Tuesday, May 14, 2013

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 4


 


CHƯƠNG 01 (tiếp theo)




II/ Thành Cát Tư Hãn. 


 

Thành Cát Tư Hãn tên thật là Temüjin ( tiếng Mông Cổ: Чингис Хаан, Chinggis Khaan, Činggis Qaɣan,), Temüjin có nghĩa là sắt, nên người Trung Quốc dịch là Thiết Mộc Chân- 木真 ) Ông được sinh ra đời vào khoảng năm 1155 đến 1167[1], tại vùng núi Khentii, khu khurultai thuộc Mông Cổ trên bờ sông Onon, không xa với thủ đô Ulaanbaatar ngày nay là bao nhiêu. Ông là con cả của tù trưởng của Yesükhei (Dã Tốc Cai) bộ lạc Kiyad (Khất Nhan) và bà Hoelun (U Luân).
Thủa nhỏ chơi thân với Jamuka (Trát Mộc Hợp), người bộ lạc gần bên, rồi hai người đã kết nghĩa huynh đệ.


Chân dung Thành Cát Tư Hãn- trích từ “Mongolia: A Country Study” Federal Research Division Library of Congress, edited by Rober L Worden và Andrea Matles Savada

Năm lên 9, ông được cha cho sang ở bên vợ tương lai Börte 10 tuổi, để chờ đến khi ông tròn 12 tuổi, tuổi được phép cưới vợ, sẽ chính thức kết hôn. Nhưng chẳng bâu sau, Yesükhei bị bộ lạc Tartar (Thát Đát hay Tháp Tháp Nhi) đầu độc, nên ông trở thành mồ côi cha. Đến lúc trưởng thành Temüjin trở thành thủ lãnh của bộ lạc, tuy nhiên các người nắm quyền không chấp nhận ông vì tư lợi. Nhưng theo quyển “Ghenghis Khan and the Mongol Empire” thì lúc cha ông qua đời, các bộ hạ thấy ông còn bé không phục tùng bỏ ông đi theo các thủ lãnh khác. Sau đó, gia đình ông bị đầy đến một nơi rất hoang vu, và sống rất kham khổ. Tuy nhiên, hằng ngày ông và em đi bẫy chim, đánh cá giúp mẹ vượt qua khó khăn và thoát hiểm.
Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một người rất tàn ác nhưng có tài điều kiển. Một lần đi săn, ông đã giết chết người anh em tên Bekhter, cùng cha khác mẹ vì chủ quyền của con thú đã bị bắn chết. Một thời gian sau, ông bị bộ lạc Bjartskular ("chó sói" cũng theo “Ghenghis Khan and the Mongol Empire” thì bộ lạc có tên là Tayichi’ut), liên minh cũ của cha ông bắt được và bị làm tù nhân với cái gông trên cổ. Trong số các người canh tù, có một người thương tình ông, đó là thân phụ của Chilaun (sau này làm tướng cho ông) đã làm ngơ để ông chạy trốn.
Lúc đến 16 tuổi, ông kết hôn với Börte người vợ tương lai thủa trước. Không lâu sau bộ lạc Merkits bắt cóc bà Börte. Câu chuyện bắt cóc này theo “Ghenghis Khan and the Mongol Empire” của Miriamn Greeblatt thì có một lý do sâu xa. Cách thời gian ấy 20 năm trước, bà Hoelun là vợ của tù trưởng bộ lạc Merkits. Cha ông, Yesükhei, đi bắt cóc bà về làm vợ và sinh ra ông. Nay Yesükhei đã qua đời thì con của Yesükhei, tức Temüjin, sẽ phải chịu sự trả thù. Đây là tập tục của các bộ lạc du mục miền này.
Ông liên kết với bạn kết nghĩa sinh tử của cha ông là Toghrul (Thoát Lý) tù trưởng bộ lạc Kereit, cùng bạn thân là Jamuka tù tưởng bộ lạc Jadaran, tìm cách giải vây cho vợ. Cuộc giải vây thành công thì Temüjin và Jamuka càng thân hơn đi đến chỗ đồng sinh đồng tử. Nhưng cuộc xung đột giữa hai lực lượng của Toghrul và Jamuka làm Jamuka li khai. Một bất đồng khác là bộ lạc của Jamuka chuyên chăn cừu, trong khi bộ lạc Temüjin chuyên chăn ngựa. Và chính điểm này làm hai người càng ngày càng xa cách, rồi Jamuka  trở thành kẻ đối đầu của ông sau này. Không lâu sau vụ giải vây trên, bà Börte hạ sinh cho ông đứa con đầu lòng là Jochi (Truật Xích). Bà này còn sinh cho ông thêm ba người con khác là Chagatai (Sát Hợp Đài), Őgedei (Oa Khoát Đài), Tolui (Đà Lôi). Ông còn cưới thêm vài bà vợ và có thêm nhiều con, nhưng không được kể là dòng chính thống để nối hưởng đặc quyền.
Khi đã nắm quyền chỉ huy bộ lạc, ông đã ban hành bộ luật Yassa, để dân phải tuân theo một cách nghiêm nhặt mà xây dựng vương quốc. Ông cũng thăng thưởng dựa trên tài năng và sự trung thành chứ không phải là huyết thống gia đình. Ông hứa với binh sĩ sẽ tưởng thưởng cho họ các tài sản sau khi chinh phục được đối phương. Nên quân lính hết lòng chiến đấu. Riêng với các bộ lạc cùng huyết thống, khi đánh bại họ, ông không loại binh sĩ bộ lạc ấy, mà gom vào lực lượng ông. Vì lý do ấy danh tiếng ông mỗi lúc một vang lừng hơn sau mỗi lần thắng trận.
Theo tác giả Patricia Buckley Ebrey viết trong quyển sử của đại học Cambridge “Illustrated History of China”: thì lúc đầu Temüjin mở rộng phạm vi chăn ngựa, vì nơi bộ lạc ông mấy năm liên tiếp khí trời lạnh quá nên thiếu cỏ và sau nữa trả thù cha đã thúc đẩy ông vào sự thôn tính các bộ lạc khác.
Năm 1201, một hội đồng kurutai (kuriltai) của các tù trưởng  bộ lạc, đã bầu Jamuka làm gur khan, sang đánh liên minh Thiết Mộc Chân và Toghrul, nhưng bị liên minh này đánh bại. Trong thời gian liên minh, Toghrul đã được Thiết Mộc Chân cứu nhiều lần thoát chết.
Sengguum (Tang Côn), con trai Toghrul lại ghen tức với Thiết Mộc Chân vì tài năng và danh tiếng, muốn hại đối phương. Toghrul không những không ngăn cản mà còn tiếp tay con mưu hại Thiết Mộc Chân. Biết âm mưu này, Thiết Mộc Chân đem quân đánh bại Sengguum. Tuy nhiên, để làm hòa năm 1202, Thiết Mộc Chân đem lễ vật cầu hôn con gái của Toghrul, cho con trai đầu lòng là Jochi, nhưng bị Toghrul từ chối. Đây là một sỉ nhục đối với văn hóa Mông Cổ.
 
Thành Cát Tư Hãn Bảo Tàng Viện Đài Bắc- Đài Loan
Bây giờ Toghrul lại liên minh với Jamuka để chống với Thiết Mộc Chân. Tuy vậy, với các hục hặc trước làm liên minh bị tan tành bởi lực lượng của Thiết Mộc Chân. Toghrul phải chạy về đầu thú với thủ lãnh bộ lạc Naimans, nhưng bị binh lính bộ lạc này giết chết và bộ lạc Kereit (Khắc Liệt) hoàn toàn tan rã năm 1203.
Như vậy chỉ còn lại hai lực lượng chính đối đầu nhau là hai anh em kết nhĩa Thiết Mộc Chân và Jamuka. Jamuka bây giờ lại kết hợp binh sĩ của Naimans với bĩnh sĩ của ông ta làm một và chuẩn bị một trận sống mái. Trước khi có trận chiến xẩy ra, thì nhiều phần tử của Jamuka đào ngũ trốn sang đầu hàng Thiết Mộc Chân, trong đó có Sabutai một đại của Thiết Mộc Chân sau này.
 
Trong trận chiến này, Thiết Mộc Chân đã đánh bại đối thủ, bắt sống Jamuka. Ông đề nghị Jamuka theo ông, nhưng ông này từ chối. Chỉ mặt trời, Jamuka nói chỉ có một mặt trời mà thôi. Ông muốn chết cho anh hùng. Kết quả ông đã chết theo đúng nguyện vọng, chết không đổ máu, vì một cái búa đánh gãy xương sống.
 
Năm 1206, Thiết Mộc Chân hoàn toàn chinh phục các bộ lạc trên thảo nguyên và hội đồng Kuriltai bầu ông làm Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn, có nghĩa là vua tối cao của thế giới).  Ông đã cho thiết lập bộ luật Yassa để điều khiển dân Mông Cổ. Đến nay, vẫn không thấy bộ luật viết tay. Theo John S Major trong quyển “The Land and People of Mongolia” thì có lẽ bộ luật không bao giờ được viết thành văn bản mà chỉ truyền miệng.
 
Bộ luật có nhiều điều liên quan đến chiến binh như không được bỏ ngũ, ăn trộm ngựa, thương lượng với kẻ thù đều có tội chết. Cấm các tù trưởng chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo “Ghenghis Khan and the Mongol Empire” của Miriamn Greeblatt thì bộ luật còn tôn trọng tôn giáo bình đẳng và cấm rựơu. Tuy nhiên, một người chỉ được say rượu 2 lần và tái phạm lần thứ 3 sẽ bị phạt. Luật này còn cấm không được tắm nơi nước chảy, như sông, suối và nhiều sách không thấy giải thích tại sao. Chỉ có quyển “Life in Genghis Khan’s Mongolia” viết rằng theo tín ngưỡng của người Mông Cổ thì nơi đây là các lối đi của thần linh.

[1] Theo J.A.G Roberts viết trong quyển “A Concise History of China và dựa vào The Secret History of the Mongolthì Temujin sinh năm 1167.
 


No comments:

Post a Comment