Tuesday, July 15, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông? 58

Chương 4

Nghệ thuật chiến tranh (tt)

3. Kỷ Luật.

Kỉ luật đối với quân đội rất nghiêm minh. Trang 235 quyển Việt Sử toàn thư của Phạm Văn Sơn viết: "Kỉ luật rất nghiêm: Kẻ nào đào ngũ sẽ bị chặt ngón chân. Nếu tái phạm kẻ đó sẽ bị voi dày."

Khi bàn về kỉ luật thì ta thấy có hai loại kỉ luật:

a/ Kỷ luật tiền tuyến:

Bàn về việc này, quyển Chu Dịch và binh pháp, trang 14, có viết: “Trong quẻ Lâm và quẻ Sư có nói ‘Quân xuất chinh phải có kỷ luật, không có kỷ luật dù quân có mạnh cũng sẽ gặp điêù chẳng lành”. Còn Gia Cát Lượng đưa ra bảy việc trong quân pháp về việc thiếu kỷ luật:

1-Khinh: Coi thường lệnh của thượng cấp

2- Mạn: Ngạo mạn coi không ai hơn ta.

3- Đạo: Trộm cắp, lấy tài sản của kẻ khác.

4- Khi: Dối trá, không thật lòng, nói một đàng làm một nẻo.

5- Bối: Phản bội. Không trung thành với chủ tướng.

6- Loạn: Làm loạn. Phá rối trật tự đoàn thể.

7-  Ngộ: Sai lầm. Hiểu sai, làm sai.

Trong một đội quân kỷ luật rất quan trọng. Làm gì cũng phải theo lệnh thượng cấp. Vì vậy khi huấn luyện một đạo quân người huấn luyện viên thường áp dụng những kỷ luật thật là gắt gao. Đến thời gian gần đây, một người lính hay một sĩ quan lúc học tập quân sự phải qua một thời gian gọi là “Huấn Nhục”. Đối với binh sĩ chuyện này không quan trọng bằng lớp chỉ huy. Những người này có ăn học nhiều hơn nên càng cứng cổ hơn, không muốn phục tùng cấp trên. Vì lý do đó, sự huấn nhục cho cấp sĩ quan lâu hơn. Trong thời gian này, ngừơi huấn luyện viên thấy con chó chạy qua, anh ta nói đó là con mèo thì sinh viên sỹ quan cũng phải nói đó là con mèo. Mục đích là làm con người bớt đầu óc chống đối tuân hành cấp trên tuyệt đối. Đến lúc ra mặt trận khi bảo tiến là phải tiến; khi nói lui là phải lui.

Nếu lúc lâm trận cấp chỉ huy ra lệnh tiến mà kẻ tiến người lui thì chắc chắn sẽ thua trận.

Tuy nhiên muốn được kỷ luật được tôn trọng thì người ra cầm đầu phải tự tôn trọng kỷ luật trước nhất, vì nếu người cầm đầu không tôn trọng kỷ luật thì đàn em sẽ noi theo và tập thể sáo trộn. Gia Cát Lượng[1] đã chủ trương: “nghiêm khắc với mình” người bị ra lệnh phải “theo lệnh”. Cũng như Tôn Tử hay Ngô Khởi, Gia Cát Lượng rất chú trọng tới kỷ luật và thăng thưởng. Ông nói: “Tôn, Ngô sở dĩ có thể chế ngự được thiên hạ bởi dùng phép nghiêm minh vậy.” Chính ông đã áp dụng việc này: Khi Mã Tốc để mất Nhai Đình, ông đã làm sớ đăng lên tự phạt bằng cách tự giáng chức mình ba bậc vì không biết chọn tướng.

Sau đây là một thí dụ điển hình vì bất tuân kỷ luật đã đưa ra một kết quả tai hại của sự bất tuân thượng lệnh. Trong Tả Truyện –  Đời Tuyên Công năm thứ 12  chép lại về cuộc chiến Tấn Sở ở đất Bì như sau: Thời ấy Tấn và Sở đều là hai nước thật hùng cường và có các phụ quốc và Trịnh là một phụ quốc của Tấn. Muốn bành trướng thế lực của mình, nước Sở đem quân đánh Trịnh. Nghe tin quân đội nước Sở bao vây thủ đô nước Trịnh, vua Tấn phong Tuân Lâm Phủ làm chánh tướng và Tiên Cốc làm phó đem quân Tấn cứu Trịnh. Khi quân Tấn kéo đến sông Hoàng Hà thì nghe tin nước Trịnh đã đầu hàng nứơc Sở. Nguyên soái Tấn là Tuân Lâm Phủ quyết định cho quân trở về nước, chuẩn bị quân đội chờ thời cơ sẽ lại đánh nước Sở baó thù. Phó tướng phụ tá của ông là Tiên Cốc bất tuân kỷ luật, không theo lịnh ấy. Ông ta lý luận rằng nước Tấn làm bá chủ chư hầu là do quân mạnh, tướng tài. Nếu để mất Trịnh thì chư hầu không tin tưởng và như thế Tấn sẽ không giữ được địa vị bá chủ nữa.  Tiên Cốc lại còn là người rất tự phụ, ông cho rằng quân chưa gặp địch mà rút lui là hèn. Tiên Cốc không nghe lời chủ soái, thống lĩnh quân đội dưới quyền vượt sông Hoàng Hà, giao chiến với quân Sở. Quân Tấn kẻ rút theo chủ tướng, người tiến theo phó tướng không thống nhất và kết quả là một sự thảm bại cay chua.

b/ Kỷ luật hậu phương:

Nếu ta chỉ chú ý tới lọai kỷ luật trên thì chưa đủ.

Kỷ luật không chỉ hạn hẹp lúc ra trận đối diện với kẻ thù mà còn từ khi tại hậu phương. Khi đóng quân, hành quân đều phải có kỷ luật vì nó liên kết đến uy tín và chính nghĩa của đạo quân đó, hay nói khác đi là đang đánh về mặt công tâm và nhân hòa. Ta nhớ tới việc vua Lê Lợi và Quang Trung đã ra các luật lệ nghiêm cấm binh sĩ không được cứơp của giết người, không được hà hiếp bóc lột dân chúng. Chính nhờ kỷ luật mà dân chúng giúp đỡ, binh lính khi họ cần. Lẽ dĩ nhiên không thể có trường hợp vạn người như một, nên đôi khi cũng xẩy ra các việc ngoại lệ. Lúc ấy, vị tướng chỉ huy phải nghiêm trị các tội phạm đó, để nhân dân nhìn ra cái hay của quân đội.

Quân đội Mỹ đi xâm lăng, nhưng được áp dụng những kỷ luật để hầu chiếm nhân tâm nước đó. Tuy nhiên, có những người phạm lỗi lầm thì bị đưa ra tòa án quân sự xét xử. Đó đã chứng tỏ cho ta thấy sự quan trọng của kỷ luật đối với binh lính. Để giữ trật tự hâu phương, Mỹ có MP. MP (Military Police) là lực lượng cảnh sát của quân đội. Lực lượng này tuần tra thành phố hậu phương, bắt các quân nhân làm ẩu như say rượu, ấu đả, trộm cướp, hãm hiếp.

Nói về thời kháng chiến chống Pháp, Việt Minh đã cấm tuyệt đối bộ đội không được tơ hào cái kim, cọng chỉ của dân; tất cả vì nhân dân quên mình. Việc đó làm dân giúp đỡ bộ đội không những về vật chất mà còn cả việc tình báo, gián điệp. Ngược lại lúc Pháp đi càn thì cướp bóc, hãm hiếp làm nhân dân khủng kiếp.

Giả sử hai nước đang đấu tranh và cùng đưa ra các kỷ luật quân đội ở hậu phương như nhau. Tuy nhiên một trong hai nước thì thi hành triệt để từ binh đến tướng. Nếu cùng sướng thì họ cùng chia, nếu cùng khổ thì họ cùng gánh. Tướng, tá không có đặc quyền gì hơn binh, như vậy binh sĩ sẽ tôn trọng kỷ luật hơn. Lúc cực khổ lính mặc áo rách thì cũng tá mặc áo rách, binh ăn cháo thì tướng ăn độn. Có như vậy thì quân đội giữ được kỷ luật làm cho chính nghĩa cuộc đấu tranh có ý nghĩa.

Ngược lại nước kia lại bắt binh sĩ tôn trọng kỷ luật còn các vị chỉ huy thì một số ít làm được vậy và đa số nói một đường làm một nẻo. Mới được thăng chức đã lo tổ chức liên hoan, kiêu vũ ăn mừng xa xí, rồi lo hối lộ, chẳng quan tâm đến đời sống dân nghèo. Bề trên ở chẳng chính ngôi, thì trách sao được những người lính nghèo nàn thật thụ. Họ bắt trước cấp chỉ huy nên cũng làm theo.

Giặc tràn về một làng, rồi một sĩ quan được lệnh đem quân đến càn. Sĩ quan cũng như binh sĩ của đơn vị rất tuân hành kỷ luật; khi có lệnh tiến là tiến, nên đuổi giặc rất dễ dàng. Khi công việc tạm yên, vị sĩ quan chỉ huy cùng các phụ tá tìm một ngôi nhà sạch sẽ khang trang nhất làm bản doanh, rồi làm gà bắt vịt của chủ nhà, nhậu nhẹt. Mấy người tà loọc còn tìm bắt một số cô gái đẹp trong làng, ghép tội các cô là gián điệp cho giặc rồi lôi các cô đi, mặc cho sự khóc lóc van xin của gia đình. Cô gái đẹp nhất sẽ được đem đến cho sĩ quan chỉ huy, còn các cô khác thì cho các sĩ quan cấp dưới định đoạn. Trong khi lính thì đói meo. Liệu lính tráng có chịu đựng như vậy không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Họ sẽ lo cướp bóc nhân dân để bù trừ với cái khổ sở, nguy hiểm mà họ mới phải trả. Và cũng lẽ dĩ nhiên, chẳng sĩ quan nào dám rầy rà, ghép tội cho các binh sĩ ấy. Sau khi hành quân về, rất nhiều sĩ quan vào phòng tra ca nhạc, câu lạc bộ nhẩy nhót có khi còn ấu đả. Trách sao được lính dưới quyền họ cũng sẽ noi gương.

Thậm chí nhiều khi chỉ vỉ sự hục hặc giữa hai đơn vị hoặc vì danh tiếng hoặc vì quyền lợi, chỉ huy hai đơn vị ra lệnh đánh lẫn nhau. Vậy còn gì kỉ luật?

Xét như vậy, bên nào thắng?



[1] Cà phần đêừ trích từ Chu Dịch với binh pháp, trang 53.

No comments:

Post a Comment