Friday, May 17, 2013

CHƯƠNG 02

I/ Tuyển lính.
A- Lính gốc Mông Cổ:
Như ta đã biết, Mông Cổ là tập hợp của nhiều bộ lạc du mục, nên khi một toán của một bộ lạc nào đó đăng ký tham gia vào binh đoàn của Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn chia toán đó ra từng tốp nhỏ và được đưa vào các đội khác nhau. Như vậy trong một toán lính Mông Cổ không có một sự liên hệ về chủng tộc, hay bộ lạc. Trong các bài viết không đưa ra lý do tại sao có tình trạng nói trên, nhưng ta có thể nghĩ rằng, đây là cách chia để trị. Vì không có sự liên hệ huyết thống, bộ lạc nên sự nổi dạy chống đối khó có thể xẩy ra. Một điểm tiện lợi trong việc tổ chức này là, khi một binh đội bị hao tổn trong trận chiến là có thể bổ xung quân số ngay khi có một số tân binh. Cái ưu điểm khác làm cho binh sĩ có cảm tưởng được đối xử công bằng chứ không có sự phân biệt chủng tộc.
B- Lính mới tuỷên.
Ngoài số lính gốc Mông Cổ cơ bản nói trên, sau khi xâm lăng thành công một địa phương hay một thành trì nào, Mông Cổ thường chia dân nơi ấy làm nhiều loại. Loại người không lợi cho họ thì họ đem đi xử tử; đàn bà con gái họ bắt làm nô lệ hay phân phát cho lính của họ như là phần thưởng; thanh niên khỏe mạnh không phải là lính đã từng chống đối thì họ làm bắt vào lính. Một phương pháp tuyển binh khác là bằng cách đưa yêu sách đến một nước sắp xâm lăng; bắt họ đầu phục và nộp thanh niên. Số thanh niên này được Mông Cổ cho nhập vào binh đoàn của họ.
Còn các người kỹ sư, chuyên viên hay thầy thuốc họ bắt vào quân đội với các nhiệm vụ đặc biệt. Kỹ sư là lớp được trọng đãi, và có nhiệm vụ chế tạo máy móc, súng ống cho quân đội cũng như xây dựng cầu kỳ, đường xá cho sự di chuyển hay công thành. Một thí dụ điển hình là vụ tấn công Nishapur, một thành phố thuộc Khwazem, trên con đường tơ lụa nay thộc Iran.
Khi đi chinh phục nước Khwazeme, Thành Cát Tư Hãn đã đem theo một đội ngũ thật lớn kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật, phần nhiều thu thập tại Trung Quốc hay các quốc gia Hồi giáo. Các loại súng công thành được tháo ra từng bộ phận nhỏ, chuyển trên các xe và được ráp ngay tại mặt trận nhờ vào đám người này.
C- Thăng thưởng.
 Như đã viết phần trên, ngoại trừ những người thân tộc được giữ các chức vụ quan trọng, sự thăng thưởng trong đội quân Mông Cổ được căn cứ vào khả năng, kinh nghiệm, trung thành không phân biệt tuổi tác. Trong các danh tướng Mông Cổ thì phải nói tới Subutai (hay còn phiên âm thành: Subetei, Subetai, tiếng Mông Cổ: Сүбээдэй, Sübeedei; cổ ngữ Mông Cổ: Sübügätäi or Sübü'ätäi; 1176–1248), người mà đã được Medieval History tặng là một trong mười đại tướng tài năng nhất thời trung cổ. Ông này là con một người thợ rèn. Ngành thợ rèn được tôn trọng ở Mông Cổ, nhưng không phải là ngành thật cao quý để được làm chức vụ chỉ huy cao cấp.
Trong trận chiến ở Nga, người có tên trên danh nghĩa cầm đầu đoàn quân là Hãn Batu. Trong đoàn quân này còn có hai hoàng tử khác, cũng là các tướng trong quân đội. Tuy nhiên cả ba vị hoàng tử đều đặt dứơi quyền chỉ huy của Subutai. Năm 1243, Đại hãn Oa Khát Đài[1] (Ogedai) mất, lúc đoàn quân này đang đánh tan tành đế quốc Hungary và làm kế hoạch tấn công đế quốc La Mã. Subutai đã khổ tâm ra lệnh cho các hoàng tử đem quân quay về Krakorum[2] thủ đô Mông Cổ để bầu một đại hãn mới. Đây là một điểm may mắn cho các nước tây Âu, nếu không thì cả Âu châu có thể đã bị dẵm nát dưới vó ngựa Mông Cổ.
Robert Taylor viết trong quyển sử về Mông Cổ cũng đưa ra một thí dụ về tưởng thưởng xứng đáng khác. Đó là trường hợp hai người lính thấp có tên là Badai và Kishkik đã liều chết cứu Thành Cát Tư Hãn trong một trận đánh trên thảo nguyên. Ông ta đã cho hai người này và con, cháu họ vào hoàng tộc. Hai người này còn được toàn quyền chiếm giữ tất cả những vật họ cướp được trong một trận đánh hay các con thú họ săn được mà không phải chia sẻ với ai.
Trong quyển “Cambridge Illustrated History China” của Patricia Buckley Ebrey có viết rằng: các người chỉ huy có thể đựơc quyền cha truyền con nối, nêú người ấy có tài và nếu không đủ tiêu chuẩn thì Thành Cát Tư Hãn sẽ cất chức. Vì lý do ấy, ta thấy con trai của Subutai là Uriyangkhadai (Ngộ Lương Hợp Đài), người đánh thôn tính Đại Lý trong vài tuần và còn sang đánh Đại Việt lần đầu. Uriyangkhadai cũng là một danh tướng của Mông Cổ. Tiếp theo sau Ajur và Bayan là hai cháu nội ông, một người vây đánh Tương Dương, còn người kia có công thôn tính Nam Tống.
Qua việc trên, ta thấy quân đội Mông Cổ được tổ chức và điều kiển do tài năng chứ không nhất thiết phải là thân thuộc. Những người có tài cảm thấy công bằng khi làm việc trong quân ngũ và họ lại càng trổ hết khả năng phục vụ cho lãnh tụ họ.
II/ Tổ Chức & huấn luyện.
A- Hệ thập phân:
Những ai đã từng đọc bộ Anh Hùng Xạ Điệu của Kim Dung chắc cũng nhớ việc quân Mông Cổ chia quân đội theo hệ thống thập phân:
Đơn vị nhỏ nhất là arav (hay arban tùy theo cách phiên âm) gồm 10 người, tiếng Hán Việt là thập phu, đứng đầu là thập phu trưởng.
Đơn vị kế một zuut (hay Jahgun) gồm 10 arav tức 100 người, tiếng Hán Việt là bách phu, đứng đầu là bách phu trưởng.
Đơn vị nhỏ kế là một minghan hay (migghan) gồm 10 zuut (jahgun), gồm 1000 người, tiếng Hán Việt là thiên phu, đứng đầu là thiên phu trưởng “noyon”
Đơn vị lớn nhất là một tumen (tjumen ) gồm 10 mingghan hay 10000 người, tiếng Hán Việt là vạn phu, đứng đầu là vạn phu trưởng. Đây có thể coi là một sư đoàn của Mông Cổ. Chức vụ vạn phu trưởng trở lên thường được đặt dưới quyền điều động của một Hãn (khan) hay một tướng Mông Cổ và tiếng Mông Cổ là Boyan.
Nhiều khi họ phải họp hai cho đến năm tjumen lại với nhau, và bổ xung bởi các mingghan mang vũ khí nặng như súng bắn đá, súng bắn dầu nóng chảy. Đây chính là một quân đoàn, mà họ gọi là “Hordu” người Âu Châu gọi là Horde, cầm đầu bởi một sĩ quan có tên gọi là orlok. Khi Batu và Subutai đem một hordu sang đánh Nga, Ba Lan và Hung Gia Lợi, rồi lập ra một khanate (vương quốc) gọi là Golden Horde.
 
Các cấp chỉ huy được toàn quyền thi hành nhiệm vụ mà họ nhận ra đó là phương sách hay nhất. Loại cấu trúc và mệnh lệnh thi hành này làm cho quân Mông Cổ hết sức uyển chuyển, biến báo trong các trận đánh, tùy theo sáng kiến cá nhân. Vì lý do ấy, quân Mông Cổ tấn công thật đa dạng. Mông Cổ có thể tấn công theo một số thật đông hay từng nhóm nhỏ để đánh tỉa.
Trên đây là đội quân Mông Cổ thuần túy. Sau này khi xâm lược các nước số lính tuyển mộ đông nên Mông Cổ chia quân làm hai: kị binh, và bộ binh. Khi sang đánh Trung Đông họ có đội làm súng, ráp súng, cầu đường vậy là họ đã có công binh. Đến khi chiếm được Cao Ly và Nam Tống, quân đội Mông Cổ lại có thêm thủy quân.
Theo Patricia Buckley Ebrey thì ngoài các lực lượng trên, Thành Cát Tư Hãn còn lập ra một tjumen đặc biệt do chính ông chỉ huy. Tjumen này gồm con, cháu ông và cùng con cháu các người chỉ huy trong quân đội Mông Cổ.  Trong quyển “The Mongol Empire” cũng có đoạn ghi lại việc này và đơn vị ấy gọi là “keshig” hay là sư đoàn bảo vệ hoàng gia.
B- Kị binh:
Khi bàn về quân đội Mông Cổ thì không thể không nhắc tới kị binh. Đạo quân đã làm thế giới thất điên, bát đảo. Một kị binh Mông Cổ thường sử dụng một lượt 4 con ngựa, và phần nhiều là ngựa cái. Khi một con ngựa mệt thì họ đổi sang con khác.
Trong một arav (thập phu) của đội kị binh thì 6 người là keskit (kinh binh) và 4 người kia được trang bị nặng gọi là trọng binh. Những kinh binh thường trang bị bằng hai cung, hai bị đựng tên khác nhau. Một trong hai cung là cung nhẹ, bắn mục tiêu gần, còn cung kia dùng tên dài hơn, nặng hơn, dùng bắn mục tiêu xa. Bốn người trang bị nặng thường mặc giáp dày, dùng giáo và một kiên tròn nhỏ làm bằng da tẩm dầu cùng nước tiểu ngựa và gỗ. Tất cả hai loại binh trên đều đeo mã tấu, hay dìu để xử dụng lúc cận chiến.
Toán kinh binh trên được trang bị nhẹ là có mục đích di chuyển và xoay trở dễ dàng, tiến lui trong phút chốc, làm hoang mang địch quân. Với loại trang bị này là một khắc tinh của cách trang bị nặng nề của các hiệp sĩ Âu châu. Toán trọng binh được dùng tới khi toán kinh binh đã làm tan rã hàng ngũ của địch quân. Đây cũng chính là kinh nghiệm họ thu thập khi săn một bày thú.
Ngựa của Mông Cổ thì tương đối nhỏ hơn ngựa Á Rập hay Âu Châu, nên nếu chạy đua trong khoảng đường ngắn thì ngựa Mông Cổ sẽ thua hai loại ngựa trên. Tuy nhiên, ngựa này rất dai sức, chịu đựng, chạy trong một khoảng đường rất dài.
Vì họ có thể cưỡi bốn con ngựa thay phiên, nên họ có khả năng đi một đoạn đường dài mà kẻ địch bị bất ngờ. Nhiều khi quân Mông Cổ tới nơi mà quân đội nước đối nghịch chưa kịp chuẩn bị, vì họ tính còn phải 4 ngày hay một tuần nữa thì Mông Cổ mới tới nơi. Tất cả ngựa đều được trang bị với bàn đạp, một dụng cụ được phát minh của chính người Mông Cổ từ rất lâu[1], để điều khiển ngựa bằng chân dễ dàng, cũng như có thể đứng lên đó bắn cung đủ 360 độ.


[1] Một số tài liệu nói là Trung Quốc phát minh.
 
Hình này cho ta so sánh tầm vóc của người và ngựa Mông Cổ- Mongolia Enchantment of the World- Allison Lassieur


[1] Cái chết của Ogedai theo quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.” Của Stephen Turnbul thì có thể vì quá chén mà cũng có thể vì bị đầu độc. Quyển sách này được GS sử học Robert O’Neill sửa chữa (nhà xuất bản Osprey- www.ospreypublishing.com), nên khá tin cậy.
[2] Krakorum nằm ở tây, tây nam của thủ đô Ulaanbaatar (Ulan- Bator) ngày nay và cách đây khoảng 200 km.
 
 

No comments:

Post a Comment