Sunday, July 7, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông?


 
(tiếp theo)

2. Chiến thuật trận tuyến:

Về chiến thuật, người Mông Cổ không theo một sách vở nào mà hoàn tòan do kinh nghiệm và sáng kiến. Trong các chiến thuật gia lừng danh nhất của Mông Cổ phải nói tới Subutai và Thành Cát Tư Hãn. Với các đoàn kị binh trên các đồng cỏ được huấn luyện như đã viết trên, lính Mông Cổ có chiến thuật tấn công chớp nhoáng làm địch quân không kịp trở tay. Họ lấy tốc lực làm chủ điểm. Nếu địch quân tụ họp lại theo đội ngũ thì cung tên là vũ khí chính để tiêu diệt. Như đã nói trên quân Mông Cổ không cần đến gần mà cứ bắn lên trời tạo thành trận mưa tên về phía địch. Nếu địch quân tản rộng tránh mưa tên, thì đội kị binh nặng với thương, giáo lại là chủ điểm.

Vì cách lập một arav gồm 6 cung thủ và 4 trường thương, nên cách đánh thông thường là dùng cung đánh cho tan đội ngũ, rồi đội trường thương xông tới tiêu diệt các đám quân lẻ.

Thường trong một trận đánh, các tướng Mông Cổ không phải là người đứng đầu đoàn quân mà là chiếm lấy một cao điểm có thể nhìn bao quát chiến trường rồi điều khiển trống, tù và, cờ quạt tùy theo tình trạng diễn biến. Như vậy các tướng Mông Cổ đã biết áp dụng chiến thuật địa lợi cho hỉ huy như Lục Thao[1] viết: “Lên cao mà nhìn xuống để quan sát biến động của kẻ địch.”

Đôi khi, họ cũng đánh các dụng cụ nấu nước như nồi ấm. Có thể là tạo ra âm thanh đặc biệt cho thi hành một chiến thuật nào đó. Lần đánh Âu Châu thứ hai thì Subutai đã gần 70 tuổi. Lúc ấy, ông ta béo quá đi đứng khó khăn, không con ngựa nào có thể chịu nổi sức nặng của ông ta. Mông Cổ lấy xe chở ông ra mặt trận, lên đồi cao nhất để điều kiển trận đánh.

Mông Cổ còn dùng tù binh làm chướng ngại vật hay tường người (human shield) gọi dưới tên “kharash”. Trong khi tiến đánh Khwarezm, Mông Cổ tiến đến thủ đô Samarquand nhưng không tấn công mà vượt sa mạc Kyzyl Kum  phía tây và tấn công thành phố Bukhara. Đây là áp dụng yếu tố bất ngờ. Sau khi hạ được thành Bukhara, họ đem tù binh quay ngược lại Samarquand, rồi dùng số tù binh này như bức tường người kharash che cho họ trong việc tấn công. Việc tương tự như trên là lúc Jebe và Subutai tấn công thành Maragheh ở Azerbaijan.

a- Rút lui chiến thuật

Một lối áp dụng chiến thuật của Mông Cổ là rút lui lừa địch. Theo các nhà quân sự, chiến thuật này rất khó áp dụng, vì nếu không được huấn luyện thành thục thì đạo quân này dễ dàng bị tan rã nếu địch quân cứ tiếp tục tạo áp lực phía sau. Các người nghiên cứu về chiến thuật Mông Cổ công nhận rằng Mông Cổ rất tài trong chiến thuật giả thua. Một chiến thuật mà chỉ quân Mông Cổ có thể làm được hồi ấy. Tuy nhiên, chúng tôi chưa may nắm đọc được tài liệu nào phân tích kỹ càng một trận đánh như vậy.

Theo thiển ý, vì kị binh Mông Cổ cưỡi nhiều ngựa, nên họ di chuyển rất lẹ, đối phương không thể theo kịp. Do đó, họ có nhiều thì giờ chuẩn bị cho cuộc phản công khi rút đến một nơi nào đó mà có lợi địa cho họ. Ta có thể tưởng tượng rằng, khi chuẩn bị cho chiến thuật giả thua rút lui này thì tướng Mông Cổ đã trù tính sẵn các phương pháp sau đây:

·         Các kị binh nặng rút lui trước và càng mau càng tốt.

·         Tóan kị binh nhẹ vừa đánh vừa lùi.

·         Khi toán kị nặng đã ở một nơi khá xa và đến một địa điểm thích hợp thì tướng Mông Cổ cho bày trận.

·         Khi trận bày xong, thám mã sẽ thông báo cho tướng chỉ huy đoàn kị binh nhẹ.

·         Lúc đã đúng giờ để phản công, kị nhẹ chỉ cần chạy thật nhanh. Cùng khi ấy, kị nặng bất ngờ xông ra giải quyết chiến trường.

·         Vì muốn đuổi nhanh thì địch quân cũng phải dùng khinh binh. Lúc quân trọng binh của Mông Cổ xuất hiện bất ngờ thì phải cận chiến. Trường hợp cận chiến thì cung tên trở thành vô dụng.

Một lợi điểm của chiến thuật rút lui mà chỉ Mông Cổ trong khi các đạo quân khác không thể thi hành được là bắn ngược lại sau lưng. Như ta đã biết về cách cưỡi ngựa của Mông Cổ có bàn đạp nên họ có thể đứng lên, vừa phi vừa bắn đủ 360 độ.

Nhiều ngừơi trong chúng ta đặt câu hỏi khi quân các nước đuổi theo Mông Cổ rồi bắn theo, và Mông Cổ trả đũa bắn ngược lại thì bên nào sẽ chiếm thượng phong? Ta hãy phân tích xem bài toán này.



[1] Bộ sách về nghệ thuật chiến tranh của một số người Trung Hoa thời Chiến Quốc viết lại theo tư tưởng của Lã Vọng.

No comments:

Post a Comment