Tuesday, July 30, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 16

CHƯƠNG 03 /Khwarezm( (tt)

C- Các trận đánh.

Dựa trên nhiều tài liệu, một đôi khi ta thấy thứ tự các trận đánh hơi khác nhau, nhưng đại để có thể nói như sau.

Năm 1220, Thành Cát Tư Hãn cho một đạo quân gồm 200,000[1] người tấn công trả thù[2]. Ông ta thề tàn phá mọi thành phố của Muhammad. Đạo quân này là kị binh Mông Cổ, vì lúc ấy Mông Cổ và Tây Hạ đang ký một hiệp ước hòa bình, nhưng từ chối việc đem quân đến tấn công Khwarezm (Khorezme) theo lời yêu cầu của Thành Cát Tư Hãn. Cùng lúc này, Mông Cổ chỉ mới kiểm soát được một số vùng bắc Trung Quốc thuộc Kim, nhưng người Kim vẫn còn chiến đấu chống lại họ.

Theo bà Miriamn Greeblatt viết, trước khi đánh Mông Cổ tung ra một trận chiến tranh tâm lý. Thứ nhất Mông Cổ phao lên một số quân thật lớn và sẽ tấn công nhiều thành một lượt. Điều này làm Muhammad phải trải quân ra bảo vệ khắp nơi. Thứ hai, Thành Cát Tư Hãn cho Muhammad biết nhiều tướng của ông ta sẽ sẵng sàng theo quân Mông làm ông này không dám trao trách nhiệm cho các tướng dưới quyền mà tự điều khiển tất cả, trong khi phải trải quân ra phòng thủ nhiều thành phố. Cái thứ ba mà Thành Cát Tư Hãn áp dụng là phao tin dân chúng bất mãn với thủ lãnh vì sưu cao thuế nặng. Điều này đúng thật nên dân không hợp tác với chúa để bảo vệ lãnh thổ. Quân đội của Thành Cát Tư Hãn phần vượt thảo nguyên của Tây Liêu, đến Utrar (Otrar). Thành này được bảo vệ bởi một đạo quân Hồi giáo dưới sự chỉ huy của Inalchek đã chống cự mãnh liệt. Khi quân Mông vào thành thì đoàn lính trên hết vũ khí, đã rút vào các giáo đường dùng gạch ngói đánh trả.

Lúc này Thành Cát Tư Hãn chia quân làm hai. Một tiểu bộ phận ở lại giải quyết chiến trường còn đại quân tiếp tục công việc chinh phục Khwarezm, mà mục tiêu là Samarqand. Samarqand là thủ phủ chính trị của đế quốc Khwarezm, do chính Muhammad chỉ huy. Lúc ấy, quân Mông rất gần Samarqand, nhưng Thành Cát Tư Hãn không tấn công thành phố này liền. Để cho ăn chắc ông lại chia quân làm hai: một cánh gồm 2 tjumen (20000 quân) do Jebe và Subutai chỉ huy, còn cánh thứ hai do chính ông và các con điều khiển. Ông cho đạo quân do Jebe và Subutai vượt qua sa mạc Kyzyl Kum tấn công Bukhara, một điều mà không ai nghĩ có thể thi hành được. Nhưng nhờ các đội gián điệp, giả dạng thương gia đã nghiên cứu rất kỹ các ốc đảo trên sa mạc giúp cho quân Mông Cổ có thể vượt qua trở ngại ấy. Đạo quân này có nhiệm vụ đánh Bukhara (Bokhara) đồng thời chận quân tiếp viện từ Kunya Urgench đến giải vây cho Samarquand, nếu có. Kunya Urgench được coi là thủ phủ kinh tế, do bà mẹ của Muhammad trị vì.

Cuối cùng, sau 45 ngày cầm cự, đạo quân bảo vệ Utrar cũng bị tan rã, ngừơi chỉ huy Inalchek (Inalchug) của thành phố bị quân Mông Cổ đổ vàng, bạc nóng chảy vào miệng để trả thù giết sứ giả lấy vàng bạc của đoàn thương nhân.

Trong khi ấy, Thành Cát Tư Hãn và các con đem đại quân vây đánh Kunya Urgench. Thành phố được bảo vệ bởi một lực lượng 80.000 quân Hồi giáo dưới quyền chỉ huy của Jalal-al-Din thủ lãnh mới. Ba mặt của thành phố này là đầm lầy, không thể dùng kị binh, nên Mông Cổ tấn công mãi không được.

Khi đạo quân của Jebe và Subutai tới thành phố Bukhara, thì đội quân bảo vệ hoàn toàn bất ngờ, vì không kịp chuẩn bị. Đây có thể coi là một trong chiến thuật bất ngờ nhất của lịch sử quân đội (Cái bất ngờ thứ hai là việc vua Quang Trung đánh quân Thanh vào tết Kỷ Dậu). Việc đánh chiếm nơi đây quá dễ cho quân Mông.

Sau khi triệt hạ được Bukhara, quân Mông Cổ do chính Thành Cát Tư Hãn cùng các con ông mới mở cuộc tấn công Samarquand. Thành phố là kinh đô chính trị của đế quốc, nơi Muhammad đặt hoàng gia ông.

Quân Mông Cổ phá tan đạo quân phòng thủ, làm Muhammad định chạy về Bukhara rồi về Kunya Urgench, nhưng tin Bukhara đã bị hạ, nên đành phải chạy trốn về Nishapur ở phía tây. Thành Cát Tư Hãn cho con rể là Toghachar cầm quân đuổi theo. Lúc đánh Nishapur, thì Toghachar bị tử thương vì tên. Thành Cát Tư Hãn liền cho Jebe và Subutai đem quân từ Bukhara xuống đánh.

Lần này quân Mông trở lại đánh và với sự chuẩn bị kỹ càng. Dựa vào quyển Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400 thì Nishapur là xứ của sỏi đá, nhưng quân Mông đã chuyển đá về đây (cho súng công thành) và xếp từng đống như lúa gặt vụ mùa. Điều này làm quân phòng thủ rụng rời chân tay tuy là họ có sẵn 3000 nỏ, 300 máy phóng hoả tiễn, 300 súng bắn dầu nóng và tất cả trong tư thế chuẩn bị chiến đấu.

Thấy không yên, Muhammad phong cho con là Jalal-al-Din lên thay quyền, còn ông ta cùng đường phải chạy qua vùng Tehran ngày nay, đến một hòn đảo nhỏ Abaskan ở tây nam biển hồ Caspian. Jebe và Subutai đuổi đến đây thì nghe tin Muhammad đã chết trên hòn đảo ấy.

Khi quân Mông Cổ vào được thành giết người man rợ. Cũng trong quyển ấy, tác giả viết quân Mông lôi tất cả các người còn sống ra đồng và để trả thù cho Toghachar thành phố nên bị san bằng như nơi người ta có thể trồng tỉa, việc trả thù của chúng đi đến quá trớn đến chó mèo cũng không tha.

Sau khi hạ được thành, Jebe và Subutai đuổi theo quân Muhammad và bấy giờ quân Mông Cổ đã ở phía nam của dãy núi Caucasus đồng thời nghe tin Muhammad đã chết. Jebe và Subutai gửi người về xin Thành Cát Tư Hãn cho họ tiến quân về lãnh thổ Nga và hai năm sau mới họp về đại quân. Trong khi chờ lệnh, Jebe và Sabutai vẫn tiếp tục tiến tới các tiểu quốc vùng đồi núi Caucasus như: Azerbaijain, Armenia và Georgia đánh phá.

Lúc Jebe và Subutai đánh Nishapur thì Thành Cát Tư Hãn đem đại quân đến bao vây Kunya Urgench. Tuy nhiên thành này chống cự mãnh liệt dưới sự chỉ huy của Jalal-al-Din, nên quân Mông không chiếm được.

Từ khi sắp đánh Khwarezm, Thành Cát Tư Hãn hứa đem đế quốc này cho Jochi (Truật Xích- người con trưởng), khi tiêu diệt xong cùng để Jochi nối ngôi đại hãn. Jochi sợ, quân Mông Cổ tàn phá thành phố trù phú làm ông ta phải bỏ công xây dựng lại, nên đã cho liên lạc với quân phòng thủ để thành phố đầu hàng. Tin này đến tai Thành Cát Tư Hãn và Chagatai (Sát Hợp Đài- người con thứ hai), làm cả hai cùng tức giận.

Chagatai đã hết sức chống đối trước hội đồng thủ lãnh các bộ lạc kuriltai. Chagatai đem chuyện nguồn gốc của Jochi là mờ ám, vì Jochi chỉ sinh ra sau khi bà mẹ (Börte- cũng là mẹ của Chagatai), được cứu thoát vài tháng, sau vụ bắt cóc. Vậy Jochi chưa chắc đã là con của Thành Cát Tư Hãn. Chagatai còn đe dọa nếu Jochi làm Đại Hãn thì sẽ có nội chiến. Vì việc này mà Thành Cát Tư Hãn và hội đồng kuriltai đã phải chọn người con thứ ba là Őgedei (Oa Khoát Đài) làm Đại Hãn nối ngôi.

Tuy nhiên vì chuyện này, nhân vụ được điều động một số quân lên phía bắc nay nằm trong lãnh thổ Kazakhstan, Jochi không bao giờ quay lại gặp hay nghe theo lệnh của Thành Cát Tư Hãn nữa. Rồi sau này đã có lúc quân Mông Cổ trạm chán với nhau trên phần đất Á Rập.

Đánh mãi không hạ đựơc thành Kunya Urgench, quân Mông Cổ bèn phá đê nứơc trên sông Amu Darya, làm ngập lụt thành phố này và giết hầu hết số quân nói trên cùng rất nhiều dân của thành phố. Cũng có nguồn lại nói quân Mông Cổ sau khi chiếm được thành phố mới cho phá đập nước. Xem trong hai giả thuyết thì thấy giả thuyết thứ nhất có lý hơn. Sau đó quân Mông Cổ giết gần hết dân nơi đây và phá nát thành phố để trả thù việc giết sứ giả.[1]

Riêng Jalal-al-Din dẫn tàn quân chạy sang phía đông đến thành phố Balkh nay thuộc Afganistan. Ông này triệu tập được một số quân, chuẩn bị đánh lại Mông Cổ, và ông cũng thành công trong một số trận. Thành Cát Tư Hãn nghe tin, bèn tự cầm quân đuổi theo, còn các con chia quân đi đánh phá các thành phố còn lại. Đế quốc Khwarezm tan rã mau chóng vì tinh thần quân đội không trung thành với Muhammad.

Quân Thành Cát Tư Hãn vây đánh anh hoàng tử trẻ tuổi mấy lần nhưng anh vẫn thành công trốn thoát. Lần cuối cùng quân Mông đuổi Jalal-al-Din đến bờ sông Indus, vây đánh dữ dội. Trận này quân của Jalal-al-Din bị tiêu diệt. Còn một mình vị hoàng tử can đảm này cho ngựa cùng chàng bơi qua sông rộng mênh mông và thoát hiểm. Thành Cát Tư Hãn ngắm nhìn thán phục. 

Trong quyển “Ghenghis Khan and the Mongol Empire” tác giả Miriamn Greeblatt lại đưa ra một cách phân phối các cánh quân như sau: Cánh I do chính Thành Cát Tư Hãn và Subutai chỉ huy. Cánh II do Őgedei (Oa Khoát Đài) và Chagatai chỉ huy. Cánh thứ III do Jebe chỉ huy, và cánh IV do Jochi chỉ huy. Cánh I không đánh Samarquand mà vượt sa mạc đến Bukhara. Trong khi cánh II đánh Utrar ngay tức khắc. Cánh III và IV đi tàn phá các thành phố khác.

Hai thành phố Kunya Urgench, Samarquand người MC đã tàn phá rất nhiều. Nay cả hai thành phố này có bề dày lịch sử trên 2700 năm với nhiều kiến trúc đổ nát đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 



[1] Trong quyển “The Mongol Empire” George Lane đã viết lại một câu mà Thành Cát Tư Hãn đã nói khi san bằng các thành phố này như sau: “I am the punishment of God. If you had not sinned he would not have sent me.” (Ta là hình phạt từ Thiên Vương. Nếu các ngươi không phạm tội, thì ngài đã không gửi ta đến.)



[1] Nhiều tài liệu công nhận con số này kể cả quyển “Cambridge Illustrated History of China” của Patricia Buckley Ebrey.
[2] Theo “The Mongol Empire” của George Lane còn viết ngoài con số quân trên, Thành Cát Tư Hãn còn đem theo 10000 kỹ sư về ngành công thành.

No comments:

Post a Comment