Friday, May 3, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 2


CHƯƠNG 01


Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.”

(Tri kỉ tri bỉ; bách chiến bách thắng- , 百 戰 百 勝).

Đấy là câu châm ngôn mà ngày nay ta thường nói về bất cứ một cuộc tranh đua nào, và nhất là nói về chiến tranh. Vậy trước hết ta hãy tìm hiểu sơ qua đối thủ của ta như thế nào.

I/ Mông Cổ vài nét.

Tiếng gọi Mông Cổ là danh từ gọi chung cho khoảng 30 bộ lạc có chung cách sống, nhưng nhiều thị tộc khác nhau và có cả người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Rất khó mà phân biệt được chính xác bộ lạc nào là gốc Thổ, bộ lạc nào là gốc Mông, vì hai dân tộc này có ngôn ngữ gần như nhau và chữ viết thì giống hệt. Mông Cổ không có chữ viết riêng mà mượn chữ của bộ lạc gốc Thổ nên sinh ra chuyện này.
 
 
Bản Đồ Âu Á năm 1200
Bản đồ này cho thấy vị trí các nước liên quan đến cuộc xâm lăng của Mông Cổ sau này.

 

Theo sử gia Ata-Malik Juvaini[1] đã viết: “Trước khi có sự hiện diện của Thành Cát Tư Hãn, họ không có tù trưởng hay thủ lãnh. Một hay hai bộ lạc sống tách biệt; họ không đoàn kết với nhau mà thường xuyên hay thù hằn, xung đột.  Một số các bộ lạc được coi như là trộm cướp, bạo ngược, không đạo đức, hay trụy lạc...Quần áo của họ là da chó, chuột và thức ăn của họ là thịt sống từ các con vật ấy hay các con vật đã chết. Rượu của họ là sữa ngựa…” (Before appearance of Genghis Khan they had no chief or ruler. Each tribe or two tribes lived separately; they were not united with one another, and they constant fighting and hostility between them. Some of them regarded robbery and violence…Their clothing was of skins of dogs and mice, and their food was the flesh of those animals and dead things. Their wine was mare’s milk.)[2]

Theo quyển “Life in Genghis Khan’s Mongolia” của Robert Taylor nhà của họ hình tròn, mái là một hình chỏm cầu, chính giữa hở để thông khói. Loại nhà này dân vùng Siberia gọi là “gers” hay “yurt”. Vách và mái của một gers là nỉ (felt) làm bằng lông thú. Nền gers cũng lót bằng nỉ, chỉ chừa chính giữa dùng để đốt phân súc vật khô. Vì đây là thảo nguyên nên các loài cây to rất hiếm, nên củi than không có; họ dùng phân thú phơi khô thay cho than. Đây chính là lò nấu và sưởi ấm.

 

Sinh hoạt bên trong một gers

(Hình từ Life in Genghis Khan’s  Mongolia)

Các bộ lạc nổi tiếng  trong số này là: Mông Cổ, Merkits (Miệt Nhĩ Khất), Tatars (Thát đát), Taichud, Jalayr, Kereit (Khắc Liệt), Naimans (Nãi Man), Tuvuns, Uyghur (Duy Ngô Nhĩ). Tất cả các bộ lạc này sống trên thảo nguyên (đồng cỏ) của cao nguyên phía đông các dãy núi cao Altai, Hangayn và phía nam dãy Hentijyn.
Ở phía đông thảo nguyên này còn có bộ lạc du mục lừng danh Khitan và Jurchen thường va chạm với Mông Cổ.  Khitan (có nơi viết Kitan tức Kiết Đan hay Khất Đan. Nếu ai xem truyện của Kim Dung biết qua nhân vật Kiều Phong.) Dòng họ Gia Luật là người Khitan lập ra đế quốc Liêu bao trùm tất cả bộ lạc Mông Cổ. Một bộ lạc khác là Jurchen (Nữ Chân) lập ra đế quốc Kim và sau này lập nên nhà Thanh bên Trung Quốc.
 
Đấu vật
Hình từ “The Land and People of Mongolia” của John S Major

Tất cả bộ lạc đều là dân du mục, sống nghề chính là chăn nuôi, phần nhiều là chăn ngựa, cừu, bò thường và lạc đà. Ngoài ra tại nơi thật cao nguyên trên cao nguyên quá lạnh thì có loại bò lông mà người Mông gọi là yaks. Loài bò này giống như bò sống trên cao nguyên Tây Tạng. Cạnh nghề chăn nuôi, săn bắn cũng là một nghề chính và giúp cho cuộc sống dân nơi đây.
Thảo nguyên là vùng khí hậu bán xa mạc, mưa ít nên không có rừng già như vùng nhiệt đới, mà hầu hết là các cánh đồng cỏ bát ngát chen trong các đồi núi thấp, thoai thoải hay các rừng thưa, phần nhiều là thông. Phía tây và tây nam có các ngọn núi cao mà dẫy núi nổi tiếng, cao nhất là Altai. Trong dãy núi này có ngọn cao trên 4500m.

[1] Ông tên thật là Ala’iddin Ata-Malik Juvayni (1226-1283), một sử gia lừng danh người Ba Tư. Còn cha ông giữ một chức vụ quan trọng cho Thành Cát Tư Hãn lúc ông này đã chinh phục được Khwarezm. Ông được sinh ra ở vùng Khorasan phía bắc Ba Tư ngày nay. Ông là một người đã làm nhiều chức vụ quan trọng của đế quốc Mông Cổ vùng Trung Đông và đã đến kinh đô Mông Cổ Krakorum (Karakorum) hai lần. Ông nội ông làm chức vụ như Thủ Tướng cho Muhammad Jalal al-Din, mà quý vị sẽ đọc sau. Ông tham dự hội các thủ lãnh bộ lạc kuriltai năm 1282.
[2] Trich trang 12- Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.

No comments:

Post a Comment