Friday, May 31, 2013

Đại Việt Thắng Nguyên Mông? Bài 8




 
III/ Trang bị-  Tiếp liệu (tt):
6. Liên lạc.
Trong thời gian này, người Mông Cổ đã phát triển một loại liên lạc rất hữu hiệu gọi là “iamy” hay “yam” tùy theo phiên âm. Đó là đặt ra các trạm liên lạc tiếp nối nhau, và cách nhau khoảng cách khá đều. Cũng tùy theo sách và sự tìm hiểu khoảng cách này thay đổi. Theo George Lane thì ông dựa trên con số của Marco Polo là 200 đến 250 miles[1]. Theo phân tích các sách thì khoảng này hơi xa cho một con ngựa chạy trong một ngày. Tại mỗi trạm, có khoảng 15 con ngựa sẵn sàng để cưỡi. Cũng theo Marco Polo thì có đến 200 đến 400 con ngựa ở một trạm, còn sử gia người Ba Tư Rashīd al-Dīn[2] thì cho đến 500 con.
Một người đưa tin cưỡi ngựa đến trạm kế tiếp, thì người đó dừng lại, để người ở trạm thứ hai tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Người đưa tin sau khi hoàn tất nhiệm vụ sẽ được nghỉ ngơi, rồi thủng thẳng trở về trạm giao liên của họ. Cách làm này người và ngựa không bị kiệt lực, và nhanh hơn khi vận tốc ngựa càng lúc càng chậm. Theo các nhà nghiên cứu của History channel thì đây là một loại thông tin hữu hiệu nhất cho đến thời gian ấy. Sau này, khi nước Mỹ mới lập quốc cũng đã áp dụng và gọi là pony express.
Vì lính Mông Cổ thường dùng từ 2 đến 4 con ngựa cái, nên họ có thể ở trên lưng ngựa suốt ngày.(trong quyển “The Mongol Empire” của George Lane thì có đến 5 con). Họ dùng sữa ngựa, cùng với một loại thịt băm, phơi khô gọi là “bort” để sống. Bort giống như loại thực phẩm ăn liền (instant) như loại mỳ sợi ngày nay. Một điểm quan trọng mà tướng Mông Cổ luôn luôn nghĩ tới là phải tìm đồng cỏ cho ngựa ăn, cũng như có nước cho ngựa uống, chứ không phải là chính họ. Tất cả các chi tiết này được thông báo tỷ mỷ của các gián điệp được ngụy trang dưới lớp con buôn. Điều này càng quan trọng hơn khi Mông Cổ đánh vào các nước vùng Tây Á, nơi rất nhiều sa mạc. Trong trường hợp khốn quẫn, lính Mông Cổ có thể uống máu ngựa để sống còn.
7. Hậu cần.
Theo sử gia Juvaini (Juvaynai)[3]: Chúng ăn trên yên ngựa, đã được làm mềm đi bằng cách bỏ thịt vào một lớp da phụ trội để dưới yên, giữa người và ngựa. Chúng đánh nhau trên yên ngựa, phóng một lớp mây tên chính xác trong khi đang xông về trước. Rồi khi mệt lả sau lúc cực nhọc, chúng ngủ trên các con ngựa đang cưỡi. Các con ngựa ấy sẽ đem chúng đến đúng nơi mà chúng sắp đương đầu. [They eat in the saddle, having tenderized their meat by making it into an extra layer of padding between man and horse. They fight in the saddle, dispatching clouds of arrows with great accuracy as they charge ahead; and then exshausted by these endeavours, they even sleep in the saddle as they mounts carry them unerringly towards their next encounter.]
Ngoài ngựa, lạc đà là một loại vật dùng để di chuyển rất tốt mà người Mông Cổ ưa dùng. Họ thường chất lên lưng con vật những vũ khí và nhất là tên dự trữ ra chiến trường. Họ rất chú trọng đến con số tên để bảo đảm đủ dùng cho một trận chiến.
Vì là dân du mục, không có nhà cửa, chỉ có cái lều, nên khi đi đánh các nước vùng thảo nguyên lính Mông Cổ được đem theo cả gia đình. Thường thì những trẻ thơ của gia đình này được chuyển vận bằng xe do ngựa hay la kéo. Đàn bà, trẻ nhỏ đuổi gia súc đi theo và hai bên là lính hộ tống. Theo cách này, khi bình thường thì gia đình lo ăn uống cho người chiến binh, còn lúc đánh nhau lớn họ mới áp dụng phương cách trên.
Với cách hành quân ấy, khi chiếm được một nơi nào đó, có điều kiện tốt, lính Mông Cổ thường định cư luôn. Hiện nay, người Mông Cổ ở rải rác khắp các nước Trung Á, Tây Á, Đông Âu, Trung Quốc và Tây Tạng. Họ rất phóng khoáng về ý niệm tôn giáo, nên nhiều khi họ cải đạo theo dân địa phương. Lúc vào các quốc gia Hồi giáo họ theo đạo Hồi; đến Tây Tạng họ theo Phật Tây Tạng. Thậm chí chức vụ Đại Lai Lạt Ma là do vua Mông Cổ đi tu lập ra. Chữ Đạt Lai theo tiếng Mông có nghĩa là rộng như biển, còn Lạt Ma là chữ Tây Tạng có nghĩa là một tu sĩ.
 
(Het Trang bị- Tiếp liệu )

[1] Nếu tính theo nghĩa dặm của Á Đông thì 1 dặm chỉ bằng ½ miles. Như vậy có lẽ đây là dặm Á Đông, chứ không phải dặm Anh. Như vậy khoảng cách mỗi trạm có thể vào khoảng 100 đến 120 km. Khoảng cách này xem ra hợp lý cho 1 con ngựa chạy trong một ngày.
[2] Thật tên là Rashīd al-Dīn Tabib (Chữ Ba Tư: رشیدالدین طبیب) hay Rashīd ad-Dīn Fadhlullah Hamadanī(1247–1318) gốc người Do Thái. Là một sử gia vang danh của đế quốc Khwarezm nay thuộc Ba Tư (Iran-Turkmenistan-Uzberkistan)
[3] Trích từ “  the Mongol Conquests 1190-1400”  trang 18.

No comments:

Post a Comment