quốc với La Mã (Hiện nay nằm trong nước Uzbekistan). Trong lá thư gửi cho Muhammad, Thành Cát Tư Hãn đã chúc tụng “Ngài là vua phương tây, còn ta là vua phương đông”. Ý của Thành Cát Tư Hãn là muốn làm liên minh. Ông Muhammad cũng gửi phái đoàn đến đáp lại.

Chẳng bao lâu sau một đoàn gồm 600 người (có tài liệu nói trên 1000) vừa lái buôn cùng một số sứ giả thành phố vào đế quốc này. Khi đoàn vừa tới thành phố biên giới đầu tiên là Utrar, ông Inalchek người cai quản của thành phố tình nghi đòan này làm gián điệp, liền đem xử tử[1].  Viên quân trấn thủ lấy hết vàng bạc cho vào kho bạc của thành phố. Thành Cát Tư Hãn lại gửi một đoàn khác đến Samarqand hỏi nguyên do. Muhammad không xin lỗi mà cho chặt đầu, cạo tóc các sứ giả rồi trả lại cho Thành Cát Tư Hãn, để chứng tỏ rằng đế quốc Khwarezm cũng là một đại cường, với 400000 quân thiện chiến bảo vệ lãnh thổ. Trong Tân Nguyên sử cũng ghi lại diễn biến ấy như sau: “ Vương giết chết Ba Hợp Lạt, cắt râu tóc của quân lại Mông Cổ, trả về để làm nhục Mông Cổ, tự tụ tập quân sĩ ở Tát Mã Nhĩ Can”[2]. Việc này không biết đúng hay sai, tuy nhiên lịch sử đế quốc Mông Cổ đã chứng minh rằng, không bao giờ họ để yên một liên minh ngang hàng bao giờ cả.

Trong quyển Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400. trang 21 viết theo sử gia Ata-Malik Juvaini về đoàn sứ giả bị giết: Khi nghe tin cuộc thảm sát, Thành Cát Tư Hãn lên đỉnh đồi, bỏ khăn đội đầu cầu khẩn thần linh trong ba ngày ban cho ông sức mạnh để ông trả mối thù thật đích đáng. [When Genghis Khan learned of massacre he climbed to top of a hill, uncovered his head and prayed to heaven for three days for the strength to exact vengeance]

Trong Tân Nguyên sử, liệt truyện ngoại quốc cũng ghi về việc này như sau: “Lại nghe người trốn chạy trở về báo, cả giận, cởi dải mũ, quỳ vái tế trời, thề sẽ rửa hận.”[3]

 


Thành Cát Tư Hãn Cầu Nguyện
(trích từ Genghis Khan and Mongol Empire- Miriam Greeblatt)
 



[1] Chắc phải có một chứng cớ nào đó mà Inalchek mới sử tử đoàn thương nhân này. Các gián điệp của Mông Cổ phần nhiều là các lái buôn. Ta không thể biết được việc này đúng hay sai.
[2] Phần dịch của ông Tích Dã trên trang Việt sử của Viện Việt Học.
[3] Phần dịch của ông Tích Dã trên trang Việt sử của Viện Việt Học.

No comments:

Post a Comment