Friday, May 24, 2013

Đại Việt Thắng Nguyên Mông? Bài 6


CHƯƠNG 02- (tiếp theo)



III/ Trang bị-  Tiếp liệu:

A- Áo giáp, mũ trụ:

Áo giáp của Mông Cổ rất nhẹ, thường làm bằng da thú vật săn hay bò,  ngựa luộc chín và ngâm keo làm từ bong bóng cá, nước tiểu có thể được giát hạt kim loại. Trọng binh thì mặc áo giáp dày hơn có các mảnh sừng, xương, hay kim loại phụ thêm. Loại áo giáp này gồm nhiều mảnh ghép lại, chứ không phải liền một tấm. Hai bên vai là hai mảnh rời, phần ngực và lưng cho đến thắt do phần bảo vệ của mảnh khác. Các mảnh này lại được ghép bởi các mảnh nhỏ hơn xếp lên nhau như áo tơi lá ở miền bắc hay như các miếng gói lợp nhà. Dù loại giáp nào đi nữa thì còn rất nhẹ nếu đem so với áo giáp của Âu Châu cùng thời.

Để chống lại tên bắn, lính Mông Cổ có thể được mặc áo bằng tơ nguyên thủy, dài đến đầu gối. Loại vật liệu này rất dai, khó bị hủy hoại hay nát. Với đặc tính này, tên ở xa khó xuyên thủng áo, và ở gần nếu xuyên thủng được áo và cũng không làm lổ thủng bị phá lớn hơn. Do đó khi tên xuyên vào thịt thì kéo theo vải áo vào trong. Người ta chỉ cần kéo vải áo ra là tên cũng ra luôn. Thật là một áp dụng rất hay. Loại áo này còn giúp để lau chùi vết thương làm giảm bớt sự nhiễm trùng.[1]

Áo giáp của các sĩ quan cầu kỳ hơn.
Trong trang 103, quyển “The Mongol Empire” viết lại bài tường trình của Giovanni di Piano Carpini khi được Giáo Hoàng Innocent IV cử sang Mông Cổ và từng gặp đại hãn Gűyűk. Giovanni có phần nói về ngựa của kị binh nặng Mông Cổ cũng được mặc giáp như sau: Ngựa của quân Thát Đát cũng đựơc mặc giáp gồm năm mảnh. Họ đặt hai miếng dài hai bên ngựa để bảo vệ con vật từ đầu đến đuôi. Hai miếng này được cột vào yên ngựa, sau yên ngựa và vào đuôi con vật. Trên lưng ngựa, họ đặt một tấm da khác nối liền từ bộ yên cương đến đuôi mông. Ngay ở đuôi họ làm một lỗ thủng cho đuôi đi ra. Phía trước ngực, họ treo một tấm da che kín nơi đây và hai chân trước từ đầu gối trở lên. Ở trán con vật được treo một tấm kim loại cột vào hai bên đầu.
Một số tài liệu lại nói khinh binh Mông Cổ mặc áo tay phải không tay áo, để lộ nguyên cánh tay ra ngoài. Sở dĩ có chuyện này là khi tấn công tay phải hoạt động dễ dàng không bị vướng vấp và giảm bớt sức nóng khi hoạt động lâu.
 
Lính Mông Cổ
(hình từ quyển Russia và USSR- Peter Neville)

Mũ của lính Mông Cổ thường làm bằng vải, da hình nón hơi bầu, chóp nhọn. Một loại mũ khác là mũ đồng đúc, cũng có dạng là hình nón ở phía trên đỉnh, chung quanh có mạng che làm bằng da, tơ. Đến nay chưa có một xác định là lính đội mũ gì và quan đội mũ gì. Có thể loại mũ đồng này rành cho cấp sĩ quan mà thôi.
Giày của Mông Cổ cũng làm bằng da thú khâu lại với nhau nhìn như giày cao cổ.
Tất cả da dùng làm áo giáp, mũ hay giày đều được tẩm keo nấu từ bong bóng cá để bớt sức hấp thụ nước.
 
B- Vũ khí và tiếp liệu:
1. Cung.
Cung của Mông Cổ là loại cung hỗn hợp, có nghĩa là thân cung làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, tre, xương, da và sừng thú vật. Dây cung thường là da và gân.  Gỗ được dùng làm khung sau đó chắp các miếng sừng thú lên. Sừng thú là một loại vật liệu đặc biệt vì nó có tính chất đàn hồi tốt hơn gỗ. Gỗ uốn cong quá có khi bị hết tính đàn hồi (permanent set), còn sừng sẽ giúp cho ta tránh được vần đề này tốt hơn. Đây là một áp dụng của ngành kỹ thuật ngày nay ấy là lò so lá (flat or leaf spring). Gân là một loại vật liệu đặc biệt khác vì nó tạo cho cung có sức chịu đựng cao (high strength). Vì thân cung làm bằng các vật liệu khác nhau nên thường được nối bằng các sợi gân rồi dùng keo đắp lên. Keo được nấu lên từ da thú, bong bóng cá. Gân và keo cần một một khoảng thời gian lâu, gần một năm mới hoàn toàn khô. Khi dạng cung đã thành hình, dây cung được nối vào và tạo sức uốn (pre-tensioned) rồi lại phủ thêm vỏ cây hay da để bảo vệ.
Khi kéo cung, phần sừng có khuynh hướng co lại, trong khi phần gân có khuynh hướng giãn ra. Cả hai đều trở lại vị trí cũ làm cho cung này có ưu điểm là cho nhiều sức mạnh. Nhưng nó có nhược điểm là lúc mưa hay ẩm lâu thì các keo hay bị hủy hoại làm cho sự kết hợp không vững chắc như khi chế tạo.
2. Tên.
Tên gồm nhiều loại: thứ thì dùng bắn xa, thứ bắn gần, thứ chuyên săn thú và loại để tấn công áo giáp. Tên thường làm bằng gỗ, mũi bịt đồng hay bằng xương. Tên bắn gần thì ngắn và nhẹ, còn tên bắn xa thì dài và nặng hơn. Có loại tẩm thuốc độc bằng nọc rắn trộn với thịt thối hay phân rồi đem chôn cho đến khi hoàn toàn nữa nát.  Khi đi đánh trận, lính Mông Cổ thường mang theo hai loại tên, bắn gần và bắn xa. Tên thường đựơc đựng trong hai bao da[1]. Mỗi người lính được trang bị với 150 tên gồm cả hai loại.
Theo nghiên cứu của người viết bài trên trang Medieval History thì tầm hữu hiệu khoảng 175 m và tầm sát hại của cung tên vào khoảng 50-60 m. Muốn đạt đến khoảng cách này thì người dương cung phải đủ mạnh để buông mũi tên ra khỏi cung với vận tốc đầu trên 55 m/s. Điều này cũng phù hợp theo nhiên cứu của History channel. Cũng dựa vào các tài liệu sử trên, ta cũng còn thấy các chi tiết sau đây. Rất ít khi lính Mông Cổ có thể bắn một mũi tên mà làm địch thủ tử thương. Tỷ số tử thương thường vào khoảng 1/50 là tối đa. Tuy vậy nếu lấy tổng số tên và tỷ số làm tử thương địch thủ mà giải một bài toán ta thấy kết quả như sau: Nếu một người lính Mông Cổ ra trận và bắn hết tên của hắn, thì hắn có cơ hội giết chết 3 kẻ thù. Thật nguy hiểm!
Tỷ số chính xác lại càng ít hơn vì lính Mông Cổ vừa phi vừa bắn, nên họ không nhắm kỹ vào một mục tiêu, mà thường là bắn xối xả về phía mục tiêu, tạo ra một lớp mưa tên. Ngược lại sự rút tên của lính Mông Cổ rất lẹ, khoảng 12 mũi tên cho 1 phút. Lính Mông Cổ hay tấn công đối phương bằng cách dương cung lên thật cao, như vậy khi tên rơi xuống gần như thẳng góc xuống đầu địch quân.


[1] Theo quyển: “The Mongol Empire” của George Lane thì Quân Mông mang tới 3 túi đựng tên.

[1] Theo George Lane viết trong quyển The Mongol Empire thì y trang của một lính   Mông Cổ nặng khoảng 10 kg.

No comments:

Post a Comment