Thursday, July 17, 2014

Thơ: Hoa đồng Mỏ Cày.


Hoa đồng Mỏ Cày.

 

Quê em ở xứ Mỏ Cày.

Nơi đây một thủa đọa đày trần gian.

 

Khi mới sinh, gia đình khá giả.

Được nâng niu mà chả cực thân.

Vui trong làng xóm xa gần.

Tưởng như cuộc sống muôn phần ấm êm.

 

Năm sáu mươi, chiến tranh tràn đến.

Đồng khởi lên, dân nếm thương đau.

Dân làng kẻ trước người sau.

Trải bao càn quét, qua cầu lầm than.

 

Năm sáu mốt, có màn đấu tố.

Bắt mẹ đi còn bố được tha.

Tuổi thơ bị giữ lại nhà.

Khóc gào thảm thiết, mắt lòa miệng khan.

 

Cuộc đấu tố đến màn kết thúc.

Án tử hình, chẳng chút khoan dung.

Người nghèo có máu anh hùng.

Ngỏ lời phân giải, cuối cùng được tha.

 

Ngày hôm sau, người ta kéo tới.

Chia cho nhau lúa mới đem về.

Trong nhà trống trải tứ bề.

Cơm ăn không có, thảm thê dần dần.

 

Nhà từ đó mọi phần suy sụp.

Trong nghèo nàn lặn hụp lầm than.

Mọi người cùng chịu cơ hàn.

Còn riêng cô bé muôn vàn thương đau.

 

Cuộc chiến đến tuổi vừa lên sáu.

Đất Mỏ Cày nhuộm máu dân lành.

Vì sợ cho nạn chiến tranh.

Tuổi thơ bị gửi, chị, anh nuôi nhờ.

 

Xa gia đình lòng mơ đoàn tụ.

Nhớ mẹ cha, giấc ngủ không yên.

Để rồi cuộc sống triền miên.

Một năm vài bận đoàn viên một nhà.

 

Có một bận về nhà thăm má.

Dịp cuối năm cùng dã bánh phồng[1].

Cả nhà đoàn tụ thật đông.

Trực thăng bỗng lại giữa đồng lượn quanh.

 

Nghĩ là chết, chị, anh lo chạy.

Em nằm bờ, lạy Phật bọc bao.

Mỗi lần về, lại xanh xao.

Tình thương cha mẹ, nhường vào khổ đau.

 

Vào trung học buổi đầu thi cử.

Cùng bạn bè đã rủ ôn bài,

Xa xa vài chiếc tầu bay.

Ném bom đâu đấy, nhà ai gần làng?

 

Sáng ngày thi, đi ngang kinh chợ.

Thấy thuyền bè chở kẻ bị thương.

Lòng cô bé thấy vấn vương.

Tội thân cho kẻ trên đường hiểm nguy.

 

Hôm thi xong bà dì lại kiếm.

Đưa cô nàng đi đến Mỹ Tho.

Thì thầm câu chuyện nhỏ to.

Cha nàng bị nạn đang lo chạy thầy.

 

Nàng đâu biết vài ngày hôm trước.

Lúc đò ngang đang rước qua kinh.

Bị thương lại chính cha mình.

Khi gặp, nàng thấy thân hình cháy đen.

 

Nàng nước mắt chất đầy, khó sử.

Thương cha già thập tử nhất sinh.

Cầu xin Phật độ cha mình:

Để cho cha bớt cực hình thấm thân.

 

Ai treo cờ ở gần ngọn mận[2].

Để dân lành bị trận đau thương.

Máy bay đi bắn dân thường.

Gia đình em chịu trăm đường khổ đau.

 

Chắc Phật cho phép màu phù hộ.

Vài tháng sau ngó bộ đỡ nhiều.

Nhưng nghèo, tiền chẳng bao nhiêu.

Để cha tẩm bổ bớt điều đắng cay.

 

Ông già vốn bao ngày kí cóp.

Tiền ông lo gom góp cho con,

Cô gái út, tuổi còn non,

Đợi ngày con đủ tuổi tròn cập kê.

 

Ông dù cực, không hề dám đụng.

Tiền mà ông dành dụm bao lâu.

Má hóp, bụng lép, mắt sâu.

Chịu đựng gian khổ đêm thâu, dài ngày.

 

Bụng đã đói, thân đày  cơ cực.

Tuổi dạy thì, một mực gian truân.

Xinh đẹp mà bị hại thân,

Quyền hành nhiều kẻ góp phần đắng cay.

 

Người có súng, đêm ngày quấy nhiễu.

Làm khổ thân liễu yếu đào tơ.

Tội thân cho kẻ ngây thơ.

May thay có kẻ cậy nhờ lúc nguy.

 

Bao nhiêu năm làm chi cũng ngại.

Sợ bóng đêm, với lại du côn.

Chiều chiều, dưới bóng hoàng hôn.

Đến chùa cầu khấn: xóm thôn qua cầu.

 

Tuổi mười tám, người đâu đến hỏi.

Cha mẹ vui, mong mỏi bấy dày.

Tình duyên đã định từ đây.

Giành tiền, cha cất đợi ngày vu quy.

 

Một năm sau, tiền thì tàm tạm,

Mua con bò làm đám cưới con.

Tiền đem cất hết vào lon[3].

Chờ ngày hành lễ chẳng còn lo toan.

 

Một hôm nọ, lính càn diệt Cộng.

Vừa gặp ông đầu cổng hỏi tiền.

Ông già từ chối liên miên.

Hỏi được một chặp đánh liền không tha.

 

Một lúc sau, chúng đà kiếm được.

Cướp lấy tiền rồi bước đi mau.

Ông già cố sức chạy sau.

Chúng quay lại đánh, ông lau máu đào.

 

Ông ngã xuống, kêu gào thảm thiết.

“Xin các ông hãy giết tôi đi!

Cả đời gom góp còn gì?

Mồ hôi, nước mắt cũng vì cho con.”

 

Đã mất của; đau còn dai dẳng.

Người mê man, trí chẳng được an.

Suốt ngày miệng nói lam  nham.

“Trả tiền tôi lại, còn làm vu quy.”

 

Nghe tin ấy, nàng đi về gặp.

Bố mê man, hồn sắp lìa đời.

Ôi thôi! Ruột bỗng rối bời.

Làm sao cứu nổi con người thân yêu?

 

Đưa cha già một chiều về ngoại.

Nằm đò con, ông mãi mê man.

Mắt nàng, lệ lại chứa chan.

Hai tay chắp lại, vái van Phật Trời.

 

Người con gái sao đời quá khổ.

Bao đau thương đem đồ lên đầu.

Cuộc sống chứa chất đầy sầu.

Cay đắng đầy rẫy, vui đâu có nhiều.

 

Người đã đi, một chiều gió lặng.

Trên đời này nay vắng người thân.

“Lạy cha! Con mãi âm thầm,

Cầu cha siêu thoát tinh thần thảnh thơi.”

 

Nàng đã khóc vì đời đen bạc:

“Đã vì ai cha nát thân tàn?

Cha ơi! Con khổ vô vàn.

Ai người con sẽ sẻ san vài lời?”

 

Ba ngày sau, cuối đời nhìn mặt.

Kỳ dị thay, cặp mắt cứ dương.

Mọi người cùng thắp nén hương.

Vuốt mắt mà vẫn vô đường thành công.

 

Rể sắp cưới, người không máu mủ.

Chắp tay cầu: “Hãy ngủ cha ơi!

Con thề nuôi vợ suốt đời.”

Lạ thay! Cặp mắt bỗng rời thế gian.

 

Chồng mới cưới, gian nan đã bớt.

Cùng yên vui chia xớt ngọt bùi.

Dần dần đen tối cũng lui.

Ngày qua, tháng lại chôn vùi chuyện xưa.

 

Đến bẩy lăm, tuổi vừa hai chục.

Con đầu lòng, một mực thương yêu.

Nhưng rồi gió bỗng đổi chiều .

Chồng đi học tập, nàng nhiều gian truân.

 

Dù chồng nàng chẳng là quân đội.

Sao bắt chồng chịu tội nặng thay?

Bị giết hay tù bao ngày?

Mẹ già, con nhỏ một tay đỡ đần.

 

Ở lại nhà một thân bé bỏng.

Nuôi con thơ, chiều ngóng chồng về.

Và rồi hoang vắng tứ bề.

Ôm con, đời thấy tràn trề chua cay.

 

“Nếm chua cay lòng này mới tỏ,

Chua cay này há có vì ai.” [4]

Chinh phụ viết đã chẳng sai.

Tim nàng tan nát, bóng ai chẳng rời.

 

“Tội con tôi tuổi đời quá nhỏ.

Vậy mà cha phải bỏ con đi.

Cầu xin đức Phật từ bi.

Cha con sẽ hết chia li sau này.”

 

Bao lâu sau đến ngày gặp lại.

Chưa yên vui đã phải chia tay.

Vì cuộc sống, chồng xa đây.

Hai nơi cách biệt lòng đầy nhớ nhung.

 

Chàng nơi xa vô cùng cực khổ,

Thiếp ở nhà chẳng chỗ yên vui.

Ôm con lòng thấy bùi ngùi.

Nhớ cha con khóc, lòng vùi giữa than.

 

Vài năm sau, hân hoan chung sống.

Làm ngư dân, chồng chống cơ hàn.

Buôn tần, nàng cố sẻ san.

Gia đình vẫn mãi nghèo nàn bao năm.

 

Vượt biên tính, chồng làm chuyện lớn.

Vợ bôn ba, thiếu thốn miếng ăn.

Đường đi còn rất xa xăm.

Lờ mờ như thể mây tần núi cao.

 

Đến bẩy chín, xanh xao còn chửa.

Cả gia đình một bữa không no.

Phá thai, suy nghĩ đắn đo.

Phũ phàng, trời bắt, làm cho đau lòng.

 

Qua nhiều tháng long đong chịu đựng.

Con thứ hai đã cũng lọt lòng.

Vợ chồng huần huật, lưng cong.

Sáng thì bắp độn, tối hòng khoai lang.

 

Bao nhiêu năm nằm gan, mật nếm.

Có một ngày, tin đến hồn bay.

Chồng lại vào chốn tù đày.

Hai con bé bỏng, đêm ngày chăm lo.

 

Cố nuôi con làm cho khỏi đói.

Mắt đôi dòng, mong mỏi chồng về.

Ngày ngày, tháng tháng lê mê.

Lo chồng đang chịu thảm thê cuộc đời.

 

Một thân lại đơn côi buôn bán.

Gánh hàng rong những tháng oi nồng.

Thay chàng, em đã làm chồng.

Nuôi con em đã gánh gồng chẳng than.

 

Có một ngày, trời ban đoàn  tụ.

Nhưng tang thương vẫn cứ bám hoài.

Bữa ăn chỉ có củ khoai.

Hôm nay tạm đủ, ngày mai mịt mù.

 

Chồng cố gắng cho dù thiếu thốn,

Tìm đường đi nguy khốn chẳng nài.

Chờ chồng trong những đêm dài,

Vượt biên tổ chức miệt mài ngày đêm.

 

Nhiều khuya ngủ đang êm, chợt thức.

Ôm hai con bứt rứt khôn thôi:

“Giờ này chồng giữa núi đồi.

Hiểm nguy chờ đợi, mai thời về không?”

 

Thầm cầu nguyện cho chồng may nắm.

Sáng hôm sau, êm thắm về nhà.

Má hồng nay đã phôi pha.

Lòng lo ngay ngáy, trời đà qua đêm.

 

Tuổi thanh xuân, êm đềm chẳng có.

Suốt mười năm nhọc khó theo chồng.

Để rồi một buổi gió đông.

Theo chồng vượt biển tưởng không còn đời.

 

Thuyền nhỏ tí, nước trời xanh thẳm.

Giữa biển khơi, thuyền khẳm mạn be.

Thiếu dầu, nước, thần chết đe.

Ôm con chờ đợi tầu bè cứu nguy.

 

Có nhiều khi tầu đi nhan nhản.

Họ chỉ nhìn, thanh thản làm ngơ.

Trời cao ơi, đến bao giờ,

Để thuyền sẽ cặp vào bờ ấm êm?

 

Có nhiều lần, ban đêm gặp bão,

Hải thần lên để báo ngày tàn.

Nhưng rồi mọi chuyên gian nan,

Đã may qua khỏi, hân hoan cặp bờ.

 

Đến ngày nay còn mơ chuyện khổ.

Mơ đau thương, mơ chỗ hiểm nguy.

Phật trời có đức từ bi.

Gia đình đoàn tụ còn gì mà than.

 

VHKT



[1] Bánh phồng là một đặc sản của miền Nam. Loại bánh này giống như bánh bánh đa miền Bắc, làm từ củ khoai mì (sắn) hay từ gạo nếp và có thể ngay không cần nướng cũng được. Nếu làm từ củ mì thì gọi là bánh phồng mì, còn làm từ gạo nếp thì được gọi là bánh phồng nếp.
[2]  Một người nào đó trongMặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã treo cờ ở cây vú sữa gần nhà nàng.
 
[3] Năm 1972, ông để giành được 80 ngàn đồng Nam VN. Ngày ấy giá một lạng vàng độ 70 ngàn. Ông định tâm mua một con bò làm đám cưới cho cô con gái út, xinh đẹp và yêu quý nhất của ông.
 
[4]  Hai câu này trích từ “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đoàn Thị Điểm.
 

No comments:

Post a Comment