Wednesday, April 11, 2012

Nam Bắc du kí bài 94

Quốc lộ 18 chạy gần đến thị xã Bắc Ninh thì chấm dứt và nhập vào quốc lộ 1A. Chúng tôi theo 1A đi về phía nam để tiến về thủ đô Hà Nội.

Khúc đường trên quốc lộ này rất lớn như các free way của Mỹ, nhưng xe gắn máy thấy cũng lưu thông, nên vận tốc xe cũng chẳng cao hơn. Xế chiều xe vào huyện Từ Sơn, quê của Lý Công Uẩn.

Về nghe quan họ Bắc Ninh.

Rồi xem phong cảnh hữu tình Thiên Thai,

Phật Tích, Tháp Bút đền đài.

Văn nghề, võ nghiệp trong ngoài vang danh.

Như Nguyệt, Thường Kiệt công thành.

Vang âm câu  hát :“Nam… hành …” muôn thu.



Đất đầu tiên của Hà Nội mà chúng tôi đến là Gia Lâm, có phi trường nổi tiếng. Thật ra Gia Lâm trước kia thuộc Bắc Ninh. Ngày 20/4/1961 tách huyện Gia Lâm nhập vào Hà Nội. Đây cũng là quê hương huyền thoại của Thánh Dóng, Phủ Đổng Thiên Vương.

Chúng tôi vượt sông Hồng bằng cầu Chương Dương, phía đông cầu Long Biên.

Vị vua đầu tiên nhà Lý, Lý Công Uẩn, người đã chuyển kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La thành. Tục truyền rằng khi thuyền vua đến Đại La thấy rồng xuất hiện, nên vua đổi tên ra Thăng Long năm 1010. Năm 2010, Hà Nội sẽ làm lễ thật lớn để kỉ niệm biến cố này. Tên Hà Nội được vua Minh Mạng đặt ra năm 1931, vì nằm trong các sông Hồng và sông Tô Lịch. Nhưng đến nay thành phố đã lan tràn ra bên ngoài hai con sông ấy.

Khi nói về Lý triều, thì ai cũng nhớ tới Lý Công Uẩn lên ngôi tức Lý Thái Tổ. Ngoài ra mộtnhân vật kiệt xuất khác là Lý Thường Kiệt, một anh hùng của dân tộc, từng đem quân vây hãm Khâm Châu và Liêm Châu. Có một nhân vật khác má ít người biết tới là Lý Long Tường.

Trần Thủ Độ quá ác giết gần hết những người mang họ Lý. Một số còn lại, ông bắt đổi họ lý sang họ Nguyễn. Năm 1226, tức niên hiệu Kiến Trung thứ hai đời Vua Thái Tông nhà Trần, vào lúc họ Lý tàn tạ, họ Trần đã nắm quyền, thì một hoàng tử họ Lý tên Long Tường, đem 6000 gia đinh cùng hương án tổ phụ, miện, áo long bào và thanh Thượng phương bảo kiếm truyền từ đời Vua Lý Thái Tổ xuống thuyền Thanh Hóa chạy ra biển đông trên ba hạm độivượt biên. Đây có lẽ là tổ thuyền nhân Việt Nam. Ông trôi giạt vào nam Cao Ly, gần Phusan ngày nay. Tương truỳên một đêm, vua Cao Tông nước này nằm mơ thấy một con đại bàng đáp xuống miền nam nước. Ông cho người tìm kiếm thì thấy vị hoàng tử này với đầy đủ chứng cớ. Vua Cao Tông cấp đất đai cho ông cùng gia đinh trồng cây, đánh cá. Riêng ông cùng các võ tướng mở võ đường. Học trò tới học lên tới mấy ngàn người.

Năm 1232, Đại hãn Mông Cổ Oa Khoát Đài sai tướng Sartaq đem quân tiến đánh Cao Ly bằng hai đường thủy bộ. Lúc này nước Cao Ly rộng lớn lan sang vùng Mãn Châu. Trên bộ quân Mông bị tướng Pak So chặn đánh, quân mông không phá được thành bèn quay xuống sâu hơn. Tháng 8 năm 1232, Sartaq càn quét khắp phương nam và đến dòng sông Hàn nay thuộc Seoul và bao vậy một thành trên ngọn núi nhỏ có tên Ch’oin với tướng Kim Yunhu. Kim Yunhu lại là một nhà sư và cũng là một thiện xạ. Một hôm, quân Mông công thành, Tướng Kim Yunhu đặt một mũi tên lên cung nhắm Sartag buông dây. Mũi tên xuyên qua mắt tay tướng khát máu Sartag. Quân Mông đem xác hắn quay về lại phần đất của chúng, chấm dứt cuộc tấn công thứ nhất.

Về đường thủy, quân Mông từ vùng Sơn Đông vượt biển Hoàng Hải tiến đánh phía nam Cao Ly, nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường có thói quen cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.

Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ hai. Thủy quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn cũng vượt Hoàng Hải. Lý Long Tường, lúc ấy 78 tuổi nhưng vẫn lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông suốt 5 tháng ròng. Sau ông bị thương mà vẫn xông pha đánh giặc. Sau chiến công này, Vua Cao Ly phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng quân đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là Thụ hàng môn và Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông (di tích này hiện nay vẫn còn). Mới đây chính phủ Nam Hàn làm một pho tượng trên đỉnh Hoa Sơn. Pho tượng này là hoàng tử Lý Long Tường, ngồi cầm kiếm nhìn về phương nam, nơi đất nước Việt yêu thương của ông một thời. Nhưng cuối cùng thì Cao Ly cũng bị người Mông Cổ khuất phục vì chia rẽ nội bộ.

Năm 1958, trong dịp viếng thăm Việt Nam Cộng hòa, Lý Thừa Vãn, vị Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Theo những nghiên cứu của bác sĩ Trần Đại Sỹ thì ông Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Bạch Mã tướng quân Lý Long Tường.

Như vậy là người Việt ở hai nơi cách xa vạn dặm trùng dương đều đả bại Mông Cổ. Ôi một niềm tự hào!!!

Xe chúng tôi đã vào Hà Nội chật ních người và xe gắn máy lúc màn đêm đang buông xuống. Đây là lần thứ hai trong đời tôi đã đến nơi này từ nơi xa lạ vào đúng đêm tối. Lần thứ nhất là lúc gửi bầy dê lên tầu ở Nam Định rồi bố chở tôi bằng xe đạp về đây.

No comments:

Post a Comment