Tuesday, May 7, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông?Bài 3


CHƯƠNG 01 (tiếp theo)

Với khí hậu bán sa mạc này, ít trữ lượng hơi nước trong không khí, nên nóng lạnh thay đổi rất mau. Ngày có khi rất nóng, nhưng đêm có khi rất lạnh. Vì điều kiện khí hậu, địa lý như vậy nghề chăn nuôi rất phát triển. Việt Nam và các nước trong vùng Đông Nam Á thì ngược lại. Trong không khí có nhiều hơi nước nên sự thay đổi nhiệt độ rất lâu; vì vậy trong mùa hè ban đêm vẫn còn hầm hầm nóng.

Với cách sống di chuyển để chăn nuôi khi có cỏ tốt, rồi dời đi nơi khác khi cỏ hết và còn sinh sống với việc săn bắn, nên người Mông Cổ rất thiện nghệ trong việc cưỡi ngựa, bắn cung kể từ lúc thiếu thời kể cả phụ nữ cũng rất giỏi trong việc này. Ngoài việc cỡi ngựa bắn cung, thanh niên Mông Cổ thích đấu vật. Họ thường hay tổ chức đấu vật tranh tài. Ngày nay tập tục này vẫn rất thịnh hành và trở thành một môn thể thao tiêu biểu của quốc gia. Hàng năm, ngoài thi đấu vật dân chúng còn thường tổ chức thi đua bắn cung.
 
 
Hình một cuộc di chuyển chỗ ở của dân du mục Mông Cổ
(Hình từ Life in Genghis Khan’s  Mongolia)
Với lối sống lang thanh này họ hay sinh ra cướp bóc khi thấy có cơ hội và rồi trở thành thói quen.
Về tôn giáo, theo quyển “Ghenghis Khan and the Mongol Empire” của nữ tác giả Miriamn Greeblatt thì từ thời trước người Mông cổ tin vào các thần thánh trên trời xanh cao vút, vào mặt trời, mặt trăng, núi cao, sông sâu hay các hiện tượng thiên nhiên, sấm chớp, nhật thực nguyệt thực các thần được gọi là “ovoos”. Những thầy cúng là người có một quyền năng cao tiếp xúc với thần linh nếu là đàn ông được gọi là “shamans” còn đàn bà là “shamankas”. Dựa vào quyển “The Mongol Empire” của George Lane[1] thì “shamans” và  shamankas” là các người rất được trọng vọng. Mọi người hành động theo lời khuyên của các vị thầy cúng này.  Sau này họ thường theo đạo Phật, nhưng không hiểu hết triết lý kinh điển, lại kết hợp với các tín ngưỡng cố hữu, nên họ trở thành mê tín, dị đoan. Theo một số tài liệu, họ rất sợ sấm chớp, cho đó là thiên thần đến trừng phạt.
Các bộ lạc này còn được người Việt biết đến qua cái tên là Hung Nô. Một trong các nước mà Trung Quốc gán cho một trong bốn danh từ ám chỉ thiếu văn hóa: man, di, nhung, địch. Tuy nhiên nước Trung Quốc văn minh vĩ đại cũng đã từng khốn đốn với người Hung Nô này từ thời xa xưa.
Đến đời Đông Châu Liệt Quốc, các nước, Tần, Chu, Triệu, Yên …đã phải làm những tường thành ở phía bắc giáp với các bộ lạc Hung Nô để ngăn ngừa đám người này vào quấy phá. Nước Tần gọi tường thành của họ là Tần Trường Thành; nước Triệu thì gọi là Triệu Trường Thành…Đến khi Tần Thủy Hoàng dựng nghiệp năm 220 TCN, cho lệnh nối các trường thành lại với nhau bắt đầu từ Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) của tỉnh Tân Cương (đây là Tần Trường Thành) cho đến Sơn Hải Quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông (đây là Yên Trường Thành) và cũng là ranh giới giữa Trung Quốc Mãn Châu. Bức tường thành mới này được đặt tên là Vạn Lý Trường Thành -萬里長城, trải dài 6.352 km (3,948 mile)[1].
 
 
 
Vạn Lý Trường Thành gần Bắc Kinh- do nhà Minh xây, khúc này bắt đầu từ năm 1368 đến năm 1649.              (photo VHKT)
 
Đỗ Phủ
 
 
Đến đời Hán, nước Trung Quốc cũng bị thường xuyên quấy phá, rồi cuối cùng vua Hán phải đem một người đẹp sang làm quà cho chúa Hung Nô; đó là người đẹp Chiêu Quân. Các câu chuyện về người đẹp này đã là đề tài cho không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách đời sau viết lên các câu chuyện, bài thơ chứa đầy nước mắt.
Dưới đây là một bài thơ của Đỗ Phủ, một đại thi sĩ đời Đường đã viết lại chuyện Chiêu Quân.
詠 懷 古 昔                            
Vịnh hoài cổ tích  
群 山 萬 壑 赴 荊 門        
 Quần sơn vạn hác phó Kinh Môn[1].
生 長 明 妃 尚 有 村         
Sinh trưởng Minh Phi[2] thượng hữu thôn.
一 去 紫 臺 連 朔 漠         
Nhất khứ tử đài[3] liên sóc mạc[4].
獨 留青 塚 向 黃 昏                      
 Độc lưu thanh chủng[5] hướng hoàng hôn.
畫 圖 省 識 春 風 面       
Họa đồ[6] tỉnh thức xuân phong diện.
環 珮 空 歸 月 夜 魂        
Hoàn bội không qui nguyệt dạ hồn.
千 載 琵 琶 作 胡 語        
Thiên tái tì bà tác Hồ ngữ[7].
分 明 怨 恨 曲 中          Phân minh oán hận khúc trung luân.
Vịnh nhớ cổ tích I
Kinh Môn hang núi đổ về.
Thôn kia sinh trưởng Minh Phi hãy còn.
Tử đài, sóc mạc, đi luôn.   
Còn lưu thanh chủng hoàng hôn thẫn thờ.
Tranh biết rõ, mặt thoảng qua.
Lung linh vòng xuyến, hồn mơ trăng tà.
Giọng Hồ, nghìn thủa tì bà.
Rõ ràng oán hận, nghe qua khúc này.
                                                                                                                    Hình Đỗ Phủ
                                                Trần Trọng San
Trải dài liên tiếp núi Kinh Môn.        
Quê của Minh Phi ở một thôn.         
Lầu tím, bước sang nơi đất địch.        
Mồ xanh lưu lại dưới hoàng hôn.      
Chân dung gợi chuyện đà thay mặt.                 
Ngà ngọc, mơ quê vẫn ở hồn.             
Chuyển  tiếng tì bà Hồ nhạc khúc.    
Tỏ bày mối hận đã vùi chôn.               
                                VHKT                     
 
Trải dài núi thắm kinh Môn
   Minh Phi quê ở một thôn nơi này
Lầu tím, sa mạc sang ngay.
Hoàng hôn soi bóng mồ này vẫn xanh.
Họa đồ vẽ thủa xuân thanh.
Cổ đeo vòng ngọc, lòng thành nhớ quê.
Tì bà Hồ nhạc trổ nghề,
Nói lên oán hận tràn trề bấy lâu.
                                VHKT
 

Hình vẽ Chiêu Quân Cống Hồ

của Metropolitan Museum of Art

Hình vẽ vào thế kỷ XIV- Quần áo cũng dựa vào thời gian này
nên có thể khác với trang phục của thời Hán.

Về đặc tính của người Mông Cổ thì trong quyển “The Mongol Empire” đã viết lại một câu của sử gia Ba Tư Javaini (Juwaynī) trang 96 như sau: Trong hành động, khi tấn công, đột kích, họ như con thú rừng đang trong cuộc săn mồi. Trong những ngày hòa bình, an toàn họ giống như các con cừu để sản xuất sữa, lông hay các thứ hữu dụng khác. [In time of action, when attacking and assaulting, they are like wild beats out after game, and in the days of peace and security they are like sheep, yielding milk, and wool, and many other usefull things…]

 



[1] Kinh Môn: tên dãy núi lớn vùng Kinh Châu.
[2] Minh Phi: Tên trước là Chiêu Quân có họ Vương tên Tường đời Hán. Đến đời Tấn vì kiêng húy hoàng tộc đổi là Minh Phi. Bài này nói tới sự tích Chiêu Quân cống Hồ.
[3] Tử đài: Đài tím, nơi vua ở. Thường đài hay thành sơn mầu tím. Ở Bắc Kinh hiện nay có Tử Cấm Thành và ở Huế cũng vậy.
[4] Sóc mạc: sa mạc phía bắc Trung Quốc, nơi Hung Nô ở.
[5] Thanh Chủng: mồ xanh. Tương truyền ở sóc mạc, cỏ màu trắng, chỉ mồ chôn Chiêu Quân là mầu xanh.
[6] Bức chân dung của Chiêu Quân do Mao Diên Thọ vẽ.
[7] Theo tương truyền, Chiêu Quân đã gảy tì bà bằng tiếng Hồ oán trách cho thân phận.


[1] Vạn Lý Trường Thành thời Tần làm bằng đất trộn rơm. Đến đời Tùy, Tùy Dạng Đế cho tu bổ lại với các cọc gỗ. Khi nhà Minh đuổi được Mông Cổ đi về thảo nguyên, họ cho xây lại cái mới với đá và có tháp canh, dựa vào các điểm cũ. Một số là bức tường thành thứ hai được xây gần Bắc Kinh hơn. Theo quyển The Great Wall of China- Daniel Schwartz bức tường thứ hai này được khởi sự xây đợt 1 năm 1368 cho đến năm 1389. Sau đó được xây đợt 2 bắt đầu năm 1404 đến 1424. Công trình đợt hai dở chừng thì ngưng và lại được tiếp tục năm 1539 đến năm 1582 thì hoàn tất. Đoạn ba được xây từ năm 1436 và kết thúc năm 1867. Phần tu bổ lại cuối cùng vào nhà Thanh năm 1867. Và khi du khách đến xem chính là bức tường thành mới này chứ không phải là bức Vạn Lý Trường Thành nguyên thủy hơn 2000 năm trước.


[1] Ông là một tiến sỹ dạy tại đại học Luân Đôn về Á Phi.

No comments:

Post a Comment